Blog Tâm Thức
Sống thuận tự nhiên thì hấp thụ sinh khí đất trời, đời người thoáng chốc qua mau còn chờ đợi chi?
Wednesday, 30/05/2018 18:13 pm

Blog Tâm Thức

Cổ nhân uống trà đàm đạo thanh tao, ấy cũng chính là một nét văn hóa truyền thống nghìn năm còn lưu giá trị.

Vào đời Tống, Vương Thập Bằng nhân tiết Thanh minh có mời bằng hữu đến chơi. Hai người nói chuyện trên trời dưới biển, trước thềm nhà cỏ xanh rì trải dài vô tận, hương thơm phảng phất đến chân trời. Đàm đạo đang cao hứng, sao chẳng lên núi chơi? Dạo chơi núi biếc, khi những người có nhã hứng, đàm đạo thanh tao, làm sao mà thiếu trà được?

Giải nhãn tiên tân cấp,
Tước thiệt phanh xuân hiệt.
Kiêu quân văn tự trường,
Điệu ngã thanh đàm thiệt.

Nhân sinh hội diện nan,
Tuế nguyệt dị phiêu hốt.
Quân cô vị ngã lưu,
Thông thông mạc ngôn biệt.

(Mao Ngu Khanh kiến quá)

Dịch nghĩa:

Đun nước suối mới lấy về sôi lăn tăn như mắt cua,
Pha trà búp mới hái vào mùa xuân, như lưỡi chim sẻ
Để trà tưới thấm ruột gan đầy chữ nghĩa của bạn
Cho chữ nghĩa rơi vào miệng lưỡi đàm đạo thanh tao của tôi

Đời người được hội ngộ bằng hữu cũng thật khó,
Năm tháng dễ dàng bị cuốn bay đi.
Xin bạn hãy lưu lại thêm chút nữa,
Vội vàng quá chưa kịp nói lời giã biệt

Dịch thơ:

Bếp hồng nước suối sủi mắt cua,
Búp trà lưỡi sẻ hái xuân mùa
Tưới thấm ruột gan bồ chữ nghĩa,
Nảy ra ngoài miệng tiếng thanh tao.

Bằng hữu gặp nhau khó lắm thay,
Tháng ngày vun vút gió trôi bay.
Bạn hãy tạm lưu thêm chút nhé,
Vội vàng chẳng kịp nói chia tay.

Tinh thần trong trà đạo chính là hạt nhân trong văn hóa trà (Ảnh: wikipedia.org)

Người xưa có trí tưởng tượng phong phú, thông qua quan sát sắc bén, liên tưởng phong phú, đã sáng tạo ra biết bao thú vui cuộc sống, thú vị cuộc đời. Nước suối đun sôi pha trà, sôi lăn tăn nổi lên, trở thành “mắt cua” (giải nhãn), trà xuân búp non giống “lưỡi sẻ” (tước thiệt). Một ngụm trà thơm dịu, hương vị xoay vần, khúc chiết, xuống ruột gan mở bung ra một bụng điển cố. Bồ sách trong bụng mở toang, những tri thức, kiến văn về sinh mệnh nối nhau dâng trào.

Đàm đạo thanh tao, ấm trà nổi sóng thông rì rào, thông rì rào gọi nghĩa khí tràn gan ruột. Giữa bằng hữu những lời ấm áp, vọng vang tiếng hưởng ứng của núi rừng. Trong đàm đạo kỳ thú, có thể lắng nghe thấy tiếng thầm thì của núi non:

Bạn hãy tạm lưu thêm chút nhé,
Vội vàng chẳng kịp nói chia tay.

Trà minh tiền, trà vũ tiền, trà xuân thưởng thức xuân

“Trà kinh” của Lục Vũ có viết: “Phàm hái trà, vào các tháng 2, 3, 4”, đây là thời gian Hoàng lịch (âm lịch). Nói cách khác, đến tiết Xuân phân là thu hoạch trà. Trà hái vào các tháng 2, 3, 4 đều gọi là trà xuân.

Từ xưa đến nay, trà xanh mùa xuân đều là trà ngon. Hái trà thì quan trọng nhất là hai tiết Thanh minh và Cốc vũ, vì thời tiết này hợp ứng với khí tinh hoa thanh khiết trong sáng của trời đất. Trà được hái và chế biến xung quanh tiết Thanh minh có khí chất thanh khiết thấu triệt của trời đất, gột sạch phiền não, vui vẻ tâm trí, tịnh hóa thân thể, trong sạch tâm hồn.

Xưa gọi trà xuân là “Trà minh tiền, trà vũ tiền”, đều lấy tiết khí thu hái trà để phân biệt, đương nhiên nội hàm ý vị cũng khác nhau. Đối với người yêu trà mà nói, ý vị trà xuân tý tách trong lòng, như thi nhân Dương Nhữ Hài đời Thanh viết trong bài thơ “Long Tỉnh kỷ du”:

Trà Xuân, thưởng thức Xuân. (Ảnh: wikipedia.org)

Minh tiền vũ hậu phân thương kỳ,
Nhất oản sạ biện sắc hương vị

Dịch nghĩa:

Trà trước Thanh minh, sau Cốc vũ phân biệt như ngọn giáo và lá cờ
Một bát (chén) trà liền phân biệt được cả sắc, vị, hương

Dịch thơ:

Trà Minh, trà Vũ như giáo cờ,
Một chén nhận ngay sắc vị hương.

Trà minh tiền

Từ sau tiết xuân phân đến trước tiết thanh minh hái trà, gọi là trà minh tiền, còn gọi là trà xuân sớm, trà lửa (do có câu: Thanh minh đốt lửa mới). Từ thời Đường có cách gọi “Trà minh tiền quý như vàng”. Khi đó, lá trà sinh trưởng thì thiên khí chưa nóng, tốc độ sinh trưởng chậm, trong lá trà, vật chất hương khí phong phú, hương vị thuần hòa. Thời tiết chưa nóng nên sâu bọ phá hoại rất ít, búp lá nhỏ non, đầy đặn và tươi sáng.

Tiết khí độc đáo đã tạo ra sản phẩm trân quý hiếm có, đắt tiền của trà minh tiền, thời cổ đại dùng làm cống phẩm, người bình thường khó được thưởng thức. Lư Đồng – Trà Tiên đời Đường để lại bài thơ bất hủ “Thất oản trà ca” (Bài ca 7 bát trà), trong bài ca về trà, ông dùng từ “chồi vàng” để tỷ dụ có được trà minh tiền Dương Tiễn mà thiên tử chuyên ngự ẩm, khiến câu “Trà minh tiền quý như vàng” càng thêm phần thú vị:

Văn đạo tân niên nhập sơn lý,
Trập trùng kinh động xuân phong khởi.

Thiên tử tu thường Dương Tiễn trà,
Bách thảo bất cảm tiên khai hoa.

Nhân phong ám kết châu bội lũy,
Tiên xuân trừu xuất hoàng kim nha

Dịch nghĩa:

Nghe rằng năm mới đã vào trong núi,
Gió xuân thổi khiến loài côn trùng ngủ đông giật mình tỉnh giấc.

Thiên tử nên thưởng thức trà Dương Tiễn,
Muôn loài cỏ cây còn chưa dám ra hoa.

Gió xuân nhân từ ngầm kết chuỗi châu ngọc,
Xuân đến là loài đâm chồi sớm nhất, nảy ra những chồi vàng.

Dịch thơ:

Nghe xuân đã đến vào trong núi,
Gió xuân kinh động lũ trùng đông.

Thiên tử nên thưởng trà Dương Tiễn,
Cỏ cây còn chửa dám ra hoa,

Gió xuân kết chuỗi thành châu ngọc,
Xuân đến đầu tiên trổ chồi vàng.

Từ sau tiết xuân phân đến trước tiết thanh minh hái trà, gọi là trà minh tiền, tiết khí độc đáo đã tạo ra sản phẩm trân quý hiếm có. (Ảnh: wikipedia.org)

Thi nhân – tăng nhân Tề Kỷ đời Đường có thơ vịnh trà “Trà lửa” (Hỏa tiền trà), ca ngợi trà lửa trân quý:

Bách thảo nhượng vi linh,
Công tiên bách thảo thành.
Cam truyền thiên hạ khẩu,
Quý chiếm hỏa tiền danh

Dịch nghĩa:

Muôn loài cỏ cây phải nhường nó là anh linh,
Nó có công lao thành tựu đầu tiên trong muôn loài cây cỏ.
Ngọt ngào truyền khắp miệng thiên hạ,
Trân quý đứng đầu là danh tiếng trà lửa

Dịch thơ:

Muôn loài cây cỏ bái anh linh,
Công đầu bách thảo đệ nhất danh.
Ngọt thơm hết thảy người thiên hạ,
Trà lửa vang danh quý đứng đầu.

