Một tác giả người Trung Quốc đã đăng tải một bài viết khiến cộng đồng mạng phải suy ngẫm về quan niệm giàu có thông qua việc so sánh giữa người giàu Nhật Bản và người giàu Trung Quốc.
Tác giả có viết: Người Nhật hiện nay hầu như đều phản đối việc “khoe khoang”. Trong xã hội Nhật Bản ngày nay, nếu một người cứ lải nhải khoe khoang anh ta “rất giàu có” thì nhất định sẽ bị xã hội bài xích và cô lập, tôi đã cảm nhận được bầu không khí như vậy từ những người bạn Nhật xung quanh cũng như xã hội Nhật.
Một người bạn là dân trí thức ở Nhật của tác giả cho biết việc khoe khoang của cải như đi ‘siêu xe’, tay xách túi LV, tô son đỏ rực bị người Nhật xem là tượng trưng cho sự “nghèo nàn” và “thô tục”.
Vào thời kỳ nền kinh tế bong bóng của Nhật đạt đến đỉnh điểm trong những năm 80 của thế kỷ trước, người ta nói rằng trên khắp các con phố ở Tokyo đều là những người Nhật giàu lên sau một đêm nhờ bất động sản. Phụ nữ đều xách túi LV, nam giới thì vung tiền vào các hộp đêm. Buổi tối về nhà, dù trong tay có 10.000 yên (trên 2 triệu đồng) cũng khó mà đón được xe taxi, bởi vì trên đường sẽ có người cầm nhiều tiền hơn đón xe.
Chỉ sau khi nền kinh tế bong bóng bị sụp đổ, người Nhật mới thức tỉnh sau một cơn mơ. Nền kinh tế chuyển từ nóng sang lạnh, thời kỳ tiền nóng qua đi… người Nhật đã đón nhận “20 năm mất mát”.
Thế nhưng, có lẽ “nghịch lý” phù hợp với quy luật nào đó, sự sụp đổ của nền kinh tế khiến người Nhật cuối cùng cũng có thời gian để bắt đầu nhìn lại cuộc đời, xét lại chính mình.
Họ bắt đầu mặc quần áo bình thường. Người Nhật cũng bắt đầu không thích tăng ca nữa, 6 giờ tan sở đã trở thành thói quen mới của dân công sở ở Nhật, bố nấu ăn, trông con cũng được xem là rất “ngầu”.
Người Nhật biến những thứ có thể khoe khoang từ vật chất chuyển thành “những thứ theo kiểu tinh thần”.
Ví dụ như có thể một người Nhật có vẻ ngoài cực kỳ giản dị, đột nhiên có một ngày bạn phát hiện “thì ra người anh ấy rất rắn chắc, thậm chí còn có sáu múi”, sau đó bạn mới nhận thấy “thì ra anh ấy thích lướt sóng và có những khi anh ấy đi lướt sóng ở các bãi biển trên thế giới”. Người Nhật hiện nay hầu như thích kiểu “khoe khoang” như vậy hơn.
Lại lấy một ví dụ khác về một người nội trợ bình thường, nhưng lại có tài năng thiên phú với những cách làm ra các hộp cơm bento rất đẹp mắt, rồi bạn lại phát hiện ra tài hoa của cô ấy trong những tình huống khác. Điều mà người Nhật muốn và tận hưởng hầu như đều “khoe khoang” như vậy. Dù vậy, khi tài năng của mình được phát hiện và nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng người Nhật chẳng những sẽ không thích thú, mà ngược lại hầu hết đều sẽ đỏ mặt giống như làm sai gì đó, điều này hẳn là người Trung Quốc sẽ khó mà hiểu được.
Điều khác biệt với sự “khoe khoang” của người Nhật đó là sự “khoe khoang” của người Trung Quốc đã trở thành hiện trạng của xã hội ngày nay và đang trong giai đoạn “lộ liễu”.
“Tôi mới mua một cái túi hàng hiệu”, “Tôi quen ai ai đó”, “Ai ai đó nhà tôi…”. Xung quanh tác giả không chỉ có một người nói những lời này, mà là rất nhiều. Tác giả nghĩ rằng nếu ở Nhật mà nói như vậy có thể sẽ bị cô lập ngay từ ngày đầu tiên rồi.
Cuối thế kỉ 19, sau khi cha đẻ của kinh tế học thể chế Oswald Veblen chứng kiến “giai cấp giàu có đầu tiên” không ngừng xây dựng những căn biệt thự, điên cuồng theo đuổi những thứ hàng xa xỉ phẩm, chơi bời vô tổ chức, xem thường lao động…, ông đã viết quyển sách “Luận về giai cấp rảnh rỗi”, ví động cơ và tham vọng “tiêu tiền nhằm khoe khoang” với việc những người vượn cổ cướp phụ nữ, ông dự đoán rằng “giai cấp rảnh rỗi” sẽ làm tăng sự phân hóa giữa hai giai cấp trong xã hội, từ đó trở thành tảng đá cản bước tiến bộ của cả xã hội, việc họ điên cuồng muốn giải trí, hưởng lạc sẽ phá hủy cơ sở đạo đức sinh tồn mà xã hội lành mạnh làm nền tảng.
