Đối với Lý Thanh Chiếu, độc giả chắc chắn không còn mấy xa lạ. Bà xuất thân danh môn, là tiểu thư trong một gia đình danh giá, bà không chỉ có ngoại hình đẹp, mà trong “Bích Kê Mạn Chí” của Vương Chước còn mô tả: “Từ nhỏ bà đã có tiếng tài giỏi hơn người, sánh ngang với các bậc tiền bối”, là một mẫu phụ nữ chuẩn mực về tài năng và sắc đẹp.
Lý Thanh Chiếu (1084 –1151), hiệu Dị An cư sĩ, là nữ tác gia nổi tiếng của đời Tống – Trung Quốc. Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường – một trong những học giả phê bình uy tín, Lý Thanh Chiếu được suy tôn là nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống thơ ca, cha bà – Lý Cách Phi là một học giả, tác giả tản văn có tiếng tăm, mẹ bà cũng là người thông thạo văn chương. Lý Thanh Chiếu từ nhỏ đã hấp thụ được một nền văn hóa tốt từ phụ mẫu. Bà thành công trong nhiều lĩnh vực văn học: văn xuôi, từ, thơ ca. Lúc còn là thiếu nữ, Thanh Chiếu đã làm thơ, thơ của bà phần lớn viết về nét bình dị, lý thú của cuộc sống, với điệu vần trong sáng, tình cảm tự nhiên trong phong cảnh xinh tươi, hữu tình.
Từ thời niên thiếu, Lý Thanh Chiếu đã bộc lộ khí chất hơn người, tinh thông văn học lạ thường, nên cha bà nhiều lần lo lắng, than thở với mẹ bà rằng: “Nếu không phải là với bậc nam nhi hiểu biết giỏi giang, thì con chúng ta khó mà có thể xuất giá được”.
Sống trong hạnh phúc lại gặp phải trắc trở
Thời thanh xuân của Lý Thanh Chiếu có thể nói là người hạnh phúc nhất thiên hạ. Bà là tiểu thư trong một gia đình danh giá, có tài năng xuất chúng, hơn nữa còn có vẻ đẹp thiên bẩm cùng với tình yêu mỹ mãn khiến nhiều người ngưỡng mộ và ganh tỵ.
Bà kết hôn với Triệu Minh Thành, một người cũng xuất thân trong gia đình quyền quý, hai người không những môn đăng hộ đối, còn là trai tài gái sắc, cùng chung chí hướng. Tại phương diện tình cảm có thể nói là xứng lứa vừa đôi, độc nhất vô nhị, là sự kết hợp hoàn hảo giữa Bạch Mã hoàng tử và công chúa Bạch Tuyết.
Nếu cứ mãi như thế, thì vận mệnh của Lý Thanh Chiếu quả thật đã quá được hậu đãi và thiên vị rồi. Thế nhưng, cũng giống một câu trong bài thơ của Tô Thức: “Trăng khi tròn khi khuyết. Người có hợp có tan. Chuyện xưa nay đều khó bề toàn vẹn”, điều Lý Thanh Chiếu chưa từng nghĩ đến chính là tạo hóa trêu người, lúc cuộc sống của bà mới vừa bước vào tuổi trung niên, vận mệnh của bà bắt đầu xuất hiện hàng loạt biến cố.
Năm Tịnh Khang đầu tiên (năm 1127), kỵ binh của quân Kim phá được thành Biện Kinh, cũng là lúc cuộc sống hạnh phúc viên mãn của bà bị phá vỡ, lúc quân Kim đánh hạ thành Biện Lương, bắt giữ hai vị Hoàng Đế, bà và phu quân là Triệu Minh Thành cùng nhau chạy nạn đến Giang Nam.
Trên đường chạy nạn, bà và chồng đã bỏ lại gần hết các đồ vật mà hai người phải ăn mặc tiết kiệm, tích góp trong nhiều năm mới có được, những ngày tháng lưu lạc, chạy Đông chạy Tây, chịu nhiều khổ cực không gì tả nổi.
Tất cả những chuyện này bà đều có thể nhẫn nhịn được, thế nhưng đối với sự bất tài nhu nhược của Triệu Cấu, kẻ nắm quyền hành cao nhất, chỉ sống an nhàn trong một góc ở Giang Nam, nhất mực trọng dụng nịnh thần mà không màng gì đến đại kế kháng Kim khôi phục giang sơn của Lý Cương và Tôn Trạch, đối với những chuyện sau khi vào Nam bản thân bà mắt thấy tai nghe về cuộc sống khổ sở của dân chúng, là thân nữ nhi nhưng trí của một đại trượng phu, Lý Thanh Chiếu quả thật không cách nào nhẫn nhịn, không thể không lên tiếng.
Thơ văn gửi gắm sự phẫn nộ của hồng nhan
Khi biết được tướng quân Niêm Hãn của quân Kim muốn vượt sông Hoàng Hà để tiến xuống phía Nam và muốn đánh vào kinh thành Dương Châu, Triệu Cấu nghe tin nhưng không quan tâm, ngày đêm chạy nạn vào Nam, khiến cho mấy chục vạn bá tánh chết thảm. Cũng giống như Hoa Nhụy phu nhân lúc đó, một nhà thơ nữ xinh đẹp, cũng nếm trải nhiều khổ cực trong thời thế loạn lạc, cuối cùng không nhẫn nhịn được, sử dụng thơ ca để thể hiện sự giận dữ của mình, về sự bất mãn cũng như quan điểm về tình hình quốc gia.
