Nhân ái là tình cảm đạo đức không phải của riêng một dân tộc nào. Nhưng với đặc thù vị trí địa lý nằm ở phương Nam hiền hòa, phồn thịnh với nền văn minh lúa nước trọng Đạo Đức, có thể nói người Việt từ khi sinh ra đã có sẵn lòng nhân ái nồng nàn.
Lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ nền văn minh Văn Lang rực rỡ gần 4.000 năm. Một thời gian đủ dài để hun đúc nên thành một giá trị làm người rất cơ bản của nước ta và ảnh hưởng đến từng cách suy nghĩ, ngôn từ của dân ta suốt mấy nghìn năm qua.
Thăng hoa với lòng Từ bi của Phật
Sau khi Hùng Vương mất nước, nền văn minh cổ xưa đã hoàn toàn biến mất. Đây là tổn thất lớn cho người Việt. Suốt nghìn năm đô hộ, biết lấy gì để bù đắp vào khoảng trống tinh thần này đây?
Nhưng với truyền thống “Ăn ở có nhân, mười phần chẳng khó”, dân tộc ta cũng đã tìm ra giải pháp cho riêng mình. Đó chính là sự du nhập của hai học thuyết đạo đức lớn và nổi tiếng nhất thế giới, đạo Nho và đạo Phật. Lòng nhân ái của dân Việt một lần nữa lại sáng bừng lên với giáo lý mới và trở thành một nguyên lý đạo đức phổ biến trong cả cộng đồng.
Lòng “Từ bi” của Phật giáo chính là lòng thương người rộng lớn nhất vũ trụ này, vị tha, vì người khác, không kể người đó là ai. Vì lòng Từ bi, Phật – đấng Giác Ngộ – muốn giải thoát chúng sinh, đưa họ giải thoát khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi.
Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám Pháp, phẩm Lớn, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
Có lẽ nhờ lòng nhân ái và bề dày văn minh, nên nước ta nhanh chóng vươn lên trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo đầu tiên lớn nhất của Trung Quốc thời thuộc Ngô với sự truyền Đạo của hàng loạt những vị Thánh tăng nổi tiếng như Khương Tăng Hội, Vinidaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi)… Phật Pháp vô biên, trí huệ của các Thánh tăng đã giáo hóa dân chúng, tạo ra tầng lớp trí thức mới với đạo đức cao thượng và tài năng trác tuyệt. Điều này đã tạo thành nền móng vững chắc để sau này dân ta thoát khỏi đô hộ và lập ra vương triều rực rỡ nhất trong lịch sử (nhà Lý), ghi đậm dấu ấn của Phật môn (Lý Công Uẩn và Vạn Hạnh thiền sư).
Xây dựng xã hội nhân ái và bền vững với đức Nhân của Khổng Tử
Nhưng lòng Từ Bi của Phật Giáo vẫn quá rộng lớn so với nhiều tầng lớp xã hội và mang khuynh hướng xuất thế dành cho người tu hành vốn chú trọng sự tự giác ngộ. Vì sẽ rất khó để áp dụng trong xã hội nên vẫn cần thêm một triết lý thiên về nhập thế nhiều hơn. Bởi lẽ đó mà khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, nó là sự bổ sung hoàn hảo cho mọi tầng lớp. Trên thì dùng để chuẩn hóa đạo đức thứ bậc của vua quan, dưới thì ổn định xã hội và làm kim chỉ nam cho các hành xử của dân chúng.
“Nhân” của Nho giáo có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa cơ bản là: “Nhân là khắc kỷ, phục lễ” (Khổng Tử trả lời Nhan Uyên) chính là khắc chế bản thân, tuân theo lễ nghi.
Khổng Tử còn dạy: “Nhất nhật khắc kỷ phục lễ thiên hạ quy nhân yên”. Nghĩa là ngày nào đó hễ mà khắc chế bản thân, tuân theo lễ nghi thì có lẽ thiên hạ sẽ noi theo đó mà yên ổn.
Chỉ một câu nói đã nêu lên cốt lõi nhất của một xã hội hài hòa hạnh phúc, đó là ai ai cũng phải khắc chế dục vọng của chính mình và luôn giữ lễ nghi (có thể hiểu là đạo đức). Rất đơn giản mà cũng là yêu cầu rất cao vậy.
Khổng Tử còn chỉ rất rõ: “Vi nhân do kỷ nhi do nhân hồ tai”. Tạm dịch: Làm việc nhân không tự làm thì còn ai làm đây. Đó là việc nhân của mỗi người thiên hạ. Trong Khổng môn còn có quy định rõ ràng đến tận vua quan làm thế nào để đạt Nhân.
Khổng Tử còn dạy rất chi tiết làm thế nào để người cai trị (vua quan) thi hành chính trị đạt đến chữ Nhân. Chuyện kể rằng, Tử Trương hỏi đức Khổng Tử về việc Nhân. Khổng Tử viết: làm được 5 điều sau thì đạt được Nhân. Tử Trương hỏi rõ thêm, Khổng Tử viết: Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ.
1. Cung là kính cẩn nghiêm trang, người khác không dám khinh nhờn.
2. Khoan là độ lượng sẽ được lòng người.
3. Tín là giữ lời hứa thì ai cũng vui lòng làm việc cho mình.
4. Mẫn là tự giữ mình siêng năng cần mẫn thì nhân viên sẽ hoàn thành công việc nhanh chóng.
5. Huệ là ban ơn rộng lớn thì có thể dùng bất kỳ ai.
Nếu làm hết 5 điều trên thì vua có thể thành minh quân, quan trở thành trụ cột triều đình. Đất nước như vậy thì không cường thịnh yên ổn sao được. Ngoài ra thời xưa còn gọi người làm quan phải là “Dân chi phụ mẫu” nghĩa là chăm lo cho dân của mình như cha mẹ chăm con, có người cha mẹ nào mà lại làm hại con mình đâu. Đối với con thì cha mẹ đúng là nhân từ nhất trên đời này vậy. Không như thời nay người làm quan xưng là “Đầy tớ của nhân dân” quả thực là nguy hiểm vô cùng. Vì cha mẹ thì không hại con chứ đầy tớ phản chủ thì xưa nay vô số.
Chính vì hiệu quả trong làm việc và chi tiết trong cách áp dụng và có thể dùng rộng rãi từ quan đến dân nên đức Nhân của Khổng Môn quả thật đem lại lợi ích to lớn cho nước ta suốt nghìn năm qua vậy.
Chiến chinh cũng không làm mất đi lòng nhân ái
Thế nhưng trải qua hàng nghìn năm, bể xanh còn hóa nương dâu, chúng ta cũng đã đánh mất rất nhiều thứ. Mà quan trọng nhất chính là dần dần đánh mất lòng nhân ái của mình. Nói đến điều này, nhiều người liên tưởng ngay đến lịch sử chiến tranh hàng nghìn năm, phải chăng nó đã làm dân ta mất đi lòng nhân ái. Thật sự lại không hẳn như vậy, chính vì chịu nhiều đau thương mất mát của chiến chinh nên dân ta càng nâng cao hơn lòng nhân của mình với mong muốn duy trì lâu hơn nền hòa bình vốn mong manh.
Ví dụ rõ nhất chính là việc trao trả tù binh chiến tranh. Ngay như Lê Thái Tổ, sau khi chiến thắng quân Minh cũng không hề đuổi cùng giết tận mà thả cho về nước để tránh phải gây thêm họa binh đao: “Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng. Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức” (Bình Ngô Đại Cáo)
Hay như nhà Trần cũng trao trả 5 vạn tù binh cho nhà Nguyên sau khi chiến thắng lần thứ 2. Và dẫu sau bao nhiêu cuộc chiến khốc liệt, cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam đến nay vẫn sống và phát triển tốt trong lòng nước Việt.
Kế đến là vấn đề tín ngưỡng, Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi mà các tín ngưỡng tôn giáo cùng đồng tại một cách hòa bình và chưa bao giờ có xung đột về tôn giáo trong suốt nhiều ngàn năm qua. Dẫu cho đôi lúc nhà cầm quyền phong kiến thực hiện đàn áp với giáo dân Thiên Chúa thì cư dân bản địa Việt cũng không bài xích các tôn giáo mới.
Đó là một minh chứng rõ ràng cho lòng vị tha và bao dung, nếu dân tộc ta không có một trái tim nhân ái đủ rộng rãi chắc sẽ không làm như vậy được.
Chúng ta chặt đứt gốc Nhân của mình như thế nào?
Như đã nói ở trên, điều này không thể nào diễn ra trong ngày một ngày hai, mà là cả quá trình lâu dài. Khởi đầu của quá trình đó chính là sự kiện phế bỏ Nho học đầu thế kỷ 20 này.
Một đất nước cổ truyền hàng nghìn năm vốn không ưa thứ văn hóa sức mạnh quân sự và cơ bắp khi đối diện với tàu đồng súng cối đã nhanh chóng thua cuộc.
Vì để tiến độ đồng hóa nhanh hơn và du nhập nền văn hóa của mẫu quốc cộng với các sĩ phu đã không còn tin tưởng vào Nho học sau thất bại lịch sử trên mà dẫn đến sự phế bỏ Nho học.
Khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) là khoa thi Nho học cuối cùng ở nước ta được tổ chức vào tháng 4 năm đó. Lý do chấm dứt con đường thi cử truyền thống đã được vua Khải Định đưa ra trong lời phê tờ trình của bộ Học như sau: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn. Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt” (sách Khải Định chính yếu sơ tập).
Nhưng sau khi Nho học bị phế, nực cười là suốt 50 năm sau đó số phận dân tộc vẫn không tốt hơn là mấy.
Vì người ta không hề nghĩ rằng, người Việt suốt nghìn năm sống trong văn hóa Nho Phật, ghi lại di sản tinh thần của mình qua chữ Hán Nôm. Nay phế bỏ Nho học thì những thế hệ sau đã bị cắt đứt chiếc cầu nối tâm linh suốt nghìn năm. Không chỉ sách vở triết lý Nho gia, mà cả nội hàm của Kinh Phật cũng không còn ai hiểu.
Họ không hiểu ông cha nghĩ gì, giá trị sống thế nào. Lòng nhân vĩ đại bị chê là nhu nhược, người anh hùng đại nhẫn bị biến thành khiếp sợ kẻ thù. Các văn nhân quân tử dần dần không còn được ca ngợi trong lịch sử mà thay vào đó là những anh hùng chiến tranh. Chùa chiền không còn là nơi để trút bỏ dục vọng cầu giác ngộ mà trở thành nơi cầu tài cầu phúc. Tăng nhân không đả tọa thiền định thực tu mà lo xây chùa to tượng đẹp cầu phúc báo trần gian. Người ta dần trở nên bớt thương nhau và trở nên ưa chuộng sự đấu tranh chính là từ đó. Người nước ngoài khi nhận xét người Việt thường hay thấy nổi bật ở tính cách tranh đấu này.
Đất nước chìm trong chiến chinh ngót 50 năm. Người ta dần trở nên quen với thủ lợi cho bản thân, dối gạt nhau và quên mất đi lối sống nhân nghĩa ngày xưa. Thời gian đầu sau 1919 vẫn chưa đến nỗi nào vì nền giáo dục tuy chuyển sang tân học nhưng vẫn trọng dụng các sĩ phu gốc Nho. Các chương trình dạy của Luân Lý Giáo Khoa Thư và Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn mang đậm triết lý cổ xưa với các bài học dạy về lòng nhân ái và sống đạo đức, tôn trọng luân lý. Người Việt phần nào vẫn giữ được nếp luân lý ngàn xưa.
Nhưng bước vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20 thì tình hình đã trở nên tệ hơn rất nhiều khi mà nền tân học kia qua nhiều lần “cải cách” đã biến dạng thành một loại học thức trọng bề ngoài, ít chú trọng đến nhân cách đạo đức và văn hóa truyền thống cha ông. Môn Đạo Đức bị biến thành Giáo Dục Công Dân với nội dung xa lạ với cách giáo dục truyền thống vốn chú trọng cách cư xử và lòng nhân ái, lễ phép gia đình, luân lý xã hội.
Người ta hô to khẩu hiệu tôn sư trọng đạo nhưng lại chẳng biết “Đạo học” thực chất là gì. Người giáo viên nhận đồng lương còi cọc, trường ĐH Sư Phạm có thời 0 điểm cũng vào được. Người trẻ, niềm hy vọng và tương lai của chúng ta suốt 12 cấp lớp cũng không biết hoạch định sau này sẽ làm gì có ích cho xã hội. Tất cả đều đua nhau chạy vào đại học với mong muốn học cao hơn để đổi đời…
Dựa trên các nền tảng đó, chúng ta còn muốn xây dựng một xã hội công bằng văn minh? Khác nào xây lâu đài trên cát. Kết quả chỉ là những dòng tin dồn dập về những người trẻ đang đánh mất đi nhân cách mà thôi. Đó là kết quả mà chúng ta phải chịu vì những gì mình đã làm khi quay lưng với văn hóa truyền thống.
Huy hoàng ngày xưa mới chính là ánh sáng ngày mai
Trước những nhức nhối của xã hội đương đại, không ít người trong chúng ta vẫn khắc khoải nhớ về sự tốt đẹp của người Việt xưa kia. Ai đang sống ở Hà Nội và trăn trở trước những thói xấu đang diễn ra hẳn đều thở dài nhớ về thời “Thanh lịch Tràng An” cách đây chỉ vài chục năm. Những người dân miền Tây cũng không còn hồn nhiên hào sảng như ngày trước. Đất Sài Gòn giờ đây đã chẳng còn bình yên, ra đường là lo bị lừa lọc, cướp giật…
Xa hơn trên thế giới, ngay cả Mỹ và các cường quốc châu Âu cũng phải đang nhìn nhận lại giá trị thực sự của những giá trị cổ xưa khi mà công nghiệp hóa ngoài việc đem đến sự phát triển, nó còn đem lại đói nghèo giết chóc và căng thẳng. Chuyện người Âu Mỹ tìm hiểu Phật giáo và Nho giáo cũng không còn là điều hiếm hoi. Ngay cả một cường quốc như Hàn Quốc cũng đã tuyên bố phục hưng Nho học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Một đất nước Phật giáo nằm nép mình ở rặng Himalaya như Bhutan nói không với truyền hình Internet và hiện đại hóa lại trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới với tỷ lệ tội phạm ít, người dân khỏe mạnh và sống lạc quan yêu đời trong ánh sáng Phật Pháp hàng ngàn năm qua. Điều đó hiện nay lại càng tốt hơn nữa khi được cổ súy bởi vị quốc vương mới, người được cả thế giới kính trọng với đời sống đạo đức gương mẫu của một Phật tử thuần thành.
Vậy chẳng phải nền Tân học với vẻ hào nhoáng choáng ngợp, với máy bay tàu ngầm thật sự không đem lại hạnh phúc chân chính cho con người, hay nói chính xác hơn, nó không phải là điều mà người Việt chúng ta cần.
Điều chúng ta thật sự cần chính là một đời sống nội tâm an lạc hạnh phúc chỉ có thể mang lại bởi cách sống chuẩn mực. Cách sống đó trong thời công nghiệp hóa kim tiền hóa này hầu như đã chết. Nó chỉ còn thấy được qua một số người lớn tuổi tinh thâm văn hóa truyền thống.
Vậy chẳng phải đây là lúc chúng ta nên nghiêm túc suy xét lại những giá trị văn hóa cổ xưa của ông cha để học hỏi những điều tốt đẹp nhất, truyền lại cho con cháu chúng ta những tinh hoa thật sự? Không phải là tiền bạc hay vinh quang, chính là phục hưng văn hóa cha ông và đạo đức mới là con đường chúng ta cần phải đi.
Tĩnh Thủy
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-viet-da-vo-tinh-danh-mat-long-nhan-ai-cua-minh-nhu-the-nao.html