Nếu bạn đến Nhật Bản du lịch hoặc thăm người thân mà bị mất đồ, thì việc đầu tiên bạn nên làm đó là “bình tĩnh và đừng tuyệt vọng”, bởi bạn sẽ mau chóng tìm lại được món đồ của mình.
Nếu bạn còn hoài nghi thì một số sự việc dưới đây là minh chứng:
Một nữ sinh Đài Loan đến du lịch Nhật Bản và bị mất điện thoại, cô đã gửi email đến cảnh sát Nhật Bản nhờ giúp đỡ. Không lâu sau, cảnh sát gọi điện cho cô báo tin đã tìm lại được điện thoại. Nhân viên cảnh sát nói với cô rằng chiếc điện thoại là do người dân nhặt được, và hiện nằm tại trung tâm lưu trữ đồ thất lạc.
“Tôi làm rơi ví trên đường từ sân bay Narita về khách sạn ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Tokyo. Tôi không biết tiếng Nhật nên đã phải nhờ một người bạn giúp liên hệ với khách sạn nơi tôi trọ. Và không lâu sau đó, cảnh sát Tokyo đã mang ví đến trả lại tận tay cho tôi. Thật không thể tin được”, Rishank Kumar, người Mỹ, chia sẻ.
Một du khách Trung Quốc tên là Tiểu Uông (34 tuổi) chia sẻ, lần đầu tiên anh đến Nhật Bản, sau khi mua hàng ở siêu thị đã để quên ví ở đó. Anh nghĩ rằng vì siêu thị quá đông người, nên khó mà tìm lại được ví. Ngày hôm sau, anh đến quầy thu ngân của siêu thị hỏi về ví của mình , thực ra anh không có hy vọng rằng mình sẽ tìm thấy. Thật bất ngờ, sau khi nhân viên nghe anh mô tả liền đem trả lại nguyên vẹn chiếc ví đã thất lạc.
“Trường hợp chị bạn mình thì có thể là hy hữu – để vali hành lý lên tàu, sau đó bản thân chưa kịp lên thì tàu đã đóng cửa chuyển bánh! Chuyện là hôm rồi mình có chị bạn sang chơi. Ngày về, lúc đang trên đường ra sân bay thì gặp sự cố như vậy ở ga Shinjuku, ga đông đúc nhất ở Tokyo. Khi tàu đến, chị ấy khiêng vali lên tàu, lúi húi chưa biết lên tàu kiểu nào (vì đông người) thì cửa tàu đã khép lại mà không kịp đem vali xuống. Vậy là của đi người ở lại (đúng nghĩa đen luôn!). Sau đó chị ấy tìm nhân viên điều khiển ở ngay gần đấy để giải thích thì lại càng bế tắc hơn vì anh chàng ấy không nói tiếng Anh, mà anh ấy nói lại gì đấy thì chị lại không hiểu, mà anh ấy thì chỉ nói vài câu xong lại phải quay sang làm nhiệm vụ của mình ngay vì tàu vào liên tục. Thế là chị ấy lại chạy xuống Information Center, trình bày tới lui, rồi lại quay lên chỗ anh nhân viên ban nãy… Ôi thôi, nói chung là hoảng hốt, vội vã, lo lắng và không giải quyết được gì. Sau đó chị ấy liên lạc với mình và thật may là chỉ sau 30 phút bọn mình đã nhận lại được vali bị lạc trên tàu cùng đầy đủ toàn bộ đồ đạc trong đấy!”, chia sẻ của bạn Ân Việt trên trang gakutomo.com.
“Mình có 1 anh bạn, trong 1 lần đi công tác đã để quên túi xách trên tàu, trong đó có máy tính, tài liệu data, passport, các giấy tờ tùy thân, con dấu,… Do có kinh nghiệm ở Nhật nhiều năm, anh đã gọi điện cho nhân viên nhà ga nhưng lúc đó họ cũng bảo không thấy ai nhặt được. Tưởng phen này toi, chắc công ty đuổi mất vì bao nhiêu cái chuẩn bị cho seminar tháng 3 ở Việt Nam từ trước đến giờ cũng toi theo. Ai ngờ hôm sau khi gọi điện lại lần nữa thì bảo là có người mang đến chỗ ga. Mừng hết lớn”, chia sẻ của Bích Vân trên trang sagojo.com.
Và còn rất nhiều câu chuyện khác về việc mất đồ ở Nhật được chia sẻ, hầu hết chủ nhân đều tìm lại được những món đồ của mình.
Theo thống kê, có khoảng trên 6.000 điểm tiếp nhận đồ thất lạc trên khắp nước Nhật (được gọi là “koban”), đây là cầu nối quan trọng giúp những người chủ tìm lại đồ đã mất.
Tính từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016, có ít nhất 77.900 món đồ bị thất lạc và được người dân mang đến đồn cảnh sát giao nộp, trong số đó có 55.000 món đồ được trả về cho chủ nhân thành công.
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn tìm thấy món đồ của mình khi thất lạc ở Nhật được chia sẻ trên jpninfo.com:
Trước tiên, hãy trở lại nơi mà bạn nghĩ rằng bạn đã làm mất nó. Sau đó, nếu không thể tìm thấy nó, bạn nên đến đồn cảnh sát gần nhất (“koban”) trong khu vực mà bạn nghĩ rằng bạn đã bị mất đồ. Hầu hết các đồn cảnh sát đều nằm ở đâu đó gần nhà ga.
Để giúp đỡ bạn, cảnh sát ở đó có thể sẽ hỏi bạn những câu như “khi nào, ở đâu bạn nghĩ bạn bị mất nó?” và một vài câu hỏi khác. Trên thực tế, nếu bạn có điện thoại, họ sẽ hỏi số điện thoại của bạn ngay cả khi bạn không có số điện thoại di động của Nhật. Trong trường hợp người nào đó tìm thấy món đồ của bạn, họ sẽ gọi cho bạn. Tuy nhiên nếu bạn không có điện thoại, bạn nên quay trở lại đồn cảnh sát vào ngày hôm sau hoặc vài ngày sau đó khi bạn có thể.
Vì sao “đừng cảm thấy tuyệt vọng” khi bạn bị mất đồ ở Nhật?
Bởi vì về cơ bản người Nhật có thói quen mang những đồ nhặt được đến đồn cảnh sát. Có nghĩa là nếu họ tìm thấy một chiếc ví hoặc một chiếc điện thoại di động, họ sẽ tự nhiên mang nó đến đồn cảnh sát mà không cần mở nó ra. Tất nhiên, đôi khi vẫn có người giữ đồ nhặt được đó làm của riêng cho mình, nhưng điều đó thường không phổ biến ở Nhật.
Một trong những lý do tại sao người dân ở đây không ăn cắp là nhờ việc được giáo dục ở trường học. Hầu hết các trường học Nhật Bản đều có “hộp đồ bị mất”, nếu bạn tìm thấy đồ của ai đó, bạn phải mang nó bỏ vào hộp.
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu mình mang đồ đạc của một người nào đó đến đồn cảnh sát, có lẽ ai đó cũng sẽ làm như vậy cho chúng tôi nếu họ gặp tình huống tương tự. Vì vậy, nếu bạn mất một cái gì đó ở Nhật, đừng bỏ cuộc”.
Trường hợp người làm mất không đến nhận lại đồ đạc thì sau 3 tháng những tài sản này sẽ được giao cho người nhặt được. Do đó, khi mất đồ bạn hãy nhanh chóng liên lạc và trao đổi với sở cảnh sát gần nhất.TAMTHUC