Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nhà nghiên cứu Phật học (Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Tiềm năng con người), không nên tùy tiện mang các thứ được coi là “lộc” sau khi cúng bái về bày lên bàn thờ. Trước khi đặt lên bàn thờ bất cứ vật gì cũng nên suy xét.
Bày “đồ giả” liệu có tốt?
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, đa phần người dân sau khi đi lễ mang lộc về cắm ở nhà mình, coi đấy là lộc. Nhưng tốt nhất mọi người không nên mang về vì ở những nơi đó có thể có vong, rồi đủ thứ bám vào… Nếu tới di tích mua những cành vàng lá ngọc đó dâng lên, công đức sẽ được bề trên chứng giám thì nên hóa đi, không nên mang về nhà.
Ông Nguyễn Quang (chuyên gia trang Tử vi lý số Việt) cũng cho rằng, bàn thờ là nơi tâm linh, thanh tịnh nên những cành vàng lá ngọc không nên đặt lên. Những thứ cành vàng lá ngọc có nhiều điều khó nói như: Bày bán chỗ có sạch không, cất giữ thế nào, có bị ô uế hay không… “Không nên đi bất cứ đến chùa chiền, đền phủ nào cũng xin lộc về đặt lên bàn thờ, cũng không nên tùy tiện đặt các thứ đó lên bàn thờ. Muốn trưng thì cần biết rõ gốc tích của nó”, ông Quang nói.
Theo Đại đức Thích Thanh Hải – Trụ trì chùa Nghi Khê (Hải Dương), bày cành vàng lá ngọc lên bàn thờ cúng là theo triết lý dân gian, còn theo nhà Phật thì không có điều này. Trước đây, những ngày đầu xuân người dân đi hái lộc thường là những chồi non, nhưng giờ họ thay bằng hình thức mua những cành vàng lá ngọc, hoa… cầu sự phú quý. Đó có thể coi là lấy may đầu xuân chứ không phải vật để thờ cúng. Mọi người có thể bày lên bàn thờ nhưng khi tới ngày Rằm tháng Giêng thì hóa luôn. Ngay cả hoa giả cũng chỉ là phần trang trí chứ không thuộc vào lễ nghi thờ cúng. Bàn thờ cúng là phải sạch sẽ, thanh tịnh, không nên đặt những cái đó vào sẽ làm bàn thờ trông không được thông thoáng. Việc cắm cành vàng, lá ngọc cài ngược cài xuôi nhằm mong phú quý nó thuộc về tâm tà, mê tín. Chính tín là đồ thờ trên bàn thờ phải là đồ thật, thanh tịnh.
Có nhiều người cho rằng, bày “đồ giả” lên bàn thờ sẽ mang tội bất kính. Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Thanh Hải, việc bày biện các đồ giả trên thì không có gì là bất kính hay có lỗi cả. Có lỗi hay không là ở nơi tâm ý, thái độ và việc làm của chúng ta chứ không phải ở nơi đồ vật. Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành kính của Phật tử. Nếu như Phật tử dâng cúng những phẩm vật sang trọng, đẹp đẽ, giá trị mà không có lòng chí thành thì đó mới là mất trang nghiêm, bất kính. Tuy vậy, trong việc thờ phụng thì giả tạo cũng không nên. Những đồ bày trên bàn thờ là biểu hiện của tấm lòng nên sẽ không tốt khi dùng lễ giả để mong biểu thị tấm lòng chân thật.
Không tùy tiện cắm chân hương vòng vào bát hương
Từ bao đời nay, ở các nơi thờ tự chùa chiền, đình đền, phủ đều có que sắt cắm trong bát hương để thắp hương vòng. Nhưng trong gia đình thì có nên đặt những que hương sắt vào bát hương để thắp hương vòng hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, theo các nhà tâm linh, bát hương thể hiện cho cái đầu của gia chủ, khi bốc bát hương mà không lèn chặt, thì sau một thời gian tro hương sẽ chắc lại, dân gian cho là có thể làm gia chủ đau đầu. Bàn thờ nếu có đủ ngũ hành là tốt. Nhưng các đồ kim loại như đỉnh đồng, lư đồng, bát hương đồng, hạc đồng, đỉnh đồng, chân nến… những đồ cúng lễ bằng kim loại cũng không nên đặt nhiều. Bởi theo nhiều nhà tâm linh, nếu đặt đồ kim loại đồng nặng và lớn sẽ không tốt cho sức khỏe gia chủ. “Người dân nếu muốn thắp hương vòng trong những ngày lễ Tết thì hãy đốt ở ngoài bát hương, như đặt trong đĩa, vừa không động bát hương, vừa dễ làm sạch bàn thờ”, ông Cường tư vấn.
Đại đức Thích Thanh Hải cho biết, trên bàn thờ ngày Tết cần phải có hoa tươi. Người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa dơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết… Song trên bàn thờ không nên kết hợp nhiều loại hoa sẽ giảm sự thanh thoát, mất thẩm mỹ. Trên bàn thờ lúc nào hoa trái cũng tươi tốt, nhang đèn sáng và bàn thờ sạch sẽ là điều lý tưởng. “Ngoài ra, nhiều gia đình có thói quen bày tiền vàng lưu trên bàn thờ cả năm là không nên. Năm mới bước sang một công việc mới, những đồ trên bàn thờ cần đốt hóa để mọi thứ đều mới. Cần phải hóa số tiền vàng đó vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm giúp cho gia chủ có sự luân chuyển về tiền bạc dồi dào, năm sau nhiều hơn năm trước. Theo quan niệm dân gian, nếu để quên không hóa vào cuối năm, việc làm ăn của năm tới sẽ bị ngưng trệ, gặp nhiều khó khăn”, Đại đức Thích Thanh Hải cho hay.
Bàn thờ cần luôn thanh tịnh, đồ cúng lễ chỉ nên bày hương, hoa, trà, quả, bánh kẹo, xôi oản… chay tịnh. Muốn bày mâm cỗ mặn nên đặt riêng ở mâm dưới phía trước bàn thờ, rồi cắm nén hương vào đó để báo và mời các cụ thụ hưởng.
TAMTHUC