“Khi thiền định, bạn sẽ đến được một đại dương tràn ngập tỉnh thức thuần khiết và sự biết. Nhưng trạng thái này rất quen thuộc, nó chính là bạn. Ngay khi đó, một niềm hạnh phúc khó tả dâng trào – không chỉ là vui sướng nhất thời, mà là sự mỹ diệu sâu sắc.”
Đoạn văn trên được viết bởi David Lynch – đạo diễn phim trường phái siêu thực người Mỹ, trích trong quyển sách “Bắt con Cá Lớn: Thiền định, Ý Thức và Sáng Tạo” (Catching the Big Fish: Meditation, Consciousness, and Creativity). Niềm tin về sức mạnh của thiền định đã được ông chia sẻ với khoảng 20 triệu người ở Hoa Kỳ.
Sharon Gannon, đồng sáng lập Jivamukti Yoga, trung tâm yoga lớn nhất ở Mỹ, đã trả lời với trang Big Think rằng:
“Thiền định cơ bản là việc bỏ qua các tín hiệu kích thích (stimuli).”
“Chúng ta quá quen với việc phản ứng trước mọi tín hiệu kích thích: Khi điện thoại reo, chúng ta bắt máy; nghe tiếng bấm chuông, chúng ta mở cửa. Nhưng thiền định là nơi mà chúng ta hoàn toàn không phản ứng trước những tín hiệu liên tục đó; tức buông bỏ mọi ràng buộc, và nghịch lý thay, điều này lại giúp chúng ta hòa nhập tốt hơn.”
“Nếu bạn không dành thời gian mỗi ngày để cho mọi thứ đến và đi mà không phản ứng theo chúng, bạn sẽ không có sự sáng suốt trong tâm trí,” cô nói.
Những người thực hành thiền định đã mô tả trải nghiệm của mình. Đó là một trạng thái khác biệt hoàn toàn so với nhận thức thông thường, và gần đây các nhà nghiên cứu đã tìm ra các bằng chứng cho thấy điều này là đúng.
Richard Davidson là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về ảnh hưởng của thiền định lên não bộ. Ban đầu, khi còn là sinh viên Đại Học Harvard và quen biết Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông đã bị giáo sư khiển trách vì muốn tìm hiểu một điều “phi khoa học” như thiền định. Tuy nhiên, năm 2004, ông bỗng trở thành người nổi tiếng trong ngành nhờ phát hiện ra biểu đồ sóng não của các nhà sư Phật giáo khác xa so với người bình thường.
Sóng não được tạo ra khi hàng tỷ nơ-ron trong não người, truyền tải các tín hiệu thần kinh đi khắp cơ thể dưới dạng các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters). Hoạt động này diễn ra liên tục giữa các tế bào thần kinh với nhau.
Các nhà nghiên cứu không thể phát hiện được sự truyền dẫn riêng lẻ của các nơ-ron vì chúng quá nhỏ và riêng biệt. Tuy nhiên, bằng cách đặt máy cảm biến lên da đầu, người ta bắt đầu ghi nhận được chu kỳ của các hoạt động này, chính là sóng não (brainwave).
>> Sự khác biệt giữa tỉnh thức và thiền định
Tần số của sóng não sẽ có sự thay đổi tùy theo các trạng thái tinh thần khác nhau, đồng thời cho biết số lượng các hoạt động nơ-ron trong não.
Điều quan trọng là não người không chỉ tạo ra một loại sóng; rất nhiều sóng với tần số dao động khác nhau sẽ xuất hiện đồng thời, nhưng tần suất xuất hiện của chúng sẽ thay đổi tùy vào trạng thái tinh thần của một người.
Davidson đã ứng dụng công nghệ điện quang học (electroencephalograph) để làm thí nghiệm với các nhà sư – mỗi người đã có từ 10.000 đến 50.000 giờ thực hành thiền định. Ông yêu cầu họ tập trung vào “từ bi và tình yêu thương vô điều kiện.”
Một nhóm người mới tập thiền cũng được huấn luyện theo phương pháp này trong một tuần.
Kết quả cho thấy khi các nhà sư thiền định, tỷ lệ tần số sóng não gamma xuất hiện có thể cao gấp 30 lần so với người bình thường. Thậm chí, vài trường hợp cho thấy biên độ dao động mạnh nhất từng được ghi nhận. Tình trạng này xuất hiện không phải do bất kỳ 1 dấu hiệu bệnh lý nào.
Điều này không chỉ xác nhận việc tu luyện lâu dài có thể làm thay đổi hoạt động của não, mà còn cho thấy lòng từ bi là điều hoàn toàn có thể được tu dưỡng.
Nhiều nghiên cứu thần kinh học (neurobiology) mới đây cũng cho thấy thiền định có thể ảnh hưởng lâu dài đến não bộ. Năm 2008, một nhóm các nhà nghiên cứu từ UCLA do Eileen Luders dẫn đầu đã so sánh bộ não của các thiền sư với 1 nhóm đối tượng khác. Trong não những người thiền định, họ thấy rằng phần vỏ não trán ổ mắt bên phải (right orbito-frontal cortex) và hồi hải mã bên phải (right hippocampus) có khối lượng chất xám lớn hơn so người bình thường. Các khu vực này có liên quan đến cảm xúc và kiểm soát các cơ chế phản ứng sinh học.
TAMTHUCLuders viết: “Vùng hồi hải mã (hippocampus) của người tu luyện có khối lượng lớn hơn cho thấy họ có thể nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, giữ được sự ổn định về tinh thần cũng như duy trì sự chú ý.”
Họ cũng ghi nhận khối lượng chất xám to đáng kể trong vùng đồi não (thalamus), là cơ chế điều khiển các hoạt động của não, như chuyển thông tin từ vỏ não sang các vùng khác. Sự khác biệt về kích thước cho thấy người tu luyện có thể tăng cường ý thức và sự tập trung trong quá trình thiền định của mình.
Hóa ra, bạn không cần phải là một người tập yoga chuyên nghiệp mới có thể gặt hái những lợi ích của thiền định. Theo nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Oregon và Đại học Công nghệ Đại Liên ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một kỹ thuật thiền Trung Quốc gọi là “thân tâm hợp nhất” (integrative body-mind training – IBMT) có thể làm thay đổi các kết nối thần kinh chỉ sau 11 giờ luyện tập.
Nhờ công nghệ chụp hình cộng hưởng từ (magnetic resonance) hay “hình khuếch tán” (diffusion tensor imaging), họ nhận thấy những sợi vật chất màu trắng kết nối các vùng não với nhau có sự thay đổi rõ rệt giữa trước và sau khi thực hành. Những thay đổi rõ nhất xảy ra trong cấu trúc vỏ não vành trước (anterior cingulate), khu vực liên quan đến khả năng kiểm soát tình cảm.
Không đơn thuần chỉ là một hình thức thư giãn, thiền định là phương pháp nâng cao hoạt động trí óc và có tác động tích cực đến cơ cấu não. Ngày nay, rất nhiều người nổi tiếng như David Lynch, Richard Davidson và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công bố những lợi ích tuyệt vời của thiền định: tăng sự tập trung, chống lại căng thẳng, tăng cường sức khoẻ và khởi lên lòng nhân ái. Nghiên cứu cho thấy thiền định lâu dài làm tăng khối lượng chất xám ở vỏ não trán ổ mắt, hồi hải mã và đồi não. Trong 2 thập kỷ qua, nhờ sự công bố dữ liệu sinh học, các nhà nghiên cứu thần kinh đang từng bước chứng minh tính khả thi của các tuyên bố này.
Theo BigThink,
Thanh Sơn tổng hợp
>> Thoát khỏi nạn hoại tử cưa chân nhờ 10 tháng kiên trì thiền định