Nhìn vào Trung Quốc hiện tại, với khẩu hiệu “để cho một bộ phận giàu trước nổi lên”, đã có không ít những bữa “tiệc vàng”, “tiệc sữa mẹ”, hàng xa xỉ giá trên trời, các hành vi đua xe, “ném tiền mặt”, hơn nữa lượng tiêu thụ rượu Rémy Martin ở Trung Quốc vượt qua cả lượng tiêu thụ tổng số của các quốc nơi khác trên thế giới.
Ở Nhật, việc “mua sắm điên cuồng” trở thành chủ đề bàn tán nóng hổi trên các kênh truyền thông. Khắp nơi ở Ginza (Tokyo) đều có thể thấy du khách Trung Quốc điên cuồng mua hàng xa xỉ, họ thốt lên “Rẻ quá!” khiến người Nhật phải choáng váng, nhưng điều đổi lại thường không phải là sự tôn trọng của xã hội Nhật, mà là sự phản cảm.
Ở Nhật ngày nay, trên đường rất ít thấy siêu xe Âu Mỹ, xe việt dã hạng nặng và xe đa dụng (MVP), loại xe được ưa thích thường là xe loại nhỏ và xe thân thiện với môi trường. Người Nhật đã không còn xem xe cộ là tiêu chuẩn để đánh giá một người có thành đạt hay không, xe chỉ là công cụ thay thế đôi chân, điều đầu tiên phải cân nhắc đó là an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, những loại xe việt dã hạng nặng như Toyota, Mitsubishi chủ yếu nhắm vào thị trường Trung Quốc.TAMTHUC
Nhật Bản có 130 triệu dân, nhưng được công nhận là “xã hội 100 triệu trung lưu”, có kết cấu xã hội theo kiểu olive điển hình, tỉ lệ giai cấp trung lưu vô cùng cao, xã hội đảm bảo toàn diện và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội rất thấp, thu nhập của một CEO thông thường cũng chỉ gấp 5-10 lần lương công nhân.
Người Nhật giàu có ở những ngôi nhà thiết kế theo phong cách đơn giản, đồ nội thất đắt tiền bày đầy trong nhà bị xem là “dung tục”.
Giữa những người giàu ở Nhật phổ biến “triết lý 3 không sở hữu” bao gồm “không có khoản tiết kiệm (ghi chú: tiết kiệm nhiều nhất 20 triệu Yên trước khi mất), không sở hữu nhà, không có chức tước”.
Xã hội Nhật Bản tôn trọng những người dù giỏi giang đến đâu cũng không xa hoa, sống một cách bình thường.
Ví dụ như ông Kōnosuke Matsushita – một doanh nhân nổi tiếng của Nhật, người sáng lập công ty điện tử Matsushita không hề hứng thú với tài sản, ông xem quyền lực là “thống khổ và trách nhiệm”. Khi phóng viên của tờ “Time” phỏng vấn ông vào năm 1961, họ đã phát hiện ông cụ trầm lặng đang vừa uống trà vừa thảo luận cách để tạo nên sự phồn vinh và hạnh phúc lớn hơn cho nhân loại tại một biệt thự kiểu Kyoto giản dị. Trí tuệ cao nhất mà ông hiểu ra được trong đời là “triết lý nước uống”, nghĩa là “biến những thứ mà xã hội cần trở nên rẻ như nước uống”.
Đối với ông Matsushita, việc kinh doanh chỉ là một phương tiện, mục đích cuối cùng là thể hiện trách nhiệm xã hội trên vai và sự kỳ vọng của mọi người thông qua những con số. Để hoàn thành lý tưởng to lớn, ông đã lập ra kế hoạch doanh nghiệp dài hạn 250 năm, mỗi giai đoạn là 25 năm và chia thành 10 giai đoạn.
Khi ông qua đời vào năm 1989, công ty điện tử Matsushita chỉ mới 70 năm đã có lợi nhuận lên đến 42 tỷ đô, gần như là công ty lớn nhất thế giới. Ông chia sẻ với phóng viên của tờ Time rằng: “Tôi muốn khám phá bản chất con người và nguồn cội hạnh phúc của nhân loại”.
Ông Matsushita đã trở thành tấm gương cho những người theo đuổi sự giàu có ở Nhật. Đại sứ Nhật ở Trung Quốc Uichiro Niwa thì luôn đi làm bằng tàu điện trong thời gian đảm nhiệm chức vụ giám đốc kinh doanh của tập đoàn Itochu.
Nhật Bản là xã hội trung lưu không ủng hộ việc “khoe khoang khoác lác”.
Tác giả từng nhiều lần tham dự những bữa tiệc của tầng lớp cao, nhưng các món ăn đều rất đơn giản, hầu hết là buffett hoặc phần ăn kiểu Nhật, về cơ bản là không có một bàn “cao lương mỹ vị” hải sản, vi cá, yến sào như ở Trung Quốc. Còn một vài nghị sỹ quốc hội mà tác giả quen đều làm theo nguyên tắc “10 phút dùng bữa”, không lãng phí thời gian vào việc ăn uống, đủ ăn là được, không quá cầu kỳ và không lãng phí, “cảm ơn khi ăn xong, xin lỗi nếu còn thừa” là điều thường thức trong xã hội Nhật Bản. Ở Nhật thì việc lãng phí là “sự hổ thẹn” bị cấm kỵ, vì vậy rất ít khi thấy người Nhật lãng phí.
Thanh Trúc
(Ảnh: Internet)
TAMTHUC: