Khi bước vào nhà chính của đền, chùa, bạn không được đi vào từ cửa giữa. Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng – ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ.
Một lưu ý nhỏ là, người đi chùa không được dẫm lên bậu cửa.
Thứ tự hành lễ
1. Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông (Đức Chúa) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư phật, bồ tát.
3. Sau khi đặt lễ ở chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ tổ (nhà hậu).
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
Trang phục
Người đi lễ chùa nên chọn trang phục nhã nhặn, sạch sẽ, kín đáo, lịch sự, không mặc váy ngắn, quần cộc, áo xuyên thấu, khêu gợi…Bởi theo ngôn ngữ Phật giáo, ăn mặc gợi cảm quá mức vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì. Ngoài ra, bạn cũng nên mặc trang phục gọn gàng, tiện lợi, tránh rườm rà, gây vướng víu.
Một lưu ý nhỏ khác là, nhiều đền chùa có quy định phải tháo bỏ giày dép trước khi vào sắp lễ nên bạn hãy chọn những đôi giày đơn giản, dễ tháo, dễ đi.
Những điều không nên
– Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.
– Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
– Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.
Về đồ lễ
– Không cúng dường đồ mặn ở chùa cũng như đình, đền. Nhiều người cho rằng chỉ ở chùa mới cúng đồ chay, còn Thánh cúng mặn, là không phải.
– Tại chùa, không để tiền thật lẫn tiền âm phủ lên ban thờ hay mâm lễ. Tại đình đền có thể đặt tiền âm phủ nhưng không nên đặt tiền thật.
– Tất cả tiền thật đều nên đặt vào hòm công đức chính. Không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào tay tượng. Một lưu ý quan trọng là thay vì đặt tiền vào hòm công đức chính giữa, bạn nên đặt tiền vào hòm công đức nằm lệch bởi hòm công đức đặt chính giữa, ngay trước ban thờ sẽ tạo ra trường khí xấu gây nhiễu loạn tại ban thờ. Đặt tiền vào đây vô tình làm trường khí xấu càng bị xáo động, bất lợi cho mọi người.
– Rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.
Không nên lấy lộc để ban thờ tại nhà
Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình, là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.
– Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không cần lấy giấy công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang đặt lên ban thờ nhà mình để báo công.
– Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.
– Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.
– Bùa, phù chú… đa phần có trường khí âm, không nên mang về nhà, càng không nên đặt lên ban thờ hay nhét vào ví. Đặt bùa chú vào ví, cũng như luôn mang một trường khí âm, hỗn loạn theo người.
Đi chùa nên thắp mấy nén hương?
Nén hương được đốt lên, gửi gắm nhiều thông điệp của trần gian đối với đất trời, tổ tiên, ông bà của mình, nó cũng làm gia đình ấm áp, lòng người được thanh thản hơn.
Việc thắp hương như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với tất cả mọi người, nó cũng thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam ta khi thắp hương thường chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) cho số nén hương dâng lên. Hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm hương chứ không chọn số chẵn (2, 4, 6, 8). Theo lý giải của nhà Phật, số lẻ mang nhiều ý nghĩa. Số lẻ là số âm và số chẵn là số dương. Số lẻ là âm nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm).
Lý giải việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
Ngoài ra, còn có nhiều quan niệm khác nhau về các con số nén hương:
– Số 1: thể hiện lòng thành
– Số 2: Khi viếng linh cữu người chết và trong thời gian để tang, người ta thường thắp 2 nén hương.
– Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau hơn. Đó có thể là : Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.
– Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Theo phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
– Số 7 và số 9 được tượng trưng cho “vía” của con người, khi người ta muốn xin ơn cho cá nhân (nam thất nữ cửu).
Thực tế, 3, 5, 7, 9,… hay 1 nén hương là đều giống nhau, không khác nhau về ý nghĩa. “Việc các chùa hiện nay khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang đó là nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường với những người xung quanh. Việc thắp nhiều hay ít nhang không quan trọng mà chủ yếu là ở tấm lòng của người hướng đến chư Phật”.
Vì thế, chúng ta đi đền, chùa chỉ cần thắp 1 nén hương là đủ. Vì thế, chúng ta đi đền, chùa chỉ cần thắp 1 nén hương là đủ. Một nén hương gọi là tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương: giới hương (tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng); định hương (giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu); tuệ hương (làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương); tri kiến hương (giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ); giải thoát hương ( giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi).
Cũng theo nhà Phật, không nên dùng nhang giả (nhang điện) cắm vào lư hương.
TAMTHUC