Trong Liệt Tử có câu chuyện kể rằng:
Xưa nước Tần có người con nhà họ Bàng, lúc nhỏ thông minh, ngoan hiền, khi lớn lên thì mắc bệnh mê: Nghe hát lại cho là khóc, trông trắng lại cho là đen, ngửi mùi thơm lại cho là thối, ăn ngọt lại cho là đắng. Tính cách anh dở mà cứ cho là phải, bao nhiêu cái anh ta nghĩ đến, trời, đất, bốn phương, nước, lửa, nóng, lạnh… không gì là không đảo ngược sai lầm cả.
Có người bảo cha anh ta rằng: Bậc quân tử nước Lỗ có lắm thuật, nhiều trò họa may chữa được, sao không đưa đi mà hỏi?
Người cha sang nước Lỗ. Khi qua nước Tần gặp ông lão Đam, nhân nói chuyện chứng bệnh của con mình.
Lão Đam nói: “Nhà ngươi há đã biết được cái bệnh mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai cũng ù ờ phải trái, mờ mịt, về lợi hại, kẻ mắc bệnh như con nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả. Song lẽ một mình mê không đủ làm lụy một nhà, một nhà mê không đủ làm lụy một nước, một nước mê không đủ làm lụy cả thiên hạ. Vả lại thiên hạ ai ai cũng mê cả, thì ai còn làm lụy ai được nữa.
Giả sử thiên hạ ai ai cũng mê như con nhà ngươi mà chỉ có nhà ngươi muốn chữa bệnh mê, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất. Ở đời sự thường tình, vui buồn lẽ phải trái, những cái mắt trông, mồm nếm, mũi ngửi ai nấy là người chắc cứ cho như thế mới là phải. Ngày nay như lời nói ta đây, vị tất đã khỏi mê, huống chi người quân tử nước Lỗ lại là người quá ư mê, thì chữa sao được bệnh mê của ngươi. Nhà ngươi đem bao nhiêu tiền đi tìm thầy chữa chạy, chẳng bằng cứ nghe ta trở về ngay còn hơn”.
Lời bàn:
Xưa nay ai nấy đều tự cho rằng chỉ những điều mình được chứng kiến rành rành thực tại ngay trước mắt như thế mới là phải, còn những thứ không tận mắt thì không thể tin, hoặc bán tín bán nghi, thật thật giả giả khó mà phân định.
Bây giờ hãy thử đổi trắng thành đen, đổi đen thành trắng, ngọt thành đắng, đắng thành ngọt… để một thời gian lâu thành thói quen, có lẽ thiên hạ lại cho thế mới là phải, mà như hiện tại mới là không phải vậy.
Than ôi, cái thanh sắc, khứu, vị rõ rệt là thế mà người đời còn đảo ngược lại được, huống chi nhân tâm, thế đạo là cái vô hình thì người đời không dám đảo nghịch hay sao?
Có kẻ lợi dụng chỗ yếu nhược ấy mà làm nên điều giả dối mê hoặc lòng người, đổi trắng thay đen, đổi đen thành trắng lâu dần thành thói, nên người ta cứ cho vậy mới là đúng cũng không ai dám nhìn nhận lại. Đôi khi chỉ là “hữu danh vô thực” mà không hay biết, thật đáng buồn thương lắm thay.
Thời mạt thế, gàn dở thì coi là tòng quyền, hà hiếp lại gọi là bênh vực, trên dưới bất phân, đạo cha con cũng bình đẳng, vợ chồng cũng tự do, phóng túng, luân thường bị rối loạn, càng ngày càng say đắm, như thế có thể gọi là tỉnh được hay không? Hay chính là mê, mê quá đến nỗi không biết được thế nào là phải trái?
Bệnh mê làm hại người ta, hại cả một quốc gia, hại cả một thiên hạ. Phật gia giảng: “Nhân tại mê trung”, con người đều là sống trong mê, đã rơi vào cõi này thì ai ai cũng mê đến độ không còn phân định được thế nào là phải trái, trắng đen nữa. Tuy vậy ở đời vẫn còn có kẻ tu hành giác ngộ mà nhận ra cái mê ấy, biết được lẽ phải muốn đem ra bày tỏ mà thiên hạ không biết cho, lại còn mỉa mai, kỳ thực khổ tâm lắm lắm…
Có người nói, sống mới là sướng, chết thực là khổ, cứ thế mà tận hưởng cuộc sống, ấy là cái trí của kẻ thất phu. Khi còn trẻ khỏe mạnh, mà ý chí suy đồi thì sống thực không bằng chết.
Kẻ tiểu nhân, lúc sống thì mê mê muội muội trong danh, lợi, tình, mà tranh tranh đấu đấu đến mức quên sinh. Đến khi về già thì than ôi, quả là: “Ấu bất học – Lão hà vi” (trẻ mà không học, khi về già biết làm sao). Có câu: “Nhân sinh như mộng”, chợt nhận ra thì đã xế chiều, mặt trời xuống núi rồi còn đâu?
“Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ sau già lão
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viên lương cùng phiền não.
…
Xuân đi xuân lại thu sang đông,
Chóng như thoi đưa như nước chảy.
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu.
Đã báo rạng đông, gà sáng gáy”.
(Đường Bá Hổ)
Đời người ngắn ngủi, chớp mắt qua đi đã không còn. Phật gia giảng: “Nhân thân nan đắc”, có được thân người khó lắm thay. Được làm người cũng không biết giá trị đích thực để làm người, cứ mê mê muội muội mà chạy theo những thứ hư ảo, quên cả mục đích chân chính của sinh mệnh là gì, sống là vì cái gì và vì sao mà sống?
Phật gia giảng: “Phản bổn quy chân”, mục đích chân chính của sinh mệnh đời người chính là để tu luyện quay trở về với bản lai của tạo hóa vũ trụ. Đạo gia có thần tích “Nhục thân thành đạo, vỗ cánh thành tiên”, làm người sống ở đời thì phải tu dưỡng đạo đức, tích đức, hành thiện. Nho gia có câu: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (Thấy việc nghĩa không làm, không phải kẻ dũng).
Đạo gia giảng “Chân” nhấn mạnh chữ “Chân” lấy sự chân thành để đối đãi với người, “vô vi” để đạt được sự thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên, đạt được mục đích phản bổn quy chân. “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, âu cũng là phù hợp cái luân thường đạo lý vậy.
Thái Bảo
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-trong-coi-me-muc-dich-chan-chinh-nhat-cua-kiep-nhan-sinh-nay-la-chi..html