Mấy trăm năm trước, Nguyễn Du đã viết những dòng như thế này:
…“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần
Ðã mang lấy Nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần đất xa
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…
Nhắc đến mấy câu thơ trên, có lẽ không mấy ai là không biết đến. Nhưng thử hỏi có mấy người thấu hiểu hết những nội hàm sâu xa trong ấy. Cũng như bao người, tôi biết đến thơ của Nguyễn Du ngay từ khi còn tấm bé, nhưng phải đợi đến khi có được hiểu biết, vốn sống và tầm chiêm nghiệm nhất định về cuộc đời, tôi mới hiểu và “thấm” được ít nhiều những gì mà Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết.
Khi xã hội ngày càng hiện đại, kinh tế ngày càng phát triển, thì cũng đồng nghĩa với việc các gia đình có điều kiện để chăm lo, giáo dục con trẻ nhiều hơn. Thuận theo đó, trẻ nhỏ dường như cũng “khôn trước tuổi”, tư duy trở nên nhanh nhạy, chỉ số IQ và khả năng tiếp cận các tri thức khoa học hiện đại của giới trẻ cũng vượt trội hơn. Cùng theo đà phát triển đó, có thể bạn sẽ nghĩ rằng, cơ hội về nghề nghiệp hay thăng tiến cho thế hệ trẻ cũng theo đó mà đi lên, nhưng thực tế lại hoàn toàn không hẳn là như vậy…
Câu chuyện về nam sinh du học tài năng nhưng lại bị từ chối nhận việc tại tất cả các công ty
Bạn thân của tôi có một cậu em trai, gia đình rất có điều kiện nên cho cậu đi du học tại Mỹ. Vốn bản tính thông minh lanh lợi nên cậu luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Sau khi tốt nghiệp, nhận tấm bằng loại ưu, cậu quyết định xin việc và định cư tại Mỹ chứ không về nước. Cả nhà cậu du học sinh lẫn chị bạn thân của tôi đều tin chắc rằng cậu trai trẻ sẽ tìm được một công việc tốt, tương lai sau này rất tươi sáng, có thể làm rạng rỡ dòng họ.
Vậy mà đã nhiều tháng trôi qua, cả nhà nghe tin cậu buồn bã báo về rằng mình không được tuyển dụng dù đã nộp hồ sơ xin việc tại rất nhiều công ty. Ai nấy đều rất ngạc nhiên pha chút bối rối, không hiểu nguyên nhân vì sao. Khi hỏi ra thì cậu mới thuật lại rằng:
Mặc dù rất tự tin với thành tích học tập và tấm bằng loại ưu của mình, nhưng sau nhiều lần phỏng vấn tại các công ty, cậu đều bị bộ phận tuyển dụng lắc đầu từ chối. Sự tình này lặp đi lặp lại đã khiến cậu thất vọng và trở nên tức giận. Lần sau cùng, vì bất mãn, cậu đã lên thẳng phòng lãnh đạo phụ trách tuyển dụng của công ty nọ để hỏi rõ ngọn ngành. Và thật bất ngờ khi cậu được nghe lý do từ phía người phụ trách tuyển dụng, rằng:
Thực tế các công ty bên chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc màu da, ngược lại còn rất hài lòng về trình độ học vấn của cậu. Xét về năng lực thì cậu chính là người mà công ty chúng tôi đang tìm kiếm. Tuy nhiên, khi kiểm tra lịch sử tín dụng của cậu, chúng tôi phát hiện rằng cậu đã ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé.
Lần đầu tiên là khi mới đến Mỹ một tuần, điều này có thể châm chước vì chúng tôi nghĩ cậu là người mới đến nên không hiểu luật. Nhưng thật đáng tiếc, cậu lại tiếp tục trốn vé thêm hai lần nữa. Vì điều đó nên phía công ty chúng tôi cho rằng cậu không tôn trọng quy tắc và lợi dụng những lổ hổng trong quy tắc để trục lợi cá nhân, sự việc này cũng đồng nghĩa như cậu không đáng tin tưởng.
Tuy cậu ra sức giải thích rằng, mình chỉ mới vi phạm ba lần và là lỗi nhỏ thôi, nhưng nhà tuyển dụng liên tục lắc đầu, họ nói rằng, chúng tôi tin trước khi bị phát hiện trốn vé ba lần, có lẽ cậu đã trốn vé được hàng trăm lần rồi. Người phụ trách tuyển dụng cũng nói thêm rằng, không chỉ riêng tại công ty của họ mà tất cả công ty khác tại Âu – Mỹ đều sẽ không thể tuyển dụng một người như cậu được.
Tại Mỹ khi bạn muốn đến nơi nào, đều có thể mua vé tự động theo lịch trình đã định, các bến xe hoạt động theo “phương thức mở”: không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, ngay cả đến khả năng kiểm tra vé đột xuất của hành khách cũng rất thấp. Vì khôn khéo, nên cậu biết rằng tỉ lệ để bị bắt vì tội trốn vé là rất thấp, nhưng lại không ngờ rằng mình đã phải trả một cái giá quá đắt như vậy.
Bước ra khỏi công ty, trong đầu cậu vẫn còn vang vọng mãi câu nói của nhà phụ trách điều hành tuyển dụng: “Đạo đức có thể bù đắp sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ lại không thể bù đắp được sự thiếu hụt về đạo đức”.
