Blog Tâm Thức
Câu chuyện đạo lý: Điều gì quan trọng nhất trong đời người?
Friday, 13/07/2018 10:00 am

Blog Tâm Thức

Trong đường đời của một người điều gì là quan trọng nhất? Phải chăng là tiền tài, sự thông minh, địa vị, niềm vui niềm hạnh phúc? Kỳ thực, hết thảy những điều này đều chưa hẳn đã là thứ lâu dài và quan trọng nhất.

đời người
(Hình ảnh: Qua wemedia.ifeng.com)

Dưới đây là một câu chuyện rất nhỏ nhưng hàm chứa đạo lý lớn lao, khiến chúng ta đều phải suy ngẫm:

Câu chuyện kể rằng, trước đây có hai người bạn trẻ tuổi thân thiết, thường ngày đều đối tốt với nhau. Một người tên là Thông Minh, người còn lại tên là Thành Tín. Một ngày nọ, hai người bạn lên thuyền đi ngao du cùng nhau.

Nhưng khi họ đang ngồi thuyền trên biển thì gặp phải một cơn bão to gió lớn. Chiếc thuyền mà hai người họ đi đã bị nhấn chìm ngay sau đó. Chiếc thuyền cứu nạn chỉ có một chỗ, người thanh niên trẻ tuổi tên là Thông Minh vừa thấy tình hình không hay liền nhanh chóng lên thuyền cứu nạn, đẩy người bạn Thành Tín xuống nước.

Người thanh niên tên Thành Tín may mắn gặp đại nạn mà không chết. Anh ta bị sóng biển đẩy đến một hòn đảo nhỏ hoang vắng. Thành Tín hoảng hốt sợ hãi nhưng không còn cách nào khác đành phải ngồi trên bờ cát chờ thuyền cứu viện.

Chẳng bao lâu sau, quả nhiên từ xa có một chiếc thuyền cùng với những bản nhạc vui nhộn đi tới. Thành Tín lập tức đứng dậy, nhìn về phía con thuyền đang mở nhạc. Anh ta vô cùng mừng rỡ vì con thuyền đang tến về phía hòn đảo hoang vu ấy. Thành Tín nhìn thấy trên chiếc thuyền có một lá cờ đề hai chữ Khoái Hoạt.

Thành Tín vội gọi to: “Khoái Hoạt! Khoái Hoạt! Tôi là Thành Tín đây. Anh hãy cứu tôi với!”

Khoái Hoạt vừa nghe tiếng gọi của Thành Tín thì liền đáp trả: “Không thể, không thể! Nếu tôi mà có thành tín thì sẽ không thể khoái hoạt được. Anh hãy nhìn xem, trên thế giới này có biết bao nhiêu người bởi vì nói lời thành thật mà không được khoái hoạt, vui vẻ?” Vừa dứt lời, Khoái Hoạt liền rẽ hướng khác mà đi.

Một thời gian sau, một chiếc thuyền nhỏ gắn tên Địa Vị đi tới. Thành Tín vội gọi to: “Địa Vị! Địa Vị! Tôi là Thành Tín, anh có thể cho tôi về được không?”

Địa Vị vừa nghe, vội chèo thuyền ra xa và quay đầu nói với Thành Tín: “Không được, không được! Tôi không thể cho anh lên thuyền của tôi được. Địa vị của tôi đạt được không dễ dàng gì, nếu như có Thành Tín thì tôi khó mà giữ vững được địa vị của mình!”

Thành Tín vô cùng thất vọng nhìn Địa Vị rời đi, trong lòng tràn ngập nghi hoặc và khó hiểu. Anh ta đành phải ngồi trên bờ cát nơi đảo hoang tiếp tục chờ đợi.

đời người
(Hình minh họa: Qua pinterest)

Rất lâu sau lại có một con thuyền nữa đi tới. Thành Tín vừa thấy con thuyền mang tên Cạnh Tranh đến liền hô lớn: “Cạnh Tranh! Cạnh Tranh! Tôi là Thành Tín. Anh có thể cho tôi lên thuyền của anh để về nhà được không?”

Cũng như những con thuyền trước, Cạnh Tranh vừa nghe thấy Thành Tín nói vậy, vội vàng từ chối: “Anh đừng đem phiền toái đến cho tôi. Hiện giờ thế giới cạnh tranh khốc liệt như vậy, tôi nếu mà có thành tín thì sao cạnh tranh nổi với người ta đây?” Nói dứt lời, Cạnh Tranh lập tức rời đi.

Đột nhiên, trên bầu trời những tia chớp và tiếng sấm sét nổi lên. Cuồng phong cuồn cuộn thổi tới làm sóng biển dâng lên dữ dội. Thành Tín đang ở vào lúc tuyệt vọng nhất thì đột nhiên nghe thấy một âm thanh vừa đôn hậu vừa thân thiết: “Cậu bé! Hãy lên thuyền đi!”

Thành Tín nhìn lên thì nhận ra đó chính là ông lão Thời Gian. Thành Tín hỏi: “Vì sao ông lại cứu tôi?”

Ông lão Thời Gian mỉm cười đáp: “Chỉ có thời gian mới có thể chứng minh được Thành Tín là quan trọng đến mức nào!”

Trên hành trình trở về nhà, ông lão Thời Gian chỉ vào những con thuyền bị sóng đánh lật mà trên đó có chở Thông Minh, Khoái Hoạt, Địa Vị, Cạnh Tranh rồi trầm mặc nói: “Đã không còn Thành Tín, thì Thông Minh sẽ chỉ làm hại chính mình, Khoái Hoạt sẽ không được lâu dài, Địa Vị chỉ là thứ giả tạo và Cạnh Tranh cũng sẽ thất bại mà thôi!”

Câu nói của ông lão Thời Gian thực sự khiến nhiều người phải suy ngẫm!

An Hòa (dịch và t/h)

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/van-hoa/cau-chuyen-dao-ly-dieu-gi-quan-trong-nhat-trong-doi-nguoi.html