Đây là một trong những cổ vật không mấy người biết đến, tuy nhiên nó lại có một đặc điểm vô cùng thú vị. Đã có hàng chục cổ vật được phát hiện qua các năm, mâu thuẫn với quan điểm chính thống về lịch sử, khảo cổ học và nhân chủng học.
(Ảnh: Ancient Code)
Phát hiện này xuất hiện vào năm 1998 khi kỹ sư điện John. J. Williams tìm thấy một vật giống chiếc giắc cắm điện lồi ra từ mặt đất khi đang leo núi ở Bắc Mỹ. Vật thể này được tìm thấy ở một nơi xa xôi hẻo lánh, cách xa khu vực định cư của con người, các khu công nghiệp, sân bay, nhà máy và nhà máy điện hay nhà máy hạt nhân. Sau khi đào sâu xuống lòng đất, Williams đã tìm thấy một thiết bị với 3 đầu cắm, gắn liền vào một tảng đá.
Williams từ chối tiết lộ chính xác địa điểm nơi phát hiện ra vật thể này, khiến những người hoài nghi kết luận rằng hiện vật này chỉ là một trò bịp. Nhưng liệu có phải vậy không?
(Ảnh: Ancient Code)
Ngày nay hiện vật này được gọi là Petradox, chính là một mẩu thiết bị điện được gắn vào đá granit cứng cấu thành từ thạch anh và fenspat, với một lượng nhỏ thành phần khoáng chất mica. Có quá nhiều bí ẩn xoay quanh vật thể này. Có người từng đề nghị trả giá 500.000 USD cho Williams nhưng ông đã từ chối bán nó. Tuy nhiên, Williams đã tuyên bố rằng bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng có thể đến phân tích cổ vật này. Cho tới nay, chỉ có một vài cá nhân dành thời gian nghiên cứu thiết bị điện bí ẩn này.
Petradox không phải là vật bồi tích, khối kết hạch, đá bọt hay hóa thạch. Nó không chứa bất kỳ loại nhựa, xi măng, hồ dán, chất kết dính, đá vôi, vữa, hay các chất kết dính phi riolit / phi granit. Nó rất cứng.
(Ảnh: Ancient Code)
Thiết bị này có đường kính khoảng 8 mm; các đầu cắm có độ cao khoảng 3 mm, và khoảng cách giữa các đầu cắm là khoảng 2,5 mm trong khi độ dày của đầu cắm là khoảng 1 mm.
Theo Williams, sau khi nhờ một kỹ sư và nhà địa chất học khám nghiệm vật thể, thiết bị điện gắn vào đá granit này cho thấy không có dấu hiệu bị dán keo hay hàn xì dưới bất cứ dạng thức nào từng được biết; rõ ràng là vật thể này đã tồn tại từ thời điểm tảng đá tạo thành. Theo phân tích địa chất, các nhà nghiên cứu tin rằng “hòn đá” này có niên đại ít nhất 100.000 năm tuổi, một điều không thể nếu bạn tin rằng vật thể này được con người tạo nên. Hiểu biết truyền thống về trình độ phát triển công nghệ của nhân loại cho rằng con người không thể tạo ra những thứ như thế này vào thời điểm đó trong lịch sử.
(Ảnh: Ancient Code)
Thiết bị này được một số nhà nghiên cứu so sánh với giắc cắm điện XLR hay thiết bị tương tự. Cổ vật này có một lực hút từ yếu, và dữ liệu đo đạc của ôm kế biểu thị mạch hở hay trở kháng cực cao giữa các đầu cắm. Cổ vật này có vẻ như không được làm từ gỗ, chất dẻo, kim loại, cao su, hay bất kỳ kim loại nào mà con người đã từng biết. Williams không cho phép đập vỡ đôi vật thể này để phân tích nhưng các kiểm tra bằng tia X-quang đã cho thấy cổ vật này có một “cấu trúc bên trong màu trắng đục” ở trung tâm hòn đá.
Thiết bị điện trên rất giống với giắc cắm điện XLR. (Ảnh: Wikimedia)
Theo Williams, các đốm chất liệu giống kim loại tan chảy ở bề mặt xung quanh thiết bị này cho thấy một số vật thể kim loại gần Petradox đã tiếp xúc với luồng nhiệt độ cao, tan chảy và dung dịch kim loại này đã bắn lên nó.
Những người hoài nghi tin chắc rằng thiết bị điện 100.000 năm tuổi này là một trò bịp được dàn dựng, nhưng Williams không đồng tình. Ông tin rằng ông đã tìm thấy một cổ vật chân thực thuộc về một nền văn minh cổ đại tiên tiến hay một chủng người ngoài hành tinh. Williams sẵn sàng để các nhà nghiên cứu xác nhận mảnh cổ vật này với điều kiện ông phải có mặt trong quá trình phân tích và tảng đá không bị làm tổn hại.
(Ảnh: Ancient Code)
Có một số người tin rằng khoa học không có hứng thú với những mảnh cổ vật như vậy vì họ sợ phải đối diện với mâu thuẫn. Cổ vật này có hai khả năng. Các phân tích khoa học có thể xác nhận đây là một trò bịp được dàn dựng công phu, nhưng cũng có thể nó sẽ thay đổi căn bản hiểu biết của chúng ta về lịch sử nhân loại và nguồn gốc loài người.
Tác giả: Ivan Petricevic, Ancient Code
Quý Khải biên dịch.
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-ly-thu-thiet-bi-dien-100-000-nam-tuoi-nam-trong-da.html