“Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất”, trích Luận “Đại Trí độ”.
Nguồn gốc phóng sinh
Nói đến phóng sinh, thường chúng ta nghĩ đến giới sát trong Phật giáo, là giới quan trọng nhất bắt buộc các Phật tử cho đến các cư sỹ, tăng ni đều phải theo: Không sát sinh. Cùng với tu Thiện, nên khởi tâm từ bi, thương xót những con vật sắp bị con người giết thịt, nên mua lại và thả chúng về với môi trường thiên nhiên của chúng, gọi là phóng sinh.
Đức Phật khi còn là thái tử Tất Đạt Đa, lúc 9 tuổi dạo chơi trong vườn thấy con thiên nga bị người em họ Đề Bà Đạt La bắn rơi, Ngài đã tìm hết cách không để Đề Bà bắt lấy, rồi chữa trị nuôi chim, đến khi lành rồi thả về thiên nhiên.
Kinh Phạm Võng, Phật có dạy: “Mỗi một chúng sinh đều là anh em, thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt, bị giết, bị ăn thịt… vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự; không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú“.
Nhưng không chỉ Phật giáo, các tôn giáo truyền thống Á Đông như Nho giáo và Đạo giáo cũng giảng về phóng sinh, và cũng có tập tục này.
Liệt Tử, nhân vật tiêu biểu Đạo gia (trước Trang Tử) viết trong “Liệt Tử – Thuyết phù” rằng: “Người dân Hàm Đan, vào một ngày tháng giêng bắt được con tu hú tặng cho Giản Tử. Giản Tử rất vui, hậu thưởng cho anh ta. Khách hỏi nguyên do, Giản Tử nói: “Tháng giêng phóng sinh là bày tỏ ân đức đó”.
Khách nói: “Dân biết ngài muốn phóng sinh, sẽ tranh nhau bắt, chim thú chết sẽ rất nhiều, nếu ngài muốn chim thú sống, hãy cấm dân bắt, bắt rồi phóng sinh, ân đức không bù nổi tội lỗi đâu”, Giản Tử khen: “Hay”.
Trong “Khổng Tử gia ngữ” phần “Ngũ Đế đức” có viết: “Nhân hậu cập ư điểu thú côn trùng” (Lòng nhân hậu thi ân đến cả loài chim, thú, côn trùng).
Các chính giáo từ xa xưa đã dạy con người sống nhân ái, thiện lương, hòa hợp với thiên nhiên. Lòng nhân ái, thiện lương không chỉ với mọi người mà còn đối với cả các sinh linh, động lòng trắc ẩn, xót thương khi thấy con vật, chim muông cho đến côn trùng bị giết hại, nên mới mua lại những con vật bị bắt, bẫy để thả chúng về tự nhiên.
Phóng sinh tạo phúc hay tạo nghiệp?
Luận “Đại Trí độ” trong Phật giáo viết: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Như vậy phóng sinh là công đức rất lớn, vừa tránh cho người ta tội sát sinh, vừa có phúc báo của việc hành thiện cứu sinh linh khỏi bị sát hại.
Bản thân việc phóng sinh là việc thiện, là hành thiện, và theo luật nhân quả là sẽ tạo được phúc báo. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ đạo lý thì phóng sinh sẽ trở thành làm việc xấu, tạo nghiệp mà không tự biết.
Phật giáo cũng khuyên không nên cầu phúc hữu lậu, tức là được phúc báo về danh lợi. Bản thân việc hành thiện để cầu phúc báo hữu lậu thì tuy có phúc mà vẫn đau khổ, bị trói buộc vào danh, lợi, tình.
Như vậy việc phóng sinh để cầu phúc báo là phúc hữu lậu. Người theo Phật chân chính (Tăng ni, Phật tử, cư sỹ, tín chúng) sẽ không cầu phúc hữu lậu mà sống theo đúng luật nhân quả và giữ giới, thì sẽ tránh được cái ác, tránh tạo nghiệp. Sống theo nhân quả, tuy không cầu mà phúc báo tự đến.
Nếu như có ý mua chim, cá, rùa, hay các con vật khác để phóng sinh, thì đó là hữu cầu, cầu phúc báo. Nhiều người cùng làm như vậy, sẽ khiến những người không hiểu nhân quả vì lợi mà đi bắt chim, cá, rùa… về để bán cho mọi người phóng sinh.
Như câu chuyện của Giản Tử ở trên, lúc đó tội lỗi gây ra lớn hơn phúc báo, ân đức tạo được rất nhiều lần. Khi đó người mua phóng sinh vừa tạo ra nghiệp ác khiến nhiều con vật bị chết oan uổng, mà còn gây nghiệp ác cho những người dân nghèo không hiểu nhân quả.
Còn quy định ngày rằm, ngày lễ phóng sinh thì ngoài nghiệp do tội lỗi gây ra lớn hơn ân đức, phúc báo như nói trên. Về thực chất, hoàn toàn không có tý chút phúc báo nào vì nó không phải việc thiện.
Chu Tử có dạy: “Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện; Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác” (Làm thiện muốn người ta thấy, không phải là thiện thực sự; Làm ác sợ người ta biết, đó là đại ác). Mua phóng sinh theo phong trào, theo nghi lễ, kêu gọi mọi người đến, còn quay phim, chụp ảnh, viết bài, đưa tin lễ phóng sinh, đều là giả thiện. Không phải thiện thì không có chút phúc báo nào, trong khi đó, tội lỗi, ác nghiệp trùng trùng, cộng nghiệp của đám đông như thế sẽ lớn dường nào.
Phóng sinh thế nào được phúc báo?
Khi phát tâm từ bi, phóng sinh là chúng ta đã có tâm hướng thiện, muốn làm việc tốt. Người xưa dạy rằng: “Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, nhưng họa đã rời xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến, nhưng phúc đã rời xa”. Nhưng nhiều khi chúng ta thấy người khác làm thì làm theo, nhất là những việc có nhiều người làm, có những nhân vật có danh tiếng trong tôn giáo, trong chính quyền và trong xã hội làm thì cứ mặc nhiên coi là tốt là đúng, mà làm theo. Vì vậy, chúng ta nên lý trí suy nghĩ, tìm hiểu kỹ trước khi làm việc được coi là thiện, xem có thực sự là thiện không.
Khi chúng ta ngẫu nhiên gặp con vật bị bắt, bẫy, xuất phát từ lòng trắc ẩn, thương xót sinh linh sắp lìa đời, hoàn toàn không cầu mong gì, mua con vật đó thả phóng sinh, thì không cầu mà phúc báo tự đắc được.
Khi chúng ta thấy người khác bắt, bẫy, giết thịt con vật, động đến cái tâm thiện của mình, muốn cứu con vật, hoặc muốn tránh tội sát sinh cho người khác, với thiện ý tốt cho người khác, thì đó là chân thiện, công đức, phúc báo không cầu tự đắc.
Làm việc thiện không cầu phúc báo, không cầu danh, không cần người khác biết đến, đó là chân thiện.
Làm việc thiện, tạo lợi ích cho người khác, là chân thiện.
Việc gì vì người khác, vị tha là chân thiện, trái lại vì mình, vị kỷ là giả thiện. Chân thiện tự nhiên được phúc báo, giả thiện không những không được phúc báo, mà rất có thể còn phải chịu nghiệp ác mà mình không tự biết.
Nam Phương
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/phong-sinh-the-nao-de-nhan-duoc-phuc-bao-thuc-su.html