Blog Tâm Thức
Đi chùa lễ phật và những sai lầm của giới trẻ
Saturday, 25/06/2016 00:00 am

Blog Tâm Thức

Sau đây là những sai lầm lớn khi đi lễ chùa mà nhiều người mắc phải. Khi làm sai, có thể con người không những không tạo được công đức mà còn có thể mắc thêm đại tội với Phật.

1. Cúng dường tượng Phật đồ mặn

Hiện nay vẫn có những người cúng dường gà xôi, vốn là đồ mặn, lên tam bảo. Trong tâm họ thông thường cảm thấy không yên tâm, nếu như chỉ có trái cây và hương hoa. Thực tế ai cũng biết câu “đi lễ Phật quan trọng nhất ở tấm lòng thành”, “Phật chỉ ăn hương ăn hoa” nhưng dường như con người đã quen cách nghĩ rằng dùng vật chất mà con người vốn yêu thích để thể hiện ra “lòng thành” của mình với Phật, cho rằng lễ càng to càng đắt tiền mới thể hiện ra “lòng thành”.

Đây thực tế là tư duy biếu xén quà cáp vốn để đổi lấy những thứ mà họ đang mong cầu đã ăn sâu vào tâm khảm. Khi con người có thói quen sùng bái vật chất kim tiền, các vấn đề đạo đức lại dường như bị xem nhẹ.

Theo những gì trong kinh điển nhà Phật, vật chất ở cõi người lại là điều Phật xem nhẹ nhất, cái thiện đức của con người mới là điều Phật nhìn, Phật chỉ nhìn vào tâm thiện đức của con người mà thôi.

2. Cúng dường Phật tiền lẻ, tiền vàng mã, hóa vàng mã tại chùa

Cũng như trên, tiền lẻ và tiền vàng mã vốn hoàn toàn không phải những thứ vật chất mà con người có thể dâng lên cõi Phật. Xả bỏ tâm tham lam mê đắm vật chất tiền bạc vốn là điều đầu tiên Thần Phật khuyên răn con người. Tiền lẻ còn là một thứ “bẩn” hết mức đến con người cũng biết, vốn đã có thể qua tay bác hàng thịt, cô hàng cá, bác hàng rau, v.v… dính đầy trên đó là vi khuẩn vi trùng, chứ chưa nói đến sự thanh khiết. Mà người ta luôn nói, cần phải dâng lên Phật những gì tinh khiết nhất…

Tiền địa phủ (hay còn gọi là tiền âm phủ) và vàng mã, vốn tự thân nó đã nói rõ là tiền dành cho cõi âm gian, địa phủ, người chết về cõi âm gian, chúng sinh cô hồn vơ vất không nơi trú ngụ. Còn Phật ở nơi cảnh giới cao siêu, sao lại có thể dùng tiền của cõi địa phủ?

3. Cúng dường Phật rượu, thuốc lá

Con người dường như quên hẳn trong giới cấm của nhà Phật có rượu và thuốc lá, vẫn hồn nhiên cúng dường tượng Phật những món đồ cấm kỵ này.

4. Cầu khấn tài lộc, sự vụ làm ăn, buôn một bán mười

Trong văn hóa truyền thống, khi một năm mới tới, người ta đi chùa là để hướng lòng thành kính về đức Phật, hướng thiện, ghi nhớ đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Trong kinh điển nhà Phật, luôn dạy rằng Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều vốn đã có cái Phật tính. Hướng tâm tu Phật là để gia tăng Phật tính. Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, mà là hướng vào tìm ở trong chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm của chính mình để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát. Cho nên, đi lễ chùa vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

Vậy mà ngày nay, cái sự hướng ngoại cầu đó đã trở nên quá mạnh mẽ và phổ biến, người ta coi điều sai thành đúng, và là đương nhiên. Họ đã quên mất hẳn những điều Phật dạy: tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng… “Tham, sân, si” là điều Phật khuyên con người từ bỏ, vậy mà tại chùa, cái “tham, sân, si” lại thể hiện rất rõ trong những ngày lễ đầu xuân. Còn nghe thấy người khấn bên cạnh tại chùa đang đọc rất to biển số xe ô tô của mình, không hiểu họ xin gì. Những sự vụ nhỏ nhặt nhất cũng được nêu trong “bản báo cáo và cầu xin với đức Phật”. Ngay cả những phi vụ làm ăn không chân chính cũng được người ta đường hoàng lấy ra làm chủ đề cầu xin Phật.

5. Xoa đầu, xoa bụng tượng, nhét tiền vào tay, vào lòng tượng, xoa tiền lẻ lên thân tượng, rải tiền khắp nơi

Tại chùa ngày nay, người ta chen nhau để nhét tiền vào tay tượng, xoa bụng, xoa chân tay, xoa đầu tượng rồi xoa lên mặt mũi mình để mong cầu may mắn. Đó là những hành động bất kính và sai trái nhất mà con người vẫn hồn nhiên làm. Nó cho thấy sự xuống dốc về đạo đức, sự kém hiểu biết trầm trọng về văn hóa. Con người ngày nay không còn hiểu Phật rõ có thể ban gì cho con người, cũng không hiểu Phật mong muốn gì ở con người. Vào chùa lễ Phật để đi tìm sự an lạc trong tâm thái, để khởi phát thiện tâm, chứ đâu phải để cầu xin đắc phúc, được lợi lộc, vốn là những điều Phật luôn khuyên con người không nên chấp mê vào đó?

 

TAMTHUC