Blog Tâm Thức
Con người thời cổ đại thực sự có tuổi thọ hơn 200 năm?
Tuesday, 24/10/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

Không chỉ trong Kinh Thánh mới nhắc tới những nhân vật sống tới 900 tuổi hoặc hơn, tư liệu cổ từ nhiều nền văn hóa đều có nhắc tới những tuổi thọ cực cao mà con người ngày nay đều cảm thấy khó mà tin được.

Bức tranh: Abraham và các thiên thần (Wiki)

Một vài người cho rằng là do hiểu lầm trong quá trình phiên dịch, rằng một vài con số chỉ có ý nghĩa tượng trưng; nhưng bên cạnh đó cũng có những lập luận rằng: liệu chăng tuổi thọ của con người đã suy giảm đáng kể trong vài ngàn năm qua?

Lấy ví dụ, một cách giải thích là, người cổ đại ở vùng Cận Đông tính thời gian năm khác với khái niệm của chúng ta ngày nay. Có thể 1 năm nghĩa là một vòng chu kỳ Mặt Trăng (1 tháng) thay vì chu kỳ Mặt Trời (12 tháng).

Nếu chúng ta căn cứ theo cách tính này, tuổi của nhân vật Adam trong Kinh Thánh sẽ từ 930 thu nhỏ còn 77 – có vẻ phù hợp hơn với quan niệm ngày nay; nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông làm cha của Seth khi mới 11 tuổi. Và Enoch cũng chỉ 5 tuổi khi trở thành cha của Methuselah.

Những trúc trắc tương tự cũng xuất hiện khi chúng ta thay đổi 1 năm của người xưa thành 1 mùa hiện nay, theo nữ tác giả Carol A. Hill trong bài viết “Hiểu về các con số trong sách Sáng Thế” trên tạp chí Perspectives on Science and Christian Faith tháng 12/2003.

Những vấn đề tương tự cũng xảy ra khi điều chỉnh độ tuổi trong văn bản cổ theo một mô thức biến đổi nào đó (như chia cho 1 số nhất định).

“Các con số [trong sách Sáng Thế] có thể mang cả nghĩa thật (con số) và nghĩa linh thiêng (Thần số học hay biểu tượng),” bà Hill viết.

>> 10 điều răn của Hải Thượng Lãn Ông để có được ‘trăm năm thọ trường’

Mô thức toán học?

Trong cả sách Sáng Thế và bản Danh sách Vua Sumer 4000 năm tuổi (liệt kê các triều đại của vua Sumer, nam Iraq cổ đại), các nhà phân tích nhận thấy có dùng nhiều số lập phương.

Khá giống với Kinh Thánh, bản Danh sách Vua Sumer cũng cho thấy sự giảm dần của tuổi thọ. Các triều đại trước Đại Hồng Thủy duy trì lâu dài hơn nhiều so với thời sau Đại Hồng Thủy, tuy tuổi thọ thời kỳ sau vẫn có thể lên tới vài trăm hay thậm chí hơn 1000 năm. Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy sự suy giảm dần qua các thế hệ: từ Adam 930 tuổi, tới Noah 500 tuổi và Abraham 175 tuổi.

Nhà nghiên cứu Dwight Young tại ĐH Brandeis viết về tuổi thọ thời sau Đại Hồng Thủy như sau: “Không chỉ bởi các con số quá lớn tới khó tin. Etana sống 1560 năm – là dài nhất, nhưng đó cũng chính là tổng của 2 triều đại trước đó… Một vài con số tuổi thọ có vẻ là bội số của 60. Các con số lớn khác lại là số chính phương: 900 là bình phương của 30, 625 là bình phương của 25, 400 là bình phương của 20… ngay cả những con số nhỏ hơn, bình phương của 6 xuất hiện nhiều hơn là chúng ta tưởng,” (trích trong bài viết “Thời gian các trìều đại trong bản Danh sách Vua Sumer dưới góc nhìn toán học”, tạp chí Near Eastern Studies, 1988).

Tuổi của các nhân vật lớn trong Kinh Thánh cũng có những mô thức tương tự.

Mặt khác, khi nhìn vào những mô thức này, sự suy giảm tuổi thọ từ thời trước Đại Hồng Thủy trùng khớp với tốc độ phân rã của sinh vật khi tiếp xúc với phóng xạ hay chất độc.

Các con số trong những nền văn hóa khác

Theo các tư liệu ghi ghép của Trung Hoa cổ đại, người sống qua vài thế kỷ cũng không phải hiếm. Có thể kể ra, lão Bành Tổ thọ 800 tuổi, sư Huệ Chiếu thời nhà Đường thọ 290 tuổi, một đạo sĩ tên Lý Thanh Vân thời nhà Thanh đã sống 256 năm…

Ông Lý Thanh Vân trong một tấm ảnh chụp năm 1927, ông mất năm 1933

Ở Ba Tư, sử thi Shahnameh (“Sách của Vua”) được nhà thơ Ferdowsi viết vào khoảng cuối thể kỷ 10, kể về các thời đại vua trị vì 1000 năm, vài trăm năm, giảm dần xuống 150 năm v.v.

Lão Tử được cho là đã quy ẩn tu đạo ở tuổi 160.

>> Những nhà khoa học lỗi lạc nhất tin vào thuyết vô thần hay hữu thần?

Những người cao tuổi ngày nay

Ngay cả ở thời hiện đại, vẫn có những báo cáo về người 150 tuổi hoặc hơn. Những câu chuyện này thường đến từ các vùng nông thôn, do đó tài liệu cũng khá khan hiếm. Việc ghi chép sổ sách ở vùng nông thôn hẳn còn ít được chú trọng hơn vào khoảng 1 thế kỷ trước đây, do đó lại càng khó để chứng minh được những lời tuyên bố này.

Một ví dụ là ông Bir Narayan Chaudhary ở Nepal. Năm 1996, nhà báo Vijay Jung Thapa đã đến thăm ông Chaudhary ở làng của người Tharu ở vùng Tarai. Ông Chaudhary nói tuổi của mình là 141, và ông Thapa đã viết một bài trên tờ India Today. Nếu tuyên bố này là đúng, ông Chaudhary đã vượt gần 20 năm so với người thọ nhất trong kỷ lục Guinness.

TAMTHUC
(Ông Bir Narayan Chaudhary. Ảnh: thedogintheclouds.com)

Nhưng ông Chaudhary chỉ có trí nhớ của dân làng để chứng minh:

“Hầu như tất cả người già trong làng đều nhớ khi họ còn trẻ và ông Chaudhary (lúc đó đã già) kể chuyện làm việc trong dự án khảo sát Nepal đầu tiên năm 1888,” Thapa viết trong bài báo. “Theo người làng suy luận, ông hẳn đã hơn 21 tuổi khi đó, bởi cuộc khảo sát là một việc đòi hỏi trách nhiệm cao. Ông Chaudhary khẳng định khi đó 33 tuổi và vẫn còn độc thân.”

Nhiều người ở vùng Caucasus của Nga cũng có những nhận định tương tự về tuổi thọ vượt qua 170 mà không có tài liệu để chứng minh.

Một tấm ảnh ông Shisali Mislinlow chụp năm 1970 (Wiki)

“Những người trường thọ xuất chúng này đều sống cuộc đời rất giản dị, lao động chân tay nặng nhọc hoặc luyện tập, thường là ngoài trời, từ khi còn trẻ cho tới già. Chế độ ăn của họ rất đơn giản, tương tác xã hội cũng chỉ chủ yếu là gia đình. Một ví dụ là cụ Shisali Mislinlow sống tới 170 tuổi và làm vườn ở vùng Azerbaijan của Nga. Cuộc đời cụ Mislinlow chưa bao giờ hối hả. Cụ nói, “Tôi chẳng bao giờ phải vội, vì vậy đừng sống vội, đó là điều chính yếu. Tôi đã lao động chân tay trong 150 năm.” (bác sĩ, chuyên gia châm cứu Joseph P. Hou viết trong quyển sách “Healthy Longevity Techniques”.)

Vấn đề niềm tin?

Chủ đề trường thọ thời xa xưa thường gắn với tu luyện Đạo gia, tu nội, hoặc tính mệnh song tu. Trong đó cho rằng tuổi thọ gắn liền với tiêu chuẩn đạo đức. Điều này là tương đồng với tín ngưỡng trong Kinh Thánh ở phương Tây.

Nhà sử học Titus Flavius Josephus sống ở thế kỷ thứ 1 từng nói:

“Khi đó Noah đã sống 350 năm sau cơn Đại Hồng Thủy… Nhưng đừng để cho ai, khi so sánh người cổ đại với chúng ta, và với số năm ngắn ngủi chúng ta sống hiện nay, lại cho rằng những điều nói về người xưa là sai; hay lấy tuổi thọ ngắn ngủi của chúng ta hiện nay làm bằng chứng rằng họ không thể sống lâu như vậy được.

Người cổ đại được Thần linh yêu quý, và được Thần đích thân tạo ra; và bởi thức ăn của họ khi đó giúp duy trì tuổi thọ tốt hơn, họ có thể sống trường thọ đến vậy: và ngoài ra, Thần cho tuổi thọ dài lâu hơn là bởi đạo đức cao thượng của họ, và những việc tốt đẹp mà họ thực hiện trong cuộc đời đó.”

Hiện nay, các nhà khoa học hiện đại có thể tin vào các tư liệu cổ hoặc ký ức của dân làng về những người với tuổi thọ khó tin, hoặc họ có thể cho rằng đó những sự phóng đại, mang ý nghĩa biểu tượng hay hiểm nhầm. Đối với nhiều người, đây chỉ là vấn đề tin hay không mà thôi.

Theo Tara MacIsaac/ET,
Phong Trần

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/con-nguoi-thoi-co-dai-thuc-su-co-tuoi-tho-hon-200-nam.html