“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
‘Tôn Ngộ Không tam đả Bạch Cốt Tinh’ là một trong những câu chuyện ly kỳ, hồi hộp và cũng ấn tượng nhất, được miêu tả trong hồi thứ 27. Kể rằng:
Sau khi rời khỏi Ngũ Trang quán, thầy trò Đường Tăng đến một nơi núi non trùng điệp, nước độc rừng thiêng. Người ta vẫn nói: “Non cao lắm quái, núi hiểm nhiều ma”, nơi này có một ngọn núi cao chót vót tên là Bạch Hổ lĩnh, chính là nơi trú ngụ của Bạch Cốt Tinh.
Biết rằng ăn thịt thánh tăng có thể trường sinh bất lão, Bạch Cốt Tinh liền biến hoá hòng bắt lấy Tam Tạng.
Lần thứ nhất, yêu quái biến thành cô thôn nữ lả lướt đưa tình:
Người đâu trong ngọc trắng ngà,
Áo the hở ngực đẫy đà cặp lê (…)
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Lung linh thược dược như đưa xuân tình [1]
Rõ là một con yêu quái, nhưng Tam Tạng không nhận ra!
Lần thứ hai, yêu quái biến thành bà cụ già nua gớm ghiếc:
“Mặt quắt tàu lá héo,
Người ngợm gầy trơ xương.
Gò má nhô nhọn hoắt,
Môi trề xuống dị thường”.
Đích thị là con yêu quái, nhưng Tam Tạng lại không nhận ra!
Lần thứ ba, biến thành một ông lão:
Tóc bạc như Bành Tổ – Râu dài như Thọ Tinh.
Nghễnh ngãng tai rền sấm – Lèm nhèm mắt lóe tinh.
Gậy rồng lê từng bước – Áo hạc mặc thùng thình.
Tay lần lần tràng hạt – Lẩm nhẩm Nam mô kinh
Cũng chính là con yêu quái ấy, nhưng Tam Tạng vẫn không nhận ra!
Yêu quái biến ảo khôn lường, may có Ngộ Không kịp thời ngăn lại, nếu không Đường Tăng suýt chút nữa rơi vào nanh vuốt của yêu nữ. Nhưng hiềm một nỗi Đường Tăng không tin đồ đệ, lần nào cũng niệm chú ngăn cản Ngộ Không. Phải đến khi Ngộ Không gọi Thổ Địa, Sơn Thần lên hỗ trợ, rồi vung gậy bổ xuống, yêu tinh mới hiện nguyên hình là một đống xương khô, trên đó khắc bốn chữ: “Bạch Cốt phu nhân”.
Chân tướng hiển hiện rõ ràng đến vậy, nhưng vì sao Đường Tăng vẫn nhất mực không tin, cứ kiên quyết đòi đuổi Ngộ Không về?
Như đã bàn luận trong kỳ 7, đã là người tu luyện thì không thể chấp vào hình sắc, âm thanh, cảm xúc, hay mùi vị, có như vậy mới hy vọng đạt đến cảnh giới “Không” của nhà Phật. Vậy xoay trở lại mà nói, nếu không dứt khỏi chấp trước vào sắc tướng thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời chính là ma chướng Bạch Cốt Tinh mà chúng ta đang nói tới.
1. Chấp vào sắc tướng ⇒ lạc bước trong mê
Bạch Cốt Tinh dẫu biến hoá thế nào – xinh tươi lả lướt như cô thôn nữ, hay già cả đáng thương như bà cụ tìm con, hoặc tỏ ra nhân từ như ông lão đang tụng kinh niệm Phật – thì rốt cuộc vẫn là yêu tinh! Có khoác lên mình đủ thứ da tô vẽ, thì xương trắng vẫn chỉ là bộ xương trắng ấy thôi. Người chấp vào hình tướng sẽ chỉ thấy cái lớp da tô vẽ bên ngoài mà không nhìn thấu được bản chất bên trong, cũng chính là bị giả tướng mê hoặc, không thể nhìn ra chân tướng thực sự là gì.
