Nhiều tháng qua, bác sĩ Ngô Thức Tú (Wu Shixiu) tại một bệnh viện ở phía tây Thượng Hải đã thường xuyên áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr loại mới để điều trị các bệnh nhân ung thư.
Nhiều nhà khoa học phương Tây lo lắng về thử nghiệm Crispr đối với cơ thể người ở Trung Quốc (Guang Niu / Getty Images).
Tờ Wall Street Journal đưa tin, các nhà khoa học Mỹ gọi công cụ này là Crispr-Cas9. Từ năm 2012 khi xuất hiện thông tin dùng công cụ này để chỉnh sửa DNA đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Tại Mỹ, các bác sĩ không được phép sử dụng công cụ này để thử nghiệm đối với người. Nhưng đối với bác sĩ Ngô của Trung Quốc thì không bị chế ước như thế.
Bác sĩ Ngô có thể thử nghiệm công cụ này trên cơ thể người vì ông ấy không phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, trái lại còn được Chính phủ khuyến khích. Ban xét duyệt bệnh viện của ông chỉ cần thời gian một buổi chiều để phê duyệt thử nghiệm này. Ông không phải thông qua cơ quan quản lý quốc gia.TAMTHUC
Bác sĩ Ngô cùng nhóm nghiên cứu ở Bệnh viện Ung thư Hàng Châu lấy máu từ bệnh nhân ung thư thực quản, sau đó đưa đến phòng thí nghiệm, phòng thí nghiệm này sử dụng công cụ Crispr-Cas9 lấy gen can thiệp khả năng chống ung thư của hệ thống miễn dịch, từ đó tạo ra tế bào chống ung thư. Sau đó nhóm nghiên cứu của ông tiêm loại tế bào này vào cơ thể bệnh nhân, hy vọng DNA được chỉnh sửa lại sẽ có thể chữa lành bệnh.
Ở ngoài Trung Quốc, không ai được phép thử nghiệm Crispr đối với người. Đại học Pennsylvania phải mất hai năm để đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý chuyên môn thuộc liên bang, bao gồm vô số kiểm tra an toàn, nhưng cho đến nay vẫn không được chấp thuận.
Để được thử nghiệm trên người, Đại học Pennsylvania cần được Ban Cố vấn Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phê chuẩn, sau đó lại qua Ban Kiểm tra Bệnh viện Đại học Pennsylvania và FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc) phê duyệt. 40 năm trước NIH đã thành lập một ban tư vấn sau khi công chúng bày tỏ quan ngại về công nghệ gen mới này.
Ở Trung Quốc, cơ quan quản lý Bộ Y tế ủy quyền cho Ủy ban Luân lý của bệnh viện phê duyệt các nghiên cứu trên cơ thể người.
Bác sĩ Ngô Thức Tú, Phó Viện trưởng Bệnh viện Ung thư Hàng Châu, cho biết: “Trung Quốc không phải là nước đầu tiên thực hiện việc này, nhưng thừa nhận Trung Quốc có ít hạn chế.”
Tuy nhiên một số nhà khoa học phương Tây lo ngại việc Trung Quốc thử nghiệm Crispr đối với người. Họ lo lắng những hậu quả ngoài dự liệu của loại công cụ mới này, ví như là làm bệnh nhân bị tổn thương, vì thế phát triển trong lĩnh vực này bị hạn chế.
Wall Street Journal chia sẻ quan điểm của một số nhà khoa học phương Tây cho rằng, những yêu cầu khắt khe của Mỹ không nên nới lỏng. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng các vấn đề đạo đức liên quan đến thay đổi cơ bản của ADN người vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
“Làm thế nào chúng ta đảm bảo được hình thành nhận thức chung?” Jeffrey Kahn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Luân lý sinh học Berman của Đại học John Hopkins cho biết, do vấn đề đạo đức, Crispr vẫn chưa được thống nhất, “chúng ta cần đẩy mạnh giao lưu quốc tế về vấn đề này.”
Tạp chí Wall Street cho biết, Trung Quốc chắc chắn là nước đầu tiên thử nghiệm Crispr trên cơ thể người. Dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ chỉ ra 9 lần thử nghiệm của Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc còn thực hiện ít nhất hai thí nghiệm y học khác, ít nhất 86 bệnh nhân Trung Quốc đang được thí nghiệm điều chỉnh gen.
Những thử nghiệm này phù hợp với chính sách của Trung Quốc hiện nay. Vào năm 2016, nhà cầm quyền Trung Quốc đã xem việc chỉnh sửa gen là một trong những mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Sau đó, nhiều thí nghiệm Crispr bắt đầu xuất hiện.
Nhưng Crispr có thể gây ra những thay đổi bất thường đối với cơ thể người mà không thể sửa chữa được. Một công bố mới của Đại học Stanford cho thấy nhiều người có thể miễn dịch đối với protein Cas9, một số liệu pháp Crispr có thể gây ra phản ứng miễn dịch nguy hiểm…
Những thí nghiệm của bác sĩ Ngô đã không được công bố kết quả. Tuy bác sĩ Ngô cho biết tình trạng của một số bệnh nhân đã được cải thiện, nhưng ít nhất 15 trong số 86 bệnh nhân đã thiệt mạng, trong khi vị bác sĩ này nói họ thiệt mạng vì căn bệnh của họ.
Laurie Zoloth, Viện trưởng Viện Thần học Đại học Chicago chia sẻ, bà hy vọng các nước sẽ đưa ra tiêu chuẩn Crispr, công bố kết quả và những hiểu biết về đạo đức. “Chúng ta cần phải suy nghĩ về ý nghĩa khoa học (đối với kỹ thuật này), nhằm bảo vệ con người.”
Thanh Xuân
TAMTHUC