Ban đầu, vì biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha, người con trai vô cùng hiếu thuận, sớm tối chăm sóc cha mình. Nhưng năm tháng trôi qua, người cha ngày càng nhiều tuổi và yếu đi. Vì vừa phải chăm lo cho gia đình vừa phải chăm sóc cho người cha già yếu bệnh tật nên dần dần thấy chán ghét. Anh ta nghĩ thầm: “Cha vừa già vừa bệnh tật ốm đau, lúc nào cũng cần người chăm sóc, thật là vô dụng. Dù gì cũng chỉ sống thêm được mấy năm nữa, chi bằng cho ông ta ra đi sớm một chút để đỡ trở thành gánh nặng cho gia đình.”
Người con trai tự tay đan một cái giỏ bằng tre rất lớn, sau đó giết một con gà rồi luộc cho cha ăn. Người cha nói: “Con gà to thì đem ra chợ bán lấy tiền, con giết cho cha ăn làm gì? Cha chỉ cần ăn cơm canh đạm bạc là được rồi.”
“Không sao đâu ạ, cha ăn thật no đi, con sẽ cõng cha lên núi.”
Người cha vui mừng nói: “Con đúng là đứa con ngoan! Lâu lắm rồi cha không được lên núi ngắm cảnh.”
Người cha ngồi vào trong chiếc giỏ tre để con trai cõng lên núi. Đứa cháu trai cũng đi theo. Lên đến núi, người con trai đặt cha ngồi dưới bóng râm và bảo cha thưởng thức cảnh vật xung quanh, sau đó liền dẫn cậu con trai rời khỏi ngọn núi.
Sau khi xuống núi, đứa con hỏi cha: “Trời đã tối rồi, khi nào chúng ta đi đón ông nội về ạ?”
“Ông nội sẽ ở đó luôn, không về nữa đâu.”
“Như vậy làm sao được ạ? Ông bị bệnh nặng như thế, trời thì nóng thế này, nếu không có ai chăm sóc ông sẽ chết mất.”
“Ông già rồi, có sống cũng vô ích, không cần phải quan tâm tới ông ấy.”
Đứa bé nghĩ một lúc rồi nói: “Cho dù ông nội vô ích thì cái giỏ tre đó cũng có ích mà! Chúng ra đi nhặt nó về, đợi đến khi cha già rồi, con cũng có thể dùng nó để cõng cha lên núi.”
Người con trai nghe thấy vậy thì vô cùng kinh ngạc, như thức tỉnh khỏi cơn mơ. Anh ta nhớ đến những ngày tháng người cha vất vả nuôi dưỡng mình, còn mình lại bỏ cha lại trên ngọn núi hoang vu. Thế là anh ta vội vàng kéo tay con trai chạy lên trên núi, nhưng đã không kịp nữa, người cha đã trút hơi thở cuối cùng.
Người con trai vô cùng hối hận, khóc lóc đau đớn sau đó cõng cha xuống núi để mai táng. Anh ta trồng cỏ xanh trước mộ của cha, đặt chiếc giỏ tre lên trên cỏ rồi vừa khóc vừa nói: “Cha ơi, cha yên nghỉ ở đây nhé! Con trồng đám cỏ xanh này rồi phủ chiếc giỏ tre lên để cha được ra đi mát mẻ.”
Từ đó về sau, việc phủ chiếc giỏ tre lên đám cỏ xanh trước mộ đã trở thành phong tục của người dân trong vùng, để nhắc nhở con cháu đời sau phải biết ghi nhớ và báo đáp công lao của những người đi trước.
“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý trong việc đối nhân xử thế. Nhờ có công lao dưỡng dục của cha mẹ, sự dạy dỗ của thầy cô, sự quan tâm chăm sóc của anh em, họ hàng và sự giúp đỡ của những người xung quanh chúng ta mới có thể tồn tại trên thế gian này. Nếu như chúng ta không hiểu được đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thì cuộc sống sẽ hoàn toàn thất bại.