Dẫu khoác áo vải thường dân nhưng luôn tu dưỡng nội tâm, thấu tình đạt lý, dám hy sinh gánh vác thì đó chính là người có tầng thứ cao. Dẫu quyền quý cao sang mà nói năng dung tục, khoe mẽ tiền tài thì rốt cuộc cũng chỉ là người ở tầng thứ thấp mà thôi.
Tầng thứ của một người cao hay thấp không liên quan gì đến địa vị xã hội hay tiền bạc nhiều ít. Mà điều quyết định tầng thứ cao hay thấp của một người chính là trải nghiệm, là tầm nhìn, giá trị quan, nhân cách, cách sử dụng thời gian và hứng thú kiếp nhân sinh của họ.
Người ở tầng thứ thấp có 8 tướng xấu suy bại
1. Thích khoe của
Nhà văn Lâm Ngữ Đường miêu tả một cách hình tượng tâm thái của những người thích khoe khoang sự giàu có như sau: “Lưng dắt 10 đồng ắt kinh động thiên hạ”.
Hơn 10 năm trước, đeo một chiếc đồng hồ Thuỵ Sỹ nơi cổ tay được xem là biểu tượng cho sự giàu có. Thế là có người cứ nhất định phải xắn tay áo lên thật cao mặc cho trời đông giá lạnh, vào những lúc đại hàn trời rét căm căm, dẫu cổ tay lạnh tê tái tới mức ửng đỏ, họ cũng chẳng để tâm.
Khoe khoang như vậy chỉ làm khổ bản thân mà thôi.
Trước kia có những người khoe khoang rất dung tục, không có lấy một chút hàm dưỡng hay ý nhị. Vậy nên khi khoe khoang cũng khiến người khác muốn xa lánh hay bị tổn thương.
Hễ nói chuyện là họ sẽ khoe nào nhà to, nào xe đẹp. Đặc biệt là với những người mới quen thì họ “nổ càng giòn giã” hơn, như thể chỉ e người ta không biết rằng mình có tiền.
Hoặc khi chia sẻ về “bí kíp” làm giàu, họ sẽ cao giọng thuyết giảng không ngừng về “bí quyết phát tài”. Họ vồn vã muốn nhắc nhở người khác rằng cần phải có hùng tâm tráng khí làm giàu chỉ sau một đêm!
2. Thích khoác lác
Lâm Ngữ Đường miêu tả như sau: “Mỗi khi nói chuyện với người khác, ắt phải nhắc đến họ hàng giàu có nhà mình”.
Họ thích khoe mẽ rằng mình quen biết một vị quan to hay một danh nhân nào đó, thậm chí giữa hai người còn có mối quan hệ rất thân thiết. Hễ gặp người nổi tiếng thì họ vội vàng xin chữ ký để sau này có vốn mà “khoác lác” với bàn dân thiên hạ.
Họ có thể nói thao thao bất tuyệt, hai mắt dâng trào, đầy nhiệt huyết. Mỗi khi nhớ về điều này, họ còn thầm ngưỡng mộ bản thân mình thật trác việt.
3. Không tôn trọng bản thân
Lâm Ngữ Đường miêu tả rằng: “Đầu bạc hoa râm nhưng vẫn thích hát tình ca”.
Dẫu đã là người có tuổi, nhưng họ lại rất hào hứng khi kể về “tình trường” của mình. Đặc biệt là khi có mặt các quý bà, quý cô thì khí thế càng thêm hừng hực, giọng cất càng cao vút.
Có những người đã luống tuổi xế chiều nhưng vẫn giữ thói trăng hoa, phong tình. Ấy vậy mà họ vẫn cứ tưởng rằng mình là công tử đa tình Giả Bảo Ngọc.
4. Đề cao bản thân
Lâm Ngữ Đường miêu tả rằng: “Khi tụ tập cùng bạn bè thì cao giọng ngâm nga những vần thơ cũ rích của mình”.
Trong nhà toàn là tranh chữ, nhưng họ lại chẳng biết Hoàng Đình Thụ là ai. Viết được một bài thơ thì họ ép hết người này tới người khác phải xem, phải tán tụng.
