Blog Tâm Thức
Nghiệp lực của ai người đó phải hoàn trả, dù đệ tử Đức Phật cũng không thay đổi được
Thursday, 09/11/2017 18:10 pm

Blog Tâm Thức

Nợ thì phải hoàn trả, đây chính là đạo lý bất biến từ xưa đến nay. Nghiệp lực của tự thân, thì chính mình phải gánh chịu, dù là ai cũng không thể thay thế được.

Xá Lợi Phất, tu luyện, nghiệp lực,

Nghiệp lực theo con người như hình với bóng, đã mắc nợ thì nhất định phải hoàn trả. (Ảnh: Pinterest)

Thời Đức Phật còn tại thế, tại đất nước Câu Tát La có một cậu bé tên là Lâu Sa Già, rất nhiều kiếp sống trước cậu đã từng xuất gia học đạo, nhưng bởi có lòng tham và chấp trước vào lợi ích vật chất, hơn nữa đã từng vì đố kỵ mà hãm hại một vị La Hán, nên đã phải nếm trải rất nhiều thống khổ để bồi hoàn.

Trong kiếp sống này, cậu bé được chuyển sinh tới một làng chài, nhưng lại mang đến rất nhiều những bất hạnh cho ngôi làng nhỏ này.

Cư dân của làng chài này ước chừng khoảng 1000 người, vốn là một đại gia tộc. Từ khi mẫu thân của Lâu Sa Già thụ thai, không một ai trong làng có thể bắt được cá, mỗi ngày đều không thu hoạch được gì, gia tộc cứ ngày một nghèo đi. Đặc biệt, trong thời gian 10 tháng mang thai, thì gia tộc 7 lần gặp lửa lớn, 7 lần chịu hình phạt của Vua, những sự cố liên tiếp không ngừng khiến mọi người hết đường xoay xở.

Đại gia tộc quyết định họp nhau lại và thương lượng: “Loại vận rủi và tai nạn vô cớ này, nhất định là do trong gia tộc có người số bất hạnh. Hãy chia gia tộc thành hai nhóm để xem kết quả thế nào”. Vậy là gia tộc được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 500 người.

Sau khi tách ra, cha mẹ của Lâu Sa Già đều ở trong cùng một nhóm, và nhóm đó đã rất thê thảm, còn nhóm kia thì bắt đầu phát triển trở lại. Nhóm nghèo khổ lại tiếp tục chia thành 2 nhóm nhỏ, sau nhiều lần phân chia như vậy thì đã phát hiện ra cha mẹ Lâu Sa Già là người mang đến bất hạnh, liền đuổi cả nhà ra bên ngoài.

Mẹ của Lâu Sa Già phải trải qua những tháng ngày gian khổ, trong lúc lưu lạc đó đây mà sinh ra đứa con mệnh khổ này. Vài năm đầu, bà vẫn cố gắng để nuôi dạy cậu bé thật tốt, đến khi cậu bé có khả năng đi lại, mới đưa cho một cái bát và nói: “Con trai số khổ, hãy tự mình đi xin ăn nhé!”.

Nói dứt lời, mẹ cậu bé liền bỏ đi. Lâu Sa Già không còn chỗ nương tựa, mỗi ngày ngồi bên đường xin ăn, cuộc sống khổ sở không gì diễn tả nổi.

Có một ngày, đại đệ tử của Đức Phật là tôn giả Xá Lợi Phất trong lúc cầm bình bát đi hóa duyên, bỗng trông thấy một đứa bé ngồi xổm ngay trước cửa ra vào của một nhà phú hộ, trông giống như một con chim non lẻ loi trơ trọi, đang nhặt từng hạt cơm rơi vãi trên mặt đất, thân thể gầy còm, quần áo rách mướp che không hết tấm thân.

Xá Lợi Phất cảm thấy quá đáng thương mới đến gần hỏi han: “Cháu bé, cháu ở đâu? Cháu không có cha mẹ sao?”

Đứa trẻ nói: “Cháu không có nhà để về, cha mẹ của cháu nói: ‘Con ơi, con nghiệp quá nặng, làm liên lụy gia tộc, cha mẹ cũng bị con làm cho mệt chết’. Rồi họ bỏ cháu đi rồi, e rằng kiếp này không thể gặp lại được nữa”.

