Có nhiều người cho rằng, vì bố mẹ và nhà trường quá bắt ép nên mới xảy ra việc trẻ em bị tự kỷ do áp lực học tập. Nhưng đây có thực sự là nguyên nhân chính, hay bởi vì phụ huynh quá chú trọng giáo dục con chữ, mà quên dạy các em phải tôi dưỡng nội tâm vững vàng để có thể hiểu được ý nghĩa cuộc sống?
Tâm sự của một bạn trẻ đã từng tự kỷ vì áp lực học tập sẽ cho bạn một cách nhìn khác về việc giáo dục con trẻ.
***
Chồng con đi chơi xa nên lâu lắm rồi Mai mới có một ngày thật sự của riêng mình. Cô chỉ muốn lang thang đâu đó tìm một khoảng lặng, và quán cà phê với khung cảnh thơ mộng đã níu bước chân Mai. Ngồi dưới những tán cây xanh mướt thoang thoảng hương lan, bên cạnh là hồ cá chép Nhật đủ màu rực rỡ, làn gió nhè nhẹ từ đâu đến mang hơi nước mát lành ở dưới hồ phả lên mặt khiến Mai như chìm vào cảm giác thư thái khó tả.
Đang miên man mỉm cười với hạnh phúc hiện tại, bất giác Mai nhìn thấy tiêu đề của tờ báo bên cạnh bàn khiến cô giật mình: “Nam sinh tự tử vì áp lực học tập”. Bao nhiêu cảm xúc chỉ muốn lãng quên từ lâu chợt ùa về trong tâm trí, đó là khoảng thời gian đối với Mai như một nỗi ám ảnh tuổi thơ, mà giờ đây, Mai chỉ có thể ngậm ngùi nói với lòng mình hai chữ: “Giá như…”.
Giá như khi ấy bố mẹ không rót vào đầu óc non nớt của Mai cái ý nghĩ, rằng phải đậu bác sỹ mới có tương lai.
Giá như Mai không bị ánh hào quang và tương lai rực rỡ giàu có địa vị, mà bố mẹ cần mẫn xây đắp vào trí tưởng tượng của cô mỗi ngày, để cô phải lao vào học như một con thiêu thân quên ngày tháng, đánh mất tuổi thơ.
Giá như bố mẹ Mai chỉ là nông dân, không coi trọng sít sao việc học hành hay so sánh thành tích của cô với bất cứ ai, không hướng cô phải theo khuôn mẫu mà bố mẹ cho là tốt, thì giờ đây cô đã có thể theo đuổi giấc mơ thành nhà thư họa nổi tiếng, hoặc chuyên gia về đồ họa, mỹ thuật.
Giá như khi ấy, Mai có thể được là chính mình, được tự do chọn ngành nghề theo sự đam mê là văn và vẽ, chứ không phải tự ép mình học những môn tự nhiên khô khan mà cô không chút cảm tình hay năng khiếu, mà chỉ bởi là “học vì bố mẹ muốn như thế”.
Và tất nhiên, khi làm điều mình không thích thì chẳng thể có kết quả tốt đẹp. Mai đã trượt đại học, trượt giấc mơ thành bác sỹ mà bố mẹ từng vun đắp cho cô. Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt Mai, bởi với đầu óc con trẻ khi ấy cô luôn nghĩ rằng: “Tất cả đã hết nếu không được làm bác sỹ”.
Sóng gió và bão tố đã không ngừng nổi lên trong đầu óc non nớt của tuổi mới lớn tội nghiệp. Cô hiểu lắm cái cảm giác của bạn nam sinh kia vì sao phải tự tử. Cái cảm giác là một học sinh giỏi với sự kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô, bạn bè đã gây áp lực tinh thần lên học sinh ấy. Họ sẽ cho rằng cả thế giới sụp đổ trước mắt nếu mình không đạt yêu cầu như ba mẹ kỳ vọng. Họ cảm thấy cuộc đời mình chấm hết nếu bị thi trượt hoặc kết quả không như mong muốn. Họ cảm giác như cả thế giới sẽ khinh thường nếu mình thua thiệt một chút so với mọi người. Họ cảm giác như mình không đủ khả năng để đạt được ước nguyện của ba mẹ, và nếu điều ấy xảy ra thật sự, họ sẽ thà chết đi còn hơn vì đó là một “nỗi nhục lớn”…
Đối với Mai, lúc nhận tin trượt đại học nào khác gì cảm giác của bạn nam sinh kia. Sự kỳ vọng của ba mẹ không thành, giấc mơ làm họa sỹ cũng chẳng thể thực hiện được, vì thời gian đâu cho Mai đi học lại để theo đuổi hội họa, mà cũng bởi ba mẹ bảo làm hội họa sẽ nghèo suốt đời nên không khuyến khích cô theo đuổi.
Mai còn nhớ như in cái cảm giác lạc lõng, tủi nhục, sợ hãi cái cảnh đứa bạn thân cạnh nhà cùng đám bạn ở quê đi học đại học, trong khi mình núp bóng ở nhà ôn thi bác sỹ trở lại theo sự sắp đặt của ba mẹ. Thi lại năm hai nhưng vì thiếu nửa điểm nên Mai cũng chẳng thể làm bác sỹ như ba mẹ mong muốn, cô phải nhắm mắt đưa chân học nguyện vọng hai bên khối kỹ thuật, một ngành nghề chẳng liên quan gì với sự đam mê của cô.
