Blog Tâm Thức
6 biểu tượng tâm linh nổi tiếng nhất thời cổ đại, 2 trong số đó ai cũng từng nhìn qua
Thursday, 19/07/2018 20:24 pm

Blog Tâm Thức

Thế giới chúng ta luôn xoay quanh những biểu tượng như trên các sản phẩm tiêu dùng, trên Internet…, chúng gần như có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều biểu tượng tồn tại hàng nghìn năm trước, trước cả khi lịch sử được chép lại hay thậm chí trước khi tôn giáo ra đời. 

Thời cổ đại, các biểu tượng đóng vai trò quan trọng trong các nền văn hóa, đặc biệt là đời sống tâm linh. Chính vì lý do đó mà các nền văn hóa khác nhau tại từng lục địa trên Trái Đất đều có những biểu tượng đặc trưng và những ý nghĩa tinh thần riêng biệt đằng sau nó.

Dưới đây là 7 biểu tượng nổi bật và quan trọng nhất thì cổ đại:

1. Biểu tượng Swastika (chữ Vạn)

Những ai tu luyện bên Phật Giáo đều thấy quen thuộc với biểu tượng này. Đây là một trong những biểu tượng lâu đời nhất trên Trái Đất, xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 16.000 đến 14.000 TCN. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, Hệ Mặt Trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng.. Chữ Vạn trong tiếng Phạn có nghĩa là “phúc lộc, an khang, thành công thịnh vượng”.

Biểu tượng Swastika trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. (Ảnh: sroogle.ru)

Theo các nhà khoa học, biểu tượng Swastika có nguồn gốc từ Ấn Độ rồi sau đó lan truyền sang Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới từ hàng ngàn năm trước. Trong những thập niên 30, 40 của thế kỷ trước; Adolf Hitler cũng dùng hình chữ Vạn để làm phù hiệu cho chủ nghĩa Quốc xã cho nên nhiều người lầm tưởng về ý nghĩa của nó.

Thực chất, chữ Vạn là biểu tượng của tầng thứ Phật, vị Phật có tầng thứ càng cao thì trên thân thể càng có nhiều chữ Vạn. Nó là một dạng phù hiệu, không phải là chữ viết.

2. Om

Om hay “Aum” là một âm thần bí và biểu tượng tâm linh của các tôn giáo Ấn Độ. Nó cũng là một chân ngôn trong Ấn Độ giáo, Phật giáo và Jaina giáo. Nó là một phần của biểu tượng được tìm thấy trong bản thảo thời cổ đại và Trung cổ, trong các ngôi chùa, tu viện và các địa điểm tâm linh của 3 tôn giáo kể trên. 

Om là một câu thần chú thiêng liêng thường được thực hiện và trong khi cử hành những nghi lễ quan trọng. 

Biểu tượng Om tại ngôi đền Kanaka Durga, Vijayawada, Ấn Độ. (Ảnh: eAnswers)

Thậm chí nhiều học giả còn xem nó là “Người khai sinh” ra mọi thần chú (mantra) và là âm thanh nguyên thủy hình thành nên vũ trụ. Trong Ấn Độ giáo, Om là một trong những biểu tượng tâm linh quan trọng nhất. 

3. Con mắt của thần Horus

Có hình dáng giống như mắt của loài chim ưng, biểu tượng này được gọi là mắt của Ra. Horus hay thần Mặt Trời Ra – một vị thần đầu chim ưng mình người. Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, thần Ra là biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và sức khỏe, mắt phải của ông là màu trắng, đại diện cho Mặt Trời, còn mắt trái của ông là màu đen, đại diện cho Mặt Trăng.

Con mắt của thần Mặt Trời Ra. (Ảnh: pixers.es)

Trong truyền thuyết xưa của người Ai Cập, Seth – anh trai của Horus đã giết hại thần Osiris. Horus đã chiến đấu với Seth để trả thù cho người cha và bị mất mắt trái trong cuộc chiến. Thoth, vị thần của phép thuật và Mặt Trăng đã sử dụng quyền năng của mình để khôi phục lại con mắt của Horus.

Có được con mắt này, Osiris được tái sinh trở lại. Con mắt của Horus, cũng được gọi là “Oudjat”, tượng trưng cho sự bảo vệ chống lại cái xấu và đem đến trí tuệ, sự uyên bác.

Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp một biểu tượng tương tự trên các đơn thuốc – Rx, chính là có nguồn gốc từ biểu tượng này.

(Ảnh: Pinterest)

4. Ankh

Ankh là một ký tự tượng hình của Ai Cập cổ đại biểu trưng cho “cuộc sống”, chỉ có các Pharaoh, Hoàng hậu và các vị thần mới được phép mang biểu tượng này vì người ta tin rằng nó sẽ đem lại sức mạnh cho người cầm nó có thể ban hay lấy đi sinh mệnh người khác.

Biểu tượng Ankh. (Ảnh: Adam Ross)

Nó cũng được coi là “chìa khóa của sự sống” do hình dạng giống chiếc chìa khóa, gợi lên hình ảnh của mặt trời mọc nơi đường chân trời, biểu thị cho sự tái sinh mỗi ngày. Nó cũng là cảm hứng để tạo nên biểu tượng tượng trưng của vị thần Vệ Nữ của Hy Lạp, về sau được sử dụng rộng rãi như là biểu tượng của sao Kim, giới nữ hay kí hiệu của đồng.

Sau này khi Thiên chúa giáo ra đời, nó được Giáo hội Cơ đốc Ai Cập sử dụng làm biểu tượng như một dạng đặc biệt của hình tượng cây thánh giá.

5. Biểu tượng âm-dương

Đây là biểu tượng cổ xưa quen thuộc trong Đạo gia, được sử dụng đề đại diện cho triết lý: “Vạn vật trong vũ trụ đều có tính 2 mặt!”. Biểu tượng thể hiện hai yếu tố đối lập nhưng luôn bổ sung cho nhau, được tìm thấy trong tất cả mọi thứ.

Thái Cực Đồ trong Đạo gia là đồ hình mô tả cho thuyết Âm Dương trong văn hóa Phương Đông, gồm hai nửa đối xứng ôm trọn lấy nhau, tượng trưng cho Âm (màu đen) và Dương (màu đỏ). Trong mỗi phần đối xứng lại có một chấm tròn màu đối lập nằm trong đó.

Đồ hình Thái Cực. (Ảnh: Fotolog)

Âm thể hiện nữ tính, trái đất, bóng tối, thụ động và hấp thụ. Dương thể hiện nam tính, bầu trời, ánh sáng…

6. Bông hoa của sự sống

Bông hoa sự sống là tên gọi hiện đại cho một biểu tượng hình học thiêng liêng cổ xưa hàm chứa nhiều bí ẩn được sử dụng bởi rất nhiều nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới. 

Mô hình hình học này được tạo thành bởi 13 vòng tròn có cùng kích thước đan vào nhau. Chúng được sắp xếp để tạo thành một mô hình giống như một bông hoa có tính đối xứng gấp sáu lần. Dạng phổ biến nhất của “Bông Hoa Sự Sống” là mô hình lục giác (nơi tâm của mỗi vòng tròn được nằm trên chu vi của 6 vòng tròn xung quanh có cùng đường kính), tạo thành 19 vòng tròn đầy đủ và 36 phần vòng cung, nằm gọn trong một vòng tròn lớn.

(Ảnh: The Fact Site)

Giống như biểu tượng Thái Cực, hoa của sự sống có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi và có trong tất cả các tôn giáo lâu đời. Hình ảnh cổ xưa nhất của biểu tượng này có thể được tìm thấy tại đền thờ thần Osiris ở Abydos, Ai Cập. Ngoài ra, nó còn được tìm thấy tại Đền Vàng Amritsar Ấn Độ, trong các đền thờ cổ ở Trung Quốc, hay các công trình kiến trúc tại Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Liban và nhiều nơi khác nữa. Nó thật sự là một biểu tượng quan trọng trên phương diện hình học, tâm linh và tôn giáo.

Một nhà khoa học đã rất quan tâm đến Bông hoa sự sống là Leonardo DaVinci, ông đã nghiên cứu nó để ông có thể tìm hiểu thêm về các giá trị toán học cùng mối liên hệ của nó tới các hình thái vật chất và ý thức. Leonardo nổi tiếng nhờ sử dụng tỉ lệ vàng (phi) trong các tác phẩm của mình, tỉ lệ này còn được biết đến với tên gọi Spiral Fibonacci, được lấy từ chính mô hình Bông hoa sự sống.

Bông hoa sự sống trong một bản thảo của Leonardo DaVinci. (Ảnh: Ancient Pages)

Video:

Sơn Tùng

Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/6-bieu-tuong-tam-linh-noi-tieng-nhat-thoi-co-dai-2-trong-so-do-ai-cung-tung-nhin-qua.html