Blog Tâm Thức
Không thể đánh trẻ, người Mỹ dùng cách gì để giáo dục con cái?
Wednesday, 15/08/2018 10:00 am

Blog Tâm Thức

Người Việt có câu nói quen thuộc “yêu cho roi cho vọt”, hơn nữa, luật pháp Việt Nam không có quy định rõ ràng trong việc đánh trẻ, vậy nên nhiều cha mẹ thường dạy con bằng cách áp dụng “đòn roi”. Còn ở Mỹ, đánh trẻ là vi phạm pháp luật. Vậy ở một đất nước không thể đánh trẻ em, đánh con là phạm pháp, cha mẹ sẽ dùng cách nào để giáo dục con cái khi chúng phạm sai lầm?

Ở Mỹ, đánh đập, chửi rủa trẻ nhỏ đều là bất hợp pháp. Khi tức giận, bạn liền tát hoặc đánh con cái, nếu để người khác biết được, rất có khả năng ngay ngày hôm sau bạn sẽ mất quyền giám hộ đối với con cái của mình, trẻ nhỏ sẽ được đưa tới viện phúc lợi để chăm sóc, còn bạn có thể sẽ phải ngồi tù vì tội ngược đãi trẻ nhỏ.

Thậm chí, nếu con cái của bạn lúc đi nhà trẻ vô tình nói một câu đại loại như “hôm qua bố con đánh con”, cảnh sát biết được lập tức sẽ tìm tới cửa nhà bạn.

Ở nhiều nơi của Việt Nam, bạn có thể dễ dàng thấy cảnh tượng cha mẹ cầm chổi đuổi đánh con cái trong các con hẻm, nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra trên đường phố Mỹ.

Quả thực, trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, có vô vàn những trường hợp khiến cha mẹ tức giận, bất lực. Dạy dỗ con cái thì thưởng phạt luôn phải song hành, phạt cũng là một hình thức cần thiết giúp trẻ nhận thức được sai lầm trong quá trình giáo dục.

Vậy ở Mỹ – quốc gia không được đánh mắng trẻ nhỏ, làm thế nào để phạt khi trẻ làm sai?

Phương pháp giáo dục khi con cái phạm sai lầm của người Mỹ có thể được khái quát qua 2 điểm đó là “Cô lập” và “Hạn chế thời gian”. Nhưng để làm được điều đó là điều không dễ dàng, nếu như trẻ nhỏ liên tục khóc quấy, cha mẹ sẽ mềm lòng, tự bỏ đi những quy tắc bản thân đã tạo ra, như vậy lần sau trẻ sẽ lại tiếp tục áp dụng phương pháp này để ‘đối phó’ với cha mẹ. Phương pháp giáo dục này có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc có kiên quyết đặt ra và thực hiện các quy tắc với trẻ ngay từ nhỏ hay không.

người Mỹ giáo dục con

(Ảnh: storyblocks.com)

1. Cô lập

Một bà mẹ chia sẻ về tình huống dạy con của một bà mẹ Mỹ:

Có một khoảng thời gian tôi thường đưa con tới nhà người bạn Melissa chơi. Melissa có 3 đứa con, một bé 4 tuổi, một bé 2 tuổi rưỡi và bé còn lại 1 tuổi. Cô con gái 2 tuổi rưỡi Hannah đang ở giai đoạn đầu của sự nghịch ngợm, ở Mỹ thường gọi là “Terrible Two” (“2 tuổi nổi loạn”), thường hay nổi nóng ném đồ đạc, hoặc lúc tranh giành đồ chơi sẽ cắn người khác.

Có một lần khi cả nhà đều đang chơi đùa, Hannah đã đẩy ngã em gái muốn tới chơi cùng, còn cắn một vết rất sâu trên tay em gái, bé đau quá liền òa khóc. Melissa nghe thấy tiếng khóc từ nhà bếp đi ra, vừa nhìn thấy Hannah cắn em gái, không nói lời nào, liền bế Hannah lên lầu và nói: “Con không được chơi nữa!”.

