Blog Tâm Thức
Tham tiếc tài sản, chuyển kiếp thân chó
Monday, 16/11/2015 00:00 am

Blog Tâm Thức

Thuở trước, Đức Phật và chúng đệ tử mỗi ngày đều mang bình bát đến từng nhà để khất thực. Một hôm, Ngài đi khất thực đến nhà một người tên là Đô Đề. Khi ấy,chủ nhà đi vắng, trong nhà có một con chó đang ăn một dĩa thức ăn.Thấy Phật bước vào,nó liền nhảy xổ lại và sủa ầm lên. Đức Phật liền nói với nó rằng:

– Ngươi đã đến nước này mà còn chưa biết ăn năn tội trước hay sao?

Con chó bèn cụp đuôi xuống, riu ríu đi lại nằm trong xó, xem vẻ buồn rầu lắm. Đô Đề đi bên ngoài về, thấy con chó không vui như mọi bữa, mới hỏi người nhà. Người nhà thuật lại chuyện Đức Phật đến khất thực, có nói một câu rồi con chó buồn rầu như thế. Đô Đề giận lắm, liền đi thẳng đến Tịnh Xá mà hỏi Phật cho rõ sự tình, Phật đáp:
– Ta chỉ nói sự thật với con chó ấy thôi.Đời trước,nó chính là cha của ngươi.Suốt đời cha ngươi bỏn sẻn,tham tiếc từng đồng xu cắc bạc,tuy giàu có mà keo kiệt lắm,chẳng bao giờ bố thí cho ai lấy một đồng xu. Bởi lòng tham tiếc của cải,nên khi thác sinh mới tái sinh làm kiếp chó trong nhà để giữ của. Vậy mà vẫn còn chưa tỉnh ngộ. Bây giờ ngươi hãy về bảo nó chỉ chỗ chôn giấu vàng bạc ngày trước là chỗ nào, thì nó sẽ chỉ ngươi biết,nó chỉ ngươi xong không lâu sau nữa thì nó sẽ chết.

Đô Đề nghe nói nửa tin nửa ngờ,về nói với con chó rằng:

– Đời trước ngươi làm cha ta,nay làm con chó trong nhà,có quyền thừa hưởng gia tài này,vậy hãy chỉ chỗ chôn vàng bạc cho ta.

Con chó liền chui xuống dưới bộ ván,lấy chân mà cào đất. Đô Đề sai người lấy cuốc xẻng đào đất chỗ ấy lên,quả thật bên dưới chôn giấu rất nhiều vàng bạc.Vài ngày sau thì con chó liền qua đời.

Liền đó,Đô Đề phát tâm theo Phật, quy y Tam bảo, cầu Phật chỉ dạy đạo lí cho. Đức Phật dạy rằng:

-Nhân quả ở đời này như bóng theo hình,ai giết hại sinh linh thì tuổi thọ kém. Ai không giết hại sinh linh thì được sống lâu. Ai sinh ra nghèo hèn là bởi đời trước bỏn sẻn và trộm cướp của người. Vì thế,được giàu có thì nên bố thí để gieo nhân lành. Ai được giàu có và sống lâu là nhờ đời trước tạo nhiều việc thiện. Nhân quả không sai chạy,tự mình làm tự mình chịu,không thể tránh trút cho ai. Lại nữa, ý muốn sanh ra lời nói, việc làm. Đã nói, đã làm tức là tạo nghiệp. Nói lời lành, làm việc lành thì được hưởng phước. Nói lời ác,làm việc ác thì tất phải mang lấy họa.