Người ta cho rằng buổi bình minh của văn minh nhân loại tràn ngập ma thuật của các phù thủy, lễ hiến tế, các nghi thức cầu xin trời đất. Đó là thời kỳ hoàng kim của các phù thủy.
Những câu chuyện “rùng mình” về thế giới phù thủy
Năm 1785, bà Elly Kedward ở thị trấn Blair (Burkittsville, Maryland, Mỹ ngày nay) bị dân chúng đuổi vào rừng vì bị kết tội sử dụng ma thuật và bị vu là phù thủy. Kể từ đó, có nhiều đứa trẻ bị mất tích trong rừng và người ta đồn rằng, phù thủy này đã dụ dỗ chúng về sào huyệt, bắt vài đứa úp mặt vào tường rồi giết những đứa còn lại…
Năm 1824, có 11 nhân chứng thấy bé Eileen bị kéo xuống con lạch Tappy East bởi một sức mạnh vô hình. 13 ngày sau, con lạch bị ô nhiễm trầm trọng, dân làng phải di chuyển hết gia súc của mình ra khỏi vùng nước ô nhiễm.
Tháng 3 năm 1886, một bé gái là Robin Weaver bị mất tích trong rừng, dân làng cử một nhóm người đi tìm kiếm. Vài ngày sau, Robin trở về và nói rằng, có một người phụ nữ đã giam cô ở một căn nhà cũ, Robin đã thoát bằng cửa sổ và trở về nhà an toàn nhưng những người đi tìm cô bé không bao giờ trở về nữa.
Dân làng tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát, nhưng khi tìm kiếm, họ không hề phát hiện ra một cái xác nào mà chỉ có mùi xác chết bốc lên nồng nặc trong rừng. Thị trấn Burkittsville tràn ngập mùi tử khí, chết chóc và những vụ biến mất bí ẩn cùng lời thì thầm về một lời nguyền của phù thủy.
Quyền năng phù thủy
Các trò pháp thuật phù thủy rất thịnh hành ở các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Trong một tài liệu cách đây hàng trăm năm của một du khách người Ả rập mô tả rất kỹ buổi hành lễ ở Trung Hoa. Trước đám đông người, một phù thủy dùng một quả cầu gỗ có buộc dây thừng và ném nó lên trời. Quả cầu bay cao và biến mất hút, chỉ còn sợi dây treo lơ lửng. Phù thủy sai một cậu bé bám vào sợi dây để leo lên trời.
Chỉ ít phút sau, cậu bé cũng biến mất. Tộc trưởng suy nghĩ và nói một điều gì đó với phù thủy, lập tức phù thủy dùng dao cắt đứt dây, cắt rời từng phần cơ thể của cậu bé rơi xuống đất. Quang cảnh đẫm máu làm cho những người chứng kiến kinh hãi. Nhưng sau đó, tộc trưởng lầm rầm khấn vái một điều gì đó, các bộ phận của cậu bé dính vào nhau và cậu ta sống lại như bình thường. Buổi hành lễ kết thúc trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Kinh Mật tông Phật giáo nói đến việc các pháp sư tạo ra những đám đông và làm biến mất họ từ hàng nghìn năm trước. Những người theo môn phái tu luyện này thừa nhận sức mạnh của bùa chú, pháp thuật và cho rằng chúng góp phần tạo nên niềm tin tôn giáo.
Những tài liệu hàng nghìn năm ghi nhận vua Pàla (Ấn Độ cổ) “bằng pháp thuật của mình đã tạo ra thuốc trường sinh phân phát cho mọi người để những người già 100 tuổi có thể trẻ lại”. Những lễ nghi của dòng Mật tông thường được giữ kín nhưng không bao giờ thiếu việc niệm thần chú, biểu diễn màn nhảy múa tôn giáo và thiền định, trong đó các pháp sư (giống với vai trò của các phù thủy) sẽ cầm trịch các buổi hành lễ đó.