Hannah ngồi trên lầu, cũng khóc lớn. Thực ra con bé có thể tự xuống lầu tiếp tục chơi, nhưng bé lại không làm vậy, mà chỉ ngồi khóc, còn Melissa vẫn tiếp tục bận rộn với công việc trong bếp, hoàn toàn không chú ý tới Hannah đang khóc.

Khóc được khoảng 10 phút, cuối cùng Hannah cũng không khóc nữa, lúc này Melissa mới đi qua, hỏi Hannah có biết đã làm sai chuyện gì hay không, Hannah gật đầu nói là không nên cắn em gái, Melissa liền khen ngợi con gái biết nhận sai, sau đó chỉ bảo cô bé một hồi, bế bé xuống lầu, hôn bé một cái, Hannah bèn vui vẻ chơi cùng em gái.

Nhà hàng xóm có một cậu bé 10 tuổi tên Kaide, không chỉ đẹp trai mà còn rất hiểu chuyện, nhã nhặn, luôn ân cần chăm sóc những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn, thường xuyên nắm tay con tôi dẫn đi chơi. Những lần Kaide muốn dẫn con tôi đi chơi, trước tiên sẽ tới xin phép tôi, tôi đồng ý rồi mới đưa bé đi.

Tôi rất thích cậu bé Kaide, luôn muốn biết cha mẹ bé làm thế nào mà có thể giáo dục được cậu bé có tính cách tốt như vậy. Có một lần chúng tôi tới hồ bơi công cộng, đúng lúc cha mẹ của Kaide cũng có ở đó, tôi đã hỏi mẹ bé làm thế nào dạy dỗ Kaide, cô ấy nói trước giờ với con cái, chỉ nói một, không bao giờ nói hai lời.

Lúc đó Kaide cũng đang nghịch nước cùng với bạn bè, vì chơi quá vui vẻ, cậu bé phấn khích lao xuống nước vào khu vực không được phép lặn. Mẹ của Kaide nhìn thấy, nhắc bé một câu, nhưng chưa tới vài phút sau, bé lại phạm phải sai lầm tương tự. Mẹ Kaide tức giận, lập tức kêu cậu bé lên bờ.

Kaide vừa lên bờ, mẹ cậu chỉ vào cái cây bên cạnh, yêu cầu bé ngồi đó 10 phút không được phép xuống nước chơi. Mặc dù Kaide không vui nhưng vẫn ngoan ngoãn ngồi dưới gốc cây, 10 phút trôi qua, mẹ cậu bé mới cho phép cậu xuống nước chơi, Kaide từ đó cũng không phạm phải sai lầm đó nữa.

2. Giới hạn thời gian

Ở sân chơi công cộng dành cho trẻ em thường thấy hiện tượng như này, trẻ nhỏ thường vì ham vui, tới giờ phải về nhà mà vẫn không muốn về, bất kể ba mẹ thúc giục thế nào cũng không chịu về. Những bà mẹ người Mỹ sẽ không liên tục la hét thúc giục, mà trực tiếp nói với con cái: “Chơi thêm 5 phút nữa con phải về nhà!”.

Thông thường những lúc như vậy, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng tìm trò chơi chúng yêu thích nhất, sau 5 phút, mẹ gọi về, tụi nhỏ sẽ ngoan ngoãn về nhà. Lúc đầu tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, không biết những người mẹ đó đã làm thế nào để con cái nghe lời như vậy, bởi vì có lúc tôi muốn con về nhà, thằng bé cũng yêu cầu muốn chơi tiếp mà không muốn về.

Sau đó, tôi cũng cùng con thương lượng “chơi thêm 5 phút nữa rồi về nhà được không nào”, con tôi vẫn chưa có khái niệm về thời gian, lúc nào cũng vui mừng đồng ý. Nhưng đợi 5 phút sau, thằng bé lại ăn gian nói “muốn chơi tiếp”.

