Thoạt nhìn thì khó mà biết được những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ và lấp lánh của Aurora Robson lại là sự kết hợp từ những mảnh rác thải có thể gây ô nhiễm đại dương. Và đó hẳn là hình ảnh trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta hình dung về thứ bị vứt đi.
Việc “hô biến” các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường thành các tác phẩm nghệ thuật chính là chủ đề trọng tâm trong hoạt động nghệ thuật của Robson, điều này vượt qua khỏi khuôn khổ tầm vóc các tác phẩm của cô. Là người sáng lập dự án Vortex, Robson đã tập hợp hơn 20 nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến trúc sư để cùng cô tạo ra các công trình nghệ thuật từ rác thải nhựa, nhằm mục đích không gì khác hơn là nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường.
Từng nhiều năm làm việc với phế liệu, Robson đã có kha khá kinh nghiệm khi bắt đầu dự án này. Cô cho biết: “Đó là cuộc chiến cam go khi mà rất ít người quan tâm đến vấn nạn này”.
“Ngày càng biết rõ hơn về lượng rác thải nhựa đang tích lũy trong đại dương, rồi lượng hóa chất liên quan tích lũy trong máu chúng ta, rồi nào là những hạt vi nhựa mà hệ sinh vật trôi nổi nuốt phải, tôi càng kiên quyết hơn trong việc nỗ lực tìm ra phương thức giúp mọi người nhận thức rõ về những tác hại của việc tiêu thụ quá mức các sản phẩm nhựa dùng 1 lần rồi vứt, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng”.
Việc làm của Robson chính là cách để tập hợp và kết nối các nghệ sĩ có cùng mục tiêu.
“Thúc đẩy việc làm ra các tác phẩm nghệ thuật như thế này hoàn toàn khác với chuyện cổ vũ cho việc vứt bỏ thứ gì đó đi”, Robson nói trong chương trình TEDx talk “Trash + Love”.
Các công trình nghệ thuật trong dự án Vortex là một sự kết nối hoàn hảo những người nghệ sĩ giàu sức sáng tạo và quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trong khi một số người trong nhóm nghệ sĩ phụ trách xây dựng không gian triển lãm riêng, thì số còn lại tham gia sáng tác tác phẩm đặt ở các địa điểm công cộng.
Chúng ta hãy cũng chiêm ngưỡng một số thành quả của họ:
“The Garden” của Portia Munson là tác phẩm đầy sắc màu với không gian mở giúp người xem có thể bước vào và trải nghiệm cảm giác bị bao vây xung quanh bởi chính những thứ vứt đi.
“A New York minute” của Studio KCA là khối công trình đặt ngoài trời có hình dạng như một đám mây, được dùng làm nơi thư giãn cho khoảng 2 đến 4 người. Tạo tác này là tổ hợp của mớ rác thải bị người Mỹ vứt đi trong vòng 1 phút. “Một phút New York” đã thành công trong việc vừa có thể chuyển đổi thông điệp về rác thải khá trừu tượng thành một khối vật chất hữu hình, vừa có thể biến thứ vật thể vô dụng thành một công trình có tính ứng dụng.
Thành quả này cho thấy điều đã giúp kết nối những người nghệ sĩ này với nhau chính là năng lực “hô biến” rác thải thành vật thể có giá trị nghệ thuật.
Sự ấn tượng và thu hút đến từ bộ sưu tập với nhiều tác phẩm nghệ thuật này đã góp phần đánh thức năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ khi họ có thể đưa ra góc nhìn mới lạ về rác thải nhựa, qua đó làm thay đối nhận thức của nhiều người về vấn đề này.
Nói cách khác, bản thân rác thải lại trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ tham gia dự án Vortex, và không có rào cản nào trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như thế.
“Vô vàn tiềm năng trong đống chất liệu này, mọi thứ đều ở xung quanh chúng ta nhưng phần lớn đều không nhìn thấy”, Robson giải thích
“Đây là thứ nguyên liệu vốn rất dễ ‘uốn nắn’, một thứ nguyên liệu độc đáo dành cho việc sáng tác, nó có những tính chất mà không phải thứ nguyên liệu nào cũng có, bản thân nó cũng đã là một sản phẩm lưu giữ sự trọn vẹn, một chất liệu tốt cho sáng tác nghệ thuật, nhưng lại là nỗi kinh hoàng đối với môi trường”.
Trong tương lai, Robson muốn đa dạng hơn nữa các vật liệu sử dụng trong sáng tác. “Tôi thấy thật sự thú vị khi có thể dùng một phần vứt đi của chiếc ABS để sáng tác, điều này càng đặc biệt hơn khi quá nhiều thứ vứt đi bị chôn dưới đất chứ không được tái chế”.
TAMTHUCMục tiêu hướng đến của dự án Vortex không chỉ dừng lại ở hoạt động sáng tác nghệ thuật từ rác thải. Bởi song song đó, họ còn có trường đại học Dự án Vortex, tham gia vào việc giáo dục cho sinh viên và thế hệ sau về tiềm năng của việc nâng cao nhận thức về rác thải môi trường thông qua hình thức nghệ thuật.
Một thư viện được xây dựng trong đó sẽ đóng vai trò giáo dục cộng đồng về các khía cạnh khác nhau liên quan đến vấn đề rác thải và cách ngăn chặn nó.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp tìm ra phương thức mới lạ để bảo vệ hệ sinh thái kỳ diệu mà mọi người đang tận hưởng và không ngừng phát triển cộng đồng”.
Robson nói: “Việc tham gia làm sạch bãi biển, dòng sông, con suối trọng yếu thật sự sẽ được truyền cảm hứng rất lớn nếu chúng ta nghĩ rằng mình đang thu thập nguyên liệu cho sáng tác nghệ thuật, chứ không chỉ đơn thuần là dọn dẹp hệ quả của con người”.
Hoạt động này sẽ còn tiến triển xa hơn nữa khi mà Robson nhìn thấy được lợi ích bất ngờ từ việc sáng tác bằng rác thải: “Nỗi sợ hãi của những bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm sáng tác khi làm việc với những nguyên liệu mới tinh tươm sẽ không còn nữa, bởi bạn không tài nào mà tạo ra được tác phẩm tệ hơn cả rác thải”.
Theo Garden Collage
Bách Hợp
TAMTHUC: