Blog Tâm Thức
Bí ẩn phòng thí nghiệm trong đài tưởng niệm hỏa hoạn London 1666
Monday, 05/03/2018 01:36 am

Blog Tâm Thức

Cách đây gần 350 năm, tại London (Anh) có một Đài Tưởng niệm với chiều cao hiếm thấy được dựng nên để tưởng nhớ vụ Đại Hỏa hoạn đã thiêu rụi ¾ diện tích của thủ đô nước Anh. Nhưng ít ai biết rằng, Đài Tưởng niệm ấy còn có một công dụng bí mật với vai trò như một thiết bị khoa học khổng lồ, và ẩn bên trong một phòng thí nghiệm vô cùng bí ẩn.

Đài Tưởng niệm mang hình dáng kiến trúc Doric nổi tiếng, tọa lạc gần Cầu London. Đối với nước Anh nói riêng và du khách nói chung, đây là hai biểu tượng nổi bật của London và cũng là hai địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi đến xứ sở sương mù.
Đài Tưởng niệm là một cột trụ bằng đá cao hơn 60m, nằm giữa Phố Cá (Fish Street Hill) và đường Monument, cách tiệm bánh của ông Thomas Farriner thuở xưa khoảng 700m. Cửa hàng nhỏ bé này là nơi bắt nguồn của vụ Đại Hỏa hoạn xảy ra vào ngày 2/9/1666.
Từ thảm kịch lớn nhất trong lịch sử nước Anh…

Tháp tưởng niệm vụ cháy thành London năm 1666 ẩn chứa một bí mật (Ảnh: museumoflondonprints.com)

Vào lúc nửa đêm ngày 2/9/1666, ông chủ tiệm bánh Thomas Farriner trên đường Pudding Lane đi kiểm tra cửa hàng một lần cuối. Ông cào than trong lò, vốn vẫn còn ấm sau một ngày làm bánh, rồi dập tắt lò trước khi đi ngủ. Nhưng than hồng vẫn còn âm ỉ cháy và bùng lên, bén nhanh vào những vật dụng xung quanh.

Vào lúc 1 giờ sáng, Farriner sợ hãi khi thấy ngọn lửa đã bao trùm ngôi nhà. Ông cùng cô con gái đã sống sót nhờ nhanh chóng thoát qua cửa sổ trên tầng và bò theo máng nước qua nhà hàng xóm. Một người hầu nam của ông cũng kịp chạy thoát, nhưng người nữ hầu đã thiệt mạng do ngạt khói.

Ngọn lửa bùng phát từ một tiệm bánh (Ảnh: blog.teachnet.ie)

Một vài người hàng xóm xung quanh mang xô hắt nước vào đám cháy, nhưng phần đông những người còn lại chỉ đứng nhìn hoặc lo bảo vệ tài sản của nhà mình.

Bỗng một cơn gió Đông lớn nổi lên khiến đám cháy bùng phát tại tiệm bánh lan sang các dãy nhà khác trước khi tràn sang Phố Cá, một khu phố chật hẹp, sầm uất đông người qua lại.

Ngọn lửa đi tiếp về phía Nam hướng đến sông Thames, phá hủy mọi tòa nhà trên đường đi của nó. Nhà thờ Thánh Magnus trở thành nhà thờ đầu tiên trong số 84 thánh đường bị lửa thiêu hủy, cùng với hàng chục thị sảnh và nhà kho ven sông. Cảnh tượng hỏa ngục diễn ra không kiểm soát trên bờ sông Thames.

Bão lửa bao trùm thành phố London năm 1666 nhìn từ sông Thames (Ảnh: www.history.com)

Sang ngày 3/9, ngọn lửa tiếp tục tấn công thành phố theo hướng Bắc. Lo sợ cả thành phố bị thiêu rụi, Vua Charles II đã cử người em là Công tước xứ York chỉ huy việc cứu hỏa. Nhưng lửa lan quá nhanh, liếm qua Sở Giao dịch Hoàng gia trước khi thiêu rụi Lâu đài Baynard.

