Con người vẫn luôn bị cuốn hút bởi bầu trời đêm và tổ tiên của chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự quan tâm sâu sắc của con người cổ đại đối với thiên văn học.
Việc quan sát các thiên thể vẫn luôn diễn ra trong các xã hội tiền sử. Ngày nay, chúng ta phải thừa nhận rằng các nhà thiên văn học cổ đại từng sở hữu nhiều kiến thức tiên tiến về Mặt trời, Mặt trăng, các tiểu hành tinh, các hệ sao khác cùng các hiện tượng thú vị xảy ra trong vũ trụ.
Người ta bắt đầu nghiên cứu về bầu trời và các thiên thể khi nào và ở đâu thì chưa ai biết được. Tuy nhiên, nếu hướng sự chú ý sang châu Âu, bạn sẽ thấy một khám phá đáng kinh ngạc đã được thực hiện tại đây.
Đó là những tác phẩm nghệ thuật có niên đại vào khoảng 30.000 năm TCN được đánh giá là một trong những thành tựu có thể làm thay đổi nhận thức về con người thời cổ đại.
Những bức bích họa cổ xưa được vẽ trong hang động La Grotte Chauvet-Pont-d’Arc, Pháp được tạo ra vào khoảng 31.000 năm trước. Chúng không chỉ là những ví dụ điển hình cho nghệ thuật thời tiền sử, mà còn thúc đẩy các nhà nghiên cứu cố gắng “giải mã” mục đích và ý nghĩa của các biểu tượng cổ xưa.
Trong khi kiểm tra các hang động thời kỳ đồ đá cũ, nhà khoa học phát hiện ra rằng con người thời kỳ này đã rất quan tâm đến thiên văn học. Alexander Marshack (1918-2004), một nhà nghiên cứu khảo cổ thời kỳ đồ đá cũ cho biết, thiên văn học đóng một vai trò quan trọng trong thời Hậu kỳ đồ đá cũ.
Alexander Marshack đã nghiên cứu những mảnh xương cổ xưa được phát hiện trong các hang động của Pháp. Chúng được xác nhận là thuộc về thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá giữa, trên đó có những dấu chấm và những đường nét được chạm khắc thủ công.
TAMTHUCẢnh trên: Mảnh xương ở Abri Blanchard, Dordogne, Pháp. Bảo tàng Khảo cổ học. Ảnh dưới: Hang động của Taï, Drôme, Pháp. (Ảnh: ancient-wisdom.com)
Juan Antonio Belmonte đã viết trong cuốn sách về thiên văn học vổ đại rằng các lập luận của Marshack là dựa trên những “phân tích vi mô”. Cụ thể, để giải thích những dấu hiệu trên hiện vật, ông cho rằng đây là sự tích lũy kinh nghiệm một cách từ từ khi quan sát những chuyển động tương quan của Mặt trời và Mặt trăng.
Do đó, Belmonte đã kết luận rằng những hiện vật này được tạo ra từ những người có kỹ năng quan sát thiên văn ở trình độ cao. Hình ảnh nổi tiếng nhất mà ông giải thích là hình ảnh trên tấm xương có niên đại khoảng 30.000 năm tuổi ở Abri Blanchard, Dordogne, Pháp. Đây được cho là những ghi chép về các thời điểm trăng non và trăng khuyết trong chu kỳ di chuyển của Mặt trăng.
(Ảnh: ancientpages.com)
Francesco d’Errico và các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp luận khác dựa trên kết quả khảo cổ học thực nghiệm. Họ đã biên soạn một cơ sở dữ liệu để chứng minh xem các nốt tròn trên tấm xương có đại diện cho một hệ thống hay quy luật nào đó.
Cuối cùng sau khi điều tra số lượng lớn các hiện vật, họ kết luận rằng có một số hiện vật có thể mô tả các hệ thống thông tin phức tạp nào đó dựa trên những biểu tượng khác biệt. Một trong những hiện vật như vậy có thể được tìm thấy ở hang Taï, Drome, Pháp với niên đại khoảng 10.000 năm.
Nhiều học thuyết đã cho thấy con người đã có thể tạo ra những bộ lịch âm, dương phức tạp từ rất xa xưa. Điều này nghe có vẻ khó tin, tuy nhiên sự thực là đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy tổ tiên của chúng ta từng rất quen thuộc với các chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng hay thậm chí là những tinh cầu khác trên bầu trời.
Hoàng An biên dịch
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/nguoi-tien-su-da-tao-ra-lich-thien-van-tu-hon-30000-nam-truoc.html