Tôi muốn khiến con cái nói lời giữ lời thì đầu tiên bản thân tôi cũng phải làm được chuyện đó, do đó, bất kể thằng bé quấy khóc thế nào cũng kéo đi, kể cả nó đấm đá, vùng vẫy, khóc đầy nước mắt tôi cũng không để ý tới. Kết quả sau vài lần như vậy, sau này mỗi lần tôi đưa ra thời gian giới hạn cho con làm chuyện gì, ví dụ như giới hạn giờ tắm rửa nghịch nước, đi ngủ, thằng bé sẽ ngoan ngoãn hoàn thành trong thời gian cho phép, đồng thời từ đó về sau cũng không khóc lóc náo loạn đối phó lại với tôi.

3. Làm thế nào để cha mẹ có thể đặt ra những quy tắc với con cái một cách có hiệu quả?

Vui chơi là hoạt động mà trẻ nhỏ yêu thích nhất, tước bỏ đi quyền lợi được vui chơi của các bé là một hình thức phạt hiệu quả để các bé dễ dàng nhận được bài học. Nhưng để làm được như vậy là chuyện không dễ, bởi vì trẻ nhỏ sẽ luôn tìm cách chống đối với cha mẹ. Nếu vì các bé không ngừng quấy khóc mà cha mẹ mềm lòng, hoặc nghĩ cách để đáp ứng yêu cầu của các bé, hoặc vì các bé lơ đi lời trách mắng, cha mẹ lại cho qua, phá vỡ nguyên tắc bản thân mình đặt ra, vậy lần sau, gặp phải những trường hợp như vậy trẻ nhỏ sẽ lại dùng những cách thức tương tự để đối phó.

Để áp dụng “Cô lập” và “Giới hạn thời gian” một cách hiệu quả, bắt buộc phải áp dụng từ khi các bé còn thơ. Rất nhiều bà mẹ người Mỹ phải đảm nhiệm cả hai trọng trách nuôi dạy con nhỏ và làm công việc nhà, nhiều gia đình còn có tới vài người con, nhưng xem ra các bà mẹ người Mỹ nuôi con lại thoải mái hơn nhiều so với các bà mẹ người Việt: để con vào phòng chơi, sau đó yên tâm đi làm việc nhà; để con lên trên giường, bé liền ngoan ngoãn ngủ tới sáng; để bé ngồi lên ghế, bé liền ngoan ngoãn tự ăn cơm….

người Mỹ giáo dục con

(Ảnh: storyblocks.com)

Nhiều bà mẹ Việt thường than phiền rằng, mấy thế hệ trong một gia đình, 5,6 người lớn chăm sóc một đứa nhỏ mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, buổi tối phải ôm các bé ru ngủ, ra ngoài cũng phải thay phiên bế, lúc ăn cơm thì phải chạy theo để đút cơm, lúc làm bài tập cũng phải ngồi làm cùng…..

Điểm khác biệt nằm ở việc không kiên quyết đưa ra những nguyên tắc và nghiêm túc bắt các bé thực hiện ngay từ khi còn nhỏ.

Bà mẹ chia sẻ:

Có một đứa con của người bạn tôi rất ham mê chơi game, một lần chơi là vài tiếng đồng hồ không nghỉ, cha mẹ thường vì chuyện này mà la mắng, đứa nhỏ lại coi như gió thoảng qua tai. Có một lần tôi tới nhà người bạn đó chơi, con trai của họ thấy khách tới chơi mà nhắm mắt làm ngơ, coi như không thấy, chỉ tập trung vào màn hình máy tính. Mẹ thằng bé nói: “Con đã chơi rất lâu rồi đấy, chơi thêm 15 phút nữa rồi không được chơi nữa”.