Ngày 4/9, ngọn lửa hung hãn tiếp tục nuốt chửng Tòa thị chính London cùng hầu hết các dãy nhà ở khu vực giàu có Cheapside. Khi trận hỏa hoạn bắt đầu, rất nhiều người đã đến lánh nạn ở nhà thờ Thánh Paul, một thánh đường Trung Cổ có đỉnh tháp cao gần 153 mét. Người ta cho rằng kiến trúc bằng đá và khuôn viên giáo đường rộng lớn của nhà thờ sẽ bảo vệ họ, nhưng vào lúc 8 giờ tối, ngọn lửa tiếp tục tấn công nhà thờ khiến người dân hoảng sợ bỏ chạy.

May sao đêm đó, trận gió Đông khắc nghiệt làm thổi bùng trận Đại Hỏa hoạn cuối cùng cũng dịu xuống, cho phép đội cứu hỏa của Công tước xứ York thực hiện nhiệm vụ của họ. Nhưng  Nhà thờ Thánh Paul là một trong những tòa nhà lớn cuối cùng đã bị hủy diệt trong trận đại hỏa hoạn.

Trận Đại hỏa hoạn đã thiêu rụi 13.200 căn nhà, 87 nhà thờ, hơn 160.000 m2 diện tích thành phố, khiến hơn 100.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại vật chất ước tính khoảng 100 triệu bảng thời bấy giờ. Samuel Pepys, một nhân chứng bấy giờ đã mô tả diễn tiến vụ Đại Hỏa hoạn: “Một đám cháy kinh hoàng, tàn bạo và đẫm máu nhất”.

Người dân tháo chạy khỏi đám cháy (Ảnh: archhistdaily.wordpress.com)

Có khá nhiều yếu tố được đưa ra để lý giải nguyên nhân vì sao từ một đám cháy nhỏ tại hiệu bánh, lại có thể biến thành trận Đại Hỏa hoạn, thiêu rụi gần hết thành phố London. Có giả thuyết cho rằng do âm mưu ngoại bang phóng hỏa hủy diệt thành phố, cũng có thuyết cho rằng do một kẻ tâm thần hiềm khích châm lửa đốt tiệm bánh của ông Thomas Farriner…

Sau bao cuộc điều tra không ra kết quả, kết luận cuối cùng của Quốc hội là: Do “bàn tay trừng phạt của Chúa, một cơn gió lớn cùng khí hậu rất khô”.

Nhà tiên tri Nostradamus trong cuốn sách viết năm 1555 có tên “Les Propheties” (Những lời tiên tri)  của mình có ghi: “Máu của thần công lý sẽ bao phủ London/Thành phố sẽ cháy vào năm 66/Vị phu nhân mất địa vị tối cao/Và nhiều nơi bị hủy hoại”.  Đây là một trong những lời tiên tri hiếm hoi của Nostradamus có ghi rõ năm, và 111 năm sau, Đại Hỏa hoạn đã diễn ra khiến những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận tính chính xác của lời tiên đoán này.

… cho đến Đài Tượng niệm Đại hỏa hoạn được xây dựng

Khi ngọn lửa được dập tắt, công việc thiết kế lại thành phố được giao cho Christopher Wren, kiến trúc sư nổi tiếng nhất nước Anh thời bấy giờ. Ông đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc tái thiết lại hầu hết các khu dân cư và nhiều công trình công cộng, từ các thành quách ven sông đến cả tòa thánh St.Paul.

Việc xây dựng  đài Tưởng niệm để ghi nhớ sự kiện tang thương do Đại Hỏa hoạn gây ra đã được phê duyệt. Ngày nay, người ta có thể thấy tấm biển khắc tên Christopher Wren được gắn dưới chân Đài Tưởng niệm.Tuy nhiên, thực tế công trình lại do người bạn thân của ông tên là Robert Hooke thiết kế.

Được mệnh danh là “Leonardo của nước Anh” và là “nhà cơ khí vĩ đại nhất thế giới” vào thời của ông, Robert Hooke là một nhà khoa học đại tài. Ông không chỉ là người đầu tiên chế tạo ra kính viễn vọng, mà còn phát minh ra khớp nối trục thường được sử dụng trong động cơ xe. Ông cũng là người phát minh ra định luật đàn hồi Hooke và sáng tạo ra thuật ngữ “tế bào” – đơn vị cơ bản nhất về sinh học.

Robert Hooke được mệnh danh là “Leonardo của nước Anh” và là “nhà cơ khí vĩ đại nhất thế giới” vào thời điểm đó (Ảnh: carlos.franquinho.info)

Mặc dù nổi tiếng với tư cách là một nhà khoa học, Hooke cũng tham gia vào lĩnh vực kiến trúc, nhận nhiệm vụ thiết kế nhà thờ, bệnh viện và các công trình dân dụng khác. Một trong những kiến trúc mà ông được chỉ định thiết kế và xây dựng là Đài Tưởng niệm nhằm ghi nhớ nỗ lực ngăn chặn ngọn lửa bất kham trong vụ Đại Hỏa hoạn.

Tuy nhiên, vào thời điểm ông nhận dự án xây dựng Đài Tưởng niệm, không chỉ nước Anh mà cả giới thần học và khoa học Châu Âu bấy giờ đang lâm vào một cuộc tranh cãi liên miên về việc Mặt Trời xoay quanh Trái Đất hay ngược lại. Giống như một số nhà khoa học tiên phong ở thế kỷ 17, Hooke nhận định rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời, nhưng thời bấy giờ chưa ai có thể chứng minh điều đó vì không có công cụ hữu hiệu nào để thực hiện.

Hooke nhận thấy không có lý do gì mà không tận dụng để hoàn tất hai mục tiêu cùng lúc. Vì vậy rất ít người biết được Đài Tưởng niệm Đại Hỏa hoạn ở Luân Đôn được xây dựng để nhằm phục vụ cho một mục đích khác.

Một thiết bị khoa học khổng lồ bí ẩn xuất hiện

Với Hooke, điều này có nghĩa là ông vừa xây dựng một Đài Tưởng niệm vụ Đại Hỏa hoạn ở Luân Đôn, nhưng đồng thời nó có chức năng như một ống kính thiên văn rất lớn và dài. Nghĩa là, cột đài Tưởng niệm này được ông thiết kế như là một chiếc kính viễn vọng khổng lồ, ngoài ra ông còn thiết kế một phòng thí nghiệm ẩn giấu bên trong lòng cột.

Hooke tham vọng thiết kế đài tưởng niệm như một chiếc kính viễn vọng khổng lồ (Ảnh: londonplay)

Để có thể chứng minh Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, điều quan trọng  nhất đối Hooke lúc này là phải tạo ra một công cụ để quan sát sự chuyển động của các thiên thể. Điều này có nghĩa là phải quan sát được sự di chuyển hoặc thay đổi vị trí của một thiên thể dựa trên nền của một đối tượng khác. Ngày nay, các nhà thiên văn học gọi phương pháp này là “Thị sai thiên văn”.

Nếu Trái Đất thay đổi vị trí của nó so với các ngôi sao khi nó xoay quanh Mặt Trời, Hooke phải quan sát được các ngôi sao chuyển vị trí. Nhưng thật khó để quan sát bằng mắt thường vì những di chuyển này là rất nhỏ. Để phóng đại thị sai đủ để nhìn thấy nó, Hooke cần phải có một chiếc kính thiên văn rất lớn.

Để có thể chứng minh Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, điều quan trọng  nhất đối Hooke lúc này là phải tạo ra một công cụ để quan sát sự chuyển động của các thiên thể (Ảnh: chuyenla.com.vn)

Ý tưởng đầu tiên của Hooke là lắp một cái kính thiên văn dài 11m ở trường Cao đẳng Gresham, nơi ông là giáo sư về hình học bằng cách khoét các lỗ xuyên qua kết cấu tòa nhà và thông qua mái nhà. Tiếp theo, Hooke chọn sao Gamma Draconis là ứng cử viên lý tưởng vì nó tương đối sáng và đi thẳng trên đỉnh đầu.

Giờ, việc phải làm là chờ đợi nó đi qua đầu, quan sát, phân tích để chứng minh, ông đã sẵn sàng để thay đổi quan điểm của người thời bấy giờ về Vũ trụ. Nhưng không may, việc đo đạc phụ thuộc vào việc lắp các thấu kính chính xác, nhưng cấu trúc bằng gỗ này lại không đủ ổn định, nó nở ra khi nóng và uốn cong khi gặp gió.

Để hiện thực hóa việc đó, việc cấp bách với Hooke bấy giờ là phải nhất định xây Đài Tưởng niệm trở thành một cấu trúc ổn định và vững chắc, và nó phải dài hơn kính thiên văn trước. Ông chọn loại đá tốt nhất ở đảo Portland và theo kế hoạch phải cần tới 798m3 khối đá để xây dựng Đài Tượng niệm.