“Cháu có muốn xuất gia không?”, Xá Lợi Phất hỏi cậu bé.

TAMTHUC

“Tôn giả, người bất hạnh như cháu, liệu ai còn muốn tiếp nhận chứ? Huống chi cháu còn khiến mọi người bị liên lụy”.

Xá Lợi Phất từ bi nói với đứa trẻ: “Ta sẽ cho cháu xuất gia”.

Đứa trẻ vô cùng vui sướng, liền đi cùng Xá Lợi Phất trở về tịnh xá. Sau đó tôn giả đã cho cậu bé ăn uống, rồi tự tay tắm rửa sạch sẽ, truyền thụ Phật pháp và thụ giới cho nó.

Lâu Sa Già được Xá Lợi Phất che chở, nhưng nghiệp lực của tự thân nhất định cần phải trả, trong mệnh đã an bài là phải chịu khổ thì nhất định sẽ phải nhận lấy khổ.

Tuy rằng cậu bé đã xuất gia, nhưng mỗi lần đi khất thực, chỉ cần người ta múc một thìa cháo vào trong bát của cậu, thì lập tức cháo liền phình lớn lên, người bố thí thấy bát đã đầy thì không múc thêm nữa.

Có người lại nói: “Kỳ lạ thật, bố thí cháo mà cứ đến cậu bé này, thì cháo trong thùng cũng không còn chút nào, bởi vậy không cách nào cho cậu ta được”.

Lâu Sa Già đã đạt đến quả vị La Hán, trong tâm đã không mong cầu điều gì, nhưng thức ăn không thể nhìn mà no bụng, cũng cần duy trì thân thể.

Khi Lâu Sa Già sắp Niết bàn, Xá Lợi Phất trong định đã nhìn thấy được, liền nghĩ: “Phải để cậu ta ăn no một lần mới được”.

Hôm sau, Xá Lợi Phất dẫn theo Lâu Sa Già đi vào thành Xá Vệ xin ăn, nhưng mọi người lại không tỏ ý tôn kính đối với cậu ta. Xá Lợi Phất đành phải nói: “Lâu Sa Già, ngươi về trước đi”.

Cậu ta vừa đi, Xá Lợi Phất lập tức nhận được đồ ăn, liền nhờ người mang về cho Lâu Sa Già. Ai ngờ mọi người trên đường mang về đã ăn hết.

Xá Lợi Phất trở về hỏi: “Các vị đã dùng hết đồ ăn đó rồi sao?”

“Tôn giả, cảm ơn ngài, chúng tôi đã ăn rồi”.

Xá Lợi Phất nghe thấy vậy cảm thấy không đành lòng, liền tự mình đi đến hoàng cung Câu Tát La xin một bát cơm ngon trở về, nhưng Lâu Sa Già e ngại không dám ăn.

Xá Lợi Phất khuyên nhủ: “Lâu Sa Già, ta sẽ cầm bát ở chỗ này, ngươi hãy ngồi ăn đi. Nếu cái bát này rời khỏi tay của ta, chỉ sợ đồ ăn lại biến mất”.

Vì vậy, Lâu Sa Già đã ăn trực tiếp trong chiếc bát trên tay Xá Lợi Phất. Dựa vào thần lực của Xá Lợi Phất đồ ăn mới không bị biến mất, Lâu Sa Già mới được một bữa no bụng.

Vào ban đêm, Lâu Sa Già quả nhiên rời khỏi thế gian, nơi cậu ta phải chịu khổ cả một đời, nghiệp báo đã trả xong, vĩnh viễn trở thành vị Thánh giả an lạc. Tôn giả Xá Lợi Phất chứng kiến cậu ta đã vứt bỏ được nhục thân khổ hạnh, trong lòng như trút bỏ được phiền muộn, không còn lo lắng nữa.

Tuệ Tâm

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/nghiep-luc-cua-ai-nguoi-do-phai-hoan-tra-du-de-tu-duc-phat-cung-khong-thay-doi-duoc.html