Thằng bé nép vào góc tường, vặn vẹo thân hình cố tránh những làn roi vun vút vụt xuống. Gương mặt nó lộ vẻ đau đớn, môi bậm chặt, song ánh mắt lại chẳng có chút sợ hãi.
Cành trúc bị người phụ nữ thô bạo quật tới đầu trúc tách thành mấy nan nhỏ. Cô ta thở dốc, ném cái nhìn đầy tâm trạng lên thằng bé đoạn quay lưng về phòng. Cánh cửa đánh sầm, có tiếng quạt ì… ì… át mọi âm thanh khác bên trong.
Lúc này, người đàn bà già nua từ dưới bếp mới dám chạy lên. Bà gấp gáp ôm thằng bé, vừa xoa vừa nức nở: “Nó muốn giết con. Trời ơi! Nó muốn giết con…”
Mắt thằng bé ráo hoảnh. Nó chậm rãi rủ ống tay áo sơ mi trắng che vết thương hồng đỏ, chằng chịt. Những tổn thương bên ngoài sẽ nhanh chóng lành lặn, chỉ lòng nó sớm hằn sâu vết sẹo dài… dài hết tuổi thơ với người mẹ “điên” vì thù hận.
***
Cô sinh ra ở miền Đông, nơi đất đỏ rực cháy dưới nắng hạ chói chang. Giữa thập niên chín mươi, khắp miền quê Việt Nam có mấy đứa trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Cô cũng vậy, sinh ra đã không cha, trụ cột gia đình oằn nặng lên đôi quang gánh của mẹ thì cô có thể đòi hỏi cái gì? Cô luôn nhớ gương mặt mẹ khi ấy, chưa tới ba mươi đã xuất hiện vết chân chim nơi khóe mắt, cái nắng ăn mòn làn da bà đen sạm. Nét khắc khổ của bà khiến cô tự nhủ bằng mọi giá phải kiếm thật nhiều tiền.
Cái nghèo không ngăn được nét đẹp trời ban, mười lăm tuổi cô trở thành hoa khôi của xã. Mỗi lần cô mặc áo bà ba, che nón lá ra chợ huyện, lại có khối chàng đuổi theo tán tỉnh, tự nguyện trồng gốc si. Song cô chẳng buồn nhìn họ, trong tiềm thức cô chỉ cần tiền không cần tình. Nhưng cô ngoài nhan sắc trẻ trung mơn mởn, thật chẳng còn giá trị đáng ngưỡng mộ nào. Cô biết điều đó nên đặc biệt chăm sóc tốt bản thân, chờ cơ hội đổi đời.
Năm đó, ngoài vườn từng chùm hoa Lê – ki – ma chen nhau treo lủng lẳng. Người phụ nữ ấy xuất hiện, đạp lên cánh hoa tươi vừa bị gió thu làm rơi rụng. Chị ta thường bắt chuyện với cô ngoài chợ, mấy lần gợi ý giúp cô thoát nghèo. Cô có lý trí, cô nhạy cảm, cô mơ hồ đoán được mục đích của chị ta. Song cô không thắng được sự cám dỗ của vật chất xa hoa chốn thị thành. Cô lặng lẽ gói ghém hành lý, để lại mấy chữ cho người mẹ già khốn khổ. Cô tự thề với lòng sẽ mang thật nhiều tiền trở về.
Lần đầu tiên của cô trị giá năm triệu đồng. Một cuộc giao dịch đau đớn đã kéo cuộc đời cô gái quê sang bước ngoặt lớn. Người bình thường sẽ cảm thấy tủi nhục, riêng cô bình thản như không. Không phải cô không có danh dự, đơn giản thứ cô cần còn quan trọng hơn danh dự.
***
Chị ấy vào nghề sớm hơn cô. Hơn nửa thanh xuân làm trò chơi trên tay bọn đàn ông lắm tiền ham của lạ, chị nhận ra bản thân cần lắm một cái ôm ấm áp.
