Blog Tâm Thức
Người sống thuận theo tự nhiên chính là người hạnh phúc nhất
Wednesday, 16/05/2018 18:13 pm

Blog Tâm Thức

Dân gian có nhiều truyện cười hết sức thú vị. Nhưng dưới cái nhìn của Đạo, mới biết là ngoài góc độ tiếu lâm nó còn ẩn chứa vũ trụ quan và nhân sinh quan sâu sắc. Mời các bạn đọc lại một câu chuyện rất quen thuộc với người dân Việt Nam: Chuyện “Trời sinh ra thế”.

Xưa có một đại phú gia sinh được 2 cô con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho người học trò. Một hôm thong thả, bố vợ cùng 2 con rể đưa nhau đi chơi, bố nghe tiếng con ngỗng kêu, mới hỏi: 

– Làm sao tiếng nó to thế nhỉ?

Người học trò nói chữ:

– Trường cảnh tắc đại thanh.

Người làm ruộng nói: 

– Trời sinh ra thế! 

Đi được một khoảng, thấy con vịt đang bơi dưới ao, bố lại hỏi: 

– Tại sao nó nổi?

Người học trò lại nói chữ:

– Đa mao thiểu nhục tắc phù.

Người làm ruộng lại nói:

– Trời sinh ra thế!

(Ảnh: DuyMy)

Đến lúc về nhà, ba bố con ngồi uống rượu, bố khen con rể học trò hay chữ mà chê con rể làm ruộng dốt.

Người con rể làm ruộng tức mình mới tới hỏi người học trò:

– Tôi thì dốt thật mà chú nói “Trường cảnh tắc đại thanh” là nghĩa làm sao?

Người học trò đáp:

– Nghĩa là cổ dài thì tiếng to.

Người làm ruộng mới bẻ:

– Thế con ếch, con ễnh ương cổ dài đâu mà tiếng cũng to?

Rồi lại hỏi:

– Chú nói “Đa mao thiểu nhục tắc phù” nghĩa làm sao?

Người học trò đáp:

– Nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi.

Người làm ruộng lại bẻ:

– Thế thì con thuyền lông đâu, thịt đâu mà cũng nổi?

Lúc đó, ông bố mới gật đầu nói:

– Ừ, xem ra dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.

(Ảnh: Truyện Xưa Tích Cũ)

Lời bàn:

“Trời sinh ra thế” mới nghe tưởng là lời cãi bướng của người nông dân ít học, ai hay nó thâm tàng đạo lý. Đức Lão Tử xưa trong cuốn Đạo Đức Kinh viết:

“Không tên, là gốc của Trời Đất
Có tên, là mẹ của vạn vật”.

(Bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Gốc của Trời Đất là Đạo. Mà “Đạo khả Đạo phi thường Đạo”, tạm hiểu là: Đạo mà có thể nói ra được thì không phải Đạo thường hằng bất biến. Nếu đặt cho nó một cái tên, thì tức là đặt ra cho nó một giới hạn, giới hạn của ngôn ngữ và trí phân biệt. Thế thì làm sao nó còn “thường hằng” bất biến, vĩnh viễn không thay đổi được nữa. Nên Lão Tử bảo rằng chỉ dám “gượng” đặt tên cho cái nguyên lý to lớn nhất đã diễn hóa ra vạn vật ở vũ trụ này là “Đạo” mà thôi. Tạm gọi nó là “Đạo”.

Khi đã đặt tên rồi, thì mới nhận biết có vạn vật. Ấy là những vật ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy nó bằng các giác quan, thì ta đặt một cái tên cho nó để thống nhất cách hiểu về nó. Cho nên, khi có tên rồi thì mới có khái niệm về vạn vật. Bởi vậy: “Có tên, là mẹ của vạn vật”, cũng như là: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. “Sinh” trước là sinh nở, tạo ra người con người cháu; “sinh” sau là sinh ra cái khái niệm là cha, là ông.

Lão Tử cũng viết: “Đạo sinh vạn vật, Đức nuôi dưỡng vạn vật. Chủng loại tạo hình đó. Hoàn cảnh liên kết đó. Vậy nên muôn vật tôn Đạo quý Đức đâu phải là bắt buộc mà là chiều hướng tự nhiên…”.

(Ảnh: Pinterest)

Ngài cũng dạy: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Cho nên, vạn vật này đều có thể nói nôm na là: “Trời sinh ra thế” mà không sợ sai lầm. Đây chưa phải là lời của thánh nhân, của bậc đắc Đạo, nhưng là lời của một con người với bản tính chất phác, thuần hậu. Con người ấy biết được rằng có rất nhiều điều mình không biết. Anh ta biết được rằng, có một điều to lớn ở cao xanh chi phối hết thảy mọi sự của đời sống chúng sinh mà cái sự học, sự biết hạn hẹp, cái tri kiến của con người không thể giải thích được. Cho nên, lại cũng có câu trong Đạo Đức Kinh: “Biết được cái không biết, là cao. Không biết cái biết đó, là bệnh”. Thế mà, thoạt mới nghe “Trời sinh ra thế”, ai cũng tưởng lời cãi cùn của kẻ ít học. Ai hay, ấy là lời của bậc trí, ẩn dưới dáng vẻ quê mùa thô kệch.