TAMTHUCTrong một bài thơ, bà bày tỏ nỗi xót xa: “Nam độ y quân thiếu Vương Đạo, Bắc lai tin tức khiếm Lưu Côn”. Tạm dịch: Người Nam tưởng nhớ Vương Đạo, phía Bắc truyền đến tin tức của Lưu Côn. Trong bài thơ, bà thương tiếc việc Tể tướng Lý Cương bị triều đình thu hồi quyết định chủ chiến, còn đối với sự ngu dốt của Hoàng Tiềm Thiện và Uông Bá Ngạn, khiến chiến sự thất bại, trăm họ lầm than thì cảm thấy không thể lý giải nổi. Điều làm cho nhà thơ càng không thể lý giải nổi, cảm thán và thất vọng, đó chính là trong thời thế hỗn loạn, đất nước bị chia cắt, từ bỏ cả Nam Tống như thế nhưng sao lại không có các anh hùng có thể hy sinh thân mình vì nước vì dân như Vương Đạo và Lưu Côn?
Mùa hè Kiến Viêm năm thứ 3 (năm 1129), Lý Thanh Chiếu cùng với phu quân của mình từ Tố Giang đi lên Bắc, dự định chuyển nhà đến Hồng Châu ở Giang Tây. Nắng hè chói chang, gió bụi mịt mù, lúc thuyền đi đến thị trấn Ô Giang ở Lịch Dương (nay thuộc An Huy), biết được nơi đây chính là nơi Hạng Vũ bại trận tự vẫn năm xưa, bởi vì ông không còn mặt mũi nào gặp mặt phụ lão Giang Đông, nên nguyện lấy cái chết để tạ lỗi với thiên hạ.
Thế nhưng hiện tại, Hoàng đế Triệu Cấu đem theo một đám quần thần đầu hàng tháo chạy về phía Nam, ham sống sợ chết!… Nghĩ đến đây, trong lòng của bà dâng trào cảm xúc mạnh mẽ, nhìn vào sông Trường Giang mênh mông, không thể cầm lòng được, nên một lần nữa mỹ nhân lại tức giận, cảm xúc lẫn lộn mà ngâm ra bài thiên cổ tuyệt cú được đặt tên là “Ô Giang”:
Sinh đương tác nhân kiệt,
Tử diệc vi quỷ hùng.
Chí kim tư Hạng Vũ,
Bất khẳng quá Giang Đông.
Tạm dịch (Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo)
Sống là người hào kiệt
Chết cũng ma anh hùng
Nay còn nhớ Hạng Vũ
Không chịu sang Giang Đông.
Điều khiến người ta khó tin, chính là bài thơ có sức mạnh ngàn cân này lại được sáng tác bởi một người phụ nữ có xuất thân là một tiểu thư khuê các như Lý Thanh Chiếu? Ngay cả học giả lớn như Chu Hy trong “Chu tử ngữ loại” cũng không kiềm được mà thốt lên rằng: “Ngôn từ như vậy, há có thể là của một người phụ nữ!”.
“Sống là người hào kiệt; Chết cũng ma anh hùng”, bút pháp mạnh mẽ của một người phụ nữ yếu đuối như vậy, không biết đã khiến bao nhiêu người đàn ông cao to cảm thấy hổ thẹn?
Ngôn từ của Lý Thanh Chiếu uyển chuyển hàm xúc, nhưng thơ của bà rất thẳng thắn, hào phóng, giống như bài “Ô Giang” này, dễ nhận thấy rằng đây là bài thơ mượn xưa để nói nay, trong thơ ẩn giấu sự bất mãn, phẫn nộ của nhà thơ, chỉ ra sai lầm và phê phán triều đình Nam Tống chỉ biết lo chạy nạn, và bày tỏ sự kính phục đối với Hạng Vũ, thà chịu chết chứ nhất quyết không chịu khuất phục!
Hồng nhan phẫn nộ không có hồi âm
Thế nhưng, trong lúc cần tới anh hùng, cũng có thể tạo ra được anh hùng, nhưng hầu như tất cả anh hùng đều không có kết cục tốt đẹp. Trong thời đại bài trừ thậm chí là hãm hại nhau thì bất luận là sự phẫn nộ của Hoa Nhụy phu nhân hay sự kêu gọi của Lý Thanh Chiếu đều trở nên vô nghĩa.
Quả thực, trong thời đại suy nhược thoái chí, bất luận những nhà thơ xinh đẹp này có phẫn nộ hay kêu gọi đi chăng nữa cũng không ai trả lời. Đây không chỉ là sự đau khổ và tủi nhục của những nhà thơ xinh đẹp, mà chính là sự bi thương của cả một triều đại.
Tiểu Minh, theo Secretchina
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/dai-han-va-dai-bi-cua-ly-thanh-chieu.html