Một người dù ưu tú đến đâu, khi nhân cách không hoàn thiện thì cũng sẽ mất đi niềm tin tưởng và sự ủng hộ từ người khác. Nhưng một người có phong thái và đạo đức cao thì dù tài năng không vượt trội hơn những người khác mà lại thể có được tương lại tốt đẹp.
Câu chuyện về thái độ quan trọng hơn năng lực làm việc
Công ty Nhật nơi bạn tôi làm việc thường rất áp lực và đòi hỏi lực lượng nhân sự có trí tuệ, bởi vậy nên bạn tôi nghĩ, thông minh là một ưu thế trong khi làm tại đây, tuy nhiên một sự việc xảy ra đã khiến cô ấy thay đổi cách nghĩ của mình:
Chuyện là, công ty ấy vừa được tuyển dụng thêm một nhân viên mới. Anh ta có năng lực thật vượt trội, cùng là một việc có người làm hai, ba ngày mới xong nhưng anh ta chỉ cần làm một ngày là hoàn thành. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại, khi thấy các đồng nghiệp thức đêm tăng ca, anh ta vẫn an vị ngồi chơi điện thoại. Cho dù được nhờ giúp đỡ, anh ta cũng miễn cưỡng hỗ trợ hoặc tìm cách chối từ. Anh ấy chưa từng có ý nguyện giúp đỡ hay phối hợp với bất kỳ ai. Vì tính tự mãn khá cao nên cũng hay xem thường người khác.
Dù làm việc cùng với bạn tôi một thời gian khá lâu, nhưng trong danh sách thăng chức chưa bao giờ có tên anh ta, mà những người kém năng lực hơn lại lên làm sếp của anh này.
Và bất bình, khiến anh lên phòng lãnh đạo hỏi vì sao người tài năng vượt bậc như mình lại không được thăng chức? Lúc này vị giám đốc công ty mới từ tốn trả lời rằng: “Với năng lực của cậu đúng là phải được làm chức Trưởng phòng, thậm chí cậu có thể phụ trách chức vị cao hơn nữa trong công ty. Nhưng thái độ của cậu thì lại chỉ phù hợp với việc làm một nhân viên thôi!”.
Nhờ có “Thông minh trí tuệ” (IQ) mà con người có thể học hành dễ dàng hơn nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ, bởi đó mới chỉ là phần “Trí”. Con người cần phải có thêm phần “Thông Minh Xúc Cảm” (EQ) thì mới biết cách ứng xử và thăng tiến kể từ khi bắt đầu đi học cho tới khi ra đời làm việc và về hưu. Các lãnh tụ, các chính trị gia thường có cả IQ lẫn EQ rất cao.
Tuy nhiên các nhà khảo cứu về Khoa Học Nhân Văn cho rằng SQ (Spiritual Intelligence) còn gọi là “Thông minh tâm linh” mới là phần căn bản nhất so với IQ và EQ. Bởi IQ và EQ không đặt trọng tâm vào vấn đề Ðạo Ðức của con người.
Khi bạn xem lại các câu chuyện lịch sử văn hóa thời xưa, thì dù là bậc vua chúa, thân phận đứng trên vạn người nhưng vẫn phải cúi đầu trước trời cao. Các học giả, triết gia, thầy thuốc, võ sư… nổi tiếng thời xưa đều đạt trình độ tài năng rất điêu luyện bởi họ luôn kính Thần, khả năng tu dưỡng đạo đức bản thân rất cao. Ví dụ như tại Trung Quốc có Hoa Đà với công năng đặc dị nhìn thấy được nguyên nhân bệnh bằng con mắt thứ ba. Trương Tam Phong cũng không quên dặn các đệ tử của mình phải chú trọng “Võ Đức”. Các nhà thư pháp, học giả đều am hiểu kinh Đạo giáo, Phật Giáo và thường hành thiền trước khi sử dụng bút pháp…
Đến đây, ngẫm lại mấy câu thơ trên của Nguyễn Du, bỗng thấy sao mà đúng vậy:
…“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…
Người có Tài nhưng không có Đức thì cũng không thể theo đó mà hưởng phúc, cổ nhân có câu: “Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp; Nhân hòa đức độ tạo thành công”. Thông minh, tài năng chỉ có thể cho bạn một tiền đề của sự nghiệp nhưng muốn thành công thì đòi hỏi bạn phải có Đạo Đức.
Tài năng chỉ là những kỹ năng căn bản mà mỗi người thông qua việc rèn luyện đều có thể đạt được, nhưng nếu ỷ mình có tài mà không lo tu dưỡng đạo đức thì cũng không thể vận dụng và phát huy được tài năng ấy. Kết quả cuối cùng là thất bại, đây là một quy luật tất yếu của nhân quả. Lúc đó không thể oán trách ai mà hãy tự trách mình.
Thông thường, người có tấm lòng thiện lương và cái “Tâm” trong sáng, thuần khiết thì cho dù có khiếm khuyết một chút về tài năng nhưng một cái tâm ấy có thể cảm động đến trời xanh và họ sẽ có một tương lai, tiền đồ tốt đẹp bởi lẽ họ có Đức, quả đúng là: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Nhã Thanh
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/tren-doi-chi-thong-minh-thoi-la-chua-du-boi-chu-tam-kia-moi-bang-ba-chu-tai..html