Người có lòng đố kỵ không chỉ hại người mà còn hại chính mình. Bàng Quyên vì đố kỵ đã hại Tôn Tẫn, cuối cùng binh bại thân tử, để lại tiếng chê muôn đời.
Thông thường, khi nghe thấy có người gặp nạn, chúng ta sẽ sinh lòng thương cảm. Đó là tâm lý thường tình của con người, ai ai cũng dễ dàng làm được. Nhưng nếu thấy người khác tốt hơn mình, những suy nghĩ chân thực trong lòng sẽ ra sao? Thực ra chỉ có bản thân mình mới thấu tỏ những suy nghĩ trong lòng.
Trong Đình huấn cách ngôn, vua Khang Hy có câu nói như thế này: “Phàm là người giữ mình trên đời, duy chỉ nên giữ khoan thứ trong tâm. Thấy người có chuyện đắc ý, thì nên sinh lòng hoan hỷ. Thấy người có chuyện thất ý, thì nên sinh lòng thương cảm. Những điều này đều là những điều thực sự có lợi ích cho bản thân. Nếu đố kỵ với thành công của người, vui mừng với thất bại của người, sao có thể mưu sự với người được? Tự làm hỏng cái tâm của mình một cách oan uổng rồi”.
Cổ ngữ cũng có câu: “Thấy người ta được, giống như mình được. Thấy người ta mất, giống như mình mất. Có cái tâm như thế, Trời ắt sẽ phù hộ”.
Ý tứ là, một người tạo dựng chỗ đứng trên đời, cần có lòng khoan dung. Thấy người ta có chuyện đắc ý, thì nên vui mừng cho người ta. Thấy người ta có chuyện thất ý, thì nên bày tỏ thương xót, cảm thông với người ta. Thực ra tâm thái này cũng rất có ích cho bản thân. Nếu một người chỉ biết đố kỵ với thành công của người khác, hả hê trước thất bại của người khác, vui mừng trên nỗi đau của người khác, thì sao có thể cùng làm việc với nhau cho được? Chỉ làm hỏng cái tâm bản thân mình mà thôi.
Lịch sử cho chúng ta biết, đố kỵ hành hung làm việc ác sẽ đem lại hậu quả thảm hại. Chúng ta cùng xem xét điển cố lịch sử dưới đây.
Bàng Quyên vì đố kỵ hại Tôn Tẫn, cuối cùng binh bại thân tử
Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học binh pháp. Bàng Quyên phụng sự nước Ngụy, được làm Tướng quân của Ngụy Huệ Vương. Quyên biết tài năng của mình không sánh được với Tôn Tẫn, bèn bí mật mời Tôn Tẫn đến. Tôn Tẫn đến, Bàng Quyên sợ Tôn Tẫn hiền năng hơn mình, bèn mượn tội danh để chặt hai chân và thích chữ lên mặt Tẫn, muốn Tôn Tẫn ẩn cư không dám xuất đầu lộ diện. Sứ thần nước Tề đến Đại Lương, Tôn Tẫn với thân phận là phạm nhân bí mật gặp sứ nước Tề. Sứ thần thấy Tôn Tẫn quả là bậc nhân tài hiếm có, bèn ngầm dùng xe chở Tôn Tẫn về Tề.
Sau này, nước Ngụy tấn công Triệu, nước Triệu trong tình thế nguy cấp cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương dự định để Tôn Tẫn làm chủ tướng, Tôn Tẫn tạ từ nói: “Người đã bị nhục hình không thể làm chủ tướng”. Uy Vương bèn lệnh cho Điền Kỵ làm chủ tướng, Tôn Tẫn là quân sư, ngồi trong xe có mui che, bàn tính mưu kế.
