Khi nhắc đến Tây Du Ký nhiều độc giả sẽ liên tưởng ngay đến những trích đoạn Tôn Ngộ Không đại náo trên thiên cung, làm loạn dưới địa phủ.
Với thủ pháp văn học hình ảnh Tề Thiên Đại Thánh thật khí phách ngang tàng được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng theo góc độ văn hóa truyền thống phương Đông, nhận thức nội hàm trên cơ sở Phật – Đạo, có thể có cách nhìn nhận khác.
Đại náo địa phủ xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ
Sau khi đi xuống Đông Hải lấy Như Ý Kim Cô Bổng (Định Hải Thần Châm) và một bộ kim giáp, Tôn Ngộ Không đã bị Hắc Bạch Vô Thường bắt xuống âm phủ, vì quá tức giận nên đã đại náo âm phủ, xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ.
Khi nghe Hắc Bạch Vô Thường nói tuổi thọ đã hết và đến bắt đi, Hầu vương bèn nói: “Lão Tôn này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn ở trong ngũ hành, đâu còn thuộc Diêm vương quản lí nữa. Cớ sao dám hồ đồ đến bắt ta?”.
Hai quỷ câu hồn ấy cứ một mực lôi kéo Hầu vương đi, làm Hầu vương giận dữ, rút ngay bảo bối trong tai ra, vung lên đánh cho hai quỷ câu hồn nát như tương, rồi tự cởi trói, vác gậy quay vào đánh trong thành, các loại quỷ đầu trâu, mặt ngựa chạy trốn tán loạn.
Thạch Hầu thiên tính cực cao, theo Tổ sư Bồ Đề học được bản lĩnh cao cường, lại có Pháp bảo là “Định Hải Thần Châm” (thiết bảng, hay gậy Như Ý), từ đó sở hữu năng lực thoát khỏi sự quản lý của các Thần tầng thứ thấp tại địa phủ, vượt qua sinh tử.
Thạch Hầu quả thực không tầm thường, ngay từ đầu đã đạt tới trình độ thoát khỏi sinh tử rồi. Như vậy có thể thấy người tu luyện, chỉ cần có thể dũng mãnh tinh tấn, thì thoát khỏi sinh tử cũng không phải là việc khó, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Do đó, sinh tử đối với người tu luyện mà nói thì căn bản không phải là chướng ngại gì cả. Chúng ta thường được nghe câu thành ngữ “thị tử nhi quy” (coi cái chết tựa như sự trở về), chết không có gì là đáng sợ hết, tựa như trở về nhà. Vì thế trong lịch sử người tu luyện chân chính đều không quan tâm tới sinh tử, ấy là vì họ đã minh bạch ý nghĩa của sinh tử rồi.
Còn đối với người thường mà nói, thì khó mà lý giải nổi. Đây không phải là lý tưởng vĩ đại gì ở nhân gian, mà là minh bạch chân lý vũ trụ, minh bạch ý nghĩa của kiếp người.
Đại náo thiên cung chẳng nể ai
Sau khi Thạch Hầu làm loạn dưới địa phủ lại tiếp tục đại náo trên thiên cung: “Lại nói Tề Thiên đại thánh rốt cuộc vẫn là con khỉ yêu quái, chẳng hay làm quan to nhỏ, chẳng biết bổng lộc thấp cao, chỉ biết có danh hiệu như thế là được. Tiên lại hai ty trong phủ Tề Thiên sớm tối hầu hạ, Hầu vương chỉ biết ngày ăn ba bữa, đêm đánh một giấc, chẳng bận việc gì, tự do tự tại. Khi rỗi rãi đi chơi các cung, kết giao bè bạn. Thấy Tam thanh xưng là “lão”, gặp Tứ đế gọi “bệ hạ”, cùng với chín diệu tinh, năm phương tướng, hai mươi tám tinh tú, bốn đại thiên vương, mười hai nguyên thần, năm lão ở năm phương, tinh tú khắp trời, và các thần sông Hà, sông Hán, chơi với nhau thân như anh em. Hôm nay chơi phương Đông, ngày mai sang phương Tây, đi mây về gió, chẳng cố định ở nơi nào cả”.
Nói chung, người tu luyện có thể thành Phật thành Tiên, nhưng động vật tu luyện thì chỉ là yêu tinh, bởi vì động vật không được phép tu luyện, chúng với người là bản chất bất đồng, động vật không có ước thúc tâm pháp.
Vì thế lúc này Tôn Ngộ Không chỉ có thể được gọi là yêu tinh bản lĩnh vô cùng cao cường. Bởi vì nó không phạm phải điều xấu nào cả, hoàn toàn không phải là yêu tinh xấu, vẫn ung dung tự tại giống như du Thần tản Tiên.
Tương tự như vậy, trong “Bảng Phong Thần”, thông thiên giáo chủ thâu nạp nhiều động vật, nhưng vì chúng không có tâm pháp ước thúc, không thể chân chính theo yêu cầu của “Đạo” mà hành xử, kết quả toàn bộ môn phái bị tiêu trừ. Trong “Bạch Xà Truyện” cũng có cùng nhận thức như vậy, đó là yêu quái không được phép tu luyện, đây là phép tắc của vũ trụ.
Do đó trong giới tu luyện luôn luôn giảng rằng trong luân hồi mà đắc được thân người là không dễ dàng gì, phải tận dụng những năm tháng lúc sinh tiền, đừng bỏ lỡ cơ hội. Mỗi cá nhân trước tiên phải có trách nhiệm với bản thân mình.
Ông Trời có đức hiếu sinh, đối với Tôn Ngộ Không mà nói, là sẵn sàng cấp cho cơ hội, vì vậy Ngọc Hoàng đã chấp nhận đề nghị của Thái Bạch Kim Tinh, trước tiên gọi Tôn Ngộ Không lên thiên thượng, cấp cho cơ hội quy chính. Tuy nhiên vì không có ước thúc tâm pháp, Tôn Ngộ Không không biết tự kiềm chế, kết quả làm phản thiên đình.
Đối với người tu Đạo, có thể ở trên thiên thượng, được liệt vào hàng Tiên, là điều cầu mà chẳng được, chỉ là Tôn Ngộ Không không thể tuân thủ thiên quy, vẫn muốn gì làm nấy, rõ là không thức thời.
Thế là thiên đình phải phái thiên binh thiên tướng xuống bắt, kết quả không thể hàng phục. Tôn Ngộ Không bản lĩnh quả thực cao cường, lại còn xưng Tề Thiên Đại Thánh. Rõ là chẳng biết trời cao đất dày là gì.
Dù sao chư Thần nội trong Tam Giới năng lực vẫn còn có hạn, sinh mệnh nội trong Tam Giới đều không thể thoát khỏi luân hồi, vậy mà Tôn Ngộ Không lại có khả năng ấy.
Trời cao duy trì trật tự của thế giới
Mặc dù Tôn Ngộ Không không phục sự cai quản của Ngọc Hoàng, nhưng chỉ là hưởng phúc tại hạ giới, hoàn toàn không có nguy hại đến thế giới. Vì vậy Thái Bạch Kim Tinh kiến nghị Ngọc Hoàng cấp cho Thạch Hầu một cơ hội nữa, lại cho phép lên thiên thượng.
Đây kỳ thực là đại từ bi. Nhưng Thạch Hầu vẫn gây họa cho thiên đình, tuyệt đối không được phép nữa, đây chính là phạm phải luật Trời. Lần này nhất định phải diệt trừ.
Người ta nói đây cũng là pháp lý của vũ trụ. Năng lực con người và cảnh giới tư tưởng của họ là tỉ lệ thuận với nhau. Nghe nói rằng đây là phương pháp duy hộ trật tự thế giới của Thiên Thần, không cho phép người xấu có năng lực quá cao để phá hoại trật tự thế giới.
Từ đó mà suy rộng ra, nếu đạo đức nhân loại không đề cao, chỉ thông qua thủ đoạn khoa học kỹ thuật mà đạt được năng lực của Thần, thì căn bản là chuyện hầu như không thể.
Do đó lần này phái thêm Thiên Thần lợi hại xuống, cùng Tôn Ngộ Không đại chiến. Thái Thượng Lão Quân cũng ra trợ chiến. Kết quả chẳng bắt được yêu hầu. Thật là: “Khỉ quái tung hoành trời đất sợ, chăng vây bủa lưới suốt ngày đêm”. Yêu hầu quả thực là quá siêu phàm, lò Bát Quái của Lão Quân cũng không tiêu diệt được.
Cuối cùng phải nhờ Phật Tổ ở Tây Thiên. Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không cũng không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai, cuối cùng bị nhốt 500 năm ở dưới Ngũ Hành Sơn, đúng là Phật Pháp vô biên!
Rất có thể nhiều đọc giả xem đến đoạn đại náo thiên cung sẽ có suy nghĩ Thạch Hầu bị hàm oan và xem Tề Thiên Đại Thánh như anh hùng, còn xem Thần Thánh như hung thần độc ác, không có năng lực gì mấy.
Và người ta còn cho rằng “Nhân định thắng Thiên”, đây quả thực là nhầm lẫn tai hại. Thiên Thần chính là phải duy hộ trật tự thế giới, nếu không thiên hạ đã đại loạn rồi. Con người dù có năng lực đến mấy cũng không thể thoát khỏi bàn tay Phật Tổ được.
Từ câu chuyện đại náo thiên cung có thể phản ánh một số vấn đề như sau:
Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường, nhưng trước mặt Phật Pháp thì chẳng đáng bàn đến. Vậy mà Tôn Ngộ Không đối với người mà nói, là đã cao hơn biết bao nhiêu. Từ đó mà luận, thì năng lực con người quả thực là không đáng để tính đếm nữa.
Tôn Ngộ Không vốn có cơ hội quy chính, nhưng tâm không có ước thúc, một niệm ấy đã dẫn đến hậu quả khác biệt. Trong tôn giáo giảng rằng một niệm thiện tức là thiện, một niệm ác tức là ác. Tư tưởng là quy chuẩn của đạo đức, đối với con người mà nói, là rất trọng yếu. Do đó các chính giáo đều nhấn mạnh vào nhân tâm, hướng ngoại mà cầu thì chính là tà môn oai đạo.
Đạo cao một thước, ma cao một trượng, ấy là oai lý tà thuyết nơi nhân gian. Tà vĩnh viễn không thể thắng chính. Tôn Ngộ Không dẫu có bản lĩnh to lớn như vậy, cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai. Kỳ thực rất nhiều người thường cũng có thể lý giải được đạo lý “nhất chính áp bách tà”.
Theo Secret China
Khải Phong biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-ton-ngo-khong-dai-nao-thien-cung-dia-phu-nhung-khong-thoat-noi-ban-tay-phat-to.html