Nhìn ai cũng đều thuận mắt (vừa mắt) là một loại trí tuệ, cũng là một loại tu hành. Một nhà triết học nói: “Vạn sự vạn vật đều là tỏa ra từ nội tâm con người. Một người nhìn sự vật như thế nào thì đều nói rõ nội tâm của người đó như thế ấy.” Một người càng thành thục (chín chắn, trưởng thành) thì nhìn ai cũng đều thuận mắt.
Vậy một người có tu dưỡng tâm tính, có nội tâm thành thục sẽ gồm những đặc trưng gì?
Một ngày nọ, Tô Đông Pha, một học giả nổi tiếng của Trung Hoa, lên chùa và ngồi thiền cùng nhà sư Phật Ấn. Một lúc sau, Tô Đông Pha mở mắt ra và hỏi nhà sư Phật Ấn: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của tôi ra sao?”
Nhà sư Phật Ấn nhìn khắp thân của Tô Đông Pha, sau đó gật đầu khen ngợi: “Ngài ngồi thiền trông giống như một vị Phật cao quý và trang nghiêm!” Tô Đông Pha nghe xong vô cùng mãn nguyện và rất hài lòng.
Ngay sau đó, nhà sư Phật Ấn cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy ta ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu cười nhà sư Phật Ấn, Tô Đông Pha bèn trả lời: “Tôi nhìn ngài ngồi quả giống như một đống phân bò!”.
Nhà sư Phật Ấn nghe xong chỉ mỉm cười mà không phản bác lại điều gì. Tô Đông Pha tự cảm thấy mình đã thắng được nhà sư một phen nên lấy làm vui mừng lắm.
Vừa về đến nhà, Tô Đông Pha phấn khích kể lại với em gái của ông là Tô tiểu muội. Không ngờ, Tô tiểu muội nghe xong đã chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười nhạo sự ngốc nghếch của ông.
Tô Đông Pha hiếu kỳ, khó hiểu hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Tô tiểu muội nói: “Nhà sư Phật Ấn vì trong tâm có Phật, cho nên nhìn huynh ngồi có hình dáng giống như một vị Phật. Còn trong tâm của huynh có đầy phân bò nên huynh mới nói nhà sư như vậy!” Tô Đông Pha lúc này mới suy ngẫm và chợt hiểu ra điều mà Tô tiểu muội nói.
Một người nhìn người khác không thuận mắt, luôn tìm mọi điểm của người ta để châm chọc, bới móc là bởi vì cảnh giới của bản thân chưa đủ. Một người khi nhìn người khác không thấy thuận mắt thì tốt nhất đừng nghĩ cách thay đổi người khác mà phải điều chỉnh tâm tính của bản thân mình, tu luyện tốt tâm tính của bản thân mình trước.
Vạn sự vạn vật trong thế gian đều có lập trường của bản thân mình. Có những sự tình khi đứng ở lập trường của bản thân mình mà nhìn thì thấy thực sự không hợp lý, không thuận mắt. Nhưng đối với người khác thì đó lại là hợp lý, thậm chí là điều vô cùng hạnh phúc.
Một cậu thanh niên mới thi đỗ đại học, mặc dù là một trường đại học bình thường, nhưng gia đình cậu thấy vui mừng, hạnh phúc và rất mãn nguyện. Bố mẹ cậu nói: “Con trai à, con là có tiền đồ hơn so với bố và mẹ rồi, bố chỉ học đến lớp ba cấp tiểu học, còn mẹ của con thì mới chỉ tốt nghiệp cấp tiểu học, con đã là trạng nguyên trong nhà chúng ta rồi đấy!”.
Người con trai ngượng ngùng cười, một nụ cười rất ngọt ngào và thư thái. Cả gia đình tràn ngập niềm vui sướng và hạnh phúc trong lòng, đến nhà ga tiễn con trai lên trường đại học. Đột nhiên, có một người đàn ông vỗ vào vai người bố, ông ấy nhìn một chút, hóa ra là người quen của ông. Người đàn ông kia cũng tới tiễn con trai đến trường đại học. Người đàn ông kia hỏi: “Con trai của anh thi đỗ trường đại học gì vậy?”.
