Blog Tâm Thức
37 quy tắc giao tiếp của một quý ông vào năm 1875
Thursday, 30/11/2017 09:00 am

Blog Tâm Thức

Trong cuộc sống hiện đại, dường như nhiều người không biết đến những quy tắc lễ nghi mà một quý ông thời xưa cần có. Như thế nào mới không bị đánh giá là văn hóa thấp, như thế nào mới được xem là đối xử tế nhị với phụ nữ,… dưới đây là 37 quy tắc giao tiếp của một quý ông cần có cách đây gần 150 năm.

Sau đây là một bài viết đăng tải trên trang Artofmanliness, theo lời bài viết: “Những nội dung dưới đây được trích từ một cuốn sách xuất bản năm 1875, có tựa đề ‘A Gentleman’s Guide to Etiquette’ (Tạm dịch: Hướng dẫn lễ nghi cho quý ông) của Cecil B. Hartley. Những quy tắc mà Hartley nêu ra dù đã có hơn 100 năm tuổi, nhưng sự đúng đắn của chúng vẫn không hề sai đi chút nào trong thời đại ngày nay. Có một số lời khuyên quả thực vô cùng quý giá, nhưng có một số quy tắc mà có lẽ người thời nay thấy nực cười.”

quy tắc giao tiếp của một quý ông
(Ảnh: Ottavionuccio.com)

Quy tắc 1

Ngay cả khi chắc chắn rằng đối phương hoàn toàn sai, bạn hãy giữ phong thái nho nhã, từ chối tranh luận thêm, hoặc khéo léo chuyển chủ đề cuộc đối thoại, nhưng đừng ngoan cố bảo vệ ý kiến của bản thân cho đến khi mất bình tĩnh… Có rất nhiều người khi đưa ra ý kiến của mình thì xem chúng như thể là luật lệ, sẽ tìm cách bảo vệ vị thế của mình bằng những câu dạng như: “Nếu như tôi là tổng thống, hay thống đốc, tôi sẽ v.v…” và trong khi tranh luận nảy lửa họ lại chứng minh rằng mình không có khả năng chế ngự cơn nóng giận của bản thân, họ lại sẽ gắng sức thuyết phục bạn rằng họ hoàn toàn đủ năng lực để nắm trong tay vận mệnh của cả một quốc gia.

Quy tắc 2

Bạn có thể vẫn giữ nguyên quan điểm chính trị của mình, nhưng không phải lúc nào cũng thể hiện nó ra, và trên hết, đừng bắt ép người khác phải đồng tình với bạn. Hãy bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người khác về cùng một chủ đề, nếu bạn không đồng ý thì cũng lịch sự thảo luận, và dù cho đối phương có nghĩ rằng bạn là một chính trị gia tồi, thì phải làm sao để đối phương vẫn phải thừa nhận bạn là quý ông đích thực.

Quy tắc 3

Đừng bao giờ ngắt lời người khác, nếu bạn nói ra ngày tháng hay một cái tên mà người khác đắn đo chưa tiện nói ra thì đó là một hành vi thô lỗ, bạn chỉ nên làm vậy khi họ nhờ yêu cầu. Một hành vi được xem là không biết lễ nghĩa khác là đoán hướng diễn biến của câu chuyện mà người khác đang nói, sau đó cướp lời và kể lại bằng lời của mình. Một số người bào chữa cho hành vi được xem là “vô văn hóa” này rằng người nói đang làm hỏng một câu chuyện hay một cách tồi tệ, tuy nhiên, việc chen ngang này sẽ không làm cho tình hình được cải thiện. Hành động của bạn khiến một người thấy rằng bạn nghi ngờ khả năng kết thúc câu chuyện mà chính họ là người khởi xướng thì xác thực là một hành vi bất lịch sự.

Quy tắc 4

Nếu bạn tỏ vẻ mệt mỏi trong khi người khác đang có một bài phát biểu dài thì đó là một hành vi bị đánh giá là thiếu giáo dục. Việc nhìn đồng hồ, đọc thư, lật qua lật lại trang sách, hoặc bất kỳ hành động nào khác tỏ vẻ bạn đang chán ngấy bài phát biểu của họ thì đó bị xem là một việc làm thô lỗ.

Quy tắc 5

Trong cuộc trò chuyện thông thường, hãy nhớ đừng chen ngang hay lên tiếng khi người khác đang nói, và cũng đừng bao giờ cố gắng nói to tiếng hơn để át tiếng người đang nói. Chớ ngạo mạn, hoặc nói chuyện một cách độc đoán, hãy duy trì một không khí hòa ái, thẳng thắn, và thành thật khi nói chuyện.

