Hơn ngàn năm trước, Đức Phật Di Lặc đã hiển hiện với thế nhân dưới xác thân Bố Đại Hòa Thượng, mà người đời không hay biết…
Những cuốn cổ thư như “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, “Ngũ Đăng Hội Nguyên”, “Minh Châu Cảm Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng Truyện”, v.v. đều có ghi chép về sự tích của hòa thượng Bố Đại. Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thời Tống (1004) chép:
“Quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa. Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự xưng mình là Khiết Thử, mọi người thường gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là ‘Hòa Thượng Túi Vải’. Nhưng từ các câu chuyện và sự tích của Ngài, chúng ta cũng có thể thấy được phần nào Thiên cơ.
Pháp lực Thần thông là viên dung
Hòa thượng Bố Đại, tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ, thường dùng một cây gậy, quảy chiếc túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ, vào xóm, Ngài thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ươn hay rau úa, xin được, bỏ vào miệng, còn lại thì bỏ vào túi. Nhưng hễ ai cần cái gì, thiếu cái gì, Ngài liền lấy trong túi ra cho.
Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy.
Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm ướt đi bươn bả trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết hôm ấy sẽ ra sao.
Ẩn dưới thân phàm để độ nhân
Ngài luôn luôn mang theo cái túi vải lớn và một cây tích trượng, không bao giờ rời xa hai vật ấy. Lại còn có 18 đứa con nít nhỏ thường đeo đuổi bên Ngài để chọc ghẹo mà Ngài vẫn cười hề hề, không phiền trách chi cả. Đứa thì móc lỗ mũi, đứa dùi lỗ tai, đứa chọc rốn, đứa móc miệng, đứa bịn mắt, v.v. Trong chữ Hán, chữ Lý (李) chiết tự là Thập (十) nghĩa là 10, Bát (八) nghĩa là 8, Tử (子) nghĩa là trẻ con.
Khi Ngài ở tại xứ Mân Trung, có một cư sĩ họ Trần, thấy Ngài làm nhiều việc kỳ thần, nên khoản đãi Ngài rất cẩn trọng. Lúc Ngài từ giã Trần cư sĩ mà đi qua xứ Lưỡng Chiết, ông muốn rõ tên họ Ngài, bèn hỏi rằng: “Thưa Hòa thượng, xin cho tôi biết họ Ngài là chi, sinh năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, và xuất gia đã bao lâu rồi?”.
Ngài đáp rằng: “Ta nói cho ngươi rõ rằng ta chính là họ Lý, sinh ngày mùng tám tháng hai. Ta chỉ biểu hiện cái túi vải này là để độ đời đó thôi. Vậy ngươi chớ tiết lộ cho ai biết”.
Tu Phật là tu cái Tâm, tu Chân
Ông Trần cư sĩ thưa: “Đệ tử ngu dốt, biết làm sao để thấy Phật tính?”.
Ngài bèn đáp bài kệ:
“Phật tức Tâm, Tâm ấy là Phật,
Mười phương thế giới là linh vật;
Tung hoành diệu dụng biết bao nhiêu,
Cả thảy chẳng bằng Tâm Chân Thật.”
Ngài có vô số Pháp thân, xuống nhân gian kết thiện duyên
Đêm ấy Ngài ở lại nhà Trần cư sĩ. Trước khi đi, Ngài viết một bài kệ dán nơi cửa:
“Ta có một thân Phật,
Có ai đặng tường tất;
Chẳng vẽ cũng chẳng tô,
Không chạm cũng không khắc;
Chẳng có chút đất bùn,
Không phải màu thể sắc;
Thợ vẽ, vẽ không xong,
Kẻ trộm, trộm chẳng mất;
Thể tướng vốn tự nhiên,
Thanh tịnh trong vặc vặc;
Tuy là có một thân,
Phân đến ngàn trăm ức.”
Một ngày nọ, ông Ma Ha cư sĩ cùng Ngài đồng tắm dưới khe Trường Đinh. Khi Ngài đưa lưng bảo ông Ma Ha kỳ giùm, thì ông thấy nơi lưng Ngài có bốn con mắt rực rỡ chói lòa, bèn lấy làm kinh dị vô cùng. Ông liền bái Ngài mà nói rằng: “Hòa thượng quả là một vị Phật tái thế”.
Ngài liền khoát tay bảo nhỏ rằng: “Ngươi chớ nói tiết lộ. Ta cùng ngươi ở với nhau đã ba bốn năm nay, vốn là có nhân duyên rất lớn. Rồi đây ta sẽ từ biệt ngươi mà đi, vậy ngươi chớ buồn rầu thương nhớ“.
Ngài nói rồi, bèn về nhà ông Ma Ha cư sĩ mà hỏi rằng: “Ý ngươi có muốn giàu sang hay không?”.
Ông Ma Ha cư sĩ thưa rằng: “Sự giàu sang như phù vân, như giấc chiêm bao, có cái gì là bền lâu chắc chắn đâu, nên tôi nguyện làm sao cho con cháu tôi đời đời được lâu bền mà thôi”.
Ngài bèn lấy cái túi của Ngài, móc ra một cái túi nhỏ, một cái hộp, và một sợi dây, liền đưa cho ông Ma Ha cư sĩ mà nói rằng: “Ta cho ngươi mấy vật này mà từ biệt. Song ta căn dặn ngươi phải giữ gìn cho kỹ càng mà làm biểu tín những việc hậu vận của nhà ngươi”.
Ông Ma Ha cư sĩ nhận mấy món ấy mà chẳng rõ được là ý gì. Cách vài bữa sau Ngài trở lại nhà ông mà hỏi rằng: “Nhà ngươi có hiểu được ý ta hay không?”.
Ông thưa rằng: “Thưa Ngài! Đệ tử không rõ”.
Ngài nói rằng: “Đó là ta muốn con cháu nhà ngươi ngày sau cũng như mấy vật của ta cho đó vậy”.
Nói rồi Ngài bèn từ giã mà đi.
Đến sau, quả nhiên con cháu của ông Ma Ha cư sĩ được vinh hoa phú quý, hưởng lộc nước đời đời. Đó là mấy vật của Ngài cho có hiệu nghiệm như vậy.
Thần Phật hạ thế độ nhân nhưng người đời trong mê mà không thấy
Nhằm ngày mùng ba tháng ba, năm thứ ba, niên hiệu Trịnh Minh, Ngài không tật bệnh gì, ngồi trên bàn thạch gần nơi mái chùa Nhạc Lâm mà nhập diệt.
Trước khi tịch, Ngài ngâm câu kệ:
“Di Lặc, Chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.”
Dịch thơ:
“Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Thời thời trước người đời
Người đời tự chẳng biết.”
Bài kệ này đã nói rõ cho thế nhân biết, Ngài đã và đang chuyển sinh xuống cõi nhân gian kết duyên với những người có duyên “Thời thời thị thời nhân”. Nhưng con người vốn trong mê, vẫn không hay biết “Thời nhân tự bất thức”. Người đời tự mình chìm đắm trong mê hoặc của cái danh lợi tình hư ảo cõi nhân gian mà bị mê mờ, che lấp Phật tính, không nhận ra Ngài luôn hiển hiện ngay trước mắt.
Trong Kinh Phật nói rằng khi hoa Ưu Đàm Bà La khai nở, Phật Di Lặc tương lai sẽ hạ thế phổ độ chúng sinh. Kể từ năm 1997, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Australia, các tiểu bang nước Mỹ, Canada, các tỉnh Trung Quốc, người ta liên tục phát hiện hoa Ưu Đàm Bà La thánh khiết khai nở.
Hoa Ưu Đàm không có rễ, không có lá, không có nước, không có đất, có thể mọc trên thủy tinh, sắt thép, tượng Phật, lá cây, hộp giấy và cả băng keo, có hoa mọc hơn 1 năm nhưng vẫn bừng bừng sức sống. Phải chăng Đức Phật Di Lặc đã giáng thế? Hơn ngàn năm trước Ngài cũng hiển hiện với thế nhân dưới xác thân Bố Đại Hòa Thượng, mà người đời không hay biết, hy vọng lần này con người có thể minh bạch, không để tuột mất cơ hội ngàn vạn năm này.
Nam Phương
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/1000-nam-truoc-duc-phat-di-lac-chuyen-sinh-coi-nhan-gian-nhung-nguoi-doi-khong-hay-biet.html