Lúc đầu vợ ông Tỷ không thuận, nhưng vì chồng thiếu nợ ông Bảy quá nhiều, nên bà quyết định tạm xa chồng con một thời gian … để thực hiện mưu này.
Ông bà Tỷ đã thỏa thuận xong, sau đó lập mưu kế ra tòa ly dị. Tòa xử Bà Tỷ được chia gia tài là tiệm tạp hóa và có trách nhiệm nuôi con. Ông Tỷ thì được số tiền lớn và có cuộc đời tự do. Như mưu kế đã lập, sau khi ly dị ông Tỷ, bà Tỷ được ông bảy cưới chính thức làm vợ. Đám cưới tổ chức rất linh đình, đãi tiệc suốt ba ngày ba đêm, lớn nhất Trà Ôn. Mời cả chính quyền địa phương tham dự. Bà con hàng xóm đi xem đám cưới rất đông, vì người đàn bà tái giá đặc biệt chỉ 40 tuổi lấy ông chồng giàu 80 tuổi.
Cưới được vợ, Ông Bảy phấn khởi hủy luôn số tiền mà ông Tỷ nợ trước kia. Bà Tỷ còn nói với ông Bảy là trả lại tiệm tạp hóa cho ông Tỷ để ông nuôi con, Bà có tự do hạnh phúc với ông Bảy.
Bảy ngày sau, thật không ngờ, bà Tỷ trúng gió chết. Mới đám cưới tiếp tục đám tang.
Tang lễ cho bà Tỷ xong, ông Bảy bắt đầu kiện ông Tỷ để lấy lại tiệm tạp hóa, vì ông Bảy bây giờ là chồng chính thức trên danh nghĩa của bà Tỷ. Tòa xử ông Bảy thắng kiện. Ông Bảy đến đến chợ Trà Ôn lấy lại tiệm tạp hóa, đuổi ông Tỷ ra ngoài!
Ông Tỷ mưu khá sâu nào ngờ sự việc đảo ngược, khí uất trào dâng, mất vợ mất luôn cửa tiệm, cha con lang thang khổ sở không có mái nhà che thân. Ông loạn tâm thần, lâu lâu lại đến đạp cửa tiệm tạp hóa và miệng nói nhảm mãi câu chuyện cùng vợ mưu tính của mình. Ông Tỷ cười khóc trong cơn điên loạn, và xin ăn tại chợ Trà Ôn cho đến khi chết. Câu chuyện quả báo này, vẫn còn được nhắc đi nhắc lại tại địa phương cho đến ngày nay.
( Lời kể của Ni Sư Giác Liên, Trụ trì chù Phước Hải, Vĩnh Long)