“Hậu à, em mới hai mươi mấy, từng trải bấy nhiêu cũng đủ rồi. Dừng lại đi em, kiếm nghề lương thiện mà làm.” Chị vỗ vỗ bờ vai gầy trắng nõn của cô. Trong căn phòng trọ mờ mờ nhờ ánh đèn đường hắt qua cửa sổ, chị không trông rõ biểu cảm của cô.
“Em thực sự có thể quay đầu sao?” Cô trả lời như tự mai mỉa mình.
Gần ba năm bán đi tất cả giá trị của một con người, cô có đầy đủ vật chất. Đều do mấy gã đàn ông đạo mạo ưa ngọt mang lại, tuy còn trẻ nhưng cô rất điêu luyện trong chuyện dụ dỗ đàn ông. Cô gửi một ít về quê, nhưng lần nào mẹ cũng trả lại. Cô thực sự không hiểu, chẳng lẽ con người có thể ăn danh dự để sống? Nghĩ tới căn nhà dột nát, mưa to gió lớn mấy cây cột lung lay chực chờ đổ sập lòng cô chua chát. Sống trong nỗi sợ đói lại bị cái chết chực chờ đổ xuống đầu sao sung sướng bằng mỗi bước chân đều lên xe xuống ngựa.
“Chỉ cần em muốn, có gì em không làm được. Chẳng qua… tại em chấp nhận để đồng tiền dẫn lối.”
Trong bóng tối, cô nhếch môi cười, thật khó ngờ chị ấy hiểu cô như vậy. Phải, cô ghét cái nghèo, ghét ánh mắt lấp lánh của bọn con gái khoe mẽ hàng hiệu cha mẹ mua cho. Chúng nó hơn gì cô? Chúng nó có bao giờ tự nổ lực để mua thứ mình thích? Chẳng qua, chúng được số phận ưu ái.
“Hết tháng này chị về quê. Có thể ba má không tha thứ, nhưng đi đâu, làm gì người ta cũng không bao giờ vứt được nơi chôn nhau cắt rốn. Chị nhớ lắm tiếng cười giòn tan bên bờ ruộng mùa gặt…”
Chị nghẹn ngào bỏ dở câu nói. Cô trầm mặc, lâu lắm rồi trái tim lạnh lùng mới khẽ nhói một cái. Thực sự cô cũng bắt đầu thấy trống trải…
***
Sài Gòn những cơn mưa bất chợt. Ngồi trong Taxi, ngẫm cuộc đời mỗi người tựa giọt nước bé nhỏ trong suốt kia, chỉ cần rơi xuống đất liền đục ngầu, hòa lẫn vào hàng tỷ giọt nước khác. Cô không thích bị vùi dập, sống trong bùn nhưng cô biết cách leo lên vị trí cao, hoặc ít nhất cô không cần đứng đường.
Mải suy nghĩ, xe dừng lúc nào chẳng hay, cô bung dù bước xuống trước khi anh tài xế kịp vòng qua mở cửa. Chiếc xe màu vàng nhanh chóng vút đi. Chợt thấy bầu trời trên đầu xám xịt, đen tựa quá khứ mình. Cô khẽ cười. Đương lúc ấy, một chiếc xe đạp leo lề tông thẳng vào người. Cô khuỵu xuống vỉa hè lạnh đanh, cái dù bật khỏi tay nằm lăn lốc.
Chàng trai gây tai nạn, hốt hoảng chạy qua, đỡ cô dậy: “Xin lỗi! Xin lỗi!”
Liếc nhìn tờ báo đang lật ngay trang “Học hành – Tìm việc” bị nước mưa làm ướt sũng. Có vài tờ bạt gió dính vào cột điện, cô nhàn nhạt quắc mắt: “Tôi ổn.”
Chợt nhớ cuộc hẹn với khách, cô vội vàng nhặt chiếc dù chạy thật nhanh vào khách sạn. Mặc kệ chàng trai với gương mặt tái xanh đang ngỡ ngàng, bất động.
Buổi tối, sau cơn mưa thời tiết trở lạnh. Cô cẩn thận nhét mấy tờ năm trăm ngàn vào ví, rùng mình một cái liền bước nhanh ra ngoài. Gần đây cô có thói quen xong việc chính sẽ dứt khoát đi không ngoảnh đầu nhìn lại. Trong thâm tâm cô xuất hiện cảm giác nhàm chán.
