Chuyện về bùa ngải vùng cao từ lâu đã tự nhiên mang trong mình chất sử thi, kỳ bí đến mức huyễn hoặc. Cũng đã không ít lần tôi đã theo tiếng gọi ma mị bí truyền từ bùa ngải mà lên rừng tìm hiểu về thứ bùa ngải này. Vậy mà, tôi chưa một lần được trông thấy tận mắt xem bùa ngải là cái gì, sao nó lại có sức mạnh vạn năng đến thế. Thế nhưng, lần này thì khác, tôi đã được trông thấy những cây ngải thực sự ngoài đời…
Lên rừng tìm ngải
Từ trước đến nay, bùa ngải thường là một cụm từ chung, chỉ những gì mê muội nơi rừng sâu núi thẳm. Vậy nhưng, bùa và ngải lại là hai thứ tách bạch nhau và đều mang sự tích riêng của mình.
Nếu nói về bùa, có lẽ cả một vạt đất vùng Đà Bắc, Hòa Bình không ai là không biết đến tiếng tăm thầy bùa Đinh Thị Âu, là đệ tử chân truyền của người Ao Tá về biệt tài điều khiển được âm binh, có thể làm cho người ta dở điên dở dại hoặc chết bất đắc kỳ tử được. Cách yểm bùa của bà Âu rất đơn giản, chỉ cần que hương và muối, ngồi trước bàn thờ đọc thần chú trấn yểm.
Tôi đã từng đóng giả một người bị vợ bỏ đến gặp bà Âu nhờ bà làm bùa yêu để níu kéo vợ. Tôi cũng đã từng gặp rất nhiều người đã từng nhờ bà Âu làm bùa, gặp cả những người bị dính bùa ấy. Có người mất đôi trâu quý đến nhờ bà Âu làm bùa ác trả thù, có cả hai người bạn thân hùn vốn đi buôn luồng rồi sinh cãi nhau cũng làm bùa ác để hại nhau. Bùa yêu thì nhiều vô kể, người bị chồng ruồng rẫy, người thì ế ẩm muốn kiếm cho mình một tấm chồng. Lời đồn đại nửa phần hư, nửa phần thực. Có người thì coi bà Âu là thánh sống, chỉ cần đi qua cửa nhà bà Âu cũng phải chắp tay cúi mặt cun cút mà đi đừng nói gì đến việc gặp mặt. Có người lại coi bà Âu là thầy “rởm” tự tấn phong chẳng đáng tin.
Cây huyết ngải này ở nhà ông Phàn có vẻ ngoài giống một loài lan rừng
Tôi đã gặp chị Vương Thị Hạnh, 44 tuổi ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình – người được cho là đã dính bùa ác do người hàng xóm ác tâm đánh bùa. Chị Hạnh buôn ngô, có cửa hiệu nhỏ ở thị trấn Đà Bắc, đang làm ăn bình thường bỗng hóa rồ hóa dại. Ngày đi lang thang ngoài đường, tối về ngủ ở hiên nhà và nhất định không chịu vào nhà.
Tôi cũng đã gặp bà Xa Thị Tịnh, sinh năm 1960, ở xóm Riều Bồ, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, chỉ vì tranh chấp mà bà Xa Thị Huệ (em dâu bà Tịnh) đã nhờ thầy bỏ bùa ác khiến bà Tịnh ốm nặng và chết. Tuy nhiên, tìm hiểu hồ sơ bệnh án của bà Tịnh tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tôi được biết bà Tịnh nhập viện do bị sốc nhiễm độc nặng và mất tại nhà. Hồ sơ bệnh án khẳng định: Không có lá bùa nào gây nên cái chết của bà Tịnh cả.
Chuyện bùa ác, bùa yêu, bùa độc… hư thực rất khó xác định sự thật. Nhưng với ngải thì lại khác.
Cũng tại vùng Đà Bắc, Hòa Bình, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện về anh Hoàng Văn Mỗ, 45 tuổi. Anh Mỗ quê gốc Lâm Thao, Phú Thọ và đã lên dạy học nhiều năm ở miền này. Anh vốn người xấu xí nên mãi không lấy được vợ. Cuối cùng phải nhờ đến ngải mà anh mới có vợ, có con. Nhưng người vợ chẳng may đột tử. Thay vì lo hậu sự cho vợ, anh Mỗ cứ ngồi gí mũi ngửi xác vợ. Lý giải điều này, những người biết về bùa ngải đều cho rằng, vì anh ta dùng ngải để lấy người khác một cách cưỡng bức nên khi vợ chết nếu không được thầy cao tay đến ké bùa (giải bùa ngải) thì sẽ chết theo vợ. Chính vì vậy, khi chưa được giải bùa, người đã trót nhờ ngải làm việc xấu cứ phải ngồi hít mùi tử thi.