Điền Kỵ muốn dẫn quân cứu viện xông thẳng vào nước Triệu. Tôn Tẫn nói: “Người muốn gỡ tơ rối, không thể nắm chặt nắm tay mà ra sức kéo, giật. Người giải cứu kẻ đánh nhau, không thể nhảy vào mà đánh đấm loạn xạ. Phải nắm chắc cái trọng yếu lợi hại của những kẻ tranh đấu, kẻ tranh đấu do tình thế hạn chế, thì buộc phải tự mình giải thoát. Nay hai nước Ngụy – Triệu đánh nhau, quân tinh nhuệ của nước Ngụy ở bên ngoài ắt sẽ vắt kiệt tinh thần và sức lực, còn binh sỹ già yếu ở trong nước vô cùng mệt mỏi. Chi bằng ngài dẫn quân hỏa tốc tiến quân vào Đại Lương, chiếm chỗ hiểm yếu tuyến giao thông của quân Nguỵ, đánh vào chỗ đang bỏ trống của nó, nước Ngụy khẳng định sẽ phải bỏ tấn công nước Triệu mà quay về tự cứu mình. Như thế, chúng ta chỉ một hành động nhỏ là giải vây được cho nước Triệu, mà lại có thể ngồi thu được hiệu quả nước Ngụy tự thất bại”.
Điền Kỵ nghe theo ý kiến của Tôn Tẫn, quân Ngụy quả nhiên rút quân rời khỏi Hàm Đan. Quân Tề phục kích ở Quế Lăng, trong cuộc giao chiến, quân Ngụy đại bại. Đây chính là chiến dịch “vây Ngụy cứu Triệu” nổi tiếng trong lịch sử.
13 năm sau, nước Ngụy và nước Triệu liên hợp tấn công nước Hàn. Nước Hàn cầu cứu nước Tề. Tề Vương sai Điền Kỵ dẫn quân đi cứu viện, thẳng tiến quân vào Đại Lương. Tướng nước Ngụy là Bàng Quyên nghe được tin này liền dẫn quân rút khỏi Hàn trở về Ngụy, nhưng quân Tề đã vượt qua biên giới tiến thẳng về phía tây.
Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ rằng: “Quân Ngụy trước nay hung hãn dũng mãnh, coi thường quân Tề, quân Tề bị họ gọi là hèn nhát sợ chết. Tướng giỏi chỉ huy tác chiến, thì phải thuận theo xu thế này mà dẫn dắt. Binh pháp có nói: ‘Hành quân cấp tốc đi trăm dặm tranh lợi thế với quân địch, có khả năng sẽ tổn thất thượng tướng. Hành quân cấp tốc đi 50 dặm để tranh lợi thế với quân địch, có khả năng một nửa binh sỹ sẽ bị rớt lại’. Hãy lệnh cho binh sỹ khi vào đất Ngụy thì làm số bếp đủ cho 10 vạn người ăn, ngày hôm sau giảm số bếp còn đủ cho 5 vạn người ăn, ngày thứ 3 làm số bếp đủ cho 3 vạn người ăn”.
Bàng Quyên hành quân 3 ngày, vô cùng vui mừng nói: “Ta xưa nay vẫn biết quân Tề hèn nhát sợ chết, vào trong lãnh thổ nước ta mới có 3 ngày mà đã bỏ trốn quá nửa rồi”. Thế là bỏ bộ binh lại, chỉ dùng quân tinh nhuệ trang bị nhẹ ngày đêm gấp rút truy kích quân Tề. Tôn Tẫn dự tính hành trình của Bàng Quyên, đêm đó có thể đến Mã Lăng. Đường đi ở Mã Lăng rất hẹp, hai bên là vách núi hiểm trở, rất thích hợp với phục binh. Tôn Tẫn sai người đẽo vỏ cây, để lộ ra phần gỗ trắng, trên đó viết: “Bàng Quyên chết dưới gốc cây này”. Thế là lệnh cho một vạn quân Tề giỏi bắn cung mai phục hai bên đường Mã Lăng, hẹn trước rằng: “Ban đêm nhìn thấy ánh lửa dưới gốc cây sáng lên thì vạn cung thủ đồng thời bắn tên”.