Nhưng anh học trò, người trí thức thì luôn muốn cắt nghĩa mọi sự vật, tìm cách giải thích nó bằng khoa học, hoặc bằng kinh nghiệm. Nhưng anh ta quên rằng: Đạo sinh ra vạn vật, trong đó có cả anh ta. Đạo là điều không thể cắt nghĩa, cũng không thể định danh. Cho nên, là một phần tử nhỏ bé được Đạo sinh ra, nhưng không thừa nhận Đạo mà lại muốn đánh giá về vạn vật thì đánh giá làm sao nổi? Anh ta dùng kiến thức hay kinh nghiệm vụn vặt chi ly hay những tổng kết hết sức hữu hạn để đánh giá sự vật một cách rốt ráo thì có làm được không? Đó là cái học sai lầm. Khi người nghiên cứu còn coi mình và sự vật được nghiên cứu là tách bạch, chia lìa thì họ không thể thực sự biết được điều gì.

Bởi vậy, Lão Tử khuyên: “Học bất học, phục chúng nhân chi sở quá”. Có nghĩa là nên học cái không thể học (tức là học Đạo, học cái không thể học bằng tri thức và tâm phân biệt) để giúp con người quay về với cái gốc của mình, lúc ấy mới biết được Đạo. Chứ đừng bắt chước cái học chi ly, vụn vặt, cái học nhị nguyên, cái tâm phân biệt. Bởi vì cũng theo Đạo Đức Kinh: “Người trí không học rộng, người học rộng không trí”.

Cho nên, vào đầu thế kỷ 20, có một người học rất rộng, nhưng lúc đó chưa hiểu về Đạo, đã đề ra một lý thuyết có tham vọng mô tả được mọi thứ. Còn gọi là Lý thuyết trường thống nhất (Unifield Field Theory) hay Lý thuyết cuối cùng (Final Theory) hay Lý thuyết về mọi thứ (Theory of everything) cho phép “giải thích được mọi khía cạnh của hiện thực”. Lý thuyết này hiện nay đã bị bác bỏ trong bài báo của hai nhà khoa học Stephen Hawking và Leonard Mlodinow.

Lý thuyết trường thống nhất (Unifield Field Theory) từng tuyên bố giải thích vạn vật nhưng ngay sau đó bị bác bỏ vì sự hoang tưởng. (Ảnh: consciousreminder.com)

Câu trả lời là KHÔNG thể có một lý thuyết nào như thế. Trí tuệ con người quá nhỏ bé so với vũ trụ này. Đem kiến thức khoa học hết sức chủ quan và phiến diện để giải thích về vũ trụ quá hồng đại nơi đã sinh ra mình thì chẳng phải là “người mù sờ voi” hay sao? Muốn dùng khoa học để đo lường, tính toán những điều không thể đo lường, không thể tính toán của vũ trụ này hay sao? Muốn dùng ngôn ngữ để định danh những điều không thể tưởng tượng được hay sao? Có khác gì anh học trò trong câu chuyên trên cứ luôn dùng kiến thức bé như hạt bụi của mình để giải thích mọi sự vật hiện tượng vượt quá tri thức của anh ta. Thế có khác gì: “Hạt cát muốn đánh giá sông Hằng”?

Thà rằng, hãy bắt chước chàng nông dân chân chất với câu cửa miệng “Trời sinh ra thế”. Với tâm thái đó thì ít ra còn có cơ hội để dần dần đến được với chân lý. Và chỉ có thể quay về với Đạo, với chân lý, với vũ trụ tự nhiên bằng cách “phản bổn quy chân” hay “phục chúng nhân chi sở quá” theo lời Lão Tử mà thôi. Khi đã phản bổn quy chân, người ta đồng hóa mình với Đạo, với vạn vật, người ta không còn tự ngăn cách mình với vạn vật nữa, tất cả là MỘT ở trong Đạo, thì lúc ấy người ta mới hiểu về vạn vật. Và chỉ có cách đó mà thôi.

Bởi vì, chốt lại, Lão Tử nói thêm: “Ngôn giả bất tri. Tri giả bất ngôn” – “Kẻ biết thì không nói, kẻ nói thì không biết”. 

Bình Nguyên

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-song-thuan-theo-tu-nhien-chinh-la-nguoi-hanh-phuc-nhat..html