Thằng bé không trả lời. Qua 15 phút, người mẹ cũng không nói thêm lời nào, gần như quên mất chuyện lúc nãy. Đợi tới gần 30 phút trôi qua, người mẹ làm cơm xong, thấy đứa con vẫn đang chơi game, bắt đầu quát: “Mắt còn muốn dùng nữa hay không, chơi cả buổi sáng rồi! Mau đi ăn cơm!”

Thằng bé vẫn không có phản ứng, người mẹ múc một bát canh để trên bàn cạnh máy tính, nói: “Ăn hết đi!”, sau đó liền đi vào phòng sách quát lên với người cha: “Anh không thể dạy được con trai mình à, chơi cả một buổi sáng rồi!”. Người cha bước ra xoa đầu đứa con nói: “Đừng chơi nữa, ăn cơm xong chúng ta đi ra sân chơi công cộng nhé?”. Thằng bé nghe thấy, ồ lên một tiếng, ăn hết bát canh, mắt vẫn dán chặt vào màn hình máy tính, sau đó lại  cố chơi thêm vài phút, mới miễn cưỡng đi tới bàn ăn cơm.

Đây là một ví dụ rất điển hình, có thể nhìn ra người mẹ đã không đưa ra những quy tắc cho con cái từ khi còn nhỏ, hoặc do chính bản thân đã không nghiêm túc thực hiện những quy tắc mà bản thân đã đề ra, khiến những đứa trẻ lợi dụng được sơ hở. Người cha cũng không sử dụng bất kỳ hình phạt nào, mà chấp nhận đáp ứng những mong muốn khác của đứa trẻ để ngăn chặn hành vi sai lầm của chúng, điều này dễ khiến trẻ nhỏ trở nên hống hách, ngang ngược, sẽ chỉ biết bản thân mình, và cho rằng cha làm mọi thứ như vậy là điều đương nhiên.

Nhìn cách các bà mẹ người Mỹ chăm sóc con cái, thực sự là phương pháp khoa học. Có thể nói, họ lo lắng cho con cái hơn chúng ta rất nhiều. Có một lần tôi đi siêu thị, nhìn thấy một bà mẹ đang tỉ mỉ lựa quần áo cho con, trong khi đứa bé tầm 1, 2 tháng tuổi đang khóc lớn không ngừng trong nôi, người mẹ lại dường như không nghe thấy.

Lúc đó tôi không hiểu tại sao đứa trẻ khóc như vậy mà người mẹ không qua ôm. Sau này mới hiểu rằng đây chính là cách những bà mẹ người Mỹ vẫn gọi là “khóc thì buông xuống, mặc cho khóc, vui cười thì bế lên cùng chơi”, thật ra đây chính là hình thức phạt để “giới hạn thời gian” khóc quậy của các bé.

Chẳng hạn nhiều cặp đôi vì không muốn để ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, đứa nhỏ mới 3,4 tháng đã cho con ngủ riêng 1 phòng. Nếu các bạn hỏi họ làm thế nào để làm được như vậy, đứa trẻ còn nhỏ như vậy không khóc đòi bú sữa sao? Họ sẽ nói, bé khóc là một bài luyện tập cho phổi, chỉ cần kiểm soát để bé không khóc quá 45 phút thì sẽ không có vấn đề gì, mà trẻ nhỏ khóc khoảng 15 phút sẽ tự ngủ, lần sau khi đã biết dù có khóc cũng không có người tới ôm thì sẽ không khóc nữa, vừa đặt xuống giường sẽ ngoan ngoãn đi ngủ. Cũng vì biết là buổi tối sẽ không được bú sữa, ban ngày sẽ càng uống nhiều hơn.

Còn trên các phương diện khác, ví dụ như vấn đề ăn uống, những bà mẹ người Mỹ sẽ sắp xếp để trẻ nhỏ ngồi trên những chiếc ghế cao ăn cơm, các bé muốn ăn thì ăn, không ăn thì thôi. Chỉ cần xuống khỏi ghế, sẽ không cho các bé đồ ăn. Điều này sẽ hình thành thói quen ngồi ghế ăn cơm của các bé, nếu không ngoan ngoãn ngồi trên ghế cao, vậy sẽ không được ăn, sẽ đói bụng.

