Blog Tâm Thức
Cổ nhân sống thuận theo tự nhiên: Ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách
Sunday, 05/11/2017 09:00 am

Blog Tâm Thức

“Tình canh vũ độc” (ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách), ý chỉ sống cuộc sống ung dung tự tại, không màng sự đời. Đây vừa là tâm huyết vừa là trí tuệ nhân sinh của quân sư kiệt xuất thời Tam Quốc – Khổng Minh Gia Cát Lượng và con người thời xưa.

thuận theo tự nhiên
(Hình minh họa: Qua napiboldogsag.com)

Thời cổ, những người nông dân đều sinh sống như vậy. Mỗi ngày, khi Mặt Trời mọc là họ lại bắt đầu ra đồng làm việc cày cấy đến lúc Mặt Trời lặn thì dừng. Những ngày mưa gió, họ lại ở nhà nghỉ ngơi, những người có chí hướng thì dành thời gian để đọc sách, ngâm thơ. Cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, đôi khi vào những ngày mưa gió, người ta vẫn có thể gặp cảnh những người nông dân trồng cây, bón lúa… Đây phải chăng là “nghịch thiên” mà làm? Cái được thực sự liệu là có bù nổi cho cái mất?

Xã hội hiện đại, rất nhiều người vì mải mê làm việc, bận rộn kiếm tiền, ngày đêm đảo lộn, ngày nghỉ cũng làm việc khiến cho không ít người tâm tính trở nên nóng nảy, khó nhẫn nại. Sau một thời gian dài làm việc trong hoàn cảnh “không phù hợp quy luật thiên nhiên”, rất dễ dàng xảy ra hiện tượng nhiều người tích nhọc thành bệnh, hơn nữa còn là các bệnh lạ chưa từng có.

Thậm chí, có một số người tự nhận mình là người siêng năng, hay chán ghét trời mưa vì đã làm lỡ dở công việc của mình nên vẫn làm việc. Nhưng, trời nắng trời mưa là quy luật tự nhiên. Thiên nhiên sẽ không vì ý nguyện của con người mà thay đổi quy luật của mình. “Trời phải mưa” là điều mà không sức lực nào của con người có thể ngăn cản nổi.

Bởi vậy, những người hiểu quy luật, sống thuận theo tự nhiên sẽ biết thay đổi kế hoạch của mình cho phù hợp với quy luật tự nhiên. Ngày mưa nếu không thể làm việc bên ngoài, họ có thể thưởng thức nhạc, đọc sách cổ… tĩnh dưỡng và làm gia tăng tri thức của bản thân mình.

Trong cuộc sống, những việc không thuận theo tâm ý của con người là rất nhiều. Người kinh doanh không đạt được mục tiêu doanh số đề ra, học sinh không đạt được kết quả thi như bản thân mong muốn, bạn bè đột nhiên rời xa, người thân đột nhiên rời khỏi thế gian… Trong những lúc tâm thái u buồn như vậy thì “thuận theo tự nhiên” là cách lựa chọn hữu hiệu nhất.

Tự nhiên chính là thế giới tồn tại khách quan và những quy luật không thay đổi. Đạo pháp tự nhiên chính là cách làm việc phải thuận với quy luật của giới tự nhiên. Phàm là mọi việc mà có thể thuận theo tự nhiên, không cưỡng cầu thì trái lại còn có thể thu được kết quả tốt đẹp hơn mong đợi. Tục ngữ nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Trong cuộc sống, rất nhiều khi quá để tâm chú ý thì lại bị mất đi, giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì nó rơi càng nhanh. Kỳ thực, nguồn gốc của những phiền não trong lòng người, phần lớn đều là do “không thuận theo tự nhiên”, không an phận với số mệnh của bản thân mình mà ra.

thuận theo tự nhiên
(Ảnh minh họa/Nguồn: Flickr)

Có một câu chuyện cổ kể rằng:

Trong một khoảng vườn rộng của thiền viện, có nhiều đám cỏ lớn đã bị vàng úa và chết khô. Tiểu hòa thượng thấy vậy, trong lòng có chút lo lắng, liền nói với vị sư trụ trì: “Sư phụ, chúng ta hãy nhanh chóng gieo hạt giống thôi, để như vậy trông rất khó coi.”

Vị sư trụ trì chậm rãi nói: “Đừng vội, loại cây nào cũng đều phải theo thời mới trồng được! Hãy tùy thời!”

Đến giữa thu, vị sư trụ trì mua những hạt giống cây cỏ về giao lại cho tiểu hòa thượng đi gieo hạt. Những đợt gió thu nổi lên làm cho rất nhiều hạt cỏ bị thổi bay đi mất. Tiểu hòa thượng vô cùng lo, nói với sư phụ: “Sư phụ! Không được rồi, rất nhiều hạt cỏ đã bị gió thổi bay đi mất.”

Vị sư trụ trì bình tĩnh đáp: “Không sao, hơn một nửa bị gió thổi đi đều là hạt lép thôi, có gieo xuống đất cũng không nảy mầm. Con đừng lo lắng! Hãy tùy tính!”

Sau khi gieo hết số hạt giống ấy, tiểu hòa thượng lại phát hiện có rất nhiều chim từ đâu bay đến mổ. Tiểu hòa thượng hoảng sợ chạy lại nói với sư trụ trì: “Sư phụ! Hạt giống đều bị chim ăn hết cả rồi ạ!”

Vị sư trụ trì vẫn bình tĩnh như cũ và nói: “Không sao, hạt giống nhiều, chim có mổ cũng không hết được! Hãy tùy ngộ!”

Nửa đêm ấy, trời đổ mưa rào. Sáng sớm hôm sau, tiểu hòa thượng vào phòng sư phụ và buồn rầu nói: “Sư Phụ! Những hạt giống kia đều đã bị mưa làm ngập hết rồi!” Vị sư trụ trì nói: “Con đừng lo, hãy để tùy duyên!”

Một tuần trôi qua, trên mặt đất quả nhiên mọc lên rất nhiều cây cỏ xanh tươi. Một số góc vườn vốn không được tiểu hòa thượng gieo hạt giống cũng mọc lên những cây cỏ màu xanh. Tiểu hòa thượng vui mừng vỗ tay không ngớt. Vị sư trụ trì nhìn thấy vậy, gật đầu và nói: “Tùy hỷ!”

Bởi vậy, xem ra khi gặp khó khăn, tìm không ra phương pháp giải quyết tốt nhất, chúng ta nên để nó thuận theo tự nhiên. Bởi vì, dù sao, cổ nhân đã giảng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Hay trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng viết: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Đạo lý này cũng bao hàm một tầng ý nghĩa: Con người bị quản chế bởi đất, đất bị quản chế bởi trời, trời bị quản chế bởi đạo và đạo bị quản chế bởi tự nhiên. Cho nên, thuận theo tự nhiên cũng là cảnh giới cao nhất của trí tuệ con người.

An Hòa (dịch và t/h)

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/van-hoa/co-nhan-song-thuan-theo-tu-nhien-ngay-nang-di-cay-ngay-mua-doc-sach.html