Đức Phật thuyết trong Kinh Kim Cương: “Phàm có hình tướng đều là hư vọng”, cho rằng hết thảy mọi thứ ở nhân gian đều là huyễn tượng, khiến con người lạc bước trong mê. Trước đây có người tu luyện Phật Pháp, một đêm nằm mộng thấy thiếu nữ đẹp tựa tiên sa, mắt phượng mày ngài, dáng vẻ thanh thoát, bẽn lẽn ngượng ngùng bước đến bên cạnh. Quả đúng là: “Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Không kìm được, ông động lòng hôn một cái. Nhưng vừa khi chạm vào bờ môi thiếu nữ thì ông giật mình tỉnh dậy, thấy hai tay đang ôm một thanh gỗ mục!
Người ta vẫn nói bậc chính nhân quân tử “toạ hoài bất loạn” (mỹ nữ ngồi trong lòng mà tâm không loạn), vậy đã là một bậc chân tu, sao có thể để hình sắc làm khuấy động tâm mình cho được?
Ngay cả người bình thường chúng ta cũng có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” (vẽ hổ chỉ vẽ được da khó vẽ được xương, biết người thì chỉ biết mặt mà không biết lòng), cho nên những gì mắt thấy tai nghe rất có thể không phải là điều chân thật. Ai ai cũng biết là vậy nhưng vẫn để cho giả tướng đánh lừa, nên mới chìm đắm mãi trong mê mà không bao giờ thoát ra được.
2. Chìm đắm trong mê ⇒ tâm sinh ma quỷ
Thấy sư phụ không nhận ra cô thôn nữ là yêu tinh, Ngộ Không bèn nói: “Lão Tôn trước kia, khi còn là yêu ma động Thủy Liêm, lúc nào muốn ăn thịt người đều làm cách như thế này: hoặc biến thành vàng bạc, nhà cửa, hoặc biến thành gái đẹp say người. Kẻ nào ngu si say đắm phải lòng con, là bị con lừa mang về động [3]”. Cũng chính là nói, chỉ những ai dẫn động tâm phàm mới có thể bị quỷ ma sai khiến. Còn những người vững vàng như kim cương bất động, thì yêu ma dẫu tài nghệ cao cường đến đâu cũng không thể làm hại được.
Đường Tăng đã tu hành 10 kiếp, nhưng dẫu sao vẫn chỉ là người đang tu luyện, nên không tránh khỏi giây phút yếu lòng. Trong truyện kể rằng, vừa thấy cô gái xinh đẹp tuyệt trần, trước là Bát Giới lòng dục trỗi dậy, sau là Đường Tăng mủi lòng tin lời dối trá. Vì cả Bát Giới lẫn Đường Tăng đều đã động tâm, nên trong truyện mới hai lần lặp lại câu này: “Rõ ràng là một con yêu tinh, mà Bát Giới/Tam Tạng vẫn không nhận ra!”.
Vậy “yêu tinh” ấy từ đâu ra? Khi Tam Tạng ở chùa Pháp Môn đã từng nói rằng: “Tâm sinh, chủng chủng ma sinh; Tâm diệt, chủng chủng ma diệt”. Ma quỷ chẳng phải ở đâu xa xôi, mà chính là từ tâm người mà đến!
Ví dụ như, Bát Giới vừa nhìn thấy mỹ nữ đã khởi tâm sắc dục, vừa nghe nói đến “cơm tám”, “bánh bao” đã hí hửng trong lòng; Còn Đường Tăng thì tin lời ngon ngọt đến mức nổi giận với đồ đệ, không còn suy xét thấu đáo, hồ đồ tin theo lời gièm pha xúc xiểm của Bát Giới, thậm chí cắt đứt cả tình thầy trò với Ngộ Không.
Phật gia cho rằng, con người có cả Phật tính và Ma tính. Biểu hiện của Phật tính là từ bi, lương thiện, chân thật, nhẫn nại,… Còn biểu hiện của Ma tính là tham ăn, háo sắc, giận dữ, nóng nảy,… — Như vậy, chẳng phải Bát Giới và Đường Tăng “tự tâm đã sinh ma” là gì?