Người ta cho rằng các bài thuốc chỉ có thể mang lại tác dụng khi được các pháp sư đọc thần chú gọi là mantra. Đó là tuyệt kỹ chỉ có các phù thủy mới làm được. Người ta cho rằng, các âm thanh mantra sẽ làm ma quỷ sợ hãi, biến đi trong phút chốc. Nếu gặp nguy hiểm thì nên sử dụng các thần chú này.
Màn ảo thuật hấp dẫn
Các buổi hành lễ của phù thủy không thể thiếu được những vũ điệu được gọi là múa phù thủy. Đó là các vũ điệu nhằm kích động thần kinh của những người tham gia. Người ta dùng các động tác tay, chân, lắc lư đầu và các đạo cụ như chuông, bát hương để tạo ảo giác với những người chứng kiến.
Tại Ai Cập cổ đại người ta dùng các pháp thuật để chiếm được niềm tin của công chúng. Một pháp thuật gia nổi tiếng thời đó là westcar Papyrus (1.700 năm trước CN) đã biểu diễn màn chặt đầu và nối lại nguyên vẹn cho nạn nhân. Những thầy tu cao cấp ở Hy Lạp thời đó trong các buổi hành lễ ở đền thờ thường dùng pháp thuật mở cửa đền và đốt sáng các ngọn đuốc mà không cần đến các công cụ.
Ở châu Phi, phù thủy thường là phụ nữ già xấu xí, sống độc thân. Họ thường hoạt động bí mật vào ban đêm và cũng không ý thức được các hành động của mình. Họ bị coi là một mối đe dọa đối với cộng đồng vì người ta cho rằng các tai họa như ốm đau, đói kém, mất mùa, thiên tai là do các phù thủy gây ra theo yêu cầu của kẻ thù.
Tại Gana, người ta làm một khu làng để giam giữ, cách ly những người làm nghề phù thủy nhằm tránh tai họa. Ở Nam Mỹ, các bộ tộc da đỏ thường có các phù thủy để làm phép trị bệnh. Họ tổ chức buổi nhảy múa quanh đống lửa và dùng pháp thuật lấy trong miệng người bệnh ra các bộ phận bị mắc bệnh.
Thời xa xưa, các pháp thuật phù thủy đã xuất hiện tại Việt Nam. Thầy phù thủy có nhiều quyền năng kỳ lạ: có thể gọi âm binh, luyện bùa, ngải để biến người ta thành u mê. Phù thủy có thể sai khiến âm binh đi làm việc đồng áng ban đêm như tát nước, tấn công trả thù người khác. Những thầy phù thủy mỗi khi điều khiển âm binh xong phải có lễ khao quân, nếu không âm binh sẽ phản lại. Chỉ được sai âm binh vào buổi đêm và thu lại trước khi trời sáng nếu không sẽ gặp họa. Nếu làm lộ thiên cơ, âm binh sẽ đánh trả thầy.
Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, người ta đã lý giải được nhiều pháp thuật của phù thủy chỉ là những màn ảo thuật hoặc cách tạo ra các tác động tâm lý. Nhưng dù sao, phù thủy và các pháp thuật của họ vẫn là một thế giới bí ẩn đầy hấp dẫn. Nó là chất liệu cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, mà điển hình nhất là thế giới phù thủy của cậu bé Harry Potter.
Trên thế giới, duy nhất có lễ hội phù thủy được tổ chức vào ngày 1/5 hằng năm tại thành phố Gossnal (Đức). Có hàng trăm phù thủy ở khắp các châu lục về đây trình diễn những màn pháp thuật do họ luyện được. Ở đây có một viện bảo tàng về các dụng cụ của phù thủy qua các thời kỳ.
Hà Lan có trường dạy các pháp thuật phù thủy, sau khi tốt nghiệp các phù thủy sẽ được cấp chứng chỉ. Giá của khóa học khá đắt, hơn 2.000 euro. Một trong những yêu cầu của các phù thủy là không được dùng pháp thuật để hại người và phải tuân thủ theo pháp luật.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống/TTVN
TAMTHUC