Trong cuộc sống hiện thực thường ngày, nếu một người không có nguyên tắc làm người hay chủ kiến thì người ấy sẽ rất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thuộc hoàn cảnh bên ngoài và thuận theo những ham muốn dục vọng của tự thân mà sống “nước chảy bèo trôi”. Người như vậy cho dù có thể sống cả trăm năm nhưng vẫn không thể nhận ra bản ngã chân chính của mình.
Kỳ thực, mỗi người chúng ta nhìn bề ngoài có vẻ mạnh mẽ kiên cường, nhưng thế giới nội tâm thì phần lớn đều là rất yếu đuối. Người trí tuệ thực sự đều có chủ kiến riêng trong lòng, nên dù ở trong nghịch cảnh, họ vẫn có thể thủ vững chính nghĩa và lương tri trong tâm. Trong hành trình cuộc đời, họ vững theo các nguyên tắc của mình và không bao giờ từ bỏ sự cao quý trong tâm.
Nhà triết học nổi tiếng phương Tây thời cận đại – Baruch de Spinoza từng nói rằng: “Một người được xưng là trí giả chân chính thì linh hồn của họ sẽ không thể bị kích động. Hơn nữa họ còn thuận theo tự nhiên bất biến và tự biết chính mình, biết Thần và vạn vật trong vũ trụ. Người ấy quyết sẽ không chỉ dừng lại ở sự tồn tại mà còn có sự thỏa mãn về tâm linh.”
Hơn 300 năm trước, kiến trúc sư nổi tiếng và lỗi lạc Christopher được phân công công việc thiết kế tòa thị chính thành phố Windsor, Anh. Sau khi vận dụng các kiến thức học tập và nhiều năm kinh nghiệm của mình, ông đã thiết kế khéo léo trần nhà của đại sảnh chỉ được đỡ bởi một chiếc cột.
Một năm sau, khi các viên chức chính quyền có quyền uy lớn của thành phố kiểm tra tòa thị chính, họ tỏ ra ngờ vực công trình của ông. Họ cho rằng việc chỉ thiết kế một cột trụ chống đỡ cả trần nhà là vô cùng nguy hiểm. Họ nhất định yêu cầu ông Christopher phải thêm vào một vài cây cột nữa để đảm bảo.
Ông Christopher tự tin rằng chỉ cần một cây cột trụ là đủ để chống đỡ vững chắc, an toàn cho đại sảnh. Tuy nhiên, sự “quyết giữ ý mình” của ông đã khiến các viên chức nổi giận. Cũng vì lý do này mà ông gần bị đưa ra tòa.
Lúc này, ông Christoper phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan, đứng trước hai lựa chọn: Nếu ông khăng khăng giữ ý tưởng của mình, thì chính quyền thành phố chắc chắn sẽ tìm ai đó khác để thay đổi hay thiết kế lại. Còn nếu ông đồng ý với ý kiến của các quan viên chính quyền, sửa đổi thiết kế của mình, thì ông sẽ vi phạm các nguyên tắc của chính bản thân mình.
Vì giữ vững nguyên tắc trong tâm, ông đã dành rất nhiều thời gian để suy xét và đưa ra một quyết định thông minh. Ông cho thêm bốn cây cột vào trong đại sảnh tòa thị chính, nhưng bốn cây cột này đều không chạm tới trần nhà. Tuy nhiên, không một ai để ý rằng bốn cây cột được thêm vào ấy chỉ đóng một vai trò trang trí mà thôi.
Trong suốt hơn 300 năm, đã không có ai khám phá ra bí mật này của ông Christoper. Mãi cho tới mấy năm trước, chính quyền thành phố đã sẵn sàng trùng tu lại tòa thị chính. Khi sửa chữa đến trần nhà đại sảnh, họ đã phát hiện ra bốn cây cột được thêm vào. Tin tức lan truyền khắp xa gần, các kiến trúc sư và du khách từ khắp nơi trên thế giới đã tới thăm, bởi vậy tòa thị chính đã trở thành một điểm du lịch thu hút khách.
Nhưng mọi người đến đây không phải để khen ngợi tài năng của ông Christoper mà là khâm phục sự kiên định của ông trong việc giữ vững các nguyên tắc của mình dưới áp lực vô cùng lớn của hầu hết mọi người khi ông thiết kế. Từ điểm này có thể thấy, một người phải thật sự vĩ đại mới có thể giữ vững được sự cao quý trong tâm, bất chấp áp lực bên ngoài lớn nhỏ như thế nào.
Đạo lý tương tự, nếu một người muốn bảo trì, giữ vững phẩm đức cao thượng của mình, người ấy nhất định phải giữ vững lương thiện và sự chất phác trong tâm khi sống ở nơi thế giới trần tục đầy các loại cám dỗ này. Đây cũng là một loại hành vi cao thượng. Khi đối mặt với áp lực bên ngoài, mà có thể thủ vững chủ kiến và nguyên tắc làm người của mình mới có thể sống đúng với tự ngã chân chính của bản thân. Một người có thể giữ vững sự cao quý trong tâm thì mới thực sự là có trách nhiệm với sinh mệnh của chính bản thân mình.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC: