Có một người nông dân đi chợ, khi đi ngang qua chỗ bán súc vật, thấy một người dắt một con trâu mẹ và một con trâu con rao bán. Sau khi thương lượng giá cả, người nông dân ấy mua hai mẹ con trâu về nhà. Vừa dắt ông vừa dự tính, mổ thịt con trâu mẹ đem bán cũng đã dư vốn rồi, sau đó nuôi trâu con thêm một thời gian nữa, thế nào cũng kiếm được một khỏan kha khá.
Nhưng khi chuẩn bị giết trâu mẹ, thì trâu con chạy đến quỳ trước mặt ông, tuôn đôi dòng lệ, như khẩn cầu đừng giết mẹ nó. Ông thấy trâu con cản trở, bèn bảo người nhà dắt nó cột ở một cái cây gần đó. Khi cột chắc rồi, ông liền lấy dao định đâm trâu mẹ, không ngờ trâu con thấy vậy, bèn giật đứt dây thừng, khiến cho lỗ mũi của nó chảy máu lai láng, lần này nó chạy tới trước mặt ông, lạ thay, nó quỵ chân xuống, quỳ và dập đầu xuống đất lia lịa.
Trước hành động của trâu con, chẳng những ông không có chút động lòng nào, mà ngược lại, thú tính trong người trào lên như sóng cuộn, ông la con :
-Tụi bây dẫn nó ra đồng mau, để nó ở đây chỉ vướng tay vướng chân, nếu nó không đi thì cứ lấy mũi nhọn đâm vào người nó.
Sau khi trâu con bị đuổi đi, ông liền giết thịt trâu mẹ. Trâu con vừa ra tới đồng, bất ngờ nó quay đầu chạy về, tận mắt thấy trâu mẹ bị ông cùng vài người bạn đang mổ thịt, nó nhảy cẫng lên. Nhảy được vài cái, nó ngã lăn ra đất, các lỗ trên thân nó tuôn ra máu đỏ tươi, cuối cùng chết luôn theo trâu mẹ.
Khi thấy nó chết, người nông dân liền tính mổ thịt trâu mẹ xong, sẽ mổ luôn trâu con bán nốt.
Quả thật lòng tham con người không có đáy, ông không đem thịt trâu bán như đã dự tính, mà đổi cách khác. Dựa vào tài nấu nướng của mình, ông đem thịt trâu chế biến thành nhiều món, chỉ cần bỏ chút ít công sức, nhưng số tiền lời kiếm được sẽ nhiều hơn.
Ông dùng một cái nồi thiệt to để nấu thịt , do thịt trâu dai nên phải hầm suốt đêm, sợ nửa đêm ngủ quên nước sẽ tràn ra ngoài, nên ông không đậy nắp.
Ông có đứa con trai lên bốn, trời xui đất khiến thế nào, đêm đó nó không chịu ngủ với mẹ, mà nó đòi xuống bếp ngủ với ông. Nửa đêm, nó dậy đi vệ sinh, chẳng may bị ngã vào nồi thịt đang nấu, kết quả là con ông cũng bị nấu chung với thịt trâu. Sáng ra ông phát hiện được thì con ông thịt đã nhừ nát, lòi cả xương trắng. Đương nhiên nồi thịt đó không thể bán được .
Do quá thương tiếc đứa con, mà cũng trách mình bất cẩn, ông càng suy nghĩ càng thấy đau đớn, kết quả sinh bệnh rồi chết không lâu sau. Từ đó, gia đình ông xuống dốc trầm trọng, hết con chết lại đến vợ đau…
Thế nên, chớ bảo trâu bò chỉ là thú vật, chỉ là thức ăn cho con người, vì sự thật, giết chúng quả báo cũng thảm khốc như giết người , có khác chi đâu.
———————-
Hỏi : Tôi thường nghe nói rằng con cái sung sướng nhờ Phước Đức cha mẹ ông bà để lại. Nếu ta làm điều tốt tạo Phước đức hay làm điều ác thì con cháu và những người xung quanh ta cũng được hưởng nhờ, hay bị vạ lây cho dù họ chẳng làm gì cả phải không?
Đáp : Phước đức hay tội lỗi của một người có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh ( gồm cả ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu lẫn cả những người sống gần ta như hàng xóm, đồng nghiệp…) Có những cách ảnh hưởng như sau :
1. “Đồng thanh tương ứng” : ông bà cha mẹ tạo phước đức, thì nhân quả sắp xếp cho họ sinh ra những người con, cháu đã tạo phước trong quá khứ, khi sinh ra chúng được sung sướng ,vinh hiển. Phước đó tự chúng đã tạo trong qúa khứ, còn ông bà cha mẹ do cũng có phước nên sinh ra con cháu vinh hiển để được hưởng tiếng thơm… ngược lại ông bà cha mẹ tạo ác nghiệp cũng tương tự như thế.
2. Các vị đã tạo công đức tái sinh lại làm cháu chắt của chính mình để hưởng phước. ( Làm ác thì ngược lại )
3. ” Chiêu cảm tội phước” : người có phước lớn hoặc nghiệp nặng có thể chiêu cảm khiến cho phước hoặc nghiệp xấu của những người xung quanh trổ ra khi họ xuất hiện. Như một người cha làm việc ác quá lớn, sau đó một thời gian con anh ta bị tai nạn chết. Đáng lí đứa con phải 2 kiếp sau mới bị tai nạn chết, nhưng nay quả báo ấy trổ ra luôn ở hiện tại ( thực ra phước hay tội tiềm ẩn của mỗi người đều rất nhiều, đứa con đâu có thiếu gì nghiệp ăn mặn, sát sinh từ vô lượng kiếp qua ) Hay một người chồng do phước báo lớn nên chắc chắn lấy được vợ đẹp, nhưng khi lấy vợ anh ta lại chọn 1 người nhan sắc bình thường, không đẹp, một thời gian sau, dung mạo của người vợ sẽ thay đổi, trở nên xinh đẹp, đó là do phước của người vợ, có điều đáng lí phải 3 kiếp sau cô ta mới đẹp được như thế, nhưng do phước của chồng chiêu cảm khiến phước của cô ta trổ ra sớm. Có một số người rất đặc biệt, đi tới đâu là mọi người xung quanh xui xẻo đến đó , cũng do nguyên lí này.
4. ” Bình thông nhau” , do có duyên sâu nặng và nợ nần với cha mẹ, con cái có thể chịu tội thay cho cha mẹ, sự chịu tội này coi như trả xong món nợ với cha mẹ ( Như chuyện “Phúc lành” đã đăng trong nhóm ‘Luân hồi & nhân quả’ ). Thường thì ta sẽ gặp trường hợp ngược lại, là do cha mẹ có nợ với con cái, nên phước của cha mẹ con cái hưởng ( của thừa kể ) đây coi như trả nợ. Các chúng sinh có duyên nợ sâu đậm với nhau cũng tương tự như vậy.
TAMTHUC