Blog Tâm Thức
Lợi ích của người biết ăn năn sám hối
Tuesday, 29/09/2015 00:00 am

Blog Tâm Thức

Qua sự trình bày về pháp sám hối giữa hai hệ thống kinh điển của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa hay nói đúng hơn giữa Phật giáo Thượng Tọa bộ và Đại Chúng Bộ, chúng ta nhận thức rõ rằng, cho dù chúng ta tu tập pháp sám hối theo truyền thống Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa đều có ý nghĩa, giúp cho cuộc sống càng ngày càng thăng hoa tiến bộ hơn, nó là yếu tố cơ bản xây dựng đời sống an lạc và hạnh phúc, miễn là chúng ta thực hành đúng theo phương pháp sám hối đã được đức Phật chỉ dạy.

Nếu như chúng ta hiểu phương pháp sám hối của Phật giáo có ý nghĩa giúp cho con người tự kiểm soát lại hành vi của chính mình, và khi phát hiện ba nghiệp thân khẩu và ý đã lỡ làm những hành vi bất thiện, thì sám hối của đạo Phật là phương pháp giúp cho con người làm trong sạch tâm hồn, và có trách nhiệm ngăn ngừa các lậu hoặc phát sinh trong tương lai, bằng cách phản tỉnh và có thái độ ăn năn hối hận những lỗi lầm của chính mình.

Nếu chúng ta thừa nhận, con người ai cũng phạm phải sai lầm, thì phương pháp sám hối của đạo Phật có chức năng, giúp cho con người có đủ năng lực làm trong sạch cuộc sống bằng cách nhìn nhận và sửa sai lỗi lầm. Thái độ nhìn nhận và biết sửa sai là hành vi biết phục thiện, biết hổ thẹn hành vi sai lầm, biểu hiện ý chí cầu tiến, là chiếc áo giáp bảo vệ và ngăn chận không cho ba nghiệp phát sinh hành vi bất thiện. Nếu như con người sống bằng ba nghiệp thiện thì đó là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc của thế gian và cũng là nhân tố chính để trở thành bậc thánh xuất thế gian. Nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ, căn cứ từ những kinh nghiệm qua đời sống hằng ngày sẽ thấy rõ điều đó.

sám hối

Gia đình mất hạnh phúc là gia đình có đời sống bất chính, thiếu sự hiểu biết, cố chấp, không biết phục thiện, không nhìn thấy lỗi lầm của mình, chỉ nhìn lỗi của người, đó là nguyên nhân dẫn đến mất hạnh phúc. Ví dụ, người chồng với lý do vì công việc làm ăn thường hay tiếp xúc với sự việc không lành mạnh trong xã hội, dần dần thành thói quen, và xem đó như là việc bình thường, tạo thành sự xào xáo mất hạnh phúc trong gia đình. Vì bảo vệ hạnh phúc của gia đình người vợ hay cha mẹ, bà con hay bạn bè… khuyên răn người đó, không nên gần gũi với những việc bất thiện ấy nữa, nếu người ấy biết phục thiện, biết ăn năn sám hối những lỗi lầm của mình thì đó là yếu tố để cho mọi người tha thứ, hàn gắn lại vết thương bị đổ vỡ ở trong lòng của mọi người, cũng từ đó mái ấm của gia đình sẽ tái thiết định. Ngược lại, khi được người khác khuyên răn chỉ điểm, nhưng không biết phục thiện, ăn năn và sám hối thì đức Phật gọi người đó, không có việc ác nào mà người đó không dám làm, vì đức tính biết xấu hổ và biết phục thiện của người đó không còn.

Ở đây, thái độ ăn năn sám hối chính là ý nghĩa sám hối trong đạo Phật. Ý nghĩa sám hối trong đạo Phật không mang ý nghĩa là nghi thức rửa tội như các tôn giáo khác đã làm, mà nó mang ý nghĩa nhận sai và sửa sai. Hình thức tụng đọc sám văn chỉ có ý nghĩa giúp cho con người biết được thế nào là việc thiện và thế nào là việc bất thiện, nên làm gì và không nên làm gì, làm tiêu chuẩn cho cuộc sống, để cho con người phân biệt biết được đâu là việc sai và đâu là việc đúng. Đồng thời, hình thức lễ lạy chỉ biểu hiện thái độ thành thật ăn năn sám hối của mình, không phải là sự van xin năn nỉ để được Phật, Bồ tát tha thứ những lỗi lầm của mình, vì học thuyết nhân quả nghiệp báo của nhà Phật đã nói rõ tính công bằng giữa nhân và quả.

Như vậy, pháp sám hối của nhà Phật chỉ có giá trị giúp sức cho con người có đủ sức mạnh để vượt qua những mặc cảm về tâm lý, hướng dẫn con người thấy rõ vịệc tội lỗi của chính mình, và ngăn chận những lỗi lầm trong tương lai. Nếu như chúng ta thực hành đúng lời Phật dạy, như trong hai hệ thống kinh điển, chắc chắn nó sẽ là điều kiện cơ bản để mang lại đời sống hạnh phúc cho gia đình, và cũng là nhân tố để hoàn thành đời sống giác ngộ và giải thoát.

Hạnh Bình – Vườn hoa Phật giáo