Blog Tâm Thức
Nhân quả báo ứng cho tội vu khống, đâm thọc, ly gián
Monday, 23/03/2015 00:00 am

Blog Tâm Thức

“Thánh hiền kiêng mọi lời nói vu khống. Nghe thấy điều gì, người cũng không nhắc lại để gây mối bất hòa giữa người này với người nọ. Bực hiền hòa giãi những người chia rẽ, kết chặt dây thân ái giữa người đồng tâm nhất chí….

Xưa có một vị Tỳ kheo tên Kondaahana kể từ khi vị này xuất gia, hễ thầy đi đâu thì sau lưng thầy cũng có một người phụ nữ đi theo sau, riêng Thầy thì Thầy không biết gì cả, nhưng ai ai cũng đều thấy.

Khi đi khất thực, những thí chủ cúng dường để vào bát thầy hai muỗng cơm, muỗng thứ nhất họ nói: Muỗng này là phần thầy, và muỗng thứ nhì là phần cô bạn của thầy.

Các vị Tỳ kheo thấy như vậy đinh ninh thầy phạm giới Bất cộng trụ mới đi nói với trưởng giả Cấp Cô Ðộc và yêu cầu ông đuổi thầy Tỳ kheo Kondaahana ra khỏi chùa. Ông Trưởng giả không dám, chư Tỳ kheo cho bà tín nữ Visakha biết, bà cũng không dám.

Các thầy mới vào chầu Ðức vua Ba Tư Nặc và thuật tự sự. Ðức vua nhận lời. Chiều lại vào chùa, vua cho quan quân bao vây chánh điện, còn vua thì lên điện, thầy Kondaahana nghe ồn ào mới ra coi, thì vua thấy sau lưng Thầy có một người phụ nữ, riêng Thầy thì biết vua đến liền trở vào. Gặp Thầy vua không đảnh lễ, nhưng vua lại không thấy hình người phụ nữ lúc ở ngoài. Vua tìm trong kẹt cửa dưới gầm giường cũng không thấy, mới hỏi:

– Bạch thầy, trẫm vừa trông thất một người phụ nữ ở tại đây, cô ấy đâu rồi?
– Tâu Ðại vương, bần đạo không thấy.
– Chính trẫm thấy một người phụ nữ đứng sau lưng thầy.
Thầy Tỳ kheo vẫn quả quyết.
– Bần đạo không biết và không thấy.
Ðức vua nghĩ: “Chuyện này sao kỳ thế!”. Vua mới nói:
– Vậy xin thầy hãy đi ra ngoài.
Khi thầy đi thì lập tức có người phụ nữ theo sau lưng. Vua trông thấy rõ rồi, mới mời thầy vào. Thầy trở vào và ngồi xuống.

Khi thầy đi vào, vua trông chừng theo hình của người phụ nữ ấy, nhưng bỗng dưng lại biến mất. Vua lấy làm lạ mới hỏi:

– Bạch thầy, còn người phụ nữ ấy đâu?
– Tâu Ðại vương, bần đạo chẳng thấy người phụ nữ nào cả.
– Xin thầy thành thật nói cho trẫm rõ.
– Tâu Ðại vương, hàng đại chúng đều nói rằng có một người phụ nữ đi sau lưng bần đạo, mà bần đạo thì không thấy.
Vua mới nghĩ rằng đây là hình giả, nhưng hãy còn nghi nên lại phán rằng:
– Vậy xin mời thầy đi khỏi chỗ này lần nữa.

Thầy ra đứng ngoài thì hình người phụ nữ lại hiện ra đứng sau lưng. Ðức vua hỏi thầy vẫn trả lời như trước.
Vua mới nghĩ: “Quả thật là hình giả”, vua mới thưa rằng:

– Bạch thầy, một khi đã có điều không được trong sạch thế này, thì không có ai trong sạch cúng dường cho thầy, vậy từ đây thầy cứ vào cung nội, trẫm xin cúng dường những vật dụng cho Thầy.
Các thầy Tỳ kheo mới nói với nhau rằng: Quý thầy nghĩ xem nhà vua ương hèn thái quá, chúng ta đã mời vào để xem tình tệ như thế này lại không chịu đuổi thầy Tỳ kheo phá giới ấy, mà còn mời vào cung để cúng dường. Rồi các thầy mới nói với Thầy Kondaahana rằng: “Này kẻ phá giới! Nhà vua cũng là kẻ hèn như ngươi vậy”.
Lúc trước thầy không có bằng cớ để đáp lại, nhưng bây giờ đã được nhà vua làm chứng nên liền trả lời rằng: “Các người là kẻ phá giới, các người là kẻ dẫn gái đi”. Các thầy Tỳ kheo mới đem chuyện ấy vào bạch với Ðức Thế Tôn.
qua_bao_loi_noi.jpg

Ðức Thế Tôn gọi thầy vào hỏi:

– Thầy có mắng các thầy Tỳ kheo kia không?
Thầy bạch:
– Bạch Thế Tôn, vì các thầy ấy nói đệ tử.
Ðức Thế Tôn hỏi các thầy kia:
– Tại sao các thầy lại mắng thầy Tỳ kheo này?
– Bạch Thế Tôn, vì chúng con thấy một cô phụ nữ đi theo sau lưng của thầy Tỳ kheo này.
Ðức Thế Tôn mới phán hỏi thầy Tỳ kheo Kondaahana rằng:
– Các thầy Tỳ kheo này có thấy một người phụ nữ đi theo sau lưng ngươi, vậy tại sao ngươi lại không thấy, mà lại gây gỗ với các thầy Tỳ kheo này. Quả này cũng do nơi nghiệp đê tiện của ngươi kiếp trước, vậy mà hiện nay tại sao ngươi cũng không bỏ tánh đê tiện ấy?

Lúc ấy các thầy Tỳ kheo đồng bạch với Ðức Phật:

– Bạch Ðức Thế Tôn, thầy Kondaahana làm nghiệp thế nào trong quá khứ?
Ðức Thế Tôn mới dạy rằng:
– Trong thời kỳ Ðức Phật Ca Diếp, có hai vị Tỳ kheo yêu thương nhau chẳng khác nào anh em cùng một cha mẹ. Thời kỳ ấy, mỗi năm Chư Tăng hội làm lễ Phát Lồ một lần. Gần đến ngày Phát Lồ, hai thầy rủ nhau đi định đến nơi làm lễ phát lồ.
– Lúc đi giữa đường, có một vị Chư Thiên ở cõi Trời Ðao Lợi thấy hai vị thương nhau mới nghĩ rằng: “Hai vị Tỳ kheo này rất thương yêu nhau, ta có thể chia rẽ được không?”.
Trong khi đang nghĩ kế chia rẽ, thì một trong hai thầy nói rằng:
– Xin Thầy vui lòng đợi tôi một chút, tôi cần đi sông.

Vị Chư Thiên mới đợi cho thầy Tỳ kheo ấy đi sông xong, khi từ trong bụi đi ra, vị này liền hóa ra một người phụ nữ một tay nắm lấy quần, một tay vén tóc làm như mới vừa ân ái với Thầy Tỳ kheo ấy xong. Vị Chư Thiên cố ý đợi cho Thầy Tỳ kheo kia thấy rồi mới biến mất.
Do đó, khi thầy Tỳ kheo này đến thì vị kia liền nói:
– Thầy là người phá giới.
– Thưa thầy đâu có!

Vừa rồi tôi thấy có một cô gái đi sau thầy.

– Thưa thầy chuyện này thật tôi không có.
Hai thầy cãi nhau, kết cuộc hai thầy chia đường nhau đi không bao giờ hợp nhau, vì không bằng lòng cùng nhau làm lễ Phát Lồ.
Vị Chư Thiên thấy kết quả tai hại như vậy mới nghĩ rằng: “Ta đã làm nên tội quá đáng lắm rồi”, liền hiện xuống nói:
– Giới đức của vị Tỳ kheo này vẫn trong sạch, đây là do nơi tôi muốn thử hai Ngài thôi. Xin hai Ngài cùng làm lễ Phát Lồ chung.
Chừng ấy, hai vị Tỳ kheo mới chịu nghe theo và hoan hỷ cùng nhau làm lễ Phát Lồ.
Vì nghiệp đê tiện ấy, sau khi chết, vị Chư Thiên mới bị đọa vào địa ngục A Tỳ, thời gian nhiều kiếp, đến nay mới sanh làm Kondaahana.

Khi nhắc tiền kiếp của thầy Tỳ kheo Kondaahana xong, Ðức Thế Tôn mới phán rằng:

– Ngươi vì nghiệp đê tiện ấy nên mới có chuyện phi thường như hôm nay. Thế mà ngươi vẫn giữ tánh đê tiện ấy. Ngươi không nên nói tiếng gì với các Thầy Tỳ kheo. Ngươi phải nín lặng như người câm, khi ngươi làm được như thế mới mong hết nghiệp và chứng đạo quả…

Thông Kham

“Thánh hiền kiêng mọi lời nói vu khống. Nghe thấy điều gì, người cũng không nhắc lại để gây mối bất hòa giữa người này với người nọ. Bực hiền hòa giãi những người chia rẽ, kết chặt dây thân ái giữa người đồng tâm nhất chí. Bực hiền lấy sự hòa hợp của người khác làm sự vui thích của mình, coi đó là công việc là lạc thú của mình. Người chỉ nói những lời làm cho người hòa hợp.”

(Trích từ quyển Truyện cổ Phật giáo – Thích Minh Chiếu sưu tập)

TAMTHUC