1. Ăn trước khi uống
Khi dạ dày trống, ethanol dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Khi đi vào dạ dày, do không có vật gì cản trở, ethanol sẽ tiếp xúc trực tiếp với màng dạ dày, thấm ngay vào máu và nhanh chóng ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra cảm giác say nhanh hơn. Không những thế, uống khi chưa ăn còn dễ gây ra các bênh về dạ dày như viêm loét dạ dày.
Trước mỗi “bữa nhậu”, bạn nên uống sữa và ăn gan lợn. Gan lợn không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn nâng cao khả năng đề kháng lại các chất cồn của cơ thể. Ngoài ra thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cũng giúp phần nào làm cho thành dạ dày ít hấp thu ethanol nhất.
2. Tùy theo tửu lượng của bản thân
Tùy theo trọng lượng, tuổi tác, giới tính… mà tửu lượng của mỗi người khác nhau. Bạn uống trong giới hạn tửu lượng của mình và tránh vượt quá “ngưỡng an toàn” để đảm bảo sức khỏe và an toàn sau những buổi tiệc.
Thông thường, ngưỡng an toàn khi uống bia (nồng độ 4%) là từ 300-350ml (1 lon), rượu sâm banh (nồng độ 11%) khoảng 150-200ml và rượu màu có mùi (nồng độ 17-20%) khoảng 50ml. Khi uống với liều lượng như vậy, bạn khó có thể bị say.
3. Uống chậm, uống ít mỗi lần nâng ly
Đây cũng là cách hay giúp bạn uống rượu mà không say. 5 phút sau khi uống, chất ethanol trong rượu bắt đầu xâm nhập vào các mạch máu. 30 – 120 phút tiếp theo là khoảng thời gian ethanol tiếp tục lan truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể. Và đây cũng là lúc chất cồn “ngấm” vào não và bạn sẽ có cảm giác bị say rượu.
Trung bình, cơ thể bạn cần khoảng 1 tiếng đồng hồ để “tiêu hủy” hết 30ml chất uống có cồn. Vì thế, nếu bạn uống càng nhanh, thì cơ thể bạn càng không có khả năng chống lại sự “tấn công” của rượu. Nhưng nếu bạn biết cách uống chậm rãi, từ từ, điều độ thì dù là người “tửu lượng” kém, bạn cũng khó lòng bị rượu “ hạ gục”.
4. Không “hơn thua” trong khi uống rượu
Tết là dịp mọi người tụ họp đông vui nhưng bạn đừng vì bất cứ lý do gì mà “hơn thua” trong khi uống rượu. Tốt nhất bạn chỉ nâng ly khi có lý do thực sư hợp lý và khéo léo từ chối những lời mời, lời khích từ người khác.
5. Tuyệt đối không pha trộn
Bạn say nhanh hơn nếu dùng đồ uống có cồn cùng với nước ngọt có gas vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm chất cồn ngấm vào máu nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh uống lẫn lộn các thức uống có cồn với nhau.
6. Bổ sung vitamin B
Việc bổ sung vitamin B6 và vitamin B tổng hợp sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chống lại cảm giác say. Bởi một trong những nguyên nhân làm bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi uống các thức uống có cồn là do cơ thể mất đi các vitamin B.
Vitamin B dễ dàng tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, súp lơ xanh, cà rốt, dưa đỏ, mơ, quả hạnh, lạc và các loại rau xanh đậm…
7. Uống thêm nước lọc và ăn hoa quả
Uống một ly nước lọc sẽ giúp bổ sung lại nước cho cơ thể khi kết thúc buổi tiệc. Hoặc bạn có thể uống một ly trà atiso vì đây là một loại thảo dược có khả năng giải rượu rất tốt.
Một chút đồ ăn có vị ngọt hoặc một vài lát hoa quả sẽ giúp cho bạn duy trì được trạng thái tỉnh táo. Các loại hoa quả không chỉ có nhiều đường fructoza, không những có khả năng “tiêu hóa”, mà còn đẩy nhanh quá trình đào thải chất ethanol ra khỏi cơ thể. Việc ăn trái cây này cũng có thể giảm sự đau đầu của bạn khi uống những loại có nồng độ cồn cao.
Để có cái Tết vui vẻ, an toàn, bạn đặc biệt lưu ý, sau khi uống rượu bia tuyệt đối không lái xe. Chất cồn không chỉ làm suy giảm khả năng điều khiển xe mà còn ảnh hưởng đến khả năng phán đoán âm thanh, dễ dẫn đến những tai nạn gây tổn hại tới bản thân và những người khác. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải uống nhiều rượu, hãy chủ động nhờ bạn bè, người quen hay người thân trong gia đình đến đón bạn. Còn nếu không thể, hãy gọi một chiếc taxi đưa bạn về.
Nguồn: Sưu tầm
TAMTHUC