Con người trong thế gian, đâu mới là mục đích theo đuổi? Có lẽ, với rất nhiều người, hạnh phúc và khoái hoạt là mục đích sống của họ. Trong khi rất nhiều người không ngừng truy cầu, theo đuổi điều ấy thì lại không biết rằng hạnh phúc kỳ thực là những điều vô cùng đơn giản.
Trong cuốn “Liệt tử” có ghi chép một câu chuyện như sau:
Một lần, Khổng Tử đến núi Thái Sơn dạo chơi ngắm cảnh thì gặp một người là Vinh Khải Kỳ đang thong dong dạo bước. Hơn nửa, ông còn mặc áo thô thắt dây lưng gai, tay gẩy đàn cầm vừa đi vừa hát.
Khổng Tử nhìn thấy tâm thái thong dong của Vinh Khải Kỳ như vậy liền hỏi: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ thế?”
Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Tôi vui vẻ là bởi vì rất nhiều nguyên nhân. Thiên nhiên sinh ra và dưỡng dục vạn vật, loài người là quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui thứ nhất.
Trong loài người có nam có nữ, nam tôn nữ ti, nam nhân là tôn quý, mà ta được làm nam nhân, đó là hai điều đáng vui thứ hai.
Người ta sinh ra trên đời có người không thể nhìn thấy ánh mặt trời, có người yểu mệnh ra đi từ khi còn bọc tã, mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi, thế là điều đáng vui thứ ba…
Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, là trạng thái thường thấy của người đọc sách. cái chết là sự hết của đời người. Ta an tâm thường đợi lúc hết thì có gì là lo buồn?”
Khổng Tử nói: “Tiên sinh nói phải lắm! Tiên sinh là người có thể tự trấn an chính mình, biết cách tự làm cho mình khoan khoái mà hưởng thụ vui thú ở đời”.
Một người có thể buông bỏ theo đuổi lợi ích, quý trọng hết thảy những gì mình có mới chân chính là hạnh phúc, khoái hoạt. Nếu một người mải theo đuổi những điều mà bản thân căn bản không thể có thì chỉ có thể gia tăng phiền não, nói chi đến hạnh phúc?
Có một vị phú ông giàu có mặc dù tuổi chưa cao nhưng lại mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Ông cảm nhận được rằng bản thân mình không còn ở lại nhân gian được bao lâu nữa nên trong lòng vô cùng thống khổ, sợ hãi.
Một thời gian sau, ông tìm đến một vị sư già cao tuổi sống ẩn cư trên một ngôi chùa cổ. Vị sư già sau khi nghe phú ông giãi bày, liền nói: “Bệnh này của ngài, ngoại trừ một phương pháp này ra thì không thuốc nào có thể chữa trị được. Tôi sẽ cho ngài ba phong thư, bên trong là ba thang thuốc. Ngài về nhà mở từng thang thuốc ra và làm theo, làm xong thang thứ nhất thì mở tiếp thang thứ hai và làm theo lời chỉ dẫn trong đó”.
Phú ông giàu có vui vẻ cảm tạ vị sư già rồi ra về. Về đến nhà, phú ông liền mở phong thư đựng thang thuốc thứ nhất ra. Ông thực sự bất ngờ, bởi bên trong chỉ vẻn vẹn là một dòng chữ: “Ngài hãy đến bờ biển trong 21 ngày và mỗi ngày nằm trên bãi cát đó 30 phút!”
Phú ông đọc xong, trong lòng nửa tin nửa ngờ, nhưng vì không còn cách nào khác nên đành làm theo lời chỉ dẫn. Kết quả là mỗi ngày ông đều nằm trên bãi biển đó hơn hai giờ đồng hồ.
Lúc này, ông chợt hiểu ra rằng, mỗi ngày trước đây của ông đều trôi qua trong bộn bề công việc, tìm kiếm tiền bạc và danh vọng. Ông không có thời gian thư thái nằm nghe sóng vỗ, nghe tiếng chim hải âu như thế. Trong lòng ông cảm thấy vô cùng khoan khoái và dễ chịu.
Sang ngày thứ 22, phú ông lại mở tiếp thang thuốc thứ hai ra và thấy trên đó viết: “Ngài hãy tìm 5 con cá hoặc con sò trên bãi cát và thả chúng về biển, liên tục trong 21 ngày”.
Vị phú ông trong lòng tràn đầy hoài nghi nhưng vẫn kiên trì làm theo lời chỉ dạy. Hàng ngày ông đều tìm được những chú cá con hay tôm nhỏ bị dạt vào bờ và thả chúng về với biển. Mặc dù không hiểu lý do của việc làm này nhưng trong lòng ông không khỏi cảm động khi mỗi lần nhìn chúng quẫy đuôi bơi vào biển sâu.
Ngày 43 vừa tới, phú ông mở thang thuốc thứ ba ra và chăm chú đọc dòng chữ viết trên đó: “Ngài hãy tìm một cành cây, rồi viết lên cát những oán hận và bất mãn của mình lên đó!”
Làm theo lời chỉ dẫn, phú ông mỗi ngày đều viết những oán hận và bất mãn của mình lên bờ cát, nhưng chẳng bao lâu thì sóng biển lại dâng cao và cuốn những dòng chữ mà ông viết trên cát ấy đi. Vị phú ông đột nhiên hiểu ra một điều gì đó và ông bật khóc.
Chẳng bao lâu sau, phú ông trở về nhà với cảm nhận toàn thân khoan khoái, thực sự nhẹ nhàng và tự tại, thậm chí lúc này ông còn quên hết nỗi sợ hãi về cái chết như trước đây.
Phú ông lại tìm đến vị sư già để tạ ơn. Vị sư già mỉm cười và nói: “Ngài có biết không? Nguyên lai, con người ta bởi vì không học được ba việc cho nên luôn cảm thấy không khoái hoạt, hạnh phúc!”
Phú ông hỏi lại vị sư già: “Thỉnh ngài chỉ rõ, đó là ba việc gì?”
Vị sư già nhìn vào khoảng không trước mặt và nói: “Đó chính là người ta bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi, tiền bạc mà quên mất cần phải nghỉ ngơi, tẩy tịnh tâm linh của mình.
Thứ hai, sống trên đời phải biết cho đi, phó xuất đi thì người ta mới nhận lại được hạnh phúc.
Thứ ba, con người sống cần phải biết buông bỏ, đừng giữ khăng khăng trong lòng những điều không nên giữ như tâm oán hận, tâm bất mãn…”. Vị phú ông nghe xong thì dường như đã hiểu rõ tất cả những điều này, bởi vừa qua chính là ông đã được tự mình trải nghiệm.
Tham lam chính là một loại độc dược, dục vọng, ham muốn của con người luôn là không có điểm dừng. Khi người ta có cuộc sống ổn định rồi, lại có tâm muốn truy cầu sự nhàn nhã. Đến khi có cuộc sống nhàn nhã rồi lại muốn được hưởng thụ những vật phẩm xa xỉ.
Chỉ cần lòng tham, ham muốn của một người không có điểm dừng thì người ấy sẽ mãi mãi không thể thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Bởi vậy, chúng ta vẫn thường nghe câu triết lý nhân sinh rằng: “Người biết đủ thường vui.”
“Thuận theo tự nhiên” là điều một người nên làm, quý trọng những gì mình có, hạnh phúc tự nhiên sẽ tới.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC: