Từ ba quyền đánh Trấn Quan Tây, đại náo Ngũ Đài Sơn, làm loạn Đào Hoa Thôn, hỏa thiêu Ngõa Quán Tự, nhổ gốc cây dương liễu, đại náo rừng Dã Trư, cho đến một mình đánh núi Nhị Long, giết chết Hạ Thái Thú, giải thoát Duyên Triền Tỉnh, tọa hóa Lục Hòa Tự… tất cả liên kết lại với nhau để tạo thành một Lỗ Trí Thâm bằng xương bằng thịt.
Nếu không phải là quyền cước đánh nhau thì cũng là đại náo tứ bề, cuộc đời này của Lỗ Trí Thâm giống như một vở kịch lớn, một đời nông nổi, một đời náo nhiệt, một đời trắc trở lênh đênh. Nhưng nếu như ở Duyên Triền Tỉnh được điểm hóa, đường đời thay đổi, thì ở Lục Hòa Tự cuộc đời ông đã đột ngột dừng lại. Một hòa thượng dũng mãnh, thô lỗ, ăn thịt, uống rượu, phá vỡ giới luật thanh quy, nhưng đến bước cuối cùng đã biểu lộ ra Phật tính ẩn sâu trong con người, bỗng chốc đại ngộ, đạt thành chính quả.
Điềm báo ứng nghiệm
Nói đến Phật duyên của Lỗ Trí Thâm, không thể không nhắc đến sư phụ của ông là Trí Chân trưởng lão. Trí Chân là vị cao tăng đắc đạo, nhìn thấu cõi hồng trần, hiểu rõ vận mệnh của con người, cũng sớm nhìn thấu Lỗ Trí Thâm có căn cơ hơn người, là bậc thiên thần giáng thế.
Khi giúp ông đặt pháp hiệu, Trí Chân trưởng lão đã chọn từ “Trí”, lại thêm từ “Thâm”, ám hiệu ông có tuệ căn thâm tàng bất lộ. Cho dù Lỗ Trí Thâm có bao nhiêu thật thà, bao nhiêu thô lỗ, thì đều có duyên được điểm hóa, từ chạy tội, hòa thượng, hiệp đạo, công thần, cũng từ nhiều thân phận khác nhau đến cuối cùng mới rút ra được bản mệnh chân chính của mình, nhìn thấy “Ta là ta”.
Lần điểm hóa thứ nhất là trước khi Lỗ Trí Thâm đến Đại Tướng Quốc Tự, Trí Chân trưởng giả đã tiên đoán rằng: “Ngộ lâm nhi khởi, ngộ sơn nhi phú, ngộ thủy nhi hưng, ngộ giang nhi chỉ”. Bốn câu nói này chính là tiền đồ của ông, dự đoán trước tương lai ông sẽ làm nên sự nghiệp, có thành tựu to lớn.
Sau khi Trí Thâm xuống núi, từng từ từng chữ đều trở thành điềm báo, nhất nhất ứng nghiệm: Quen biết với Lâm Xung ở Đông Kinh, vì cứu Lâm Xung mà một lần nữa gia nhập giang hồ; trên núi Nhị Long, trở thành Đầu Lĩnh một phương; cùng huynh đệ rời đến Thủy Bạc Lương Sơn, trở thành thủ hạ đắc lực của Tống Giang.
Lúc này Lỗ Trí Thâm đã trở thành anh hùng Lương Sơn, theo sau Tống Giang đánh bại quân Liêu. Vốn dĩ có thể phá thế quân Liêu ở Tất Hành, nhưng bởi vì quân Liêu hối lộ gian thần, thiếu niên Mông Phiến nghe lời Thiên tử cùng quân Liêu nghị hòa. Tâm huyết của một trăm lẻ tám hảo hán đều uổng phí, Tống Giang cũng không khỏi than thở: “Công lao ngất trời, đều thành hư không”.
Đây là thất bại nặng nề trong nhân thế, nhưng trong mắt người tu hành chỉ nhạt như mây trôi, nhẹ như gió thổi. Lỗ Trí Thâm đi từ hồ đồ đến thanh tỉnh, bắt đầu suy nghĩ kỹ càng về đạo lý chân chính của sinh mệnh.
Nhìn lại con đường đã qua, Lỗ Trí Thâm phát hiện mỗi một lựa chọn và hành động của mình đều là chủ trương của bản thân, nhưng không biết bước nào đã thoát khỏi sự ràng buộc của vận mệnh? Hơn nửa đời người vội vàng trên yên ngựa, cũng chỉ là hai mươi chữ ngắn gọn dễ hiểu của trưởng lão Trí Chân năm đó. Hai mươi chữ, nhưng lại tiên đoán trước cả cuộc đời ông, sinh ra vì đâu, tương lai lại đi về đâu. Cho đến bước cuối cùng thì, có thể khiến ông cởi bỏ u mê cũng chỉ có ân sư Trí Chân trưởng lão.
Chỉ xích thiên nhai
Trí Thâm giống như một đứa trẻ nhiều năm rời khỏi quê nhà, đi qua nhiều khúc quanh co gập ghềnh, cuối cùng mới trở về điểm ban đầu. Lúc đại quân hồi kinh, ông từ giã Tống Giang, về sau lại cùng Tống Giang bái kiến Trí Chân trưởng lão.
Sau nhiều năm xa cách, câu đầu tiên Trí Chân nói với Lỗ Trí Thâm chính là: “Đồ đệ ra đi đã nhiều năm như vậy, nhưng tính hay giết người phóng hỏa xem ra vẫn không thay đổi”.
Giết người phóng hỏa vốn là việc máu tanh, tàn nhẫn, tại sao đến khi Trí Chân nói ra lại thành không thay đổi? Bởi vì ngài biết Lỗ Trí Thâm tục duyên chưa hết, đời này còn nợ nghiệp sát sinh. Từ Thần đến người đều chịu khổ, hà tất phải làm trái sứ mệnh của bản thân?
Lần này gặp mặt Trí Chân trưởng lão, cả Tống Giang và Lỗ Trí Thâm đều nhận được một bài kệ ngữ khác nhau. Tống Giang không hiểu bèn vội vã nhờ Trí Chân giải thích, mà Lỗ Trí Thâm rất chân thành cung kính bái lạy tiếp nhận, đọc lại nhiều lần mới cất giữ mang theo bên mình. Có thể thấy đối với tiền đồ, Lỗ Trí Thâm đã thông suốt, con đường chính là ở phía trước, sớm đã bày ra, biết hay không biết đều phải do chính bản thân đi trải nghiệm.
“Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp, thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch”. Lời kệ thứ hai không giống như lời kệ ban đầu khí thế mạnh mẽ, có ý là sau khi phồn thịnh qua đi sẽ là những ngày tháng tĩnh mịch, đoạn đường đời này cũng đã đến phần cuối rồi.
Quả nhiên, trước khi đọc bài kệ này, Trí Chân từng nói: “Lần này đồ đệ đi, cũng chính là vĩnh biệt, chính quả cũng ở gần trước mắt”. Ngài đối với Lỗ Trí Thâm chính là, biết trước tuệ căn của ông cũng không vui mừng, ông cố chấp làm càn cũng không giận, ông ra đi cũng không buồn, chỉ một lòng chỉ điểm cho con đường tu hành của ông. Một vị ân sư có tấm lòng rộng rãi như vậy, phải là bậc Thế Ngoại Cao Nhân mới có thể làm được.
Lỗ Trí Thâm mang theo những lời gửi gắm của sư phụ, cẩn thận cất giữ trong lòng, và lại một lần nữa gia nhập giang hồ.
TAMTHUC
Vô tình lạc vào chốn Đào Nguyên
Khi còn ở Lương Sơn, cùng các anh hùng dẹp yên giặc cướp, khí thế uy vũ, Lỗ Trí Thâm vô tình gặp được một kỳ duyên. Lúc đó Trí Thâm và Võ Tòng dẫn người đối kháng với nữ tướng Quỳnh Anh, Minh Kim thu binh, quân Tống thương binh vô số, Lỗ Trí Thâm cũng mất tích từ trong hỗn chiến.
Hóa ra Trí Thâm vô tình rơi trúng một huyệt đạo, lạc vào thế giới khác. Ông từ trong huyệt đạo đi theo ánh sáng tiến vào một thôn trang. Trong thôn có nhà cửa, dân chúng, cũng có đồng ruộng, chùa, miếu. Lỗ Tri Thâm gặp được một hòa thượng liền hỏi đường. Hòa thượng này không nhanh không chậm nói ra một ẩn ngữ: “Lai tòng lai xử lai, khứ tòng khứ xử khứ” (vào đường nào thì ra đường nấy).
Lỗ Trí Thâm không hiểu Phật lý, nên đứng một bên gấp gáp, vị hòa thượng lại tiếp tục giải thích: “Phàm nhân đều có tâm, có tâm là có chấp niệm, địa ngục, thiên đường đều sinh ra chấp niệm”, nếu người có thể một đời sống không chấp niệm thì có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi.
Lỗ Trí Thâm chỉ muốn hỏi đường, nhưng vị hòa thượng này lại nói với ông về đạo lý chân chính của sinh mệnh. Vị này muốn nhắc nhở Lỗ Trí Thâm, những oán hận trong nhân gian đều do dục niệm sinh ra, nếu không có tâm tư tạp niệm, mới là cách làm người chân chính.
Thấy ông đã có lĩnh ngộ, hòa thượng cười lớn: “Ngài mới rơi vào giếng Duyên Triền, khó có thể ra ngoài, nếu muốn trở về cõi tục ta sẽ chỉ đường cho”.
Lỗ Trí Thâm đi về phía trước, con đường cũng dần dần biến mất, cảnh tượng trước mắt ông đột nhiên thay đổi, vừa đúng lúc nhìn thấy Đái Tông và tướng tặc Mã Linh đang đấu pháp. Ông lập tức vào cuộc, một trượng đánh bay Mã Linh, bắt giữ tên thủ lĩnh, sau đó trở về doanh trại. Lỗ Trí Thâm quan sát cảnh vật xung quanh, ngạc nhiên trước cảnh tháng Hai, nhưng vì sao hoa đào lại không nở. Đái Tông nghe xong càng ngạc nhiên hơn, nói rằng bây giờ đã là tháng Ba, hoa đào đều đã héo tàn cả rồi.
Không ngờ Lỗ Trí Thâm vì lạc vào tiên cảnh, dẫu chỉ mới nửa ngày, nhưng ở nhân gian đã là một tháng. Nghĩ đến truyện truyền kỳ thời nhà Đường, Chẩm Thượng Lô Sanh nhậm chức Thái Thú, phải đi vào giấc mộng mới có thể đến không gian khác, vậy mà Thiên Tinh hạ phàm Lỗ Trí Thâm trong lúc tinh thần vẫn còn minh mẫn đã được cao nhân điểm hóa, quả thật là tiên duyên phi phàm.
Duyên Triền Tỉnh, hay giếng Duyên Triền, là hóa cảnh do duyên phận tạo ra. Lỗ Trí Thâm có thể bước vào thảo huyệt, chứng tỏ đã mở được gông cùm của phàm trần, chính quả không còn xa xôi nữa.
Lập địa thành Phật
“Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp”, không ngoài suy đoán, Lỗ Trí Thâm một lần nữa ứng nghiệm hai câu này. trong quá trình đánh dẹp Phương Lạp, bắt sống Hạ Hầu Thành và Phương Lạp, lập chiến công, việc ông bắt được Phương Lạp cũng là có Thần hỗ trợ. Lúc truy sát Hạ Hầu Thành, Lỗ Trí Thâm lạc vào núi hoang, một lão tăng từ trên trời hạ xuống đã giúp ông tạo ra căn nhà tranh nghỉ ngơi, nói với ông nếu thấy một người từ trong rừng sâu chạy ra thì phải bắt giữ. Lỗ Trí Thâm cẩn tuân lời dặn, chờ đợi suốt một đêm mới nhìn thấy người, người đó chính là Lạp Phương.
Tống Giang nghe tin La Hán hiển linh, liền mời Lỗ Trí Thâm trở về làm quan, ở kinh thành lấy vợ sinh con, một đời vinh hoa phú quý. Nhưng Lỗ Trí Thâm không có phản ứng gì, tự tin, tâm ý đều đã thành tro, chỉ muốn tìm một nơi thanh tĩnh, an thân lập mệnh: “Thưa huynh trưởng, lão gia lòng trần đã nguội, chẳng còn ham muốn làm quan, chỉ muốn tìm một nơi thanh vắng yên thân đến trọn đời”.
Tống Giang lại muốn ông đến làm chủ trì cho ngôi chùa nổi tiếng nhất kinh thành, cũng tính là một đời hiển hách, báo đáp phụ mẫu. Lỗ Trí Thâm nghe xong lắc đầu từ chối: “Không cần, không cần, mọi thứ đều vô nghĩa. Tiểu đệ chỉ ước sao thân thể được nguyên vẹn mà quy hoá là đủ lắm rồi”.
Có thể thấy, Lỗ Trí Thâm tự biết lời dự báo sắp ứng nghiệm, mà duyên với trần thế cũng sắp tận, lúc trước không màng đến công danh thì bây giờ lại càng không để ý.
Sau khi tiêu diệt đạo tặc, Tống Giang đưa quân hồi kinh, đóng quân trong Lục Hòa Tự. Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng đi lại tham quan trong Tự, nhìn cảnh sắc giang sơn vô cùng tươi đẹp, trong lòng cực kỳ thỏa mãn. Đêm khuya trăng sáng, gió nhẹ, non nước xanh biếc, thật sự là cảnh đẹp hiếm gặp chốn nhân gian. Và cũng chính trong đêm này, Lỗ Trí Thâm đi đến đoạn cuối cuộc đời mình.
Nửa đêm, nước dâng lên trên sông làm bạn cùng ánh trăng, sấm nổ vang lừng. Lỗ Trí Thâm đột nhiên tỉnh lại, ông cho rằng đó là tiếng trống trận, tặc nhân tập kích, liền đứng dậy nắm lấy thiền trượng ra ngoài ứng chiến.
Chúng tăng nhìn thấy ông như vậy vội ngăn cản, giải thích: Sư phụ nghe lầm rồi, đây là thủy triều trên sông Tiền Đường, sau đó họ kéo ông đến bên đầu sông quan sát. Chúng tăng còn giải thích thêm, ngày mười lăm tháng tám mỗi năm đều là lúc thủy triều lên, bởi vì luôn luôn đúng hẹn, cho nên đặt tên là “Triều Tín”.
Lỗ Trí Thâm nhìn Triều Tín đột nhiên đại ngộ, hôm nay chính là ngày ứng với câu nói của Trí Chân trưởng lão:“Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch”. Người bên cạnh chỉ biết đêm nay ông nghe lầm Triều Tín, mà một đời người, những chuyện bỏ lỡ, lạc mất còn ít sao? Nếu hôm nay là ngày cáo biệt trần thế, vậy ông tuyệt đối không bỏ lỡ lần nữa.
Sau khi tẩy rửa, thay đổi y phục, Lỗ Trí Thâm cầm giấy ghi lại một bản tụng văn, châm lửa đốt lò hương, ngồi thiền nhập định. Đợi đến khi mọi người đến, ông đã bất động, về miền Cực Lạc. Ông chỉ lưu lại một bản tụng văn như thế này:
Bình sinh chẳng tu thiện quả
Chỉ thích sát nhân phóng hoả
Chợt tỉnh tháo tung dây thừng vàng
Tới đây giật phăng khoá ngọc
Ôi!
Tiền Đường nghe sóng triều vang dội
Mới tỉnh ra rằng ta là ta.
Lỗ Trí Thâm một đời xông pha giang hồ, nay công đức viên mãn, bỗng chốc giác ngộ, tìm thấy con người thật sự của mình, là một sinh mệnh tốt đẹp thuộc về trời, cuối cùng trở về nơi chân chính thuộc về mình.
Trong lễ tang, Thiền sư Đại Huệ đích thân hỏa táng ông, đồng thời đọc một bài kệ:
Này Lỗ Trí Thâm! Trí Thâm!
Xuất thân chốn lục lâm
Hai con mắt phóng hoả
Một ác tâm sát nhân
Bỗng chốc theo sóng triều quy tịch
Quả nhiên không xứ sở truy tầm
Này!
Nếu không trên trời bay ngọc trắng
Thì đầy mặt đất rải hoàng kim!
Video “Phút tỉnh ngộ sau cùng của anh hùng Lỗ Trí Thâm trước khi viên tịch”:
Bạch ngọc, hoàng kim đều là vật thánh khiết tốt đẹp của nhà Phật, lúc Lỗ Trí Thâm ra đi có thể nhận được lời kệ như thế này, thật sự là chính quả phi phàm, lập địa thành Phật.
Nhớ lúc đầu Lỗ Trí Thâm xuất hiện, hoành hành bá đạo, nhưng không mất đi sự chân thật và lòng chính nghĩa; Khi đi về điểm cuối cùng, tính cách cũng thay đổi trở nên vui hòa, trầm tĩnh, trong lòng đều là Phật. Sinh mệnh của ông, là trả nợ cũng vậy, hay trừng trị cái ác cũng vậy, cuối cùng cũng lấy phương thức của người tu hành trở về với vùng đất sạch sẽ, kim ngọc mãn đường.
Là Phật pháp điểm hóa ông, tịnh hóa ông, khiến ông vĩnh viễn ghi nhớ nửa đời trước vô tư trượng nghĩa, nửa đời sau trở thành Hoa hòa thượng đại ngộ, thông suốt. Ông là một vị Thần trong “Thủy Hử Truyện”, càng là một đạo minh quang giúp nhân tâm khải ngộ không còn u mê.
Theo ĐKN
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/lo-tri-tham-ca-doi-truong-nghia-phut-cuoi-de-lai-bai-tho-ky-la-roi-vien-tich.html