Trà vũ tiền

Trà vũ tiền là trà thu hái sau tiết Thanh minh đến trước tiết Cốc vũ, chế biến ra loại trà xuân thanh khiết, còn gọi là trà Thanh minh. Lúc này trời trong đất sáng, khí ôn hòa, thích hợp cho chồi, lá sinh trưởng. Cây trà hấp thu tinh hoa của trời đất, gây tạo nên các khoáng chất, các vitamin, khiến cho trà vũ tiền hương vị tươi đậm, được nước hơn trà minh tiền.

Trà Vũ Tiền hương thơm đậm, ngọt, nước trà màu vàng nhạt ánh xanh. (Ảnh: 123rf.com)

Trà minh tiền là trà xuân sớm hiếm quý, tuy rất được tôn sùng ưa chuộng, nhưng trà vũ tiền được tiết khí thanh minh tưới đẫm nuôi dưỡng, lại có nét đặc trưng trà xuân hơn, được các trà nhân yêu thích đặc biệt. Đua nhau được uống trước mấy nước trà vũ tiền, cũng là thú vui của cuộc đời. Lục Du có bài thơ “Xuất hành hồ sơn gian tạp phú tứ thủ” (4 bài thơ khi xuất hành giữ ao hồ sông núi) tả pha trà vũ tiền hương thơm bay nhập nhân gian:

Lan Đình bộ khẩu thủy như thiên,
Trà thị phân phân sấn vũ tiền

Dịch nghĩa:

Cửa sông ở Lan Đình nước xanh biếc như màu trời
Hàng trà người nườm nườm tranh nhau thưởng thức trà vũ tiền

Dịch thơ:

Lan Đình nước biếc tựa thanh thiên,
Hàng trà tấp nập thưởng vũ tiền

Trà cốc vũ

Đến tiết cốc vũ là mùa xuân đã đi vào hồi cuối. Trà thu hái vào tiết cốc vũ gọi là trà cốc vũ, còn gọi là trà nhị xuân. Đây là trà cuối cùng của mùa xuân. Tiết khí cốc vũ, khí ôn hòa, dần ấm lên, độ ẩm không khí tăng cao, khiến lượng axit amin trong trà cao, búp, lá trà mập mạp, hương thơm dễ chịu, pha rất được nước. Đây chính là trà mà Lục Du ca ngợi “Cốc vũ trà hương viện viện khoa” (Hương trà cốc vũ nhà nhà khen).

Trà cốc vũ có thể thanh nhiệt, trừ tà, sáng mắt. (Ảnh: pinterest.com)

Nông dân trồng trà nói, trà cốc vũ chân chính tức là búp, lá trà tươi hái đúng ngày cốc vũ rồi sao chế thành. Những người làm trà thường hái trước cốc vũ làm trà vũ tiền. Trà cốc vũ có thể thanh nhiệt, trừ tà, sáng mắt.

Danh sỹ Giang Nam Hứa Thứ Thư đời Minh ca ngợi trà cốc vũ trong bài “Trà sơ” rằng: “Thanh minh cốc vũ là lúc thu hái trà. Thanh minh thì sớm quá, lập hạ thì muộn quá, trước và sau cốc vũ là thích hợp nhất. Nếu để thêm 1, 2 ngày, đợi khí lực trà đầy đủ, hương đậm gấp bội, dễ bảo quản tàng trữ”. Cũng có nghĩa là trà cốc vũ hương nồng vị đậm, dễ bảo quản.

Sống thuận theo tiết khí thì có thể hấp thụ sinh khí của trời đất tốt nhất, có thể phản phác quy chân. Uống trà cũng theo đạo lý như vậy. Qua tiết khí này là bỏ lỡ thời cơ này, đời người thoáng chốc đã qua, còn chờ đợi gì nữa đây?

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Triêu Lộ biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/song-thuan-tu-nhien-thi-hap-thu-sinh-khi-dat-troi-doi-nguoi-thoang-choc-qua-mau-con-cho-doi-chi.html