Nhấc điện thoại gọi Taxi. Cô nép mình sát cổng khách sạn, cố tránh thứ ánh sáng chói mắt của đèn xe. Phía xa xa, dưới trụ điện ánh đèn đường mờ nhạt soi vũng nước mưa trong trẻo hiếm hoi, mơ hồ nhận ra nó còn phản chiếu bóng một người. Cô ngờ ngợ, lại chẳng nhớ.
Đột nhiên người ấy bước lại gần cô, trong ánh mắt ngập tràn lo lắng cùng ân hận: “Ban chiều thấy người cô có vết thương, tôi liền mua thuốc thoa lại không ngờ cô vào đó lâu vậy.”
Chiếc áo sơ mi trắng bị mưa làm ướt vẫn chưa kịp khô, cúc trên để mở. Mái tóc chia ba, bảy lúa ơi là lúa giờ hơi rũ xuống trán khiến anh chàng ngờ nghệch buổi chiều tự nhiên có vài phần phong trần. Cô mở miệng trả lời: “Tôi ổn.”
“Bầm xanh thế này còn ngoan cố?” Anh chàng nhíu mày, nhiều hơn chút lo lắng, bối rối là phẫn nộ.
Cô nghiêng đầu xem vết thương gần bả vai. Cái này là do hôm qua gặp ông khách hơi thô bạo, chẳng phải do tai nạn của anh ta. Cô định giải thích, chợt trong đầu lóe lên ý nghĩ trêu chọc liền ăn vạ. Anh chàng vô tội tự nhiên thành tài xế không công đưa đón cô đi làm.
Cô cho anh mượn xe của mình, chở mình đến nơi khách gọi. Anh đâu khờ đến nỗi không nhận ra cô đang làm gì, song anh chưa từng biểu hiện chán ghét hay khinh thường. Ban đầu giao ước của họ là nửa tháng. Sau lại bị lưu luyến giữ chân, cô trả lương cho anh để níu kéo. Anh là sinh viên tỉnh lẻ, chỉ cần có việc làm thêm liền không từ chối. Cô chưa từng nghĩ hương vị trái cấm lại ngọt ngào đến vậy, càng nếm thử lại càng nghiện. Nhưng càng thân thiết, cô càng sợ bởi bọn họ thực sự cùng một loại người.
Thấm thoát anh đã sang năm cuối, thời gian họ gần nhau khá ít. Có những buổi tối về khuya, tạt vào quán mì gõ ven đường, ăn no nê hai người lại dắt xe đi bộ. Mục đích giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả là phụ, cái chính hai người thích trò chuyện cùng nhau. Mỗi lúc như vậy anh hay nhắc tới dự định tương lai: kiếm tiền, mua nhà, rước ba má dưới quê lên chăm sóc và… cưới cô. Anh cười giòn.
Cô lắng nghe, thong thả bước, nhìn bầu trời đen kịt: “Lấy tôi sẽ làm vẩn đục cái lý lịch trong sạch của anh.”
“Nói linh tinh gì đó.” Anh dừng lại, chau mày nhìn cô.
Cô cười híp mắt, đẹp đến người đối diện phải ngẩn ngơ. Nói thật anh khó chịu với bộ dạng ấy. Thế là, suốt quãng đường về họ chẳng nói thêm câu nào.
***
Cô nhận lời yêu anh vào cuối mùa mưa. Cô bắt đầu lo lắng cho tương lai anh, đem vốn liếng đầu tư lại chẳng hy vọng được đền đáp hay hoàn trả. Từ bao giờ tiền không còn quan trọng như sinh mệnh? Cô không nhớ.
Ngày anh tốt nghiệp, người đầu tiên thông báo là ba má anh, người được nhờ tham dự buổi lễ ra trường là ông chủ phòng trọ, người duy nhất không hay gì là cô. Nghĩ cũng đúng, anh học kinh tế tốt nghiệp loại ưu, ngoại ngữ lưu loát. Chưa kể anh được cô con gái của tập đoàn nào đấy ở khóa dưới để ý. Nói thế nào nhỉ, có lẽ anh sẽ vứt bỏ cái gì đó để quá khứ trong sạch. Trên đời này niềm tin và lời hứa chính là hai thứ mong manh nhất.
