Blog Tâm Thức
Dấu chân người hóa thạch 800.000 năm tuổi ở Anh, lịch sử cần phải được viết lại
Wednesday, 28/02/2018 09:00 am

Blog Tâm Thức

Năm 2013, các nhà khảo cổ đã công bố phát hiện hàng loạt dấu chân hóa thạch của một nhóm người lớn và trẻ em có niên đại 800.000 năm tuổi.

Dấu chân người hóa thạch 800.000 năm tuổi ở Anh
Dấu chân người có niên đại hơn 800.000 năm tuổi, được phát hiện tại Happisburgh, nước Anh. (Ảnh: Simon Parfitt)

Những dấu chân hóa thạch được phát hiện đầu tiên tại bờ biển Happisburgh, Norfolk, nước Anh, vào tháng 5/2013.

Dấu chân của một gia đình 5 người?

“Thoạt đầu, chúng tôi không chắc về những gì mình nhìn thấy, nhưng khi dọn hết cát và bọt biển đi, những vết lõm hiện rõ ra trông như những dấu chân, có lẽ là dấu chân người,” Tiến sĩ Nick Ashton thuộc Bảo tàng Anh, trưởng nhóm tác giả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PLos One cho biết

Dấu chân người hóa thạch 800.000 năm tuổi ở Anh
Bề mặt các dấu chân (ảnh: Martin Bates)

Với sự trợ giúp của một kỹ thuật gọi là phép quang trắc (xác định các thuộc tính hình học của vật thể từ các ảnh chụp), Tiến sĩ Ashton và các đồng nghiệp có thể ghi lại bề mặt đá trầm tích, nơi các vết lõm được tìm thấy trước khi bị nước biển tràn lên. Phân tích các bức ảnh khẳng định rằng các vết lõm là dấu chân của một nhóm khoảng 5 người.

Các phân tích cho thấy các dấu chân có các kích cỡ từ người lớn đến trẻ em. Và trong một số trường hợp, các nhà khoa học còn xác định được gót chân, vòm chân và thậm chí là cả ngón chân, tương đương với đôi giày hiện đại có kích cỡ 39-41 của châu Âu.

>> Hộp sọ 260.000 năm tuổi tìm thấy ở Trung Quốc có thể viết lại lịch sử tiến hóa

Dấu chân người 800.000 năm trước (ảnh: Bảo tàng Anh)

“Chúng tôi có thể đo được chính xác chiều dài, chiều rộng của một số dấu chân và ước tính được chiều cao của những cá nhân đó. Trong hầu hết các cộng đồng người từ xưa đến nay, chiều dài bàn chân thường bằng khoảng 15% chiều cao,” Tiến sĩ Isabelle De Groote, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Liverpool John Moores giải thích.

“Do đó chúng ta có thể ước tính chiều cao của những người này dao động từ khoảng 0,9 m đến trên 1,7 m. Khoảng chiều cao này cho thấy họ gồm có cả người lớn và trẻ em. Trong đó dấu chân lớn nhất có thể là của người đàn ông.”

Các nhà khoa học cũng cho rằng nhóm người để lại các dấu chân hóa thạch này là một gia đình 5 người thời cổ đại.

Mô hình dấu chân được tạo ra từ phần mềm quan trắc hình ảnh với bức ảnh phóng to của một dấu chân cho thấy vết lõm của ngón chân (ảnh: Sarah Duffy / Đại học York).

Xác định niên đại của dấu chân hóa thạch

Theo các báo cáo, 10 năm qua, ở những khu vực lân cận tại bãi biển Happisburgh, người ta cũng tìm thấy các công cụ bằng đá và xương hóa thạch có niên đại 800.000 năm. Và phát hiện mới nhất về những dấu chân bí ẩn này được cho là có liên hệ với chúng.

“Mặc dù chúng tôi biết rằng các trầm tích đã rất lâu đời, nhưng chúng tôi phải chắc chắn rằng các vết lõm cũng được hình thành từ xa xưa chứ không phải gần đây. Và kết quả là không có quá trình xói mòn đã biết nào có thể tạo ra những hình dạng đó. Hơn nữa, các trầm tích này quá rắn chắc, các vết lõm không thể hình thành trong thời gian gần đây”, đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ. Simon Lewis thuộc Đại học Queen Mary ở London cho biết.

Mô hình bề mặt dấu chân được tạo ra từ phần mềm quan trắc hình ảnh (ảnh: Sarah Duffy/ Đại học York)

Vậy làm thế nào các nhà nghiên cứu đưa ra được niên đại của các dấu chân là 800.000 năm?

Độ tuổi của địa điểm này được xác định dựa trên lớp địa chất nằm bên dưới các trầm tích sông băng tạo nên các vách đá và đồng thời dựa vào niên đại của tàn tích các loài động vật đã tuyệt chủng.

Tại địa điểm này, các chuyên gia đã tìm thấy những tàn tích của thực vật, bọ cánh cứng, vỏ sò và các loài sinh vật khác, cho phép họ dựng lại một cách chính xác cảnh quan của khu vực thời cổ đại.

Lịch sử cổ đại cần được viết lại

Không chỉ tại Happisburgh, các nhà khoa học đã phát hiện được hàng loạt các dấu chân hóa thạch của con người tiền sử có niên đại xa xưa hơn, ví dụ tại Laetoli ở Tanzania khoảng 3,5 triệu năm trước, tại Ileret và Koobi Fora ở Kenya khoảng 1,5 triệu năm trước.

Thậm chí, các nhà khoa học còn phát hiện ra dấu chân đi giày hóa thạch của người tiền sử cách đây đã hơn 260 triệu năm.

Vậy câu hỏi đặt ra sau tất cả là phải chăng chúng ta đã hiểu sai về lịch sử? Phải chăng con người đã sinh sống trên Trái đất từ sớm hơn rất nhiều so với quan điểm của thuyết tiến hóa Darwin?

Khi xem xét tất cả các phát hiện gần đây, rõ ràng đó là một khả năng. Tuy nhiên, những học giả chủ lưu khó có thể tiếp nhận điều này, bởi nó đồng nghĩa với việc lịch sử của nhân loại và các vấn đề tôn giáo sẽ thay đổi rất nhiều và chúng ta sẽ phải viết lại lịch sử. Đây là điều các học giả chủ lưu có lẽ chưa dám đối mặt.

Video về phát hiện dấu hóa thạch 800.000 năm tuổi:

Theo sci-news.com
Thiện Tâm tổng hợp

>> Các hóa thạch của thuyết tiến hóa: Sự thật hay bị làm giả?

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/dau-chan-nguoi-hoa-thach-800-000-nam-tuoi-o-anh-lich-su-can-phai-duoc-viet-lai.html