Blog Tâm Thức
Tâm an thân tự an: 7 cách giảm áp lực cho tâm linh an bình
Thursday, 05/04/2018 10:00 am

Blog Tâm Thức

Xã hội càng hiện đại dường như càng khiến con người gặp phải nhiều loại áp lực hơn. Không ít người nhà lầu, xe hơi, tiền bạc dư đủ nhưng lại không có cách nào đạt được hạnh phúc thực sự. Cũng có không ít người dù áp lực lớn nhưng vẫn thong dong, tự tại. Vậy làm sao để được như vậy?

tâm an
(Hình minh họa: Qua capitalchoicecounselling.com)

Dưới đây là 7 cách làm giảm áp lực khiến tâm linh được an bình:

1. Mở rộng cảm xúc, suy nghĩ tích cực

Trong cuộc sống rất khó để tránh không gặp phải những lúc thất bại, không được như ý. Nhưng đứng trước hoàn cảnh ấy, những người có tâm thái lạc quan, cởi mở sẽ vượt qua nhanh hơn và cũng dễ dàng hơn.

Trong cuốn sách “Authentic Happiness” (tạm dịch: Hạnh phúc đích thực), tác giả, nhà tâm lý học nổi tiếng Martin Seligman đã chỉ ra rằng vui vẻ, hạnh phúc là sản phẩm của sự tác động bên trong hơn là bên ngoài.

Ông viết, hoàn cảnh và những điều mà một người gặp phải không quá ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của người đó. Trái lại, người học được cách điều chỉnh suy nghĩ, tín niệm, tâm tính và hành vi của chính mình, đồng thời mở rộng cảm xúc thuần chính, tích cực thì người ấy liền có thể nắm giữ hạnh phúc trong tay.

2. Gần gũi, hòa mình với thiên nhiên

Nhiều nghiên cứu đã chứng thực rằng, dạo bộ trong khung cảnh thiên nhiên có thể làm giảm bớt lo âu và phiền não, đồng thời còn có thể gia tăng khả năng nhận thức của con người. Gần gũi với thiên nhiên không nhất định phải đến những nơi hoang dã hay rừng núi mà có thể là ở chính môi trường xung quanh nơi chúng ta sinh sống.

3. Gặp gỡ, giao lưu với bạn bè

tâm an
(Hình ảnh: Qua ảnh)

Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh mình là cách khiến bản thân vui khỏe nhanh hơn. Bởi vậy, mỗi người nên có những người bạn tri tâm tri kỷ.

Để củng cố thân tình giữa bạn bè với nhau cũng cần duy trì gặp gỡ định kỳ để cùng nhau chia sẻ, trò chuyện, hoặc chí ít là điện thoại thăm hỏi lẫn nhau…

4. Không tiếc lời cảm ơn, ca ngợi

Nhà tâm lý học, chuyên gia tư vấn về hạnh phúc Shawn Achor cho rằng phương pháp nhanh nhất để huấn luyện cho bản thân mình những suy nghĩ lạc quan, ngay chính là hãy khen ngợi và cảm ơn người khác liên tục trong 21 ngày. Ông cũng kiến nghị mỗi người trong một ngày hãy dành ra 2 phút để khen ngợi và cảm ơn mọi người.

5. Nuôi dưỡng tấm lòng thiện lương

Tâm thiện lương có thể khuyếch trương dương khí của con người. Người xưa có câu: “Hành thiện tối nhạc” (ý nói làm việc thiện là vui sướng nhất).

Lòng người thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. “Bất an, không thoải mái” này không phải là đối với người khác mà là đối với chính bản thân mình. Lâu dần, sắc mặt thần khí đều sẽ trở nên xấu xí, tinh thần khác thường.

Nếu như một người tuyệt đối làm việc thiện không vì điều kiện gì, trợ giúp người khác, làm việc có lợi cho người khác thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng vui vẻ hạnh phúc và bình an.

6. Giữ sự cân bằng trong tâm

tướng do tâm sinh
(Hình minh hoạ: Qua istockphoto)

TAMTHUC

Người có nội tâm bình hòa, cân bằng sẽ không dễ dàng thấp thỏm, lo lắng. Dù hoàn cảnh có thế nào, họ cũng có thể yên tĩnh chuyên tâm theo đuổi lý tưởng và đạt được mục tiêu. Đả tọa (ngồi thiền) là cách hữu hiệu giúp tâm tình bình tĩnh.

Nhờ “tĩnh” có thể khiến người tu luyện Phật gia đạt tới cảnh giới “tứ thiền bát định”. Dựa vào “tĩnh” khiến cho người tu Đạo gia, khai huệ khai ngộ, nhập tĩnh mà thành “kim đan đại đạo”. “Tĩnh” khiến cho người của bên Nho gia đạt được “nhìn xa trông rộng”, hoàn thành tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ. Đối với người bệnh, “tĩnh” giúp họ đạt được thân thể khỏe mạnh, sống lâu.

Nhà văn, nhà báo Pico Iyer từng viết rằng, ngồi thiền đem thế giới nội tâm tiếp cận sự thần bí, giúp lòng ta tĩnh lặng, khoan thai… Điều này sẽ “khơi dậy hạnh phúc thực sự trong bạn, làm cuộc sống bạn thay đổi”.

7. Luyện tập tính kiên nhẫn

Khi gặp chuyện ngoài tầm kiểm soát, tính nhẫn nại giúp chúng ta tự thả lỏng mình, giúp tấm lòng chúng ta cởi mở hơn, nhờ đó có cách nhìn nhận mới và suy nghĩ mới.

Ví dụ, khi chúng ta đang đi xe giữa nơi đông đúc, có người bất ngờ chạy xe ngang trước xe chúng ta, lúc này hít sâu và nhẫn nại, chúng ta có thể sẽ nghĩ rằng người kia đang gặp chuyện khẩn cấp cần phải giải quyết, không cần tức giận với họ v.v…

Giáo sư tâm lý Kelly McGonigal Đại học Stanford nhấn mạnh rằng, áp lực không phải kẻ thù đứng đầu của sức khỏe mọi người, chỉ khi chúng ta cho rằng áp lực không tốt cho chúng ta thì khi đó nó mới thực sự không tốt.

An Hòa (dịch và t/h)

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/van-hoa/tam-an-than-tu-an-7-cach-giam-ap-luc-cho-tam-linh-an-binh.html