Bàng Quyên đêm đó quả nhiên đuổi đến dưới gốc cây đại thụ có đẽo vỏ, thấy trên gỗ trắng có chữ viết, bèn đốt lửa soi chữ, chưa đọc xong dòng chữ trên gốc cây, phục binh quân Tề vạn cung thủ đồng thời bắn tên, quân Ngụy đại loạn, không tiếp ứng được cho nhau. Bàng quyên tự biết không còn kế nào đối phó, thất bại đã định rồi, liền rút kiếm tự vẫn, trước khi chết có nói: “Lại thành tựu danh tiếng cho gã tiểu tử này rồi!”. Quân Tề thừa thắng truy kích, đánh tan hoàn toàn quân Ngụy, bắt sống Thái tử Thân nước Ngụy đem về nước. Tôn Tẫn cũng vì thế mà danh tiếng vang khắp thiên hạ.
Tài năng quân sự của Bàng Quyên không bằng Tôn Tẫn, vì Quyên có tâm đố kỵ, giở thủ đoạn, tàn hại đồng môn, ngang nhiên chặt đứt hai chân và thích chữ lên mặt Tôn Tẫn. Có thể thấy Bàng Quyên nham hiểm độc ác. Nhưng cội nguồn tất cả những gì Bàng Quyên làm là cái tâm đố kỵ, do đố kỵ sinh căm giận, do căm giận sinh ác niệm, do ác niệm mà cuối cùng đã hành động hung ác. Sau đó trong cuộc chiến Quế Lăng và Mã Lăng, Tôn Tẫn đã phát huy tài năng quân sự trác việt của mình. Bàng Quyên thảm bại bởi kế sách quân sự của Tôn Tẫn, binh thảm bại thân tử vong. Nhưng Bàng Quyên không tỉnh ngộ, vẫn còn tính toán so đo Tôn Tẫn vang danh thiên hạ, đến chết vẫn ôm lòng đố kỵ thâm sâu. Có thể nói, ngoài tài năng quân sự không bằng Tôn Tẫn, nguyên nhân chính hại chết Quyên chính là cái tâm đố kỵ.
Chương Bất Cẩu, sách Tuân Tử viết: “Người quân tử có tài năng thì khoan dung, khai mở đường cho người bằng lòng chính trực. Người quân tử không có tài năng thì cung kính khép nép, phụng sự người bằng tâm sợ hãi. Tiểu nhân có tài năng thì kiêu ngạo ngông nghênh, ngạo mạn với người bằng thái độ trái phép. Kẻ tiểu nhân bất tài thì đố kỵ, khuynh loát đánh đổ người bằng oán hận và phỉ báng”.
Quân tử có tài năng thì khoan hồng đại lượng, bình dị chính trực hướng dẫn, chỉ bảo người. Quân tử không có tài năng thì cung kính khiêm tốn, nhường nhịn, cẩn thận phụng sự người. Tiểu nhân có tài năng thì kiêu ngạo tự đại, ngang ngược trái đạo lý, coi thường ức hiếp người. Tiểu nhân bất tài thì đố kỵ oán hận, phỉ báng, khuynh loát đánh đổ người.
Phần lịch sử Bàng Quyên Tôn Tẫn này đã giải thích rất rõ cái tâm đố kỵ của tiểu nhân, cuối cùng cũng sẽ hại người hại mình, kết cục bi thảm.
Lấy lịch sử làm bài học, từ đoạn lịch sử này có thể thấy, làm người thì phải làm người quân tử chính trực quang minh lỗi lạc, sống cuộc đời chính đại quang minh, chớ làm kẻ tiểu nhân thâm hiểm, vì đố kỵ mà trong góc tối âm mưu hại người.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/tam-do-ky-hai-nguoi-hai-minh-ke-tieu-nhan-bat-tai-lay-phi-bang-nguoi-lam-thu-vui..html