Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng mỗi khi con bị sốt, không khỏi băn khoăn xem con sốt bao nhiêu độ thì cần đưa đến bệnh viện, hay sốt cao quá có làm ảnh hưởng đến não hay không. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ một vài kiến thức hữu ích khi chăm sóc trẻ bị sốt.
Không ít người cho rằng sốt là một loại bệnh. Trên thực tế, sốt hay là ho không phải bệnh, nó là một loại phản ứng của cơ thể gây ra khi một bộ phận nào đó trên cơ thể bị viêm. Với người lớn, nhiệt độ trung bình của cơ thể dao động từ 36,1 ~ 37,2 ℃, trong khi trẻ sơ sinh và trẻ em sẽ cao hơn một chút, ở mức 36,6 ~ 38 ℃.
Lâm sàng thông thường cho rằng khi nhiệt độ cơ thể trên 38 ℃ là bị sốt. Khi nhiệt độ cơ thể lên cao đến mức khoảng 41 ℃ sẽ dễ rơi vào tình trạng hôn mê.
Có nhiều cách để đo nhiệt độ cơ thể ở trẻ em, tuy nhiên đo nhiệt độ tại trực tràng được công nhận là chính xác nhất, đặc biệt là với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Trẻ trên 4 tuổi có thể tiến hành đo nhiệt độ ở miệng. Trẻ lớn hơn có thể đo nhiệt độ ở màng nhĩ, ở trán hay ở nách. Tuy nhiên, các phương pháp đo nhiệt độ này có thể thấp hơn khoảng 0,5 °C so với khi đo nhiệt độ tại trực tràng.
Khi xem xét tình huống trẻ bị sốt, cần phải dựa vào độ tuổi của trẻ.
Đối với trẻ dưới 3 tháng, khi nhiệt độ lên đến mức hơn 38 °C, cần lập tức đưa trẻ đi bệnh viện để kiểm tra.
Với trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi, có thể quan sát tình trạng của trẻ trong khi bị sốt. Chẳng hạn như trong lúc bị sốt thì tinh thần của trẻ có tốt không, có vui vẻ hay chơi đùa, vận động và giao tiếp không, có uống nhiều nước và chịu ăn không. Nếu trẻ không khóc và quấy nhiều, có thể quan sát nhiệt độ ngày sốt đầu tiên, nếu đến ngày thứ hai vẫn tiếp tục sốt cao thì nên đưa trẻ đến bệnh viện. Trong một số trường hợp, trẻ mọc răng cũng có thể gây sốt nhưng không nguy hiểm.
Trẻ trên 3 tuổi khi bị sốt cũng cần quan sát thêm các triệu chứng khác, chẳng hạn như có bị ho, chảy mũi, đau họng, nôn mửa hay tiêu chảy không. Những điều này sẽ có tác dụng hỗ trợ việc chẩn đoán xem trẻ có bị viêm bộ phận nào đó không và xác định nguyên nhân cơn sốt.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp nếu trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào khác mà chỉ sốt cao, thì nên đi khám bệnh sớm. Cho dù trẻ ở độ tuổi nào mà bị sốt từng cơn lặp đi lặp lại trong khoảng 5 ngày hoặc lâu hơn, thì nhất định phải đi khám bệnh. Những trẻ lớn đã biết nói, nên nếu bé kêu đau đầu hay khó thở thì ngay lập tức phải đưa đến bệnh viện để chẩn đoán xem có bị viêm màng não không.
Khi chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, các bậc cha mẹ nên làm gì để em bé hạ sốt và nhanh hồi phục hơn?
Thứ nhất, cho trẻ uống nhiều nước: Trẻ khi bị sốt thường dễ mất nước, uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể trẻ điều chỉnh và giảm nhiệt độ.
Thứ hai, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn. Nên giảm các hoạt động không cần thiết để trẻ đỡ mất sức, tập trung cho cơ thể tăng khả năng miễn dịch.
Thứ ba, sử dụng thuốc hạ sốt một cách chính xác. Nếu trẻ sốt cao hơn 38,3 °C hoặc trẻ mệt mỏi mê man, nên sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng lượng thuốc hạ sốt cần phải tính toán dựa trên cân nặng, chứ không phải dựa vào tuổi của trẻ.
Thứ tư, sử dụng một số phương pháp làm mát thủ công. Nếu trẻ bị sốt khoảng dưới 38,3 °C, cha mẹ có thể dùng khăn mát để đắp trán giúp trẻ hạ nhiệt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thái quá bằng cách chà xát cơ thể trẻ, thổi không khí lạnh vào hay cho tắm quá lâu, các biện pháp này chưa từng được chứng thực là có hiệu quả tốt.
Thứ năm, ghi lại nhiệt độ. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, cần phải ghi lại các mốc nhiệt độ sốt của trẻ, đặc biệt là mức nhiệt độ cao nhất. Điều này sẽ giúp ích cho việc chẩn đoán nguyên nhân gây sốt.
(Bài viết tham khảo tư vấn của Bác sĩ Grace Yen Hoong Ooi, MD, Thạc sỹ tại Đại học Y khoa Harvard, Giảng viên Y hoa tại Đại học Dr. McGill University, Giáo sư Lâm sàng tại Bệnh viện Lutheran, Giám đốc bệnh viện Nhi New York Happy Pediatric Clinic)
Thanh Thảo
TAMTHUC