5. Hận người có, cười người không
Thấy người khác giàu có hơn mình thì trong tâm không phục, thậm chí còn mắng chửi người ta giàu có bất nhân, cầu mong cho họ sớm gặp vận rủi. Gặp người nghèo khó hơn mình thì coi khinh ra mặt, dương dương đắc ý, chẳng thèm liếc nhìn.
Trong việc đối nhân xử thế họ như chú nhím xù lông, thích chèn ép người khác. Hễ xảy ra chuyện gì họ cũng chẳng phải suy nghĩ nhiều, cứ phải nổi đoá lên để giương võ ra oai.
6. Mượn tiền thì cười, trả tiền thì nộ
Lâm Ngữ Đường miêu tả như sau: “Khi mượn tiền của người khác thì như ăn mày, khi bị người khác đòi nợ lại như ông hoàng”.
Cùng lúc họ luôn có hai bộ mặt, khi cầu xin người khác thì tỏ ra ngây thơ nhũn nhặn, nhưng hễ việc đã xong họ lại làm điệu bộ quan quách như một người có vai vế.
7. Người lá mặt lá trái
Lâm Ngữ Đường miêu tả rằng: “Gặp nhau thì nói cười thơn thớt, nhưng lại chuyên nói xấu sau lưng người khác”.
Trước mặt thì cười tươi như hoa nở, sau lưng lại mắng nhiếc người ta chẳng ra gì. Những kẻ tiểu nhân còn dễ phòng ngừa, những kẻ nguỵ quân tử lá mặt lá trái mới thật khó đoán.
8. Tốt nước sơn hơn tốt gỗ, cần thể diện chứ không cần tâm hồn
Những người này vô cùng coi trọng vẻ bề ngoài, họ luôn toả sáng ngời ngời, từ đầu đến chân đều là một cây hàng hiệu. Nhưng bên trong lại trống rỗng chẳng có gì. Họ không để tâm tới văn hoá hay tu dưỡng tâm tính bản thân, khiến người khác chỉ có thể “kính nhi viễn chi” (đứng từ xa mà nhìn).
8 “quý tướng” của người có cảnh giới cao
Nhân sinh tại thế, mỗi người một cách sống. Đọc sách và tu thân mới có thể đề cao cảnh giới, tránh khỏi hồ đồ, mê muội, từ đó mà sống một đời có ý nghĩa, cả đời thọ ích vô cùng.
Người có cảnh giới cao biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Từ con người họ toát lên khí chất của tinh thần cao quý, luôn biết lo nghĩ tới người khác.
1. Đoan trang, phúc hậu
Người quân tử trọng vẻ uy nghiêm và các loại nghi thức, đứng có tướng đứng, ngồi cũng có tướng ngồi. Tục ngữ có câu rằng: Nam rung người thì nghèo, nữ rung người thì bần tiện. Ngồi cũng không ngay thẳng, mình lắc chân rung là tướng bần tiện.
Cổ nhân cho rằng dáng đi thanh thoát, trầm ổn là tướng quý, đi đường vội vã, chân không chạm đất thì chẳng thể phát đạt.
Còn có một kiểu đi “uốn éo như rắn”, không đi theo một đường thẳng, mà lắc qua lắc lại, hoặc nhảy tưng tưng như chim khổng tước. Cổ nhân cho rằng đây là tướng suy vong, sẽ nghèo khó cả đời.
2. Cung kính lễ phép
Đối với người thì khiêm nhường, hoà ái, không tự ti, cũng không cao ngạo, lời nói cử chỉ cung kính mà lễ độ.
Cổ nhân có câu: “Dẫu làm người thế nào thì cũng không thể ỷ thế mà ức hiếp người khác, dẫu học hành tới trình độ nào cũng không được có tâm bất cẩn”.
Làm người khiêm nhường, giản dị thì người người mến yêu, kẻ ngông cuồng tự đại, thô lỗ, vô lễ thì người người ghét bỏ.
3. Làm việc có thuỷ có chung
Dẫu là việc lớn hay việc nhỏ cũng đều phải làm có đầu có cuối, có thuỷ có chung, kiên trì đến cùng.
Có câu rằng viết văn cần có lý lẽ thấu đáo và tính logic. Điều này phản ánh đầu óc thông suốt của một người. Vậy nên khi xử lý công việc họ cũng biết phân nặng nhẹ, gấp hay không. Dẫu họ bận cũng không loạn, gấp cũng không hoảng.
4. Lương thiện, thương xót người khác
Lương thiện là “quý tướng” lớn nhất của con người. Nếu một người tâm không chính thì những việc khác cũng chẳng đáng được nhắc tới.
Thương xót chúng sinh, biết ơn người khác chính là “tâm tồn tế vật” (tâm làm lợi cho vạn vật) mà cổ nhân nói tới. Quan tâm tới người khác, thiện đãi vạn vật thì tấm lòng cũng thật lớn lao. Vậy nên mới gọi là “đại nhân có tấm lòng đại lượng”. Một người chỉ biết nghĩ đến chút lợi ích cỏn con của bản thân sẽ chẳng thể có tương lai tươi sáng.
5. Thành thực thủ tín
Thành thực là cái gốc làm người. Người quân tử phải biết trọng lời hứa, nói lời phải giữ lấy lời, làm việc phải đáng tin cậy.
Những kẻ cất lời như mây vờn núi, lúc thì “rồng đuổi heo”, lúc lại “heo đuổi rồng”, làm việc thì chỉ tay năm ngón, vừa là bạn hữu hảo, chớp mắt đã trở mặt không nhận mặt nhau thì chẳng đáng tin. Người yêu nên phúc, người ghét nên hoạ. Vậy nên cuối cùng người chịu thiệt lại là chính bản thân họ mà thôi.
6. Khoáng đạt tự tại
Lòng người ấm lạnh, thế thái đổi thay, thế sự thường chẳng như ý nguyện. Nhìn thấu và coi nhẹ cõi hồng trần thì tâm khoáng đạt, tâm thái bình hoà thì tự tại, an nhiên.
“Chẳng vì ngôi cao mới sinh ta,
Đài vàng ngôi báu cũng bỏ qua.
Dám hỏi điều chi lòng mong muốn,
Cười ngắm lá thu dưới tuyết hoa”.
7. Nho nhã thoát tục
Nho nhã thoát tục chính là “phong độ của bậc thân sỹ” mà người xưa nhắc tới. Họ tinh thông cầm, kỳ, thi, hoạ, thơ từ ca phú, biết gạn lọc tinh hoa để nuôi dưỡng tâm hồn. Vẻ đẹp ấy không chỉ toát lên từ bề ngoài mà còn là từ chính tâm hồn họ.
8. Giữ mình ngay cả khi đơn độc
Cổ nhân có câu: “Đạo tự tu chẳng khó hơn tu tâm, mà cái khó của dưỡng tâm lại nằm ở việc giữ mình ngay cả khi đơn độc”.
Người quân tử luôn biết giữ mình ngay cả khi ở một mình. Ở ngoài họ không bắt nạt người khác, ở trong họ cũng không bắt nạt mình. Con người họ trong ngoài đồng nhất, trước sau như một, rất đỗi quang minh lỗi lạc.
Con người có tâm lý quần chúng nên thường dễ bị mê mờ trong quần thể và sa đoạ theo trào lưu xã hội. Vậy nên, người quân tử muốn giữ mình phải biết giữ miệng chốn đông người và giữ tâm khi đơn độc.
Có câu rằng: “Nước trong thì người rửa mặt, nước đục người dùng rửa chân”. Con người sinh ra xấu đẹp hay sang hèn đều chẳng thể lựa chọn. Nếu biết bỏ xấu theo tốt, lấy điều thiện lương, nhân nghĩa mà tu sửa bản thân mới có thể biến “tướng xấu” thành “quý tướng”, theo đó mà được hưởng hạnh phúc, vinh hoa suốt đời.
Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-o-tang-thu-thap-co-8-tuong-xau-nguoi-o-canh-gioi-cao-co-8-tuong-quy..html