Các bé trải qua cảm giác khó chịu khi đói bụng, tự nhiên sẽ ngoan ngoãn ở nơi được quy định. Đợi tới khi trẻ nhỏ có thể tự ăn cơm, những bà mẹ người Mỹ cũng sẽ không đút, để tự các bé ăn cơm, rất nhiều bé khi mới tự ăn cơm đều làm thành một mớ hỗn độn, các bà mẹ cũng không nói gì, chỉ cần các bé tự ăn thì đều được, sau đó hướng dẫn thêm cách sử dụng muỗng nĩa các loại, từ từ trẻ nhỏ sẽ nắm được cách ăn uống, 1,2 tuổi có thể ăn không cần người lớn phải đút.TAMTHUC

Người Việt lại rất coi trọng vấn đề ăn uống của trẻ nhỏ, lo các bé ăn ít, không no, không thể phát triển khỏe mạnh, vì vậy dù các bé không muốn ăn cũng chạy theo đút ăn, hoặc nhổ ra vẫn sẽ bị đút ngược lại, thực ra làm như vậy sẽ càng khiến các bé chán ăn. Thực ra nếu các bé đói tự nhiên sẽ ăn, lúc các bé không muốn ăn là do vẫn chưa đói, ép buộc các bé ăn chỉ phản tác dụng.

Đây là lý do vì sao trẻ sơ sinh Việt thường mập hơn trẻ sơ sinh Mỹ, nhưng từ tầm 5,6 tuổi, trẻ em Trung Quốc lại không bằng trẻ em Mỹ. Điều này tuy có liên quan tới sự khác nhau giữa các loại thực phẩm, người Trung Quốc cho các bé ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột như cơm, mì, dễ mập, trong khi đó người Mỹ thường cho trẻ nhỏ ăn nhiều thực phẩm chế biến từ sữa để tăng trưởng chiều cao và thể lực, đồng thời cũng có liên quan tới thói quen ăn uống.

Rất nhiều trẻ em Việt không có thói quen ăn uống lành mạnh, tới 4-5 tuổi liền chán ăn, trong khi trẻ con Mỹ do có thói quen ăn uống lành mạnh, tới 4-5 tuổi thì luôn thèm ăn và thấy cái gì cũng muốn ăn. Do đó, hình thành thói quen tốt quan trọng hơn nhiều so với việc nặng hơn vài cân thịt.

Xem xét trên các phương diện khác cũng giống như vậy, để các bé học được cách tự chơi một mình, không được bám lấy mẹ, thì phải để bé ở trong phòng đồ chơi một mình tự khóc vài lần. Để các bé có thể tự ngủ một mình, phải để các bé một mình khóc vài lần trong phòng.

Ngay khi đứa bé phải đi học mẫu giáo cũng sẽ có một khoảng thời gian khóc lóc náo loạn, sau khi khóc vài lần sẽ biết học xong mẹ sẽ tới đón, đồng thời sẽ bị hấp dẫn bởi các trò chơi ở nhà trẻ, từ đó về sau sẽ không khóc nữa, hơn nữa còn yêu thích, mỗi ngày đòi tới nhà trẻ. Ngược lại nếu mới bắt đầu mấy ngày, nhìn thấy các bé khóc mà chịu không được, sau đó không cho các bé đi học mẫu giáo nữa, vậy các bé sẽ không bao giờ học được cách độc lập, tự chủ, luôn dựa dẫm vào cha mẹ và không thể nào trưởng thành được.

“Cô lập” và “Giới hạn thời gian” thực ra cũng chính là một tổng kết về cách rèn luyện cho các bé, chỉ cần đủ quyết tâm, nhất định sẽ giáo dục được một đứa trẻ tốt.

Yến Nhi

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/doi-song/khong-the-danh-tre-nguoi-my-dung-cach-gi-de-giao-duc-con-cai.html