Mạnh Thường Quân và môn khách
Trong đám môn hạ của Mạnh Thường Quân có một thực khách đem lòng yêu mến tiểu thiếp của ông. Có người nói với Mạnh Thường Quân rằng: “Làm thực khách của ngài mà lại đi yêu phu nhân của ngài, thật là bất nghĩa, hay là giết ông ta đi”.
Mạnh Thường Quân nói: “Thấy dung mạo xinh đẹp mà yêu thích là lẽ thường tình của con người!”. Và tha chết môn khách đó.
Qua một thời gian, Mạnh Thường Quân lại chuẩn bị xe, ngựa, lễ vật cho môn khách nọ, để tiến cử ông ta với vua nước Vệ.
Trước khi lên đường, Mạnh Thường Quân nói: “Ông và tôi là ‘bố y chi giao’, hi vọng ông và vua nước Vệ có được tiền trình rộng lớn”. Nhờ sự tiến cử của Mạnh Thường Quân, vị môn khách này sau khi đến nước Vệ đã được trọng dụng.
Về sau quan hệ giữa hai nước Tề, Vệ xấu đi, vua nước Vệ chuẩn bị liên lạc chư hầu đem binh mã đánh nước Tề. Lúc bấy giờ vị môn khách nọ đứng ra ngăn cản, nói rằng:
“Mạnh Thường Quân là người rất có đạo đức. Tôi từng làm việc có lỗi đối với ông ta, nhưng ông ta không hề trừng phạt tôi, mà còn khen tặng tôi trước mặt ngài. Hơn nữa, tôi nghe nói, vua trước đây của hai nước Tề, Vệ từng cắt máu ăn thề ‘đời sau không đánh lẫn nhau’, mà nay ngài lại vi phạm lời thề. Xin ngài không nên đánh nước Tề, nếu không, tôi nguyện lấy máu nơi cổ của mình làm bẩn áo ngài”.
Do vị môn khách liều mình ngăn cản, nước Vệ đã bỏ ý định đánh Tề, giúp Mạnh Thường Quân tránh được mối hiểm họa trước mắt.
Người xưa có câu rất hay rằng: “Chịu ơn của người một giọt nước, phải báo đáp lại bằng cả một dòng suối”, huống gì đã chịu ơn người một mạng. Đức hạnh của Mạnh Thường Quân đã khiến vị môn khách cảm kích không thôi, vì thế mà sẵn sàng đem cái chết ra để đổi lấy sự an toàn cho ân nhân của mình.
Chỉ một câu “Bố y chi giao”, đã cho thấy cái giao tình của người xưa nặng tựa Thái Sơn, một ngày là huynh đệ thì cả đời vẫn là huynh đệ, có thể vì bạn mà xả thân không nuối tiếc. Là tri kỷ, nên trong bất kể tình huống nào vẫn luôn sát cánh cùng nhau, nếu không phải là đối phương, thì thế gian bao người không ai còn xứng đáng nữa. Cũng giống như câu chuyện về tình bạn giữa Bá Nha và Tử Kỳ mà ngàn đời sau vẫn luôn lưu truyền rộng khắp.
TAMTHUCCao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm
Vào lúc Tấn, Sở đang giao hảo nhau. Bá Nha là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một phong lưu mặc khách, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời; ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thiết thân của mình.
Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy Dao cầm ra so phím thử dây.
Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang cất vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng ”bựt”, dây tơ đồng đứt. Bá Nha giật mình tự nghĩ, hẳn là có người nào đang nghe lén tiếng đàn, bèn chuẩn bị cho quân lính lên bờ tìm hiểu.
Lúc này, trên bờ mới vọng lên tiếng nói của một gã tiều phu trấn an và ngợi ca tiếng đàn của người trên thuyền. Đó chính là Tử Kỳ. Đôi bên đối đáp không lâu thì Bá Nha nhận ra, Tử Kỳ tuy thân phận thấp hèn, nhưng lại có thể hiểu thấu tiếng đàn của ông. Bá Nha sinh lòng kính phục, mời Tử Kỳ lên thuyền đàm đạo.
Ngồi đàm đạo không lâu, Bá Nha lại thử tài Tử Kỳ một lần nữa. Ông nối lại dây đàn, tập trung đến chốn non cao, đánh lên một khúc, Tử Kỳ khen rằng: “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn”, nghĩa là: Đánh đàn hay thay, vời vợi tựa Thái Sơn.
Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa, Tử Kỳ lại khen rằng” “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy”, nghĩa là: Cuồn cuộn như nước chảy. Sung sướng vì tìm được tri âm. Bá Nha sai người bày tiệc đối ẩm, rồi sau đó lại kết nghĩa anh em với Tử Kỳ. Cả hai hẹn ước vào ngày Trung thu năm sau sẽ lại gặp nhau ở ghềnh đá chân núi Mã Yên…
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, Tử Kỳ qua đời trước dịp hẹn ước. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ quên lời hứa với người anh em kết nghĩa của mình. Tử Kỳ di ngôn lại rằng xin được mai táng ở chân núi Mã Yên để hoàn thành lời hẹn ước với Bá Nha.
Ngày hẹn ước, Bá Nha tìm đến nơi thì nghe được tin dữ. Ông đau lòng đến viếng Tử Kỳ, và sau đó sai người mang cây Dao cầm tới, dốc hết tâm lực đàn khúc “Thiên thu trường hận“. Tấu xong khúc nhạc, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, đoạn tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ. Dao cầm vỡ tan, trục ngọc phím đồng rơi lả tả.
Sau đó Bá Nha ngâm bốn câu thơ nói rằng:
Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Gió xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!
Lòng yêu thương, tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ trên đời này quả thực khó tìm. Hai người tuy ở hai thế giới khác nhau, một người là quan cho nước Tấn, một người là một danh sĩ ẩn dật, làm nghề đốn củi, nhưng tâm hồn lại đồng điệu với nhau, chỉ qua một vài ngón đàn đã xem nhau như tri kỷ.
Chiếc Dao cầm của Bá Nha vốn là vật bất ly thân, nhưng cuối cùng đã vỡ vụn chỉ vì không tìm được tri âm của nó. Mới thấy rằng, trong thiên hạ bằng hữu có thể nhiều nhưng để kiếm được một tri kỷ thì không hề dễ. Cho nên, nếu có thể tìm được một người bạn tâm giao thì chính là niềm hạnh phúc, nhất định cần trân trọng và gìn giữ.
Tuệ Tâm (t/h)
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/bo-y-chi-giao-ban-be-thua-co-han-la-khong-the-phu.html