Cô không hận anh, cô hiểu bản chất anh giống mình: cần tiền không cần tình, sẽ bất chấp mọi giá đạt tới tham vọng. Chỉ là… nếu nó không xuất hiện. Họ có thể như hai vec – tơ ngược hướng, càng đi càng xa.
Cô liên tục gọi cho anh, đầu bên kia luôn báo bận. Bận cũng hợp lý, bởi xã hội bây giờ tìm việc rất khó, cần nổ lực hết mình để củng cố vị trí. Cô đành chờ.
Bụng mỗi lúc một to, cô không thể đi làm thành thử thời gian chờ đợi càng dài đăng đẳng. Hôm nay mưa to, bầu không khí dịu mát khiến bức bối của thai phụ giảm nhẹ. Cô mang chiếc ghế nhựa ra ngồi bên cửa sổ, ngắm mưa. Ngoài ấy có chậu hoa Thảo Nguyên bông tím rủ, đong đưa nhè nhẹ. Khung cảnh nhìn chung khá yên bình. Cô bỗng nhớ thuở còn ở quê, nhớ bát canh rau chua của mẹ, nhớ vườn cây Lê – ki- ma, nhớ cả thằng hàng xóm thập thò ngoài bụi dâm bụt nhìn trộm mấy đứa con gái nhảy lò cò trong sân… Càng nhớ về quá khứ lòng người dễ sinh cảm giác cô đơn.
Tự nhiên, cô thèm một mái ấm gia đình. Sau bữa cơm chồng cô ngồi xem Ti – vi, đứa con ngoan ngoãn tập viết chữ, còn cô sẽ lặng lẽ đứng ở góc nào đấy mỉm cười hạnh phúc. Ước mơ thật giản đơn. Chỉ có điều… với lý lịch của cô nó là thứ xa xỉ.
Mưa dần nhỏ hạt, có tiếng xe tay ga dừng trước ngỏ, người nào đó gấp gáp dắt xe vào hẻm, khẽ lầm bầm. Tiếng nước nhễu lên áo mưa nghe bộp bộp. Trước đây, tai cô không thính vậy, chỉ từ lúc mang thai lại ở một mình cô tự nhiên biết đề phòng.
Anh trông thấy cô, mặt chẳng vui mừng, lập tức đẩy cửa bước vào. Cô ngồi yên trên ghế nhìn anh, vẫn con người ấy giờ tăng thêm phần nhàn nhạt, xa cách. Anh rút trong cặp da xấp tiền mới toanh, còn nguyên những con số bằng bút chì đặt lên bàn. Cô hơi ngạc nhiên, nhưng nhanh chống hiểu vấn đề.
“Hoàn trả những gì anh nợ em, bao gồm vốn lẫn lời.”
Anh thật sự xem cô là con điếm. Nhưng anh sai lầm rồi, cô tự nguyện cho sẽ không cần lấy lại: “Mang về đi, tiền kiếm không dễ trừ khi anh có cách kiếm tiền nhanh hơn tôi. Mang về mà hưởng thụ một mình…”
Mặt anh có chút nhợt nhạt, nước mưa từ mái tóc chải chuốt tỉ mỉ rớt vào mắt, anh đưa tay dụi.
Cô vuốt vuốt phần bụng nhô cao, cười cười: “Nhưng anh đừng quên nó là con ai.”
“Ý cô là con tôi?” Anh dụi xong hai mắt đã đỏ ngầu, có chút ác độc.
“Sau khi sinh anh có muốn làm xét nghiệm máu?” Cô nói chậm rãi, vừa đủ nghe.
Anh nhăn mày, chỉnh trang cổ áo: “Trong lúc không có tôi cô đã ngủ với bao nhiêu thằng đàn ông? Đừng nghĩ tôi niệm tình xưa liền bắt tôi đổ vỏ giúp người khác. Huống hồ tháng sau tôi lấy vợ, cô đừng ăn vạ khiến lý lịch tôi nhơ nhuốc.”
Dứt lời anh quay lưng bỏ đi, không chút lưu luyến.
Cô ngồi ngây ngốc trong phòng, bàn tay đặt trên bụng rất lâu, đứa bé mấy lần cử động cô đều cảm nhận được. Cô không phản ứng vì đang nghĩ có nên làm ầm ĩ, đạp đổ những thứ anh cố công gầy dựng. Nhưng để làm gì khi lòng anh chẳng hướng về cô. Từ đầu hẳn là lợi dụng.
Nhìn xấp tiền dày cộm trên bàn, cô tức tối ném ra cửa. Một số tờ bung khỏi sợi thun bay tán loạn, rơi vào rãnh nước cống đen ngòm, trôi đi đâu chẳng rõ. Tiền ư? Cô có, dù không phải tỷ phú nhưng chắc chắn không chết đói để phải nhận bố thí. Mưa hết lớn rồi lại nhỏ dần, cuối cùng tạnh hẳn. Sau hồi vật vã khổ sở một mình, cô nhanh chóng bình tĩnh.
Ngoài cửa xấp tiền nhẹ bay xoạch xoạch. Cô khó nhọc bước ra cúi xuống nhặt, cô thực ngu ngốc khi nghĩ bản thân còn tự trọng. Chẳng phải năm mười bảy tuổi cô chấp nhận vứt nó rồi sao. Mấy người phòng bên mở cửa thấy tiền liền sáng mắt chạy ra tranh, cô bị đẩy ngã cũng không ai đỡ. Chợt cô muốn nói: “Của tôi.” Nhưng nó nhanh chóng nghẹn ở yết hầu, là của anh chứ nào phải của cô…
***
Do cú ngã, cô sinh em bé sớm nửa tháng. Thằng bé đỏ hỏn, ngọ nguậy trong lồng hồi sức, gương mặt nó giống ba nhưng dường mang sức mạnh nghị lực của mẹ. Mẹ cô hay tin tất tả chạy lên bệnh viện chăm sóc con cháu. Cô thôi hy vọng, chờ đợi điện thoại hay sự thăm hỏi của anh. Hoàn toàn tuyệt vọng.
Sau sinh, cô rơi vào trầm cảm. Sáu tháng sau quay trở lại con đường cũ. Lần này cô táo bạo, sa vào ăn chơi trụy lạc, đánh mất bản thân. Từ cô gái có chút khí chất thanh cao khiến người ta muốn chiếm hữu dù cho cô chỉ là con điếm, cô tha hóa đến tầm thường. Thời gian sau, số lần thất nghiệp kéo dài, cũng còn may số lãi do cô cho vay bên ngoài không nhỏ, đủ để nuôi sống mẹ con cô.
Cô dùng số tiền của anh, bù thêm một ít liền mua được căn nhà nhỏ. Hằng ngày, nhìn đứa trẻ lớn lên giống ba, lòng cô phức tạp khó hiểu. Mỗi lần thằng bé ngọt ngào dỗ dành bà ngoại, cô nghe tim nhói đau, ngày xưa anh cũng dụ dỗ cô. Thằng bé lanh lợi lại đẹp trai, hễ mỗi lần nó nói liền lừa được con bé hàng xóm một phần kẹo. Có lần cô kìm không được tát nó một cái: “Học giống ba mày, lớn đi lừa phụ nữ à?”
Thằng bé ngơ ngác không hiểu lý do mình bị đánh.
Lên sáu tuổi, nó giống anh như tạc. Mỗi lần nhìn nó, cô hận nhiều hơn thương. Có lần đi rước con, vô tình bắt gặp ánh mắt thâm trầm của anh lén nhìn nó qua kính chiếu hậu. Cô hận. Hận lại không làm gì được anh, cô lôi thằng bé ra đánh. Mẹ cô can ngăn chẳng được liền gây nhau một trận.
“Mẹ ở không nổi với tôi thì về quê đi.”
“Có đi tao cũng dẫn thằng Khôi theo.”
“Mẹ muốn tôi giết chết nó thì cứ đưa nó qua cửa.” Cô nghiêm túc.
“Mày… mày điên rồi.” Bà ôm thằng bé khóc, thằng bé lúc đầu cũng rơi nước mắt. Sau này chai lì, nó chỉ còn nhẫn nhịn.
***
Ngày mưa báo hiệu hè sắp đến. Cô xếp chiếc áo mưa nhỏ cất vào cốp xe, đang định đi đón con thì chuông điện thoại reo.
Đầu bên kia có chút bối rối: “Em Khôi đánh nhau. Giờ phụ huynh em Quan đang đợi chị qua giải quyết. Phiền chị lên trường sớm một chút ạ.”
Cô nghe xong, tay cầm điện thoại siết chặt. Cô ở trong giới cho vay Sài thành cũng không phải dạng vừa. Giải quyết mâu thuẫn này dễ dàng, đền tiền thuốc là xong. Thằng bé bị lôi về đánh một trận. Nó nghiến răng chịu đựng, không van xin cũng không nói lý do.
Đêm xuống thằng bé bò sang giường bà than đau, hai bà cháu lại ôm nhau khóc. Cô đứng ở góc tối, nước mắt tràn mi, cô chẳng phải sắt đá để không đau lòng. Nhưng nhìn thấy nó như kẻ bội bạc đang hiện diện, thử hỏi cô nên yêu thương nó thế nào đây? Có thể cô là người mẹ tồi tệ, đáng nguyền rủa nhất thế gian này.
Thằng bé bị đánh nhiều hơn, dù nó đã cẩn thận không để phạm sai lầm. Dần dần nó hiểu, thì ra tại gương mặt nó giống ba nên mẹ ghét. Nó chẳng biết người phức tạp cỡ nào. Trong lòng nó thì thương hai người như nhau.
Thằng Quan nói mẹ nó bảo: “Mẹ mày là con điếm Khôi à, mẹ tao bảo phải tránh xa mày ra.”
Nó liền lao vào đánh thằng Quan, mặc dù nó chưa rõ “con điếm” là con gì. Nó chỉ cảm giác lời đó đang nói xấu mẹ, nó phải bảo vệ mẹ.
***
Mấy hôm nay, nắng gay gắt. Cô thường ngủ dậy muộn nên trễ giờ đón con. Mà không sao, thằng bé luôn biết cách bảo vệ mình. Lúc cô đến trường đã trễ mười lăm phút. Thật lạ, bình thường giờ này phụ huynh đều đón con mình hết. Nay có hàng trăm người chen chúc, chẳng rõ xảy ra chuyện gì. Song cô chẳng qua tâm, chạy thẳng đến chỗ bảo vệ gửi xe, cô đảo mắt tìm thằng bé.
Bác bảo vệ từ đằng sau chộp cánh tay cô, mặt hiện tia lo lắng: “Cháu Khôi bị tai nạn, sao giờ cô mới tới.”
Cô nghe sét đánh ầm ầm qua tai. Mất vài giây để bình tĩnh, cô mở điện thoại, có mười mấy cuộc gọi nhỡ của cô giáo chủ nhiệm. Linh tính người mẹ báo điềm rủi, cô chạy tới xô đám đông dạt ra. Chính giữa, thằng bé người bê bết máu đang thêp thếp trong lòng cô giáo. Trên tay nó cầm robot siêu nhân đỏ, không phải của cô mua, là ai… là ai?
Vài phút sau xe cấp cứu tới, cô như người mất ý thức bị lôi lên xe. Cô ngồi một gốc thất thần, tới lúc hoàn hồn nhìn thấy mấy chữ “Phòng cấp cứu” đỏ chót, bàn tay lạnh ngắt của cô khẽ run lên. Gần ba mươi năm sống, lần đầu cô thực sự biết sợ hãi.
“Cô là mẹ cháu Khôi? Mau theo tôi đi truyền máu, cháu đang xuất huyết.” Y tá vừa nói vừa ra hiệu.
Cô máy móc đi theo, tới lúc giật mình liền ấp úng: “Không được… máu tôi không sạch…”
Y tá trợn mắt. Cô hấp tấp nói típ: “Nhưng nó có ba, mười phút, con tôi có thể đợi được phải không? Không, nó nhất định đợi được…”
Y tá thở dài trở về phòng. Cô nhấc điện thoại gọi vào số cũ đã lưu gần bảy năm. Hy vọng anh vẫn dùng nó… hy vọng.
Đầu bên kia có chút mệt mỏi: “A lô!”
Cô vào chủ đề chính: “Tôi, Hậu, con bị tai nạn đang nguy kịch, anh có năm phút để đi sang bệnh viện đối diện nhà anh.”
Đầu dây bên kia im lặng.
Cô sốt ruột quát lớn: “Nhanh!”
Tiếng Tút… Tút kéo dài. Vậy là, anh tuyệt tình hơn cô nghĩ.
“Khôi, mẹ xin lỗi, là mẹ luôn đặt niềm tin sai người. Ván cược tình cảm nào cũng thua, thua mất mẹ bây giờ thua mất con.” Cô khuỵu xuống hành lang, nước mắt rơi lã chã. Nhiều năm rồi cô chưa khóc, lúc bị anh bỏ rơi cũng chẳng rớt giọt nước mắt nào. Đến bây giờ cô nhận ra sự quan trọng của thằng bé thì đã muộn.
“Cô đứng lên cho tôi. Cô không có tư cách làm mẹ, cô lấy quyền gì để khóc.” Anh mặc áo thun khoác ngoài chiếc áo sơ mi, quần sộc, chân mang dép lào, không còn bộ dạng nghiêm túc thường ngày.
Cô nghe giọng anh tức giận, thôi nức nở song vai vẫn run run. Anh đưa tay định vỗ về an ủi, nghĩ gì đấy lại thôi.
“Sau khi thằng Khôi khỏi, phải để nó theo tôi.” Mất vài phút để cô bình tĩnh, anh nói.
Cô đứng phắt dậy, trừng mắt: “Đây là điều kiện? Nhưng anh lấy tư cách gì giành con với tôi? Anh có nuôi nó ngày nào? Khi nó bắt đầu gọi ba, anh ở đâu?” Cô như muốn xé không gian mà gào thét, chỉ vì còn ý thức được đây là bệnh viện nên cô nén thành tiếng rít chói tai.
Anh sa sầm nét mặt, chân mày nhíu chặt: “Cô nuôi con hay xem thằng bé là công cụ trút hận? Người mẹ điên loạn như cô đã gây bao nhiêu thương tổn lên người nó? Tại sao thằng bé thích siêu nhân? Đơn giản tâm hồn non nớt rất cần được bảo vệ. Cô không thể cho nó hạnh phúc, vậy buông tay đi.”
Cô lảo đảo lùi về sau mấy bước, lưng chạm vào bức tường lạnh ngắt. Im lặng. Anh tổn thương cô, cô thương tổn thằng bé, lớn lên thằng bé sẽ thương tổn ai? Cô sợ… cô không dám nghĩ tiếp. Y tá vội vã từ phòng cấp cứu bước ra, nói gì đó với anh, hai người liền rơi đi.
Lấy hết sức lực cô đuổi theo anh, nắm bàn tay rộng lớn nhưng chẳng còn vết chai như thuở trước, giọng cô yếu ớt: “Anh… phải chăm sóc con thật tốt.”
***
Cô lặng lẽ rời khỏi cuộc đời họ như làn sương sớm mỏng manh gặp nắng liền tan. Trước khi dọn về quê, cô lén tìm hiểu một chút. Anh bây giờ đã nắm mọi quyền hành bên vợ, đương nhiên do sử dụng thủ đoạn. Quan hệ anh rộng, có thế có tiền nên việc nuôi thằng con riêng cũng không bị làm khó dễ. Tuy thằng bé không có tình thương của mẹ như hai đứa em. Nhưng chí ít tâm hồn nó không còn tổn thương vì roi đòn. Nó chính thức bước khỏi cuộc sống thừa của cô. Sự chọn lựa tuy tàn nhẫn, song lần đầu tiên cô thấy mình giống một người mẹ…
Theo: Báo Hà Nội mới
TAMTHUC