Embed from Getty Images

TAMTHUC

Quy tắc 6

Đừng bao giờ chỉ chăm chăm nói về chuyên môn hay nghề nghiệp của bạn với mọi người khiến cuộc nói chuyện bị bó hẹp xung quanh chủ đề chuyên môn của riêng bạn trừ phi được yêu cầu, vì nếu không, nó sẽ bị xem là một hành vi thô lỗ và thiếu văn hóa. Hãy đảm bảo rằng chủ đề của cuộc đối thoại là phù hợp với đối phương và hoàn cảnh. Hãy để bầu không khí của cuộc nói chuyện là nghiêm túc, vui vẻ hay nặng nề đúng nơi và đúng lúc.

Quy tắc 7

Trong một cuộc tranh luận nảy lửa, nếu bạn không thể đứng ra hòa giải các bên, thì tốt hơn hết là nên rút lui. Bạn chắc chắn sẽ gây thù chuốc oán với một hoặc hai người nào đó nếu bạn đứng về một bên nào đó khi hai bên đang tranh cãi và đã mất bình tĩnh.

Embed from Getty ImagesTAMTHUC

Quy tắc 8

Trong các cuộc trò chuyện thông thường, cố gắng đừng để mình thành trung tâm. Bên cạnh đó, chỉ tập trung nói chuyện với một người nào đó khiến họ bị tách ra khỏi cuộc trò chuyện tập thể để nói chuyện với chỉ một mình bạn thì đó cũng bị xem là hành vi bất lịch sự.

Quy tắc 9

Một người đàn ông thông minh và có giáo dục thường rất khiêm tốn. Trong giao tiếp hằng ngày, có thể anh ta cảm thấy mình có nhiều kinh nghiệm học thức hơn những người xung quanh, nhưng sẽ không tìm cách khiến người khác cảm thấy thấp kém hay thể hiện lợi thế của mình trước mặt họ. Anh ta sẽ bàn luận thật đơn giản về chủ đề mà người khác đặt ra, và cố gắng tránh những chủ đề khiến họ không vui vẻ trò chuyện. Tất cả những gì anh ta nói đều được xem là lịch sự và tôn trọng cảm nhận, suy nghĩ của người khác.

Quy tắc 10

Sẽ là một thành công vô cùng to lớn khi có thể toàn toàn ý lắng nghe người khác nói, việc này cũng tương tự như khả năng thuyết nói giỏi. Trở thành một người biết lắng nghe cũng không thua kém gì là một người có tài ăn nói, và nhờ vào những đặc tính của một người biết lắng nghe, chắc chắn bạn có thể phát hiện ra ai là người có khả năng giao thiệp tốt.

Quy tắc 11

Đừng bao giờ lắng nghe hai người vừa rời khỏi một nhóm trò chuyện. Nếu họ ở quá gần khiến bạn nghe rõ mồn một, thì một cách tối ưu để bạn xử lý tình huống này là đổi chỗ ngồi của mình.

Quy tắc 12

Khi trò chuyện, hãy cố gắng nói thật khiêm tốn, cô đọng và không bị rời xa chủ đề của buổi nói chuyện, tránh lời lẽ dài dòng và những câu chuyện nhạt nhẽo. Tuy nhiên, nếu có ai đó, giả sử là một người đã lớn tuổi, kể một câu chuyện dài, thì hãy lắng nghe họ một cách tôn trọng cho đến khi họ hoàn thành câu chuyện của mình, rồi sau đó bạn lại tiếp tục câu chuyện của mình.

Quy tắc 13

Khi trò chuyện có thể nói về bản thân mình, nhưng cố gắng nói chút ít thôi. Bạn bè của bạn sẽ cảm nhận được những đức tính tốt của bạn mà không nhất thiết bạn phải nói ra, và chắc chắn một điều là không cần thiết phải phơi bày ra những điều sai trái của mình.

Quy tắc 14

Embed from Getty ImagesTAMTHUC

Nếu bạn ưa những lời xu nịnh, thì bạn cũng sẽ phải chấp nhận khi người khác nói bạn là kẻ khờ khạo và ngạo mạn.

Quy tắc 15

Khi nói về bạn bè, đừng so sánh người này với người khác. Hãy nói về điểm tốt của mỗi người, nhưng đừng cố gắng tâng ai đó lên bằng cách so sánh tương phản những đức tính ấy với những điểm xấu của người khác.

Quy tắc 16

Hãy tránh những cuộc nói chuyện mà hướng đến việc nói xấu một người không có mặt ở đó. Một quý ông chân chính sẽ không bao giờ tạo thị phi hay xuôi theo những lời vu khống.TAMTHUC

Quy tắc 17

Một người đàn ông khôn ngoan nhất cũng sẽ trở nên tẻ nhạt và thiếu giáo dục nếu người đó cố gắng thu hút toàn bộ sự chú ý của đám đông, tốt hơn là anh ta nên hành xử khiêm tốn hơn.

Quy tắc 18

Tránh sử dụng những câu hay trích dẫn những lời lẽ không thông dụng. Đôi khi, chúng có tác dụng gia tăng hương vị cho cuộc trò chuyện, nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên như một thói quen, thì chúng sẽ vô cùng tẻ nhạt, và thậm chí còn phản tác dụng.

Quy tắc 19

Nói không với gian lận, bởi nó không phải là sản phẩm của sự thông minh, mà là sự ngu ngốc.

Quy tắc 20

Hãy cố gắng diễn đạt những ý bạn muốn nói một cách chuẩn xác nhất, đồng thời, đừng quá khắt khe câu nệ về mặt ngôn từ một cách kiểu cách và máy móc.

Quy tắc 21

Embed from Getty ImagesTAMTHUC

Đừng chăm chăm bới móc lỗi sai trong lời ăn tiếng nói của người khác. Săm soi từng câu từng chữ hay bới lông tìm vết những lỗi sai như vậy của những người xung quanh được cho là hành vi thiếu văn hóa.

Quy tắc 22

Nếu bạn là một chuyên gia hoặc là công tác trong lĩnh vực khoa học, hãy lưu ý hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên ngành. Chúng sẽ gây phản cảm, bởi không có nhiều người hiểu được chúng. Tuy nhiên, nếu bạn vô tình sử dụng một vài từ như vậy thì cũng không nên mất công đi giải thích ý nghĩa của chúng, bởi lẽ, không ai thấy thoải mái và cảm ơn bạn vì bạn đã chỉ ra rằng họ không có kiến thức về nó.

Quy tắc 23

Khi nói chuyện với người nước ngoài không thông thạo tiếng Anh (tiếng mẹ đẻ của bạn), hãy nghiêm túc tập trung cao độ, đừng gợi ý từ ngữ hay câu văn mà người ấy đang ngập ngừng. Dù cho họ có lúng túng và nói sai đi từ đi chăng nữa, thì tốt nhất là không nên thể hiện ra sự mất kiên nhẫn của bạn qua cử chỉ ngôn hành của mình. Nếu bạn hiểu tiếng nước họ, thì hãy nói với họ khi hai người bắt đầu cuộc trò chuyện. Điều này không chỉ thể hiện bạn là người có kiến thức, mà còn cho thấy bạn là một người tử tế, vì chắc chắn người nước ngoài đó sẽ rất vui mừng khi được nghe và nói tiếng mẹ đẻ của mình ở một đất nước xa lạ.

Quy tắc 24

Hãy cẩn trọng khi đóng vai hề, vì bạn sẽ sớm trở thành một kẻ “pha trò” trong bữa tiệc, và việc không có nét đặc sắc gì ảnh hưởng rất không tốt đến phẩm giá quý ông của bạn. Bạn sẽ tự đặt mình thành trung tâm của sự giễu cợt và chỉ trích, bạn sẽ nhận thấy rằng, hễ một người cười với bạn, thì sẽ có hai người cười chê bạn, và cứ có một người ngưỡng mộ bạn thì sẽ có hai người thầm khinh miệt trò hề của bạn.TAMTHUC

Quy tắc 25

Đừng khoe khoang. Chẳng ai thấy thiện cảm với bạn khi bạn khoe về tiền bạc, các mối quan hệ hay lối sống xa hoa và món đồ xa xỉ của bạn. Việc khoe khoang rằng bạn thân thiết với ai đó nổi tiếng cũng bị đánh giá là hành vi tồi. Nếu tên của người bạn thân thiết đó của bạn xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc trò chuyện, thì không vấn đề gì cả, nhưng nếu liên tục nói những câu dạng như: “bạn tôi, Thống đốc C”, hay “người bạn rất thân của tôi, tổng thống…,” thì sẽ khiến người khác thấy bạn là một kẻ tự cao tự đại và nhạt nhẽo.

Quy tắc 26

Khi bạn không muốn bản thân tham gia vào những câu chuyện đùa, không nên tỏ thái độ cứng nhắc, hay vẻ mặt lạnh lùng, khinh miệt để đáp lại niềm vui vẻ ngây thơ của người khác. Sẽ rất thô lỗ nếu bạn phá tan một bầu không khí vui vẻ, khi mọi người đang rôm rả thảo luận về một chủ đề nào đó một cách hài hước về bạn. Hãy hòa nhã tham gia và tạm thời bỏ những suy nghĩ khó chịu sang một bên, khi đó, bạn sẽ nhận được sự yêu mến của mọi người hơn so với việc bạn làm hỏng bầu không khí vui vẻ đầy thiện chí của họ và biến nó thành một cuộc tranh luận nảy lửa.

Quy tắc 27

Embed from Getty ImagesTAMTHUC

Khi bạn “trôi dạt” vào cộng đồng của giới văn sĩ, thì tốt hơn hết là hãy hỏi han về các tác phẩm của họ. Nếu bạn chỉ nói những lời tỏ ý ngưỡng mộ một tác phẩm bất kỳ nào đó của tác giả thì sẽ không gây được ấn tượng gì, hãy khiến họ thích thú bằng cách trích dẫn một hoặc vài câu trong tác phẩm của họ, hoặc khéo léo tham chiếu đến các tác phẩm đó, làm vậy bạn sẽ cho họ thấy rằng bạn đã đọc và đánh giá cao các tác phẩm của họ.

Quy tắc 28

Đừng tỏ vẻ thông thái bằng cách chêm một số từ nói bằng tiếng nước ngoài khi tham gia vào những cuộc trò chuyện thông thường, bởi người khác sẽ dễ đánh giá bạn đang làm ra vẻ mô phạm và rất bất lịch sự.

Quy tắc 29

Trong cuộc trò chuyện, dùng những câu từ mang hai ý nghĩa khác nhau thì quả là không lịch sự chút nào.

Quy tắc 30

Nếu bạn thấy mình đang bốc hỏa, hãy chuyển chủ đề hoặc giữ im lặng. Trong cơn thịnh nộ, bạn có thể nói ra những ngôn từ mà khi bình tĩnh bạn sẽ không bao giờ dùng chúng, và có thể sau này bạn sẽ thấy vô cùng ân hận khi đã thốt ra những lời như vậy.

Quy tắc 31

“Đừng bao giờ đề cập đến dây thừng với một người có cha bị treo cổ” là một câu tục ngữ nghe thì thô tục nhưng lại rất phổ biến. Hãy thận trọng tránh các chủ đề có thể khiến người nghe liên tưởng đến ai đó, và đừng đề cập đến những việc đụng chạm đến chuyện gia đình mà người đó muốn giấu kín. Nếu có thể, đừng cố để tìm hiểu về những bí mật sâu kín của bạn bè, nhưng nếu họ thổ lộ với bạn, thì hãy xem đó như là một bí mật “sống để bụng chết mang theo”, đừng bao giờ đem nó tiết lộ với người thứ ba.

Quy tắc 32

Nếu bạn từng đi du lịch, mặc dù là bạn muốn gắng sức mở mang đầu óc trong những hành trình đó, thì cũng đừng liên tục nói về những lần du sơn ngoạn thủy của mình. Bởi không gì khiến người khác mệt mỏi hơn là nói chuyện với một người suốt ngày bắt đầu câu chuyện bằng những cụm từ như: “Khi tôi ở Paris” hay “Khi tôi sang Ý tôi đã gặp…”

Quy tắc 33

Trong đám đông, khi muốn biết về một người mà bạn không rõ là ai, tránh sử dụng tính từ, bằng không bạn rất dễ hỏi một người mẹ rằng: “Cô gái xấu xí vụng về kia là ai thế?” và câu trả lời nhận được là: “Thưa ngài, đó là con gái tôi.”

Quy tắc 34

Đừng ngồi lê đôi mách; nếu là phụ nữ thì là đáng ghét, còn là đàn ông thì là vô cùng đê hèn.

Quy tắc 35

Đừng lăng xăng đề nghị giúp đỡ hay đưa ra lời khuyên trong các mối quan hệ mang tính xã giao, bởi lẽ không ai sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.TAMTHUC

Quy tắc 36

Đừng nịnh hót. Trong một cuộc trò chuyện, được phép xuất hiện những lời khen tinh tế, nhưng lời tâng bốc lại là khoa trương, thô thiển đối với những người hiểu biết. Nếu bạn nịnh hót cấp trên, thì họ sẽ thấy bạn là người không đáng tin, họ cho rằng bạn có tư tâm; còn nếu bạn nịnh hót phụ nữ, thì họ sẽ coi khinh bạn, cho rằng bạn là người rỗng tuếch, không có gì để nói cả.

Quy tắc 37

Một cô gái tinh tế sẽ cảm thấy bạn xem trọng cô ấy hơn nếu bạn nói với cô ấy về các chủ đề có sức nặng mang tính bàn thảo hơn là chỉ dùng những từ ngữ khen ngợi cô ấy. Nếu chỉ tập trung vào khen ngợi cô ấy, thì cô ấy sẽ cho rằng bạn nghĩ cô ấy không đủ trình độ để thảo luận về các chủ đề to lớn hơn, và chắc chắn khi bị coi là một kẻ ngốc nghếch, không hiểu biết mà cần phải được tâng bốc để vui vẻ, thì họ không thể nào hài lòng được.

Theo Artofmanliness
Minh Minh

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/doi-song/37-quy-tac-giao-tiep-cua-mot-quy-ong-vao-nam-1875.html