3. Ma tâm sai khiến ⇒ lý trí không còn
Đường Tăng đã bao phen rơi vào động quỷ, cũng biết rằng yêu ma thiên biến vạn hoá khó lường, vì sao lần này lại không tin lời Ngộ Không? Đó là bởi Đường Tăng đã để ma tâm sai khiến, nên mới không còn lý trí, thậm chí những điều “vô lý đùng đùng” hiển hiện ngay trước mắt mà vẫn không chịu tỉnh ngộ:
Giữa nơi rừng rú hoang vu, trước chẳng có bản, sau chẳng có làng, cớ sao lại xuất hiện một cô thôn nữ, hơn nữa là đến để dâng cơm chay? Đến khi cô thôn nữ bị đả chết, vì sao cơm tám gạo thơm trong liễn đều biến thành giòi bọ, bánh bao bánh rán chẳng thấy đâu chỉ thấy ễnh ương cóc nhái nhảy tứ tung? Cô thôn nữ tuổi vừa 18, còn bà lão trạc tuổi 80, há chẳng phải nói rằng 60 tuổi vẫn còn sinh con đẻ cái hay sao? Ông lão vừa mới chết liền biến thành xương khô, dòng chữ “Bạch Cốt phu nhân” chẳng phải vẫn còn rành rành ra đó là gì? Ấy vậy mà, Đường Tăng vẫn cứ chấp mê bất ngộ!
Lại nữa, mỗi khi Ngộ Không chỉ ra chân tướng (cơm tám thực ra là giòi bọ, bánh bao thực ra là ễnh ương, ông lão thực ra là bộ xương khô hoá thành), Đường Tăng đã tin được vài phần. Nhưng chỉ cần một lời gièm pha xúc xiểm của Bát Giới, Đường Tăng lại hồ đồ đuổi mắng Ngộ Không. Điều ấy nói nên rằng, khi bị ma tâm khống chế, con người sẽ để cho dục vọng (Bát Giới) lấn át, mà không còn lý trí (Ngộ Không) để suy xét vấn đề.
Con người sống trên đời, kỳ thực là đang sống cho dục vọng, cho ma tâm, chứ không phải sống cho chính mình. Cho nên ngàn lời nói, cuối cùng cũng chỉ để nói lời này thôi: Con người phải diệt trừ ma tâm, thì mới có thể trở về với bản ngã của chính mình.
Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Đạo gia. Đạo gia cho rằng, trong mỗi người đều có ba cái thây ma (“tam thi”), lần lượt là Thượng thi, Trung thi, và Hạ thi. Vì chúng trú ngụ trong thân người, cùng với thân người từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, nên mới được ví là trường tồn như Thọ Tinh, sống lâu như Bành Tổ. Chủng thây ma này, do đó, cũng lấy chữ “Bành” làm họ.
Trong Thái Thượng Tam Thi Trung Kinh viết: “Thượng thi tên Bành Cư, thích báu vật, ở trong đầu con người; Trung thi tên Bành Chất, thích ngũ vị, ở nơi bụng con người; Hạ thi tên Bành Kiểu, thích sắc dục, ở trong chân con người” [2]. Vì có chủng thây ma này, nên con người ai ai cũng mê đắm tiền tài vật chất, thích hưởng lạc, lại coi sắc dục là bản tính của mình — Kỳ thực, đó đều là ma!
Chúng ta hãy đọc lại hồi thứ 27 trong Tây Du Ký, Bạch Cốt Tinh khi hoá thân thành ông lão cũng được miêu tả là giống như Thọ Tinh, Bành Tổ. Tiêu đề của hồi thứ 27 cũng gọi Bạch Cốt Tinh là ‘thây ma’: “Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng, Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương”. Ngộ Không tam đả Bạch Cốt Tinh, phải chăng, cũng chính là ba lần diệt trừ thây ma trong thân người?
Hồng Liên
Chú thích:
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/cam-ngo-tay-du-ky-8-chuyen-ton-ngo-khong-3-lan-danh-bach-cot-tinh-co-ham-y-gi.html