Hai vợ chồng đều có một cái tên rất là đẹp, chồng tên là Lạc Tu, vợ tên là Hân Kiến. Chồng thì tinh tiến tu trì Phật pháp, vợ thì xinh đẹp như thiên nữ, người nào đã từng quen biết với cặp vợ chồng này, khi nói về họ cũng đều không tiếc lời khen ngợi.
Hân Kiến không những xinh đẹp còn phúc hậu hiền lành, khiến rất nhiều người hiếu kỳ muốn được nhìn thấy mặt người tiên. Nhưng khổ thay, Hân Kiến không bao giờ bước chân ra khỏi cổng, sợ mình là nguyên nhân mang tới cái họa thị phị Chỉ khi nào các vị tỳ kheo thánh nhân đến nhà nàng mới chịu đích thân tiếp đãi và lễ kính cúng dường. Danh tiếng nhan sắc của nàng vang lừng khắp nơi, xa gần không ai là không nghe nói đến và tấm tắc khen ngợi.
“Danh thơm đưa đến sự ganh tị, nhan sắc đưa đến tai họa”. Nhan sắc mỹ lệ của Hân Kiến suýt chút nữa đã là nguyên nhân cái chết của hai vợ chồng.
Có một ông vua tên là Tự Tại, nghe đồn về nhan sắc của Hân Kiến, cũng muốn được một lần nhìn xem nàng xinh đẹp tới mức nào. Một hôm ông hỏi vị đại thần thân cận nhất:
– Có cách nào cho ta được thấy nàng không?
Vị đại thần trả lời:
– Hai vợ chồng họ đã quy y Tam Bảo, đã thọ năm giới, nghiêm trì giới luật, bình thường rất ít khi ra khỏi nhà. Phu nhân Hân Kiến bình thường không chịu tiếp một ai, nếu đại vương nhất định muốn nhìn thấy mặt phu nhân, thì chỉ có một cách là giả làm tỳ kheo, lúc ấy phu nhân Hân Kiến mới bằng lòng tiếp đãi.
Vua Tự Tại làm đúng lời khuyên của vị đại thần, giả dạng làm một người tu hành đến nhà của Hân Kiến, quả nhiên được nàng tiếp đãi một cách nhiệt thành. Về lại nhà, ông không phút giây nào là không nhớ nghĩ đến nàng, vì trong đời ông chưa từng gặp một người đẹp như thế. Ông bèn nghĩ làm cách nào để có thể sống chung với mỹ nhân mãi mãi, nhưng biết làm sao đây? Ông lại tìm đến vị đại thần nói trên để vấn kế, vị này trả lời :
– Tuy hai vợ chồng là người tu hành và lại là người từ xa đến đây sinh sống, song đã cư trú ở nước này thì đều là thần dân của đại vương. Nếu đại vương cho triệu họ đến gặp mà không đến là họ không tuân thánh chỉ, là có tội phải phạt, lẽ nào họ không sợ tội hay sao? Thần còn xin tâu thêm rằng, tại một nơi cách đây hơn ngàn dặm, có một cái hồ rất lớn, trong hồ ấy có mọc những đóa hoa sen ngũ sắc, nếu có ai muốn hái những đóa hoa sen ấy phải vượt qua ba loại tai nạn, một là rắn độc, hai là ác thú, ba là giặc cướp. Chúng ta không có lý do gì tự nhiên bắt tội người ta, nhưng nếu cứ khống chế cho là họ có tội, thì đại vương chỉ cần kêu Lạc Tu đi hái những đóa hoa sen ấy về, tự nhiên hắn sẽ táng thân mất mạng. Đại vương, nếu muốn bắt mỹ nhân Hân Kiến, thì đây là một giải pháp có thể giúp đại vương thành tựu được ý nguyện.
Vua Tự Tại lúc ấy không còn nhân tính, tâm tư đã hoàn toàn bị tham dục sai sử, không còn biết đâu là lương tâm, là lẽ trời, nên cứ đúng theo lời khuyên của vị đại thần mà thi hành. Ông lập tức cho triệu Lạc Tu vào cung, hỏi rằng:
– Khanh là thần dân của ai?
– Thần là thần dân của đại vương.
– Đã là thần dân của ta, vậy thì tại sao từ trước đến nay không đến bái kiến ta?
– Thần tự thấy mình ngu si dốt nát, từ trong bùn lầy nước đọng sinh ra nên không dám đến bái kiến đại vương.
Vua Tự Tại sa sầm nét mặt:
– Ngươi có biết không đến bái kiến vua là có tội hay không?
– Xin đại vương bớt giận, thần đã tự biết lỗi của mình rồi.
Vua Tự Tại khấp khởi mừng thầm, thấy kế hoạch của mình sắp thành công, hình bóng của mỹ nhân sắp xuất hiện trước mắt mình, bèn nói tiếp:
– Ngươi đã tự biết lỗi, ta sẽ không xử tử ngươi. Nhưng ta đang muốn một vật này, nếu như ngươi mang về được cho ta thì ta sẽ xá tội cho ngươi.
Lạc Tu hỏi:
– Thần sẵn sàng làm những gì đại vương sai bảo, nhưng không biết đại vương muốn sai thần đi đâu và mang những gì về cho đại vương, xin đại vương chỉ dạy rõ ràng.
– Cách đây hơn ngàn dặm đường có một cái hồ lớn, trong ấy có mọc những đóa sen ngũ sắc ngạt ngào hương. Ta chỉ cần ngươi hái về cho ta một đóa thôi. Nhưng ta căn dặn ngươi, ngươi phải trở lại trong vòng bẩy ngày. Qúa thời hạn bẩy ngày ta sẽ kết tội ngươi chậm trễ.
Lạc Tu về nhà, đem tất cả mọi sự kể cho vợ nghe. Hân Kiến nghe xong buồn bã nói:
– Tai nạn của chàng hôm nay là do nhan sắc của thiếp mà ra. Đức Phật đã từng nói, tam giới không phải là nơi chắc chắn, ta chỉ có thể nương tựa vào giới luật mà thôi. Khi ra đường, chàng phải niệm thầm danh hiệu Phật, không phút giây nào quên lãng. Có như thế mới có thể biến họa thành phúc được. Nhưng nếu chẳng may chàng có bề gì, thiếp sẽ xuống tóc xuất gia, quyết vì chàng thiếp sẽ không bao giờ tái giá.
Hân Kiến chuẩn bị lương khô cho chồng mang theo và hai người từ biệt nhau. Đây là một cuộc chia tay đau đớn, nhưng họ không bịn rịn khóc lóc như người thường. Lạc Tu sửa soạn đâu đó xong xuôi là lập tức lên đường, hướng thành ngoại mà ra đi.
Từ khi ra khỏi cửa đi ròng rã được bốn ngày, Lạc Tu mới gặp phải chuyện chưa từng thấy. Hôm ấy, đương trời sắp tối, trên con đường hoang vắng, bỗng có một bọn cướp kéo đến rất đông đảo, trong tay cầm nào gươm nào đao, nào thương nào kích, trông hung dữ bạo tàn rất ghê rợn. Lạc Tu thấy họ thì chỉ một lòng niệm thánh hiệu của Phật. Tướng cướp chận đường hỏi:
– Ê, mi là ai? Dám cả gan tới đây làm gì?
– Tôi tên là Lạc Tu, là đệ tử của Đức Phật, phải tới đây để hái hoa sen ngũ sắc.
Lạc Tu trả lời một cách cứng cỏi. Nghe chàng tự xưng mình là đệ tử của Đức Phật, thái độ và giọng nói của bọn cướp thay đổi hẳn, họ trở nên tử tế và hiền hòa:
– Trước vua đã gởi nhiều người tới đây hái hoa, nhưng chúng tôi căm hận vua trị nước không công minh nên chúng tôi giết hết những người ấy rồi. Huynh không phải là người có tội mà bị vua ra lệnh tới đây. Chúng tôi tuy là một lũ giặc cướp nhưng tuyệt đối không hại đệ tử của đức Phật, huống chi huynh là người vô tội? Ngay giờ phút này chúng tôi xin thả huynh đi, nhưng trên đường đi như thế, huynh sẽ phải gặp rắn độc và ác thú, chưa chắc đã tránh khỏi bị chúng làm hại. Thôi thì bây giờ huynh không cần phải đi, chúng tôi sẽ đi hái hoa thay huynh, sau đó huynh có thể bình an mà trở về. Chúng tôi làm như thế vì cũng có chút kính trọng đối với Đức Phật, và nếu chúng tôi giúp đỡ cho đệ tử của Ngài thì sau này chúng tôi có thể chia được một chút phúc đức. Xin huynh ở lại đây chờ một chút.
Không lâu sau, họ đem hoa sen ngũ sắc về, không phải chỉ một đóa hoa mà là rất nhiều hoa, Lạc Tu không thể nào khuân nổi. Bọn cướp bèn gởi người khuân giúp Lạc Tu và hộ tống chàng về tới cửa thành mới chia tay.
Khi Lạc Tu vào yết kiến vua Tự Tại, vua kinh ngạc tột độ khi thấy chàng đã về tới bình yên vô sự, bèn hỏi rằng:
– Trên đường đi khanh đã gặp những gì? Làm sao khanh lại có thể về tới mau chóng như thế?
Lạc Tu không dấu giếm, đem tất cả mọi chuyện ra kể cho vua Tự Tại nghe. Vua nghe rồi, xấu hổ mà rằng:
– Bọn cướp là cái phường không biết phải trái, vì thế ngày thường vẫn gia hại khách buôn qua lại. Vậy mà khanh được họ giúp đỡ, khanh đã cảm hóa được họ, khanh hẳn phải là người rất thiện lương. Đáng xấu hổ thay cho ta đang trên cương vị một ông vua mà không biết phân biệt thiện ác, không rõ đúng sai, bọn giặc cướp mà còn biết kính trọng khanh và khinh thường ta nữa là! Khanh là người được bọn đạo tặc tôn kính, thế mà ta lại lập kế mưu hại khanh, ta thật là sai quấy!
Lúc ấy vua Tự Tại thật sự cảm thấy xấu hổ, bèn sám hối với Lạc Tu và phát nguyện quy y Đức Phật thọ trì ngũ giới, sửa chữa sai lầm cũ, xây dựng một tương lai thiện lành, và trở thành một vị đại hộ pháp của Đức Phật.
Về sau vua Tự Tại dùng đức độ nhân từ mà trị dân, bọn cướp bỏ nghề cũ trở về với đời sống lương thiện, quốc gia vì thế mà trở nên thái bình an lạc.
Sự thật, chính là vợ chồng Lạc Tu đã chân thành tu hành Phật pháp nên mới cảm hóa được mọi người.
Truyện Tích Phật Giáo
Tác giả: Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn
Dịch giả: Diệu Hạnh & Giao Trinh