Như một lẽ thường, ở miền này, cứ một người con gái người dân tộc mà xấu xí lấy được anh chồng đẹp trai người Kinh là người ta đồn thổi chuyện ém bùa ngải. Có cô gái sống gần cầu Mịn, xấu như Thị Nở, lại còn xấu cả nết nữa. Vậy mà một anh chàng làm nghề chủ thầu xây dựng người Hà Nội hẳn hoi đã có vợ đẹp, con khôn lại mê cô nàng vùng sơn cước như điếu đổ. Họ sống với nhau như vợ chồng có con với nhau. Anh chàng chủ thầu xây dựng vương vào cảnh đa mang, đành biến thành con thoi đôi chốn đi về. Vừa mới năm trước, nghe người dân nói, anh chàng chủ thầu xây dựng đã xây cho mẹ con nàng Thị Nở một ngôi nhà cao rộng thênh thang vào bậc nhất nhì huyện.
Chuyện này người dân ở đây ai cũng biết. Người ta bảo nếu không có bùa ngải thì làm sao một người Hà Nội đẹp trai, giàu có lại yêu say đắm một cô nàng xấu xí đến thế. Có điều đến giờ vẫn đi về với hai vợ và cuộc sống của ông chủ thầu xây dựng vẫn khá êm đềm. Thế mới lạ!
Phương pháp luyện ngải bí truyền
Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác là người rất am hiểu về bùa ngải và đã từng có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này. Gặp tôi, ông Chu Phác khẳng định ngay: “Tôi đã nghe nhiều chuyện về ngải và tôi tin cây ngải là có thật, nhưng tôi vẫn chưa gặp và chưa hình dung ra được cây ngải như thế nào. Tôi thấy người ta nói cây ngải giống như cây gừng. Có người nói nó giống như cây hoa tóc tiên, có người lại chụp hình nó giống cây xương rồng”.
Mặc dù miêu tả hình dạng có khác nhau, nhưng nơi đâu cũng nhắc đến sự linh nghiệm của ngải. Theo kiến giải của nhiều người, cây này chỉ có rất ít ở vùng sâu núi thẳm. Cây này ăn động vật (gà con hoặc chim rừng), cái khí chất của nó độc lắm. Nhờ cái khí thiêng ấy, người muốn hại đối phương bào chế và cho người ấy uống. Đối phương sẽ trở nên ốm yếu thần kinh suy kiệt. Nhưng với mục đích hại người thì người chơi bùa ngải cũng không thoát khỏi chuyện ác giả, ác báo.
Tôi tìm nhiều nơi, mong muốn được biết một loại cây mang nhiều huyền bí trong đời sống của người dân tộc thiểu số. Cuối cùng, tôi cũng tìm đến được với lý giải của ông Sương Mãn Thiên về cây ngải. Theo đó, cây ngải là một loại thực vật ngoại biến càn khôn, thường mọc trong những vùng rừng núi, nhiệt đới như Thất Sơn, Trường Sơn.
Ngải có đến gần 800 loại, là loài thực vật có củ, nhỏ nhất thì nhỏ hơn củ nghệ một chút như ngải đen, ngải nàng thâm, nàng xoài lớn thì có thể bằng bắp vế người đàn ông lực lưỡng như ngải mãnh hổ, ngải cuồng phong, ngải tượng. Một số loài đã có tên khoa học và đã được công nhận tính năng chữa bệnh hay giúp ích cho cơ thể con người bởi các nhà nghiên cứu khoa học công bố. Nhưng đa phần cây ngải vẫn còn mang nhiều bí ẩn mà tên gọi chỉ được truyền miệng qua kinh nghiệm dân gian hay các ngải sư với nhau.
Theo các ngải sư thì loài cây này có tính linh tự nhiên kỳ diệu, ví dụ như một củ ngải khô đã vài năm để trong nhà không chạm đất nhưng khi để vào chậu kêu câu chú mời thần ngải về chứng thì vài tuần nó sẽ tự động mọc mầm sống lại, lên cây, trổ hoa như thường. Có những thương gia làm ăn, buôn bán vô tình trồng một vài chậu ngải bún (còn gọi là ngải hẹ) ở trước nhà mục đích chỉ để làm cảnh. Nhiều người thấy từ khi mình trồng cây cảnh ấy tự nhiên đông khách, đắt hàng. Chủ nhà cũng không biết là mình đã trồng loại ngải. Và thực tế, trong thế giới cây cảnh hiện nay, có rất nhiều loài cây thuộc họ ngải nhưng người bán, người mua đều không hay biết. Theo các ngải sư, với những loài cây cảnh “ăn thịt” đều có thể xuất thân từ những loại ngải khác nhau.
Ghi chép của Vũ Minh Tiến (Petrotimes)
TAMTHUC