Nhưng việc hoàn tất công trình kéo dài ròng rã tới 6 năm và gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng vì thiếu nguyên vật liệu. Vụ Đại Hỏa hoạn đã khiến nhiều công trình nhà ở và tài sản bị phá hủy buộc vua Charles II phải ban bố lệnh cấm vận chuyển loại đá này khỏi đảo Portland mà chưa được phép của Ngài Christopher Wren, kiến trúc sư phụ trách dự án..

Một vấn đề khác nảy sinh suýt phá hỏng kế hoạch xây Đài Tưởng niệm của Hooke là ông nhận được ý kiến cho rằng, cần phải đặt bức tượng của Vua Charles II ở trên đỉnh. May mắn thay nhà vua từ chối không muốn đặt tượng của mình lên đỉnh tháp, vì nó có thể khiến dân chúng nghĩ rằng nhà vua chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn. Cuối cùng, vào năm 1677, Hooke cũng hoàn tất việc xây Đài Tưởng niệm theo mục đích của ông.

Thời ấy, không ai biết Đài Tưởng Niệm thực chất là một kính viễn vọng, Hooke trang bị hai thấu kính khổng lồ thẳng hàng, cách nhau 60m. Ông dự định sẽ quan sát bầu trời từ một phòng thí nghiệm ngầm bên dưới cột Đài Tưởng niệm và đo đạc sự di chuyển của ngôi sao qua một thấu kính đặc biệt.

Thật không may, việc sử dụng Đài Tượng niệm như một kính viễn vọng gặp khá nhiều khó khăn trong thực tế. Lý do là rất khó để giữ hai thấu kính khổng lồ (cách nhau 60m) thẳng hàng và việc gắn chúng vào kính thiên văn cũng khó không kém.

Tệ hơn nữa là vị trí của Đài Tưởng niệm nằm sát ngay Phố Cá (Fish Street Hill), là tuyến đường chính dẫn đến Cầu Luân Đôn. Đây là một trong những con đường nhộn nhịp nhất của Thành phố, chỉ cách phòng thí nghiệm vài mét. Những rung chấn mạnh từ các phương tiện giao thông đã khiến các phép đo không còn chính xác. Hooke đã không lường trước được các yếu tố tác động của môi trường khi phải thực hiện những thí nghiệm có độ nhảy cảm cao.

Quang cảnh phố cá London thế kỷ 19 (Ảnh: artnet.com)

Cuối cùng, Hooke phải từ bỏ kế hoạch sử dụng Đài Tưởng niệm làm kính thiên văn. Phải mất nhiều năm sau, nhà thiên văn học người Đức là Friedrich Bassel mới phát hiện được thị sai vào năm 1838. Cũng áp dụng phương pháp như Hooke đã nghĩ, Bassel quan sát chuyển động của các vật thể trong không gian, đặc biệt là sự chuyển động của ngôi sao 61 Cygni.

Nhưng câu chuyện về Đài Tưởng niệm không dừng lại đó. Vào thế kỷ 17, các công trình cao tầng là cực kỳ hiếm. Trước khi Đài Tưởng niệm được xây dựng, Hooke đã buộc phải tiến hành các thí nghiệm vật lý đòi hỏi đến độ cao trên đỉnh các tòa nhà cao tầng khác như Tu viện Westminster. Đài Tưởng niệm đã trở thành một bí mật của ông, khi ông có riêng cho mình một phòng thí nghiệm khổng lồ để có thể thử nghiệm mọi thứ liên quan đến độ cao mà không cần phải xin phép.

Về mặt khoa học, giá trị của Đài Tưởng niệm không hề giảm sút sau thất bại với chức năng của một kính viễn vọng. Chính tại đây vào năm 1678, cuối cùng đã có một thí nghiệm vật lý thành công khi Robert Hooke đã có thể theo dõi sự thay đổi áp suất một cách chính xác, và xác nhận áp suất không khí giảm xuống theo cao độ.

Có thể nói, Đài Tưởng niệm đã trở thành một phòng thí nghiệm bí mật tuyệt vời của Robert Hooke. Hai năm sau khi ông qua đời vào năm 1703, các tập sách ghi chú của ông được xuất bản lên tới 400.000 chữ, chứng tỏ kiến thức uyên bác của ông.

Tuệ Phương

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/bi-an-phong-thi-nghiem-trong-dai-tuong-niem-hoa-hoan-london-1666.html