Mai đã đi học xa nhà như thế, và với cô đó là một chuỗi ký ức buồn. Cô luôn sống trong cảm giác tội lỗi vì làm ba mẹ thất vọng, sống trong sự lo sợ vì nghĩ ngành nghề cô học cũng sẽ chẳng giúp cô được việc gì ra hồn khi ra trường. Chính vì thế cô đã thu mình lại lầm lì ít nói, thiếu tự tin trong giao tiếp, đến nỗi bạn bè cùng phòng cũng chẳng hiểu nổi Mai. Những năm đầu đại học với cô chẳng có một chút ý nghĩa gì, cô học hành cũng chẳng thể khá hơn mà chỉ ngày đêm mong muốn mình có thể sớm chấm dứt cảnh tù ngục này, sớm chấm dứt việc học những môn kỹ thuật mà với Mai đó là một cực hình từ tấm bé.
Cô hay ra công viên ngồi một mình thẫn thờ nghĩ về chính mình, tại sao mãi không thể thoát ra khỏi cái vỏ bọc u uất, ngột ngạt vô hình ấy. Cô luôn suy nghĩ nông cạn rằng: Tuổi thanh xuân của mình cũng hết rồi, đã chậm một năm so với bạn bè giờ phải chậm đến bao giờ nữa, cố sống cho tới ngày ra trường rồi mình sẽ làm được những gì mình thích. Cô tự an ủi mình như thế để thời gian trôi qua, nhưng rồi càng ngày tâm hồn cô càng nặng trĩu sinh ra bệnh tật mà chẳng thể tìm được lối thoát cho mình.
Giờ đây, khi được thoát khỏi con người trước kia và tìm lại được chính mình, Mai chợt bật cười về sự ngô nghê dại khờ thời tuổi trẻ. Tuy hiện tại, Mai không giàu sang địa vị như giấc mơ bố mẹ từng ấp ủ, nhưng Mai rất hài lòng với những gì đang có. Bởi tâm hồn cô giờ có thể an yên, tĩnh lặng trước mọi niềm vui hay nỗi buồn trong cuộc sống, chứ không như trước đây “không thể chịu nổi bất cứ áp lực nào, và không dám làm những gì mình thích”. Và đặc biệt hơn là cô đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi của chính mình: “Rốt cuộc mình sống vì điều gì, và nó có ý nghĩa gì với mình trong cuộc đời này!”.
Cô thầm cảm ơn vì mình may mắn có duyên với Phật Pháp từ bé, nên đã hình thành trong cô một sự hiếu thuận vô bờ bến đối với bậc sinh thành của mình. Nếu không nghĩ rằng, mình còn nợ ba mẹ quá nhiều công sinh thành dưỡng dục, do đó phải cố gắng sống để phụng dưỡng, thì có lẽ Mai đã sớm kết thúc cuộc đời tươi đẹp của mình như nam học sinh kia lúc biết tin mình trượt đại học.
Nhưng điều thật sự giúp Mai có được hạnh phúc như ngày hôm nay chính là cô đã tìm thấy lời giải của chính mình: “Mỗi một sinh mệnh sinh ra đều rất đáng trân quý và đều có ý nghĩa riêng nên phải biết gìn giữ. Con người sống trên đời chỉ hơn nhau ở cốt cách chứ không phải vật chất xa hoa bên ngoài, bởi của cải khi sinh chẳng đem đến khi tử chẳng mang theo. Mỗi cá nhân trong luân hồi đều có nghiệp lực khác nhau, do đó chịu khổ chính là hoàn trả nợ nghiệp, hãy lấy khổ làm vui vì khi nghiệp hết phước đến thì mới có hạnh phúc thật sự. Luôn chú tâm tu dưỡng đạo đức mới là điều căn bản trong cuộc sống bởi ‘Chữ Tâm kia mới bằng ba chứ Tài’”.
Chính vì nhận ra triết lý đơn giản này mà từ một cô gái rụt rè, ít nói Mai đã có thành tích vượt bậc vào năm cuối đại học và trở thành sinh viên tiêu biểu của trường, đóng góp nhiều trong các dự án khoa học có sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ, dẫn đầu trong các hoạt động ngoại khóa, được nhiều thầy cô bạn bè quý trọng, yêu mến. Hiện tại, Mai có một công việc lương tuy đủ sống nhưng nhẹ nhàng, có thời gian cho cô tiếp tục theo đuổi ước mơ thành nhà thư họa. Đặc biệt những tác phẩm của Mai cũng được nhiều người yêu mến, trân trọng. Cô có một mái ấm hạnh phúc cùng gia đình nhỏ, mẹ chồng lại rất yêu thương cô.
Nhưng sâu thẳm trong lòng Mai biết rằng, những hạnh phúc hiện tại cô có được không phải ngẫu nhiên, mà là do tâm cô đã thật sự bình lặng trước mọi sóng gió cuộc đời. Cô biết sống đủ và biết cho đi, biết mỉm cười trước nghịch cảnh, biết nhìn xuống và biết học cách yêu thương.
***
Con người vốn dĩ đau khổ là bởi họ suy nghĩ cho mình quá nhiều, khi mở rộng tâm hồn bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thoáng đãng. Hạnh phúc hay đau khổ không phải ai mang đến hay gây ra cho bạn, mà là do chính nội tâm của bạn tạo thành. Đạt được nội tâm thanh tịnh thì lúc đó bạn mới có hạnh phúc thật sự, khi đó mọi tác động bên ngoài chỉ là hư vô không khiến bạn gục ngã hay thay đổi chính mình mà chỉ có thể làm cho bạn trưởng thành hơn.
Nhã Thanh
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-ta-dau-kho-vi-nghi-cho-minh-qua-nhieu-mo-rong-tam-long-se-tu-thay-an-yen..html