Người bố vừa nói ra tên trường của con mình, trên mặt người đàn ông kia lập tức lộ vẻ ngạc nhiên, nói rằng: “Trường mà con trai anh thi đỗ là trường gì vậy? Học trường đó chỉ phí công, sinh viên tốt nghiệp trường đó ra hoàn toàn không tìm được việc làm. Con trai của tôi so với con trai của anh giỏi hơn nhiều, nó đỗ trường đại học danh tiếng, sau này tốt nghiệp, các công ty đều muốn tuyển dụng, tiền lương ít nhất cũng vài chục triệu…”
Trên mặt người đàn ông lộ vẻ khinh thường, vừa nói dứt lời liền quay lưng bỏ đi. Mọi người nhìn theo lưng người đàn ông đã đi xa, những ánh mắt thoáng chút ảm đạm, niềm hạnh phúc ngọt ngào của cả gia đình vừa rồi còn ngập tràn, nhưng sau khi nghe người đàn ông kia nói, giờ đây đã không còn một chút nào, trong lòng đang nồng nhiệt giờ đã nguội lạnh đóng băng, lại nhìn khí sắc của người con trai, đôi mắt ngấn lệ như đang trực trào ra.
Ở lập trường, hoàn cảnh khác nhau, cùng một sự việc, điều người bình thường thông thường chỉ nhìn thấy chính là cảm nhận của bản thân mình, nhưng người thành thục thường đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm nhận nên họ hiểu được vấn đề của người khác, cũng hiểu được cảm nhận của người khác hơn.
Thời Khổng Tử dẫn học trò đi chu du các nước, có một dạo thầy trò họ hết lương thực, bị đói bảy ngày liền. Học trò Nhan Hồi của Khổng Tử ra ngoài kiếm được một chút gạo mang về nấu cơm. Khi cơm vừa chín tới, Khổng Tử bất chợt nhìn thấy Nhan Hồi nhấc cái vung lên rồi cào một chút cơm đưa vào miệng.
Khổng Tử lặng lẽ rời bếp, làm bộ như chưa nhìn thấy gì, cũng không chất vấn Nhan Hồi. Đến lúc cơm chín, Nhan Hồi mang cơm canh dâng lên mời Khổng Tử ăn, Khổng Tử nói: “Ta vừa mơ thấy tổ tiên, chúng ta nên dùng bát cơm sạch này để cúng tế tổ tiên.”
Nhan Hồi lập tức chối từ nói: “Thưa thầy không được! Nồi cơm này con vừa mới ăn một miếng rồi, không thể dùng để làm cơm cúng được!”
Khổng Tử nhìn Nhan Hồi rồi hỏi: “Vì sao lại làm như vậy?” Nhan Hồi nói: “Bởi vì khi con nấu cơm, có một chút tro bụi trên xà bếp rơi vào nồi. Con thấy rằng nếu hớt miếng cơm dính tro đó vứt đi thì quả thật rất đáng tiếc vì thế con đã ăn miếng cơm đó.”
Khổng Tử nghe xong lời Nhan Hồi nói, liền quay sang các học trò giáo huấn: “Hàng ngày, người ta tin tưởng nhất chính là Nhan Hồi. Nhưng hôm nay nhìn thấy Nhan Hồi ăn miếng cơm ta còn có chút hoài nghi. Điều đó cho thấy nội tâm của chúng ta rất khó có thể ổn định. Chúng ta phải nhớ kỹ điều này, đừng bao giờ tùy tiện dùng cái nhìn của mình để đo lường người khác. Để hiểu rõ một người thật không phải chuyện dễ dàng!”
Có đôi khi, cho dù là tận mắt chúng ta nhìn thấy một sự tình nào đó nhưng chưa hẳn đã chính xác như chúng ta nghĩ. Phàm là việc gì đều phải suy xét, phân tích từ nhiều góc độ, đừng chủ quan “tôi cho rằng”, “tôi cảm thấy rằng”… mà dễ tạo thành hiểu lầm.
Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Bầy cá nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá.”
Huệ Tử vặn lại: “Ông không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?”
Trang Tử lại nói: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?”
Mỗi người đều có cách sống của riêng mình, có sở thích riêng. Đối với những chuyện không thể lý giải được, người thành thục lấy lòng khoan dung để bao dung người khác.
Có rất nhiều khi trong cuộc sống, nhìn người khác không thuận mắt chưa bẳn là bởi vì người khác có chỗ không đúng mà chỉ là chúng ta chưa hiểu họ mà thôi. Người chưa thành thục (trưởng thành) thường cho mình là trung tâm, cho rằng hết thảy những gì mình nghĩ đều là đúng nhất, cho rằng những ý kiến không hợp với mình đều là sai lầm, là thấp kém. Người thành thục không như vậy, họ tôn trọng ý kiến bất đồng của người khác, cũng không tùy tiện bình luận người khác.
Trong cuộc sống, khi nhìn người khác không thuận mắt thì đừng vội vã phán đoán, đánh giá mà nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, dụng tâm hiểu đối phương thêm một chút, tiếp nhận hết thảy, bạn sẽ thấy thế giới như được mở rộng ra, cảnh giới mà bạn đạt được cũng rộng lớn hơn rất nhiều.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC: